Những điều cần phải nói rõ thêm về vụ đất Tòa Khâm Sứ |
Tác Giả: Bai An Tran |
Thứ Ba, 30 Tháng 9 Năm 2008 05:42 |
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang Trong những ngày qua, có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề đất đai của Tòa Khâm Sứ cũ thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, trong đó có dư luận về phía chính quyền cho rằng việc trả lại khu đất Tòa Khâm Sứ cũ nên kèm theo những điều kiện. Tôi xin có mấy ý kiến như sau: 1) Có ý kiến cho rằng: “Khi Giáo Hội được trả Tòa Khâm Sứ thì muốn Giáo Hội không đòi những nơi khác”. Danh từ “Giáo Hội” ở đây chắc ám chỉ Giáo Hội Việt Nam, hoặc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hoặc chặt chẽ hơn là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Theo tôi hiểu thì Giáo Hội Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt nam, cách riêng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội không có liên quan tới bất cứ quyền sở hữu mảnh đất nào của các giáo phận, vốn thuộc quyền Giám Mục sở tại. Các Đức Giám Mục, trong các phiên họp, đã ủy nhiệm cho Hội Đồng Giám Mục trong các văn thư xin lại một số đất đai thì đó chỉ là muốn sử dụng uy tín của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ví dụ: Thánh Địa Lavang, Học Viện Piô X Đà Lạt, Đất Tòa Khâm Sứ Hà Nội… Mặt khác, sở dĩ mấy khu đất đó được nhắc tới trong các văn thư của HĐGM Việt Nam là vì những khi đất đó có liên quan tới ích chung của cả Giáo Hội Việt Nam, chứ không phải HĐGM chỉ xin lại những phần đất kể trên còn các nơi khác thì “đành” chấp nhận. Các văn thư đó lại càng không có ý nói: khi được trả lại các phần đất đó thì thuộc về Hội Đồng Giám Mục chứ không trả cho giáo phận. Cụ thể, đất và ngôi Tòa Khâm Sứ cũ sau 40 ngày thắp nến cầu nguyện của cả Tổng Giáo phận Hà Nội, cộng với trăm ngàn ý kiến xác đáng về quyền sở hữu của Tòa Giám Mục, bây giờ nhà nước trao lại cho Giáo Hội, hay cho Hội Đồng Giám Mục (dù Hội Đồng có đơn xin sử dụng làm Trụ sở: việc này do sự sắp xếp nội bộ), nhưng danh chính ngôn thuận là trả cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Sau đó, Tòa Tổng Giám Mục có thể trao quyền sử dụng đất cho một đơn vị hay tổ chức nào đó tùy ý mình. Như vậy việc trao trả đất cho Tòa Giám Mục Hà Nội không liên quan gì tới những địa phương có vấn đề xin lại đất đai của mình. Ví dụ: số nhà 11 Nguyễn Du của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn. Riêng đất Nhà thờ Thái Hà và Hà Đông thuộc giáo phận Hà Nội thì đã được sự ủng hộ và hậu thuẫn của chính Đức Tổng Giám Mục Hà Nội hiện nay. Giáo phận Thái Bình chúng tôi đã tiến hành xin lại đất đai cũ của giáo phận trước khi có cuộc thắp nến cầu nguyện ở giáo phận Hà Nội. Chính quyền địa phương đã giải quyết một số nơi như: một phần đất để xây dựng sân sau Nhà thờ Chính Tòa hiện nay, đất làm Tu Xá trong khu đất của các nữ tu Saint Paul cũ v.v… Còn lại khu đất của chủng viện Mỹ Đức ở ngoại ô Thành Phố Thái Bình, đã có thời, Tòa giám mục Thái Bình cho dòng nam Đaminh mượn để hoạt động. Sau khi không còn hoạt động nữa, hội Dòng đã trả lại cho Tòa Giám Mục Thái Bình làm Nhà nguyện. Nhưng bỗng nhiên vào một buổi tối, trong lúc mọi người đang đọc kinh cầu nguyện, thì một số người có vũ trang đến đuổi những người có mặt trong nhà nguyện, rồi chiếm luôn tòa nhà và khu đất. Có một số người chống đối đã bị bắt đi tù, hiện nay vẫn còn sống tại giáo xứ đó. Sau khi tịch thu một cách bất hợp pháp, chính quyền đã giao cơ sở đó cho sở Giáo dục làm nơi ở cho giáo viên. Khi Tòa Giám Mục nộp đơn xin lại, thì chính quyền đem một số các em khuyết tật tới và trưng bảng gọi là “Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật” để đối phó. Chúng tôi đã đệ đơn xin lại tòa nhà và khu đất để làm nhà xứ cho giáo xứ Cát Đàm gần đó (vì linh mục quản xứ hiện vẫn chưa có chỗ ở và cơ sở để hoạt động mục vụ; ngài vẫn phải tá túc ở một vài phòng tại Chủng viện Mỹ Đức cạnh đó). Nói chung, việc đất đai liên quan tới tôn giáo thì nhiều vô kể, song lại rất tế nhị và phức tạp. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, miền, lại có những hoàn cảnh và lý do khác nhau, vì vậy, không thể nói chính quyền chỉ giải quyết đất Tòa Khâm Sứ rồi không giải quyết trường hợp nào nữa, vì sợ phong trào đòi đất cứ lan rộng như hiện tượng “Đomino” (lần lượt sụp đổ) sẽ gây khó khăn cho chính quyền. Vì biết rằng vấn đến đề đất đai liên quan tới tôn giáo vốn phức tạp và tế nhị, nên tôi đã đề nghị với chính quyền lập ra một Ủy Ban có đủ các thành phần liên hệ để cứu xét và giải quyết hợp tình hợp lý. Thiết nghĩ, trong vấn đề này, cần được cả hai bên thông suốt, không nên chỉ họp “kín” một phía. Kinh nghiệm cho thấy, trong các việc hệ trọng, cần phải tuân thủ nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” . Về phía chính quyền, khi nhận được đơn khiếu nại về đất đai thì nên giải quyết ngay; tránh tình trạng cứ để “ngâm cứu” cả năm trời hoặc có đưa ra phương án giải quyết thì cũng thiếu thuyết phục, đôi khi còn có những quyết định trái với lòng dân. Việc làm đó đã vô tình làm cho tình thế càng thêm phức tạp, dẫn tới chỗ khiếu kiện liên miên, gây mất trật tự ổn định xã hội, như trường hợp đất ở Thái Hà, Hà Đông và các nơi khác. 2) Về điều kiện đặt ra để trao trả Tòa Khâm Sứ cũ Các vị đòi nếu trả về nguyên trạng là phải mang Đức Mẹ đi khỏi khu đất. Vậy thế nào là nguyên trạng? Tôi đã viết nhiều bài, đã đề cập tới thực tế đó, nay xin nói rõ hơn. Phải hiểu “nguyên trạng” là tình hình hiện tại của sự vật, giữ như lúc ban đầu. Có nguyên trạng xa, có nguyên trạng gần. Nguyên trạng xa là từ năm 1883 (năm giả định khu đất thuộc Tòa Giám Mục như rất nhiều bài viết cũng như hình ảnh rõ rệt chụp từ xưa), cho tới năm 1960 (thời gian Đức Khâm Sứ rời bỏ Hà Nội vào Sài Gòn, cũng là thời gian chính quyền quản lý khu đất đó, lấy nhiều lý do như: đây là khu đất vắng chủ; khu đất của người Tây hay khu đất được hiến tặng… chúng ta chưa có văn bản nào xác nhận). Nếu lấy nguyên trạng xa từ năm 1883 thì cái nguyên trạng ấy có đầy đủ nhà cửa, cây cối, kể cả hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Chúng ta có dám phục hồi cái nguyên trạng đó không? Nếu lấy nguyên trạng gần từ năm 1960 thì sẽ phải giải thích ra sao việc chính quyền tịch thu Tòa Khâm Sứ, cưỡng bức núi đá và bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức phải “di cư” sang Tòa giám mục và xây dựng trên mảnh đất đó nào là trung tâm giải trí, sàn nhảy, bể bơi, cơ sở thể dục thể thao v.v… Cho tới ngày hôm nay, tòa nhà, khu đất là cũ, nhưng vật đổi sao rời, các cơ sở biến thiên vô tận, biết đâu là nguyên trạng bây giờ!? Như vậy, việc ngày 18/1/2008, giáo dân đưa tượng Đức Mẹ “hồi cư” về gốc đa cũ, đó là trở về nguyên trạng đúng nghĩa nhất. Đó là chưa kể bức tường cao sừng sững, chia đôi khu đất một cách trắng trợn, cưỡng ép không tình không lý, ngày đêm kêu lớn tiếng thấu trời rằng: tôi không ở nguyên trạng, tôi bị bó buộc mọc lên ở đây, tôi xin trở vể nguyên trạng với Đức Mẹ, với núi đá v.v… Trong một bài viết với đề nghị xây dựng, tôi có nói: Nhà nước nên phá bỏ bức tường chia khu đất để trả về nguyên trạng, nếu không thì để cho Tòa Giám Mục trao cho giáo dân phá bỏ… chỉ chừng 15 phút là xong. Xin lại nói về nguyên trạng: mấy bảng đề ở cửa Tòa Khâm Sứ, kể cả mấy lá cờ cũng được sinh ra từ sau lễ Giáng sinh 2007, kể cả hàng rào sắt thép, cả trạm canh ngoài cổng cũng mới được lập nên, tân trang, gia cố và luôn luôn ở tình trạng khóa chặt. Trước ngày 18/1/2008, không có tình trạng như vậy, vì trung tâm giải trí này được mở cửa mãi tới khuya để dân chúng ra vào thoải mái. Tôi nhớ lần gặp vị lãnh đạo cấp cao ở Bộ Công An, tôi có đề nghị cứ mở cửa khu vực này cho mọi người ra vào, kể cả các tín hữu vào viếng Đức Mẹ, như mọi người đi viếng chùa ngày xuân để cầu phúc hái lộc. Tôi đảm bảo, nếu làm như thế sẽ chẳng xảy ra chuyện gì; và khi đã êm thấm rồi, chúng ta sẽ ngồi vào bàn thương thảo. Nghe vậy, vị cán bộ có vẻ đồng ý. Nhưng rồi sự cố ngày 25 tháng 1 xảy ra, dẫn tới tình trạng căng thẳng, mà một phần do các vị bảo vệ nôn nóng xử mạnh tay, làm cho tình hình khó kiểm soát. Tôi đã từng phát biểu với các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương như vậy và các vị đó đều đã thừa nhận. 3) Có vị nói “điều kiện mang Đức Mẹ về Tòa Tổng Giám Mục rồi mới trao trả khu vực Tòa Khâm Sứ cũ, để giữ ‘thể diện’ cho chính quyền” (địa phương). Tôi thiết nghĩ: các vị đã bị mất thể diện không phải sự hiện hữu (vẫn có từ trước) của tượng Đức Mẹ mà do chính biến cố: đưa tượng Đức Mẹ về. Về phía các vị, có lẽ đã tự kiểm điểm với nhau rằng: làm sao chính quyền của một quận danh tiếng nhất thủ đô (Quận Hoàn Kiếm) mà lại để cho giáo dân đưa tượng Đức Mẹ về đặt nghiêm chỉnh trong khuôn viên của Tòa Khâm Sứ cũ với đầy đủ hoa nến như vậy. Sau khi sự việc đã xảy ra rồi, chính quyền sở tại mới “vớt vát” bằng cách triệu tập những người có liên quan như người đạp xích lô, người mang thánh giá v.v… Như vậy, thử hỏi có còn thể diện không? Sự việc ngày 25 tháng 1 năm 2008 càng làm chính quyền sở tại mất thể diện hơn nữa. Vì nghiệp vụ non kém của các cô các chú bảo vệ, nên họ đã dùng bạo lực với chị phụ nữ người Mường và một luật sư đang quay phim. Nếu không có các vụ xô xát, hành hung, đánh đập xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật trước đám đông, thì làm sao có chuyện quần chúng bức xúc, dẫn đến chỗ mở tung cửa sắt đưa thêm tượng Thánh giá vào… và từ đó giáo dân dựng lều, cắm trại, thắp nến cầu nguyện cả ngày lẫn đêm chung quanh tượng Đức Mẹ… Chính tôi đã phát biểu như vậy với một vị lãnh đạo trong Bộ Công An. Tình hình căng thẳng hơn nữa khi chính quyền thành phố Hà Nội đã ra công văn số 673 ra lệnh xử lý những tín hữu đến cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ vào giờ “G” ngày 28/1/2008. Rất may là, sự can thiệp kịp thời của một vị cán bộ cao cấp trong Bộ Công an đã ngăn cản để “sự dữ” khỏi xảy ra, và dẫn tới tình trạng tương đối ổn định ngày nay. Như thế “thể diện của chính quyền địa phương” ở chỗ nào? Nếu muốn giữ hay lấy lại “thể diện” thì nên chăng, chính quyền cứ để tượng Đức Mẹ ở nguyên trạng, nhất là lại mở cửa cho giáo dân vào cầu nguyện trong trật tự, có giờ quy định hẳn hoi như tôi từng đề nghị. Tóm lại, việc đưa tượng Đức Mẹ ra khỏi Tòa Khâm Sứ, không những làm mất thể diện của chính quyền mà còn ảnh hưởng cả đến thanh danh của Đức Tổng Giám Mục Giuse. Về phía chính quyền, các vị có thể bị khép vào tội danh cưỡng ép tôn giáo một lần nữa, như đã từng làm dưới thời Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Việc di dời tượng Đức Mẹ là điều không dễ dàng chút nào, bởi chính quyền sẽ gặp phải làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của cộng đoàn giáo dân. Vì thời đại đất nước chúng ta ngày nay cởi mở, tiến bộ nhiều mặt, giáo dân ý thức và tự hào về những hành động can trường đẹp đẽ và đầy tính cộng đồng của mình, họ sẽ không dễ dàng chấp nhận lùi bước một lần nữa. Còn về phía Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, người đã tuyên bố sẽ đi tù với giáo dân trong phong trào đốt nến cầu nguyện này, không bao giờ có chuyện đem tượng Đức Mẹ “rút lui”. Nếu như vậy, phải chăng là đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của cha ông đã cầu nguyện trên mảnh đất này hàng trăm năm trước, mảnh đất đã từng nhuốm mồ hôi nước mắt, kể cả máu đào trong cuộc chiến bảo vệ ruộng vườn chống giặc Cờ đen, mà Núi Đức Mẹ là đài tưởng niệm muôn đời không thể đập phá, dỡ bỏ. Sự hiện hữu của tượng Đức Mẹ dưới gốc cây đa cổ thụ trong khuôn viên của Tòa Khâm Sứ là một hình ảnh tốt đẹp và chính đáng; nhất là trong thời điểm đất nước chúng ta đang từng bước chuyển mình, đi lên về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực tín ngưỡng và tâm linh. Đức Mẹ đứng đó là để ban muôn ơn phúc không chỉ cho đoàn tín hữu vây quanh nhưng còn là cho mọi thành phần con dân của đất Việt. Như vậy, không thể vì một vài lý do không xác đáng nói là giữ thể diện để rồi có thể thay đổi, di dời tượng Đức Mẹ, một biểu tượng của niềm tin tôn giáo, trong khi cả nước tôn trọng và đề cao lĩnh vực tâm linh; nhà nhà (đôi khi kể các các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp) đều có bàn thờ, hương nến. Ở nông thôn, nơi chúng tôi đang được phục vụ, trên các con đường lớn nhỏ, nơi gốc cây, ngã ba đường vv… có rất nhiều chùa chiền, miếu mạo để thờ kính các thần vô danh mà chính quyền vẫn tôn trọng để nguyên. Ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi được coi là văn minh vào bậc nhất cả nước, nhưng nhiều chỗ vẫn có miếu thờ thần, ngày ngày khói hương nghi ngút (ví dụ: trước cửa Ngân Hàng Vietcombank Hà Nội). Trong khi tới nơi nào làm mục vụ, tôi thường nói với cộng đoàn rằng: có hai nơi trong một làng xã ta phải tôn kính và coi trọng, đó là: trường học và nhà thờ, nhà chùa... Vì trường học dạy ta tri thức và làm người. Còn nhà thờ, nhà chùa dạy ta nên thánh thiện đạo đức và giúp con người trở nên “người” hơn. Ngay tại nước Pháp, theo các tài liệu đã được công bố trên báo chí, sách vở, thì nguyên các đền đài dâng kính Đức Mẹ trong cả nước Pháp từ thành thị tới nông thôn phải lên tới con số vài chục ngàn. Hóa ra, nước Pháp lại là quốc gia mê tín, lạc hậu hơn đất nước chúng ta sao? Xin Đức Mẹ ở lại với chúng con dưới gốc đa nơi Tòa Khâm Sứ cũ, để ban ơn, chúc phúc cho quê hương đất nước chúng con. Chớ gì, sự hiện diện của Đức Mẹ nơi đây không làm mất đi, trái lại còn làm tăng thể diện cho các vị trong chính quyền các cấp, làm đẹp thêm chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. 4) Giải pháp khả dĩ giải quyết vấn đề Nay tôi muốn đề cập tới vấn đề coi như hiến kế cho chính quyền địa phương giải quyết nhanh và tốt cho việc trả lại đất đai Tòa Khâm Sứ cũ cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Tôi nghe tin khá xác thực từ các nguồn tin đúng đắn rằng: sở dĩ một trong các nguyên nhân làm cho chính quyền địa phương đắn đo, do dự để mau chóng trả lại khu vực Tòa Khâm Sứ cũ là đã trao (bán) cho một số tập đoàn, công ty, cơ sở, đầu tư vào đó hoặc lợi nhuận, hoặc cơ sở vật chất v.v… nay trả lại cho Tòa Tổng Giám Mục, thì ai sẽ đứng ra đền bù… trả lại vốn lãi v.v… Tôi lại được tin chính quyền muốn giải quyết vụ việc theo một hướng khác là có thể cấp một mảnh đất khác bằng hoặc lớn hơn mảnh đất Tòa Khâm Sứ cũ. Như thế đất của Tòa Khâm Sứ cũ cứ để nguyên cho các tập đoàn hay công ty cũ sử dụng, tránh phải đền bù. Theo tôi nghĩ và có lẽ là ý nghĩ của đa số anh chị em tín hữu, việc Tòa Giám Mục không được trả lại khu đất cũ là không thể chấp nhận, bởi vì đây là mảnh đất tiên tổ để lại thấm đã tình cảm, văn hóa, đạo đức,… nên không thể chấp nhận được việc đánh đổi bằng một mảnh đất khác. Vì thế, việc nhận một phần đất khác lớn hơn, giá trị hơn ở nơi khác với Tòa Khâm Sứ cũ là không thể chấp nhận. Vậy tôi xin có ý kiến trong việc giải quyết khúc mắc này như sau: Cứ để Tòa Giám Mục sở hữu lại khu đất Tòa Khâm Sứ cũ, còn mảnh đất có ý định cấp cho Tòa Giám Mục thay Tòa Khâm Sứ cũ, hãy giao mảnh đất mới này cho các công ty đã bỏ vốn đầu tư trên mảnh đất Tòa Khâm Sứ cũ, đem bán đi, được bao nhiêu sẽ dùng để đền bù cho các công trình đã xây dựng ở Tòa Khâm Sứ cũ. Tôi ước mơ ngày đó sẽ mau đến. Khu đất Tòa Khâm Sứ sẽ được hoàn lại cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội với những lễ nghi hoành tráng với sự hiện diện của các vị lãnh đạo trong đạo ngoài đời bắt tay nhau vui vẻ, thân thiện, Tòa Khâm Sứ được mở rộng đón tiếp rộng rãi mọi thành phần Dân Chúa và mọi người đều cầu xin Đức Mẹ ban phúc lành cho dân tộc Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng… Viết đến đây, kể như đã quá dài, và không chừng làm phật ý một số vị. Xin các vị rộng lượng thứ tha lời tâm huyết của ông lão già lẩm cẩm. Vì đối với Giáo Hội, tôi đã quá tuổi hưu được 2 năm và bây giờ sức khỏe cũng hạn chế. Đối với cuộc đời, tôi đã bước sang tuổi 77, cũng chẳng còn có thể sống được bao lâu trên cõi thế này, nhưng dẫu sao vẫn giữ được tinh thần “cuộc sống lạc quan, ngẩng cao đầu”. Trong cuộc đời của tôi được khen cũng lắm nhưng bị chê cũng nhiều, nên khi về hưu tôi có nói đùa với mấy vị cộng sự: sẽ đi bán mũ cho thiên hạ: “Nào ai mua mũ, hãy đến mau Xem ai cần mũ… chụp trên đầu Mũ xanh, mũ đỏ, trừ mũ tím Còn mũ hồng, đợi kiếp sau!!!” Xin các vị, nhất là các bậc lão thành chỉ giáo và đại xá cho. Thái Bình ngày 19/3/2008 + F.X. Nguyễn Văn Sang Giám Mục Thái Bình |