Đại Sứ Mark P. Lagon Họp Báo tại Little Saigon |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 21 Tháng 1 Năm 2009 05:20 |
Vào hồi 2.00 chiều Chủ nhật 11 tháng Giêng năm 2009, tại Văn phòng Liên lạc Dân cử tọa lạc tại Trung tâm Little Saigon, thành phố Westminster, California, đã diễn ra một cuộc họp báo giữa Đại sứ Mark P. Lagon, đặc trách Chống Nạn Buôn Người trực thuộc Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ và giới truyền thông báo chí Việt ngữ tại Nam California. Buổi họp báo do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, với sự hỗ trợ cuả các vị dân cử địa phương, đứng ra tổ chức, nhằm mục đích gây sự quan tâm chú ý của cộng đồng người Việt về tình hình tệ nạn buôn người ở Việt nam. Mở đầu, Bà Jackie Bông Wright, Phó Trưởng ban Phối hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã giới thiệu tiểu sử của Tiến sĩ Lagon là một nhân viên kỳ cựu trong ngành ngọai giao và được Tổng Thống G. Bush bổ nhiệm vào chức vụ Đại sứ đặc trách về Chống Tệ nạn Buôn người tại Bộ Ngoại giao Hoa kỳ từ năm 2007. Ông đến California lần này với mục đích chính yếu là tham gia chiến dịch "Ngày Chống Nạn Buôn Người" của tiểu bang California vào ngày 11 tháng Giêng năm 2009, và đồng thời cũng dành một số thời gian để tiếp xúc và trao đổi với giới lãnh đạo cộng đồng và truyền thông báo chí người Việt tại khu vực Little Saigon, là nơi có rất đông người Việt nam tỵ nạn cộng sản. Tiếp theo, Đại sứ Lagon đã trình bày tổng quát về tình hình nạn buôn người, đặc biệt là sự khai thác phụ nữ và trẻ em Việt Nam trong kỹ nghệ khai thác tình dục ở Cambodia, ở Đài loan, Đại hàn, và sự lạm dụng bóc lột nhân công đi làm tại nước ngoài, cụ thể ở Jordan, Malaysia. Diễn giả cũng cho biết là không thể chỉ trông cậy vào một mình các chánh phủ, mà còn phải vận động toàn thể xã hội dân sự với các tổ chức phi-chánh phủ (NGO), cả đến các tôn giáo nữa, thì mới mong có thể giải quyết thỏa đáng cái tệ nạn "nô lệ thời đại hiện nay" (modern - day slavery) được. Sau đó là thời gian dành cho cử tọa đặt câu hỏi với diễn giả. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Phó Trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN, với tư cách là điều hợp viên, đã điều khiển chương trình sinh hoạt này. Cử tọa gồm rất đông các nhà báo, thông tín viên các đài phát thanh, truyền hình. Đặc biệt có sự tham dự cuả nhiều vị dân cử tại địa phương, như Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Chủ tịch Học khu Garden Grove, các Nghị viên Dina Nguyễn, Andy Quách, Tạ Đức Trí, Andrew Đỗ. Ngòai ra còn có khá đông thành viên cuả tổ chức VietAct (Liên Minh Chống Nạn Buôn Người), và tổ chức Boat People SOS. Ngoài một số vị nhà báo lão thành như Vi Anh, Nguyên DZuy, Anh Thành, Thanh Huy, Lý Kiến Trúc, phóng viên truyền hình Saigon TV Mộng Lan, ký giả Đoàn Trọng của Take2Tango, phóng viên Tina Vũ cuả RFA…, phần đông cử tọa đều là các thành phần rất trẻ, nên sự trao đổi, thảo luận với ông đại sứ đã diễn ra trong bàu không khí rất sinh động và lịch thiệp trang nhã. Với một cử tọa trên 30 người, thì có đến 15 người đặt câu hỏi trao đổi với ông đại sứ. Tất cả đều thông thạo Anh ngữ, nên không cần phải thông dịch cho đỡ tốn thời giờ, vì ông đại sứ sau đó còn phải di chuyển đến một phiên họp khác nữa. Nhiều câu hỏi được nêu ra, và diễn giả đã trả lời suôn sẻ, thoả đáng. Cụ thể như việc bảo vệ các nạn nhân là "lao nô" bị đối xử tàn tệ ở Jordan, Malaysia, mà phải trở về Việt nam, thì ông đại sứ cho biết là vì những tổ chức tuyển mộ (recruiter) đều liên hệ chặt chẽ với chánh quyền, nên rất khó có biện pháp chế tài thoả đáng được. Do vậy, phải cần đến sự tích cực giúp đỡ cuả công luận báo chí, của xã hội dân sự, hầu tạo áp lực để thực hiện việc "tái hội nhập với xã hội" cho người lao động hay các nạn nhân "cô dâu", khi họ trở về quê nhà, mà không bị làm khó dễ vì đã bãi bỏ "hợp đồng lao động" họ đã ký kết lúc được tuyển mộ. Và trong một chế độ độc tài, thì tình trạng tham nhũng, khai thác bất công đối với các nạn nhân cuả nạn buôn người rất là khó khăn, phức tạp, bởi lý do có sự bao che và cấu kết cuả nhân viên trong chánh quyền. Vì thế vai trò cuả truyền thông báo chí, cuả các tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ giới lao động lại càng rất cần thiết và phải được tăng cường. Nói chung, cuộc trao đổi tuy ngắn ngủi trong vòng 70 phút, nhưng đã tạo được sự thông cảm, hào hứng giữa cử tọa đông đảo với vị đại sứ đặc trách về chống nạn buôn người đến từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cả hai phiá cử tọa và diễn giả đều biểu lộ sự hài lòng, trân trọng và thẳng thắn lịch thiệp với nhau trong buổi sinh hoạt được coi là rất bổ ích này. Bà Jackie Bông Wright, cũng từ Washington DC bay đến Orange County, được ghi nhận là người đã rất tích cực trong việc sắp xếp chu đáo chương trình dầy đặc cho ông đại sứ trong mấy ngày bận rộn đầu năm 2009 này. Bà là người đã từng có sáng kiến tổ chức ít nhất là ba hội nghị quốc tế về chống nạn buôn người từ Việt Nam trong mấy năm gần đây tại Washington, California và Pennsylvania. |