Thành phố San Jose trong nhiều năm qua được biết đến như một trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở miền Bắc California với nhiều sinh hoạt chính trị, văn hoá, tôn giáo.
Lên tiếng tranh đấu cho nhân quyền ở quê nhà, San Jose đã tuyên dương những vị chức sắc tôn giáo đang lên tiếng cho tự do tôn giáo như các Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, như Linh mục Nguyễn Văn Lý, cụ Lê Quang Liêm.
Đối với tín đồ công giáo, nhìn lại quá khứ cuối thập niên 1970, vùng San Jose đã là nơi Đại hội Công giáo đầu tiên của người Việt tại Mỹ được tổ chức trong khuôn viên Đại chủng viện St. Patrick ở thành phố Mountain View, thời Linh mục Nguyễn Văn Tịnh còn làm Chủ tịch Hội đồng Giáo sĩ và Tu sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Hàng chục nghìn người Việt từ nhiều nơi trên toàn nước Mỹ, có những cộng đoàn đã lái xe nhiều ngày đường, đã đổ đây để tham dự đại hội, đánh dấu một sinh hoạt lịch sử của người Việt hải ngoại.
Giữa thập niên 1980 xảy ra một biến cố lớn khi những người công giáo ở San Jose đứng lên tranh đấu đòi thành lập giáo xứ Việt Nam nhưng không được Giám mục cai quản giáo phận lúc đó là Đức cha Pierre DuMaine chấp thuận, trong khi nhiều giáo phận khác ở Texas, Virginia là những nơi có đông người Việt sinh sống đã có giáo xứ Việt Nam. Sự việc bùng nổ lớn với những cuộc biểu tình của giáo dân phản đối quyết định của Toà Giám mục và đã tạo ra căng thẳng trong hơn một thập niên.
Đến đầu thiên niên kỉ này, với Giám mục Patrick McGrath được Vatican bổ nhiệm làm phụ tá với quyền kế nhiệm, Toà Giám mục San Jose đã chính thức chấp thuận việc thành lập một giáo xứ Việt Nam là nhà thờ St. Patrick nằm trên đường Santa Clara, ngay khu thương mại và chỉ cách toà thị chính mới của San Jose vài ba con đường.
Trước những tranh chấp đang xảy ra ở Toà Khâm sứ và tại Giáo xứ Thái Hà ở thủ đô Hà Nội, sáng Chủ nhật ngày 28.9 tôi xuống San Jose dự thánh lễ ở Nhà thờ Giáo xứ Việt Nam St. Patrick để ghi nhận phản ứng của các cộng đoàn công giáo về những sự việc nhà cầm quyền Hà Nội lấy đất của giáo hội.
Tưởng cũng cần nhắc lại, trong tháng Bảy vừa qua Hồng y Phạm Minh Mẫn có chương trình dâng thánh lễ ở San Jose, trong đó có 2 thánh lễ tại Nhà thờ St. Patrick, nhưng sau khi Ngài lên tiếng không muốn thấy cờ vàng ba sọc đỏ được tung bay tại Đại hội Giới trẻ bên Úc nên đã có những ý kiến phản đối sự có mặt của Ngài, vì thế Hồng y Mẫn đã huỷ bỏ việc dâng lễ ở San Jose. Các giám mục lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam, trong đó có giám mục của tổng giáo phận Hà Nội, Sài Gòn trong những chuyến đi mục vụ tại Hoa Kỳ đều ghé San Jose.
Sáng nay thánh lễ lúc 8 giờ 45 do Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Đình Truyền chủ tế. Ngài còn trẻ, mới làm linh mục được đôi ba năm, hiện là phụ tá cho cha chính xứ Nguyễn Minh Hiền.
Bắt đầu thánh lễ ngài nói: “Hôm nay chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho Giáo hội Mẹ đang bị bách hại dưới nhiều hình thức. Đặc biệt là cho Tổng Giáo phận Hà Nội”.
Nếu cần nhắc đến một nét thuần tuý Việt Nam từ quê hương đã được mang trọn vẹn qua Hoa Kỳ thì phải kể đến chương trình phụng vụ trong thánh lễ. Trong các thánh lễ tiếng Việt ở hải ngoại, từ lời kinh, ca vịnh đến những bản thánh ca đều giống như khuôn ở quê nhà. Những chỗ sửa đổi trong Kinh Tin kính mới đây cũng đã được chiếu lên cho giáo dân đọc theo như kinh sách đang được dùng ở Việt Nam.
Trong thánh lễ hôm nay có bài thánh ca mang điệu quan họ Bắc Ninh, với tiếng đàn tranh nghe trầm bổng giúp người dự lễ dễ hướng lòng lên để cầu nguyện.
Dâng dâng tháng ngày Thế gian luôn biến đổi Hoa xuân, mưa hạ, gió thu Một năm buồn vui mấy muà…
Khung cảnh, giáo dân, lời kinh, ca vịnh tất cả đều mang nét Việt. Thánh lễ ở đây không khác gì thánh lễ tại một nhà thờ ở Hà Nội, Nha Trang hay Sài Gòn.
Trong bài giảng, Linh mục Truyền mở đầu bằng câu chuyện mà có lẽ nhiều người đã được nghe từ một chương trình ca nhạc giải trí sản xuất ở Hoa Kỳ. Đó là chuyện bốn thương gia người Việt, Mỹ, Nhật và Hoa ngồi ăn nhậu với nhau, một hồi sau say xỉn các đại gia khen nhau túi bụi.
Tay buôn người Việt nói với con buôn Mỹ là ông ra rất phục người Mỹ vì người Mỹ nói là làm. Thương gia Mỹ thì lại tỏ ra khâm phục ông bạn Nhật vì người Nhật làm xong mới nói. Còn thương gia Nhật tỏ ra phục ông Tàu Trung Quốc là không nói mà làm. Đến lượt ông Tàu thì ông khen đại gia Việt Cộng là nói một đàng và làm một nẻo.
Giáo dân vỗ tay tán đồng.
Câu chuyện dẫn vào bài giảng của Linh mục Truyền để ngài nói đến sự việc mà nhà cầm quyền Hà Nội đã hứa trả đất Toà Khâm sứ cho Giáo hội Công giáo Việt Nam rồi sau đó nuối lời, biến nơi này thành công viên và thư viện, mang đi những tượng ảnh và ra tay đàn áp những người đến đó cầu nguyện. Như ý cầu nguyện linh mục chủ tế xin khi nhập lễ, gần một nghìn giáo dân đã dâng những lời cầu nguyện cho giáo hội quê nhà vượt qua được những khó khăn, bách hại trước mặt.
Người công giáo nói riêng và cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung đang hướng về quê nhà. Nhiều nơi đã bày tỏ lòng hiệp thông với tu sĩ, giáo dân đang tranh đấu cho công lý, công bằng xã hội qua sự việc ở Toà Khâm sứ, ở Nhà thờ Thái Hà gần đây.
Ngày thứ Ba 30.9 vừa qua hàng trăm người Việt đã biểu tình trước Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco. Chiều thứ Bảy 4.10 ở San Jose cộng đồng sẽ có đêm thắp nến hiệp thông và cầu nguyện chung. Giáo phận Oakland, nơi có khá đông người công giáo Việt Nam sinh sống cũng đang bàn đến việc tổ chức cầu nguyện hiệp thông với giáo hội quê nhà.
Không chỉ cầu nguyện, chúng ta còn cần lên tiếng trước dư luận thế giới về những đàn áp đối với các tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội và đòi tự do, công lí cho người dân Việt.
|