20 năm nữa, thanh niên Việt Nam sẽ phải ra nước ngoài tìm vợ |
Tác Giả: G.Đ | ||
Chúa Nhật, 28 Tháng 12 Năm 2008 09:18 | ||
Tại hội thảo kể trên, một tiến sĩ tên Nguyễn Bá Thủy, thứ trưởng Bộ Y Tế CSVN cho biết, tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái sinh ra) đang Việt Nam liên tục tăng. Theo quy luật sinh sản tự nhiên, tỷ số giới tính là 103 bé trai/106 bé gái nhưng hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112/100. Tại nhiều vùng, tỷ số này lên đến 115-125/100, vượt xa mức bình thường. Cách nay khoảng 10 năm trước, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn ngang mức trung bình của thế giới. Theo đó, cứ 100 bé gái thì có 105-107 bé trai nhưng trong vài năm gần đây, số lượng bé trai vượt xa số lượng bé gái, với tỷ lệ chênh lệch là 112/100. Ông Thủy cho biết, hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam tương đương với Trung Quốc cách đây 20 năm và hiện nay, Trung Quốc thiếu khoảng 20 triệu phụ nữ. Lãnh đạo Tổng Cục Dân Số thuộc Bộ Y Tế CSVN lo ngại, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức độ mất cân bằng giới tính như hiện nay thì trong vài năm tới, tình trạng thiếu phụ nữ sẽ trở thành rất nghiêm trọng. Xa hơn, trong vòng hai thập niên nữa, thanh niên Việt Nam có thể sẽ phải ra nước ngoài tìm vợ và chất lượng dân số sẽ khó được cải thiện. Bộ Y Tế CSVN tuyên bố sẽ xây dựng đề án “khung can thiệp các yếu tố ảnh hưởng giới tính khi sinh”. Trong đó chú trọng đến việc tăng cường cung cấp thông tin về giới và giới tính khi sinh cho dân chúng, những người cung cấp dịch vụ siêu âm, dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Trước đây, hồi đầu tháng 7, Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã cập nhật những thông tin mới nhất về dân số Việt Nam. Theo đó, các tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh chênh lệch lớn nhất là Ðiện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ðắc Lắc, Ninh Thuận. Ðặc biệt, nếu như năm 2006 chỉ 19 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh cao hơn mức bình thường thì đến 2007, con số này là 35 tỉnh, thành phố và nay đang tiếp tục tăng. Theo UNFPA, tỉ lệ giới tính khi sinh trên thế giới là 105 bé trai/100 bé gái. Sự chênh lệch quá cao trong tỉ lệ giới tính khi sinh giữa nam và nữ này là hệ quả của quan niệm truyền thống “trọng nam, khinh nữ”, có sự hỗ trợ của kỹ thuật siêu âm, cho phép biết trước giới tính thai nhi. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang ở trong tình trạng rất giống Trung Quốc cách nay một vài thập niên và Trung Quốc đang phải gánh chịu hậu quả về chính sách hạn chế sinh đẻ. Trung Quốc đang trong tình trạng một quốc gia thiếu phụ nữ, đàn ông không có vợ. Theo dự đoán, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có 40 triệu đàn ông không vợ. Sự mất cân đối về giới tính còn làm bùng phát tội phạm tình dục (hiếp dâm, mãi dâm, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên...), tình trạng “nhập khẩu” cô dâu và tệ nạn mua bán phụ nữ bất hợp pháp. “Trọng nam, khinh nữ” là một quan niệm phổ biến ở khu vực Ðông Á và Ðông Nam Á. Tại Trung Quốc, quan niệm này trở thành một vấn nạn kể từ năm 1980, khi Trung Quốc cấm các gia đình có quá một con để kềm chế mức tăng dân số. Nhờ siêu âm, nhiều phụ nữ đã phá thai ngay khi biết thai nhi là nữ, để tạo ra một thai nhi khác cho tới khi biết chắc đó là bé trai. Trong khi thế giới vẫn còn tranh luận về đạo đức và quyền con người trước chuyện phá thai thì tại Trung Quốc, người ta liên tục phá thai để tìm con trai. Ngày nay, khi thế hệ thiếu phụ nữ của Trung Quốc đến tuổi trưởng thành, Trung Quốc đang đối diện với vô số hậu quả xã hội. Sự chênh lệnh về tỉ lệ giới tính nam/nữ có vẻ là một yếu tố giúp nâng cao sự bình đẳng giới tính song bên cạnh đó, có nhiều hậu quả tiêu cực. Ở nông thôn, đàn ông nghèo, ít học không thể tìm được vợ. Những ngôi làng thiếu phụ nữ với đa số là đàn ông nghèo, ít học, có thể trở thành những cái nôi cho mọi loại tội phạm tình dục và nạn mua bán phụ nữ phát triển. Xa hơn, thiếu phụ nữ dẫn đến thiếu trẻ em, dân số già cỗi và đạo đức suy đồi. Giống như Trung Quốc, Hàn Quốc và Ðài Loan cũng đang bắt đầu phải “nhập khẩu” cô dâu. Thế nhưng cách thức tìm vợ này đã và đang kéo theo nhiều vấn nạn mà xã hội phải giải quyết. Ða số các cuộc hôn nhân vừa kể là qua môi giới, hai bên thiếu hiểu biết về nhau, không có tình cảm và hầu hết hoạt động môi giới đều bất hợp pháp, những người tham gia môi giới đều tìm cách bóc lột cả chú rể lẫn cô dâu. Sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa cũng là một vấn đề dễ làm những cuộc hôn nhân xuyên biên giới đổ vỡ. Mặc khác, khi thế hệ “con trai một” ở Trung Quốc trưởng thành, Trung Quốc phải đương đầu với một vấn nạn xã hội khác thường được gọi là “hội chứng con một.” Các cậu con cưng, được nâng niu như trứng, trưởng thành trong một môi trường mà ở đó chúng không được khuyến khích để chia sẻ và chung sống với người khác, không biết tự lập và thiếu ý thức trách nhiệm, sẽ đẩy lùi sự phát triển chung của cả xã hội. Trong bối cảnh “khó tìm vợ” vì mất cân bằng giới tính, những chàng trai là “con một” càng khó kiếm vợ hơn do khiếm khuyết nhân cách, sẽ khiến số phụ nữ vốn ít ỏi ở Trung Quốc rời Trung Quốc để tham gia “xuất khẩu” cô dâu. Tại Việt Nam hiện nay, phá thai là hợp pháp. Tỉ lệ giới tính khi sinh chênh lệch quá nhiều ở các tỉnh miền Bắc trở thành dấu hiệu gây nghi ngờ rằng đó là kết quả của những tác động phi tự nhiên. Các nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho thấy sự nghi ngờ này có cơ sở vững chắc. Theo một nghiên cứu thực hiện vào năm 1999, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Liên Hiệp Quốc cho biết, năm 1998, tại Việt Nam có 1.4 triệu ca phá thai và có đến 40% các bào thai thụ thai trong năm đó bị hủy diệt. Theo chính phủ Việt Nam, trong những năm qua, mức độ phá thai ở Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm. Trong khi tỉ lệ phá thai của Việt Nam lên đến 40%, tỉ lệ tương ứng ở Trung Quốc trong những năm gần đây chỉ còn 25%-35%, ở Ðài Loan chỉ có 25% và ở Nhật Bản chỉ có 22%. Dù tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên khá cao song đa số các trường hợp phá thai vẫn nằm ở phía phụ nữ có chồng, với độ tuổi trung bình là trên 30. Tuy không có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân phá thai, song nếu kết hợp tỉ lệ phá thai này với tỉ lệ giới tính khi sinh có sự chênh lệch nam/nữ quá cao, kết luận tự nhiên vẫn là mục tiêu phá thai nhằm lựa chọn giới tính của trẻ sơ sinh. UNFPA nhận xét, muốn điều chỉnh tình trạng này, phải đẩy mạnh các hoạt động vận động, giáo dục của các hiệp hội xã hội và chính phủ, đặc biệt ở nông thôn. Phụ nữ cần được hưởng nhiều hơn các ưu đãi về giáo dục, việc làm và chăm sóc tốt hơn, nhằm giúp họ tự giải phóng mình khỏi những rào cản và mặc cảm về giới tính, khỏi tình trạng nô lệ ý muốn của kẻ khác. Trung Quốc đã từng cổ động những phong trào “Chăm sóc bé gái” để bảo vệ các bào thai và hài nhi nữ. Một điều trớ trêu nữa là tại Việt Nam, ngoài tình trạng phá thai chọn giới tính đang góp phần làm mất cân bằng giới tính, Việt Nam còn là một quốc gia “xuất khẩu cô dâu,” tình trạng này khiến sự mất cân bằng giới tính có thể trầm trọng hơn. Theo Bộ Tư Pháp Việt Nam, đã có khoảng 150,000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc ở hơn 50 nước khác nhau trên khắp thế giới. Con số này chưa tính tới những cuộc hôn nhân không thông qua Bộ Tư Pháp. Theo tổ chức International Organization of Migration, cứ 6 người đàn ông ở nông thôn Nam Hàn thì có một người kết hôn với phụ nữ Việt Nam. Chỉ trong năm 2005, có hơn 8,000 nông dân Nam Hàn cưới vợ, trong đó có 36% cưới phụ nữ nước ngoài và phân nửa số cô dâu ngoại quốc này là người Việt Nam. Theo nhà chức trách Ðài Loan, đến nay đã có khoảng 100,000 cuộc hôn nhân giữa đàn ông Ðài Loan và phụ nữ Việt Nam. Tình trạng giới tính ở Việt Nam sẽ ra sao trong hai mươi năm nữa, khi thế hệ 'thiếu phụ nữ' trưởng thành đã được nêu ra liên tục trong vài năm nay nhưng chính quyền CSVN chỉ mới báo động chứ chưa quan tâm đến việc trả lời những câu hỏi này! |