Home Tin Tức Thời Sự Nghe sinh viên Mỹ gốc Việt nói về Việt Nam

Nghe sinh viên Mỹ gốc Việt nói về Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Quỳnh, BBCVietnamese. com   
Chúa Nhật, 18 Tháng 1 Năm 2009 10:44

Những công dân trẻ người Mỹ gốc Việt, có thể sẽ gia nhập giới tinh hoa của Mỹ, suy nghĩ gì về Việt Nam, về quan hệ của cha anh họ trong cộng đồng với chính phủ trong nước?

Đại học Georgetown là một điểm đến thích hợp, giúp góp phần làm rõ câu hỏi trên.

Thành lập năm 1789, Georgetown đã vượt khỏi khuôn khổ trường đại học Thiên Chúa giáo đầu tiên của Mỹ để trở thành một đại học quốc tế.

Xếp hạng 2009 của U.S. News and World Report đặt trường ở vị trí 23 tại Mỹ về chất lượng chương trình cấp bậc đại học.

Cuộc nói chuyện với ba sinh viên người Mỹ gốc Việt tại Georgetown diễn ra cởi mở, tạo cảm nhận điều họ nói thực sự là những gì họ nghĩ và muốn biểu lộ.

Hòa giải không chỉ phụ thuộc riêng người Việt ngoài nước hay riêng chính phủ không thôi.
Derek Phạm

Derek Phạm, sinh viên năm hai, Trường Ngoại giao thuộc Đại học Georgetown

Tôi đến từ miền Nam California, rất gần khu Little Saigon. Cha mẹ tôi đều là người tị nạn trong thập niên 1970. Từ năm 2003, tôi đã về Việt Nam bốn lần, lần gần nhất là cuối năm ngoái.

Từ lúc nhỏ, tôi luôn được cha mẹ kể về thời hậu chiến khó khăn. Tôi trở về năm 2003, lúc ấy chỉ ở Sài Gòn chứ chưa đi được những nơi khác, nhưng tôi đã chứng kiến sự phát triển rất tốt. Nó như một cú sốc văn hóa sau khi đã nghe những câu chuyện của cha mẹ.

Ở miền Nam California, nhiều người vẫn còn rất nồng nhiệt khi nói về cuộc chiến, họ muốn một Việt Nam dân chủ, muốn thấy sự thay đổi chế độ. Có những bộ phận trong cộng đồng người Việt vẫn thấy khó có thể hòa giải.

Nhưng đồng thời, có một thế hệ khác như tôi. Chúng tôi nghe từ người lớn rằng họ mong một ngày trở về Việt Nam và hưởng những quyền như những công dân tại Mỹ này. Nhưng chúng tôi cũng thấu hiểu sự phát triển của Việt Nam, có những thiếu sót phải cải thiện nhưng cũng có những điều tích cực, một Việt Nam đang trở nên rất mạnh về kinh tế, củng cố hình ảnh trên trường quốc tế.

Góc nhìn ấy cần được trải rộng trong cộng đồng, ít nhất đó là mong ước của tôi. Được như thế, sẽ là một sự hòa giải giữa bản sắc người Mỹ gốc Việt của tôi và bản sắc mà tôi có khi ở Việt Nam.

Nhìn từ một nước Mỹ dân chủ, tôi thấy hệ thống cộng sản ở Việt Nam có những khiếm khuyết. Nhưng nếu ta lại nhấn mạnh hơi quá những điều đó, chính phủ Việt Nam sẽ khó mà bày tỏ những điều tích cực.

Ở California, tôi chứng kiến nhiều người vẫn tìm cách phục dựng lá cờ ba sọc đỏ, rồi khi các chính trị gia Việt Nam đến, xảy ra biểu tình, trong khi có thể họ tới Mỹ để tăng cường đối thoại. Những nhóm như vậy vẫn có tiếng nói lớn trong cộng đồng, và những thành viên khác của cộng đồng cần nhận thức đôi khi các nhóm đó không miêu tả một Việt Nam mà chúng tôi muốn thấy.

Chính phủ trong nước cũng hoàn toàn có thể tăng cường đối thoại. Hòa giải không chỉ phụ thuộc riêng người Việt ngoài nước hay riêng chính phủ không thôi.

Quan ngại lớn nhất cho cộng đồng người Việt hải ngoại là các vấn đề chính trị. Có những người trong nước hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện nay. Có những người lại không có cơ hội như thế và muốn một tương lai tốt đẹp hơn. Nghĩa là cần có tự do báo chí, tự do nói chung phải được bảo vệ, không phải lo hối lộ.

Nếu chính phủ chứng tỏ được như thế, không phải nhất thiết theo kiểu "chúng tôi sẽ thiết lập dân chủ, sẽ làm mọi thứ quý vị muồn", nhưng là thực hiện những bước nhỏ thôi, đó sẽ là cách cải thiện đối thoại.

Chúng tôi muốn mọi người dân Việt Nam có quyền sống mà không bị can thiệp bởi công an chìm. Người hải ngoại không làm được gì nhiều ngoài việc tiếp tục vận động, nhưng chính phủ thì hoàn toàn có thể cải thiện được tình hình.

Đổi lại, người Việt hải ngoại có thể làm gì? Có thể bớt thù địch, khi các nhà ngoại giao tới đây, chúng tôi có thể huy động bộ phận trong cộng đồng để nói với các thành viên quá khích khác "hãy để họ nói chuyện đường hoàng thoải mái".

Với sự kiện Barack Obama trở thành tổng thống, ông mang theo thông điệp về hy vọng và thay đổi.

Nhiều nước đang hài lòng với "sức mạnh khôn ngoan" (smart power) mà chính quyền Obama thể hiện, và ông có thể tận dụng đà đó để yêu cầu Việt Nam trong một số lĩnh vực mà ông nghĩ rằng có thể cải thiện, để cộng đồng người Việt ở Mỹ và chính phủ trong nước có thể rút ra được một số lợi ích chung.

 

Là một người ở ngoài, tôi nghĩ thay đổi chỉ đến từ bên trong
Trần Thùy

Trần Thùy, sinh viên năm hai, chuyên ngành Anh văn & Chính quyền học, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam ở trường Georgetown

Tôi sinh ra ở Đồng Nai. Cha mẹ đến Mỹ khi tôi sáu tuổi. Tôi hy vọng khi tốt nghiệp, công việc của mình sẽ liên quan Đông Nam Á và Việt Nam.

Hiện tại, tôi đang chú ý tìm hiểu về một khía cạnh khác của Việt Nam mà tôi chưa biết đến: phong trào dân chủ, thanh niên. Tôi chỉ mới để ý từ năm ngoái, vì thế mọi thứ còn rất mới mẻ.

Tôi từng có dịp làm tình nguyện viên ở Việt Nam, đi đến một trại trẻ mồ côi. Tôi được biết từ năm ngoái, Hoa Kỳ không cho phép công dân của mình nhận con nuôi từ Việt Nam vì có tham nhũng. Người ta không biết tiền mà các gia đình Mỹ trả cho các trại mồ côi đi đâu.

Thật là đáng tiếc, thay vì cấm đoán như thế, phải chăng Hoa Kỳ nên tìm giải pháp khác? Mà có khả thi hay không trong tình trạng tham nhũng ở Việt Nam? Những câu hỏi như thế làm tôi phải suy nghĩ.

Vì sao tôi quan tâm tin tức chính trị, xã hội ở Việt Nam? Có lẽ xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Khi tôi hỏi cha liệu ông có quay về sống ở Việt Nam hay không, ông bảo ông sẽ về khi không còn chính quyền cộng sản.

Tôi ngạc nhiên, vì chúng tôi đã xem nước Mỹ là nhà từ gần 20 năm qua và tôi tưởng cha thích sống ở đây. Nhưng cha luôn nói Việt Nam là quê hương của mình.

Việt Nam đã là con hổ kinh tế ở Đông Nam Á, nhưng người dân vẫn không được phép tự do bày tỏ suy nghĩ. Là người Mỹ gốc Việt, tôi có thể giúp đỡ gì? Là một người ở ngoài, tôi nghĩ thay đổi chỉ đến từ bên trong. Lực lượng bên ngoài có thể giúp đỡ, cung cấp thông tin, nhưng chung cuộc, mọi sự không phụ thuộc vào chúng tôi.

Nói về hòa giải, với thế hệ lớn tuổi chắc là khó, đặc biệt là những người đã sống ở Việt Nam trước 1975 rồi sang Mỹ. Ví dụ ở khu Little Saigon, họ vẫn suy nghĩ thù địch về Việt Nam. Nhưng nhiều người Việt ở đây không ghét Việt Nam, cái mà họ muốn là một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Cá nhân tôi yêu con người, văn hóa Việt Nam; tuy vậy, có những điểm liên quan chính phủ mà tôi không đồng tình. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi hay hàng triệu Việt kiều về thăm quê nhà. Trong tương lai, có thể chưa gần, sẽ có hòa giải ở mức độ từng cá nhân.

 
Với nhiều người tị nạn, dường như họ mắc kẹt trong quá khứ, rất khó để bước qua giai đoạn ngày xưa đó
Jennifer Nguyễn
Jennifer Nguyễn, sinh viên năm thứ tư, chuyên ngành Văn học Anh

Cha mẹ tôi là người tị nạn; cha tôi đến Mỹ năm 1975, mẹ tôi 1978. Lần đầu tiên tôi về Việt Nam là mùa xuân năm 2008, học ba tháng ở Đại học Quốc gia ở Thủ Đức.

Tôi về sau khi nói chuyện nhiều với bố mẹ, vì hai người băn khoăn không biết giáo dục ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào đến tôi. Cuối cùng bố mẹ đồng ý, vì nghĩ rằng môi trường đó sẽ thú vị để so sánh những gì tôi học ở Mỹ với cái mà chính phủ trong nước quan niệm là giáo dục.

Điều rất ngạc nhiên cho tôi là khái niệm về sự hòa giải. Tôi quan tâm đến nó từ việc đọc sách của những cây bút hải ngoại trở về và nói có sự thù địch giữa người Mỹ gốc Việt và người trong nước.

Nhưng tôi không có cảm giác đó. Tôi nhớ lần đi tới Cần Giờ, gặp một người lính miền Bắc. Ông ấy kể chuyện chiến tranh, và nói cuộc chiến đã chấm dứt, nhưng vẫn còn vấn đề chất độc da cam. Mặc dù quý vị là người Mỹ, sẽ rất tốt nếu chúng ta hòa giải để cùng giải quyết.

Theo tôi, hòa giải phải là con đường hai chiều. Ở đây có những nhóm phản đối chính phủ trong nước. Chỗ tôi sống, Houston, Texas, cứ mỗi lần có phái đoàn chính quyền Việt Nam đến, hay có đề xuất xây dựng tòa lãnh sự ở Houston, bao giờ cũng có biểu tình mạnh mẽ. Tình cảm đó ta không thể xóa bỏ được vì 30 năm trước, người ta phải làm lại từ đầu, và một sự hòa giải chính trị đơn thuần không thể giải quyết.

Người Việt ở Mỹ muốn chính phủ trong nước có sự minh bạch, thoáng hơn, và có lẽ phải hòa giải với những gì xảy ra năm 1975. Với nhiều người tị nạn, dường như họ mắc kẹt trong quá khứ, rất khó để bước qua giai đoạn ngày xưa đó.

Khi có mặt ở Việt Nam, người ta có thể nhận ra có một phong trào tiến bộ đang nảy nở, ít nhất trong giới trẻ.

Những sinh viên mà tôi tiếp xúc, họ chỉ trích những gì họ đang phải học, có thể đó là do toàn cầu hóa, tiếp xúc với Internet, truyền thông phương Tây. Nếu chính phủ không mở cửa, không minh bạch hơn, tương lai có thể rắc rối to. Khi người dân bắt đầu có tư duy phê phán, sẽ là điều khôn ngoan cho nhà nước khi trở nên cởi mở hơn.

Tình cờ tôi vừa đọc tạp chí Economist mới đây, trong đó có bản đồ với giả thiết thế giới sẽ bầu cho Obama hay McCain, và Việt Nam lại bầu cho McCain. Vậy một đất nước lẽ ra ủng hộ McCain sẽ làm gì với một ứng viên như Obama?

Theo tôi, ông Obama có thể tiếp tục các nỗ lực kinh tế hay nhân đạo, ví dụ viện trợ cho Việt Nam, như thế quan hệ hai nước sẽ chỉ càng tiến lên về phía trước.