Home Tin Tức Thời Sự Lượm Ghế Mùa Đông

Lượm Ghế Mùa Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn thị Lộc Tưởng   
Thứ Hai, 29 Tháng 12 Năm 2008 21:25

 Đúng như tin thời tiết, Boston không thoát khỏi trận bão tuyết cuối năm, nhìn nhà tôi xúc tuyết ngoài sân, khiến tôi nhớ đến mùa đông năm 1981-1982, khi gia đình tôi vừa đặt chân tới cái xứ lạnh lùng mưa tuyết này không đầy 3 tháng. Hội bảo trợ đưa chúng tôi về chung cư người Việt. Danh từ chung cư nghe hết sức sang thật ra chỉ là một căn nhà 2 gian, mổi gian có 3 tầng, mổi tầng có 3 phòng nhỏ: phòng ngủ, phòng ăn và nhà bếp (kể luôn nhà tấm câu tiêu là 4 phòng) độc thân chứa khoảng 5-7 mạng, gia đình tôi năm người ở một căn. Chủ nhà là người Việt quen lớn với hội cho nên phòng óc dù không đúng tiêu chuẩn của nhà nước, nhưng lúc nào cũng đầy người, có ai thưa kiện khiếu nại gì đâu, không thích thì ở đỡ vài tháng kiếm chỗ khác tốt hơn vì chúng tôi thuộc loại “Con bà Phước”, họ đưa đâu thì ở đó. Gia đình tôi đã là những con người từ “tận cùng địa ngục”, 10 ngày dở sống dở chết trên chiếc ghe chết máy lênh đênh trên biển cả mênh mông không bờ không bến, bị cướp không còn nhớ là bao nhiêu lần sau cùng với cái bườm rách nát đã đưa 69 người tới bờ biển của một xóm chày người Thái, lại thêm một đêm kinh hoàng trên bãi biển vì tụi cướp bờ, cộng với 89 ngày uấn hận ở trại tị nạn Thái Lan, 179 ngày tủi nhục ở Indonesia, có chỗ ăn chỗ ở là tốt lắm rồi, nhìn tới nhìn lui chuồng chó của Mỹ cũng vẫn còn an toàn hơn trại tị nạn. Vả lại có người Việt ở chung tối lửa tắt đèn có nhau (đèn chắc khó tắt vì mấy ông cứ gầy sòng nhậu tới khuya), chân ước chân ráo, không thân nhân, không bè bạn, trong túi chỉ có 5 đô do một đồng hương ở trại chuyển tiếp San Francisco cho, phòng khi đi đường mấy đứa nhỏ có khát, có đói, có tiền mà mua.

Cám ơn lòng tốt của anh bạn mới quen, nhưng cả anh và chúng tôi đều quên mất một chuyện hết sức quan trọng: không biết tiếng Tây, tiếng U thì làm sao mua đồ ăn, mua nước uống. Hơn nữa, nước rửa tay, rửa mặt ở phòng vệ vẫn còn sạch hơn nước đìa, nước ruộng ở VN, hoặc nước giếng ở đảo Galang thì tội tình gì phải mua, do đó khi sắp nhỏ khát nước cứ vô đó tha hồ mà uống, uống cho đã khát, uống cho đở đói không cần ăn “bánh chỉ”. Các bạn sẽ hỏi “bánh chỉ” là gì phải không? thật ra khi mua đồ ăn thức uống không biết kêu thì cứ chỉ vô cái mà mình muốn, người bán sẻ lấy, không cần phải nói, dân dốt tụi tui gọi là “bánh chỉ”. Khi tôi đi làm mấy người bạn rủ đi ăn, tôi thường để người họ gọi trước, vì thực đơn tôi chỉ hiểu “lờ mờ” lại gọi không đúng giọng, cách hay nhất là khi người bồi bàn hỏi cứ trả lời “Me too” thế là người bạn mình kêu món nào, mình cũng có “y chang” như vậy, nói “nom na” người ta ăn gì, mình ăn thứ đó. Mấy năm gần đây, người thiết kế cho các nhà hàng fast food như Mcdonald’s, Burger King, Wendy’s …., hồi xưa chắc cũng từng ăn “bánh chỉ” hoặc đau khổ vì order theo kiểu “Me too”, nên nghĩ ra loại thực đơn lớn bằng đèn neon có hình của món ăn, nước uống, mổi phần được đặt tên bằng số với giá tiền, người mua chỉ cần gọi số, nhưng nếu không biết nói số bằng tiếng Anh, có thể ra dấu bằng ngón tay, hoặc viết số như những người câm rất là tiện, không cần phải múa tay múa chân ra dấu như chúng tôi ngày xưa.

Nhắc tới trạm chuyển tiếp ở San Francisco nơi chúng tôi ngủ qua đêm trước khi tới Boston, tôi lại nhớ đến dĩa cơm sườn chiều hôm đó, sau 9 tháng ở trại, ăn toàn gạo móc, cá sình, thịt thúi, rau sâu, tôi nhìn dĩa cơm trắng với miếng sườn nướng nóng hổi, mùi thơm phức, lại có đồ chua và nước mắm mà rưng rưng nước mắt, nó còn quý hơn bộ đồ mới mà mẹ tôi cho trong ngày tết. Bây giờ thịt cá ê chề thì đâm ra kiểu cách, ngày xưa ông bà nói “tay làm hàm nhai”, ngày nay không báo chí đăng thì ông bác sĩ nói: ăn cái này bệnh, ăn cái kia đau, nhìn tới nhìn lui ăn cái “giải” gì cũng bịnh, đúng là “cái tay làm cái hàm ở không”.

Xin lổi đã “lạc tay lái” rồi, tôi lại lẩm cẩm kể chuyện “không đầu không đuôi” …..

Xin trở lại căn nhà trọ ở Dorchester, những người bạn ở chung nhà thấy chúng tôi quá khổ cho mượn 30 đô đi chợ trời mua cái TV trắng đen (cái chợ trời ở gần cầu Nesponset nay sửa thành công viên), cái TV nầy chỉ bắt được có 2 đài, đài số 2 (coi Doctor Who) và đài số 5, khi có hình khi không. Rồi mỗi tối thứ tư vợ chồng tôi theo “đoàn người” ở trọ đi lượm đồ. Ở Dorchester họ bỏ rác vào tối thứ Tư. Anh bạn cùng nhà nói: “Cái gì họ để lề đường cứ tự nhiên lựa chọn, họ đã bỏ nó thuộc của mình”. Thế là đồ chơi cho con, quần áo, đồ dùng trong nhà cứ mổi tuần là đổi mới. Nhà tôi chỉ đi được vài lần rồi chán, còn tôi không bao giờ bỏ cuộc có khi đi với bè bạn, đôi lúc chỉ một mình đúng với câu :
“con cò lặn lội bờ sông,
cái gì xài được đừng hòng bỏ qua”.

Xúc tuyết là thú vui của dân mới tới sứ nầy nhất là những người ăn không ngồi rồi như chúng tôi. Khi tuyết rơi ban ngày mọi người túa ra sân “giỡn tuyết”. Ông chủ nhà quăng cho vài cái sẻn, đứng chống nạnh chỉ xúc chỗ nầy xới chỗ kia, chúng tôi vui vẻ làm mọi không công. Đầu năm 1982, ban đêm nhà tôi đi theo một người bạn dọn dẹp làm vệ sinh văn phòng, còn tôi đi học lớp anh Văn ở nhà thờ gần nhà. Một kỷ niệm trong đời tôi không thể nào quên, cũng như ngày hôm nay sau trận tuyết cuối tuần, trên đường đến trường tôi thấy người ta để ghế, để thùng rác, để cục gạch dọc theo lề đường cạnh những đống tuyết lớn. Trong lòng thắc mắc không phải là thứ tư tại sao người ta đã bỏ đồ. Với đầu óc ngu đần tôi tự trả lời, người ta muốn bỏ rác lúc nào mà chẳng được. Anh bạn có nói “đồ bên lề đường thuộc về ta”, cái ghế nầy còn tốt hơn mấy cái ghế tôi có gắp mấy lần. Tới trường tôi rủ mấy đứa em vượt biên cùng ghe đi lượm ghế (tụi nó định cư sau chúng tôi 2 tuần cũng nhờ cùng một hội bảo lãnh nên mới gặp lại nhau), bọn nó chê xa, không thuận đường. Thế là trên đường về, tuyết đông thành đá, ban đêm nhiệt độ xuống dưới zero độ F, gió lạnh thấu xương, đi tay không đã té lên té xuống, tôi còn “đèo” thêm cái ghế phải mất thêm cả nửa giờ mới tới nhà. Ngày hôm sau cũng tại chổ đó, lại có một cái ghế khác (cùng bộ với cái ngày hôm qua) thế là tôi lại tha thêm cái nữa, sau bốn ngày tôi đã có bộ ghế đẹp ở nhà bếp (Chỉ tiếc cái bàn quá cũ, nhưng nếu họ để bàn chắc tôi cũng đành bỏ cuộc làm sao mang nổi) . Sau đó người ta không còn bỏ ghế giữa hai đống tuyết nữa mà để cái băng dài bự tổ bố, hai người khiên cũng không nổi. Khi vô lớp tôi than với chị bạn:
- Nhà có 5 người chỉ lượm được 4 cái ghế tiếc quá, phải họ bỏ thêm một cái nữa thì hay biết mấy.
- Ghế ở đâu mà lượm (chị hỏi)
- Bộ tui không có nói với chị sao? Trên đường từ nhà đến trường tối nào tôi cũng thấy họ cũng bỏ ghế ngoài đường cạnh những đống tuyết.

Chị ta thò lõ nhìn tôi nói:
-Trời đất quỷ thần ơi! Chị hai ơi là chị hai, họ không kêu cảnh sát bắt chị là phước lắm rồi, chị còn rủ người nầy người kia đi lấy đồ của thiên hạ, người ta đào tuyết để ghế dành chỗ đậu xe, chớ có ai khùng đào tuyết để bỏ ghế. Hơn nữa ở cái xứ nầy chị có thể xuống đường giương biểu ngữ chưởi Tổng Thống, chưởi chính quyền bất cứ lúc nào cũng được, nhưng rác xuống đường không đúng ngày là bị phạt đó chị hai ơi. Thiệt hết ý kiến……

Tôi nghe như sét đánh ngang tai, cũng tại ông hàng xóm nói “cái gì họ để ngoài đường là của ta”, tôi cảm thấy tội nghiệp cho cái quê mùa của mình, lại càng tội nghiệp cho người chủ mấy cái ghế, đến tối khi về không biết người đó có còn chổ để đậu xe không?. Cái ân hận nầy càng thấm thía hơn khi chúng tôi có xe. Chúng tôi cũng phải đào tuyết để ghế, ngày nào đi làm cũng phập phồng lo sợ, mấy thằng “ôn dịch trời đánh thánh đâm” đem quăng cái ghế gảy của mình đi chổ khác để đậu xe vào đó, đến nửa đêm sau khi làm việc mệt nhọc lại phải chạy vòng vòng kiếm chỗ đậu xe, có khi đâu xa chỗ ở cả mấy con đường cũng phải chịu, ở nhà mướn mà làm sao có chổ đậu xe riêng.

Boston ngày bão tuyết