Trung Quốc sẽ đối phó với nhiều bất ổn trong năm 2009. |
Tác Giả: DCVOnline | ||||
Thứ Sáu, 09 Tháng 1 Năm 2009 12:52 | ||||
Trong năm 2009, Trung Quốc có thể sẽ phải đối phó với hàng loạt những bất ổn xảy ra do khó khăn kinh tế, các phong trào đòi ly khai và các hoạt động kỷ niệm những sự kiện chính trị quan trọng. Các giới chức Trung Quốc trong tuần này đã cảnh báo rằng tình trạng thất nghiệp làm cho những lao động nhập cư đến từ các vùng nông thôn và các sinh viên mới ra trường bất mãn sẽ ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Năm 2009 cũng đánh dấu 20 năm cuộc thảm sát tại Thiên An Môn và kỷ niệm 50 năm ngày người dân Tây Tạng nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Những sự kiện này cộng với những bất ổn tại nơi có đông người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương càng làm cho chính phủ Trung Quốc lo ngại cho an ninh quốc gia. Khó Khăn Kinh Tế Một giáo sư về khoa học chính trị tại đại học Bắc Kinh, ông Yang Fenchun, nói có nhiều khả năng một cuộc khủng hoảng xã hội sẽ xảy ra trong năm 2009. Ông Yang nói tình trạng thất nghiệp sẽ làm tăng thêm sự bất mãn trong số những người nghèo, vốn đã bất mãn vì nạn tham nhũng, những dịch vụ công cộng tồi tệ và khoảng cách giàu nghèo. Dựa vào các thống kê của chính phủ, tạp chí Liaowang, do nhà nước quản lý và được Tân Hoa Xã xuất bản, tháng này đưa tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, giá tiêu dùng giảm (deflation), tiền lương bị cắt và các vụ khai phá sản đã làm cho 10 triệu người bị mất việc. Tờ Liaowang cũng nói trong tháng 11 thì số người lao động nhập cư có liên quan đến các vụ tranh chấp lương bổng tại Bắc Kinh tăng gấp đôi. Nhiều người Trung Quốc chấp nhận chế độ độc đảng và chịu nhiều hạn chế về quyền công dân, nếu nhà cầm quyền giữ cho nền kinh tế được phát triển ổn định. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng kinh tế đi xuống sẽ nảy sinh nhiều bất ổn.
Thất nghiệp gia tăng cũng liên quan đến sự lớn mạnh nhanh chóng của các tội phạm băng đảng, dẫn đến việc Bộ Công an phải thành lập một bộ phận chuyên đối phó với tệ nạn mại dâm có tổ chức, cờ bạc và buôn bán ma túy. Hệ thống tòa án ở Trung Quốc đã truy tố 337 vụ tội phạm băng đảng trong năm 2007, tăng 161 phần trăm so với năm trước đó. Mặc dù vậy, nguy cơ bất ổn lớn nhất tại Trung Quốc là đến một số lượng lớn các sinh viên mới ra trường phải đối phó với một thị trường việc làm bị thu hẹp lại và lương bổng bị giảm, và làn sóng các lao động nhập cư bị mất việc làm vì các nhà máy chuyên sản xuất hàng xuất khẩu bị đóng cửa. Huang Huo, một phóng viên của Tân Hoa Xã, nói với tạp chí Liaowang rằng có khoảng 7 triệu sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, nhưng nếu tăng trưởng GDP trong năm nay đạt chỉ tiêu 8 phần trăm do nhà nước đề ra thì cũng chỉ tạo được 8 triệu việc làm mới cho cả nước. Phóng viên Huang Huo nói thêm: "Nếu trong năm 2009 có nhiều lao động đến từ các vùng nông thôn bị thất nghiệp nữa năm hoặc lâu hơn và nếu số người này trụ lại các thành phố không có thu nhập thì vấn đề sẽ trở nên nguy hiểm hơn". Sử dụng ngôn ngữ của chính phủ để miêu tả các cuộc bạo loạn và biểu tình phản đối, phóng viên Huang Huo nói với tạp chí Liaowang: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang bước vào cao điểm của một giai đoạn của những bất ổn trên phương diện rộng". Bất Ổn Chính Trị Ngoài những khó khăn kinh tế có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội, những bất ổn chính trị tại Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Công an Meng Jianzhu cảnh báo với các lãnh đạo cao cấp tại Bắc Kinh rằng: "Tình hình hiện tại của việc giữ gìn an ninh quốc gia và an toàn xã hội là nghiêm trọng". Ông Meng kêu gọi có các biện pháp ngặn chận những sự phá rối trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày cộng sản lên nắm quyền cai trị đất nước vào ngày 1 tháng Mười. Ngày kỷ niệm này cũng chỉ là một trong ít nhất ba ngày kỷ niệm các sự kiện chính trị quan trọng. Những hoạt động kỷ niệm biến cố Thiên An Môn năm nay, theo dự kiến, sẽ lớn hơn các năm trước bởi vì năm 2009 sẽ đánh dấu 20 năm kể từ khi các cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp một cách đẩm máu. Có đến hàng trăm người bị giết cách đây 20 năm khi trong các ngày 3 và 4 tháng Sáu năm 1989, nhà cầm quyền Trung Quốc dùng quân đội và xe tăng đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn do các sinh viên tổ chức.
Trong năm nay, chính phủ Trung Quốc cũng đang đàn áp các nhà dân chủ. Tháng rồi, công an Trung Quốc đã bắt giam nhà văn Lưu Hiểu Ba, một đồng tác giả của Hiến Chương 08 (Linh Bát Hiến Chương) đòi hỏi dân chủ và kêu gọi đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt độc quyền chính trị. Những người khác ký tên ủng hộ Hiến Chương 08 cũng bị theo dõi và mời lên làm việc. Khoảng 300 luật sư, học giả và văn nghệ sĩ ký tên và lưu truyền bản hiến chương kêu gọi có một bản hiến pháp mới bảo đảm nhân quyền, tự do bầu cử, tự do tôn giáo, tự do phát biểu ý kiến và chấm dứt sự kiểm soát quân đội, hệ thống tòa án và chính quyền của đảng Cộng sản. Tháng Ba năm nay cũng đánh dấu 50 năm cuộc nổi dậy thất bại của nhân dân Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Sự kiện này dẫn đến việc Đạt Lai Lạt Ma phải đi sống lưu vong tại Ấn Độ và chính quyền Trung Quốc áp dụng chính sách cai trị khắc khe kiểu cộng sản. Tháng Ba năm nay còn là kỷ niệm một năm ngày xẩy ra bạo động gây chết người tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, làm nổi lên các cuộc biểu tình lớn nhất trong vài thập niên qua chống Trung Quốc, dẫn đến các cuộc đàn áp khốc liệt bởi quân đội Trung Quốc. Ngoài những bất ổn chính trị nêu trên, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng đang đề cao cảnh giác đối với những hoạt động mới nhất của các phần tử quá khích gốc Hồi giáo tại tỉnh Tân Cương ở tây bắc. Theo tờ báo Procuratorial Daily của chính phủ, năm vừa qua có 1 ngàn 295 người bị bắt và 1 ngàn 154 người bị truy tố vì các tội có liên quan đến an ninh quốc gia tại Tân Cương, tăng đáng kể so với 742 vụ bắt bớ và 619 vụ truy tố trên toàn quốc trong năm 2007. |