Cử Tri Gốc Việt và Sông Núi Hoa Kỳ |
Tác Giả: Giao Chỉ - San Jose |
Thứ Sáu, 31 Tháng 10 Năm 2008 06:22 |
Loạt bài bầu cử 2008 Ai đem ta đến chốn này? Tháng 10 năm 1975, có 3 gia đình Việt Nam đánh cá thuộc dòng họ Bất định cư tại Springfield, thủ đô của Illinois. Tờ báo quận Sangamon phỏng vấn cụ già trưởng tộc, hỏi rằng gia đình này không thuộc diện phải di tản vì không thuộc thành phần nguy hiểm, không nằm trong danh sách của Tổng thống Ford, tại sao lại tỵ nạn? Cụ Bất trả lời rằng: “ Chúng tôi đi theo danh sách của Trời”, và cụ giơ cao lá số tử vi nói rằng cả dòng họ Bất đều có số sống ở nước ngoài... Trước đó 6 tháng, thượng nghị sĩ trẻ tuổi Joe Biden họp với Tổng thống Hoa Kỳ đã bác bỏ việc chấp thuận ngân khoản di tản người Việt miền Nam vào đất Mỹ. Quốc hội vào thời kỳ đó chủ trương tháo chạy nên có khuynh hướng từ chối bỏ tiền vào ngôi nhà đang cháy. Cũng tại tiểu bang Illinois, thượng nghị sĩ Obama, 33 năm sau trở thành ứng cử viên danh tiếng của đảng Dân chủ, tranh ghế Tổng thống và đã cho mời ông Biden làm Phó. Người Việt di tản vẫn nhớ kỷ niệm cay đắng ngày xưa. Joe Biden chất vấn trưởng tộc dòng họ Bất. Tổng kết cuối năm 1975 có 135 ngàn dân Việt di tản, định cư tại Hoa Kỳ, theo danh sách của Tổng thống Ford và cũng theo danh sách của ông Trời. Phần lớn thuyền nhân di tản đợt đầu tiên, được tàu Mỹ vớt từ biển Đông. Qua thập niên 80, những người Việt ra đi năm 1975 bắt đầu lập hồ sơ nhập tịch đứng lên thề trung thành với tổ quốc mới. Dân Việt tỵ nạn bốn phương trời, nhớ quê hương quay quắt, hát bài ‘Vĩnh biệt Saigon’, ghi danh theo Cộng hòa là đảng có huyền thoại chống Cộng. Mỗi lần họp mặt, treo lá cờ Việt Nam Cộng Hòa và hát rằng: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi”. Từ miền Đông, người Việt tây tiến, vượt rặng núi Rocky, đi về miền đồng bằng sông Sacramento, tìm về miền đất ấm California. Rồi họp thành cộng đồng đón tiếp thuyền nhân, tranh đấu mở cửa trại tù, lập hồ sơ đoàn tụ. Cuốn tự điển Bách khoa trên internet mở ra những chữ nghĩa mới: boat people, thuyền nhân, đoàn tụ ODP và tù chính trị HO. Xin tóm lược lại ít nhất là một lần, bởi vì mấy ai còn nhớ trong ngày lich sử đó, giơ tay lên thề mà chẳng biết đã thề thốt ra sao? Đại ý chúng ta đã thề rằng: “Chúng tôi xin thề, từ nay tuyệt đối từ bỏ mọi liên hệ với cố quốc. Thề sẽ bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ chống lại kẻ thù bên trong và giặc bên ngoài. Khi tổ quốc đòi hỏi, sẽ đứng lên cầm súng chiến đấu hay tham dự vào các công tác yểm trợ quân đội. Thề rằng sẽ thi hành bổn phận hăng hái, không một chút ngần ngại. Và sau cùng xin Trời phù hộ cho chúng tôi thi hành nghĩa vụ công dân ...”. Ai đem ta đến chốn này?. Người thì 33 năm, người thì hơn 5 năm. Thẻ công dân giữ kỹ trong hồ sơ. Rồi ghi danh đi bầu. Dù đã có lời thề quốc tịch, nhưng ta đã thành người Mỹ chưa? Tâm tư và lý luận của chúng ta nằm ở chỗ nào? Cử tri gốc Việt sẽ chọn một người da đen làm Tổng thống hay chọn một phụ nữ làm Phó Tổng thống? Chọn tương lai hứa hẹn hay chọn quá khứ anh hùng? Chọn hòa bình bằng mọi giá hay chọn chiến thắng trong danh dự? Chọn đổi thay toàn diện hay chọn tổ quốc trên hết? Chọn đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ? Và xin nhớ rằng dù ở bên nào thì cũng là 1 nửa nước Mỹ. Lịch sử bầu cử tại Hoa kỳ Khi chúng tôi viết những dòng chữ này, thì cuộc bầu cử chỉ còn vài ngày nữa. Đây là một kết quả lịch sử và sẽ không bao giờ bị lãng quên. Những điều mà chúng ta tranh luận ngày hôm nay, một trăm năm mươi năm về trước, tiền nhân của Hoa Kỳ đã tranh luận bằng gươm giáo. Vấn đề kỳ thị chủng tộc là lý do chính của cuộc nội chiến 1861- 1863 tại Hoa Kỳ. Có thể ý nghĩa về mầu da vẫn còn tiềm ẩn đến ngày nay.Trong suốt 4 năm chiến tranh Nam Bắc, Hoa kỳ đã có 3 triệu người tham chiến và 600 ngàn người hy sinh. Những cuộc chiến đẫm máu sau cùng xẩy ra ở miền Virginia và bản ký hết đình chiến cũng xảy ra tại nơi đây, vào năm 1863. 5 năm sau, tu chính án số 15 của hiến pháp ban hành ngày 3 tháng 2-1870 ghi thêm quyền bầu cử không phân biệt mầu da. Nhưng phải đến năm 1965 tức là gần 100 năm sau. Luật bầu cử mới chính thức ra đời, quyền bầu cử của người da đen mới được thi hành trọn vẹn. Và khoảng giữa thời gian đó, vào năm 1913 phụ nữ vẫn chưa được đi bầu. Phải trải qua 7 năm tranh đấu, phong trào phụ nữ bầu cử mới thành công bằng tu chính án số 19. Đó là ngày lịch sử 26 tháng 8-1920. Năm nay 2008 là 1 năm lịch sử của quyền thực thi dân chủ : Người da mầu hay giới phụ nữ lên ngôi. Nếu 1 phụ nữ lên làm Phó tổng thống thì con đường lịch sử đã kéo dài 88 năm kể từ khi tu chính 19 cho phép phụ nữ đi bầu. Và nếu 1 anh chàng da đen lên làm Tổng thống thì con đường lịch sử kéo dài 238 năm, tính từ tu chính án 15 xác nhận quyền bình đẳng giữa các sắc dân trong việc thực thi dân chủ. Đó là năm 1870. Lấy thước đo con đường dân chủ kéo dài hàng thế kỷ, ngay tại Hoa Kỳ, tính cả trăm năm thì sẽ thấy rằng nhiệm kỳ bốn (4) năm của những người đứng đầu hành pháp, lãnh đạo nước Mỹ chỉ là một giai đoạn phù du, ngắn ngủi. Vì vậy, giở lại trang sử cũ và nhắc lại lời thề để chúng ta có thể nhìn lại vai trò của cử tri gốc Việt phải chấp nhận tinh thần dân chủ thực sự trên quê hương mới. Khi thực sự nhận nơi nầy là quê hương thì suy nghĩ của chúng ta sẽ khác đi rất nhiều. Hình như chúng ta vẫn suy nghĩ như người Việt Nam đi lạc đường vào nước Mỹ. Dù đã 1 phần ba thế kỷ trôi qua. Tâm tư cử tri gốc Việt Nếu đứng vào địa vị người Mỹ, với tư cách một công dân Hoa Kỳ toàn diện, chúng ta thấy rằng các ứng cử viên của lưỡng đảng đều hành động vì yêu nước. Bằng những đường lối khác nhau, họ trình bày các chương trình hành động để chinh phục cử tri. Tất cả ứng cử viên và cử tri đều là những người yêu nước Mỹ. Họ đã có tình yêu khác nhau dành cho đất nước. Nên họ đã chống đối lẫn nhau. Người lính dũng cảm John McCain đem bom oanh tạc Hà Nội là làm theo bổn phận của một chiến binh chiến đấu cho quê hương Hoa Kỳ. Sau khi bị bắt, chính vì bị hành hạ, nên ông mới trở thành anh hùng. Khi McCain quay trở lại trong vai trò chính khách để làm hòa với Hà Nội, nói thẳng ra ông tìm cách chiêu hồi Hà Nội, cũng là đang tham dự một cuộc chiến mới cho nước Mỹ. McCain chưa bao giờ là một chiến sĩ chống Cộng cho Việt Nam Cộng Hòa và ông cũng chưa bao giờ phản bội Việt Nam Cộng Hòa. Ông là anh hùng của nước Mỹ và chỉ cho Mỹ quốc mà thôi. Trường hợp Obama cũng chẳng khác gì các thanh niên cùng thế hệ. Con người Obama, nếu sinh ra vào thời chiến tranh Việt Nam, chắc chắn cũng theo phe phản chiến như Bill Clinton. Nhưng xin đừng nói rằng hàng triệu người Mỹ phản chiến không yêu nước Mỹ. Họ chỉ yêu bằng cách khác. Thượng nghị sĩ Joe Biden đóng vai Phó cho Obama là người rất đáng ghét vì đã công khai chống lại việc viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam. Vào tháng 4 năm 1975, lại còn chính thức chống lại việc nhận dân tỵ nạn vào nước Mỹ. Nếu đem mối thù xưa gác sang một bên, hãy nói chuyện tâm tình với người bạn Mỹ, người ta sẽ nói cho chúng ta biết con người tàn nhẫn đó chính là người yêu nước Mỹ, và ông cũng có nhiều phiếu bầu vì chủ trương cứng rắn của mình. Hãy tự suy nghĩ xem, có bao giờ chính chúng ta có những lúc không muốn ở khu Mỹ đen, khu Mễ nghèo và cũng không cảm thấy thoải mái với người Ấn, người Trung Đông, vv.. Rõ ràng sắc tộc là một vấn đề tế nhị tiềm ẩn ở mọi nơi, mọi người. Phải cố gắng suy nghĩ cho thấu đáo công bằng để vượt qua những ước mơ không hợp lý. Cử tri gốc Việt có thể bỏ phiếu vì lý trí để tìm ra người lãnh đạo đích thực vì quyền lợi của đất nước Hoa Kỳ chứ không phải cho riêng chúng ta. Lại cũng có quyền bỏ phiếu vì tình cảm chẳng khác gì hàng triệu cử tri Hoa Kỳ. Tuy nhiên tranh luận tàn nhẫn vì những lý do tưởng là phù hợp với nhu cầu riêng của một cộng đồng sắc tộc e rằng không thực tế. Bầu cho người nào? Hơn 15 năm trước, ký giả của San Jose Mercury News là anh Ken McLaughlin chuyên viết về cộng đồng Việt Nam tại Santa Clara County đã có dịp cùng chúng tôi theo dõi về con số cử tri gốc Việt. Cuối tuần qua chúng tôi gặp lại và có dịp khảo sát những dữ liệu mới. Hết sức thú vị. Ken cho biết, County Santa Clara bao trùm thành phố San Jose điện tử vừa mới có thêm một trăm ngàn cử tri ghi danh. Đây là con số cao nhất kể từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam đến nay. Riêng 3 tuần qua, có thêm 30.000 cử tri, nâng tổng số gần 800 ngàn cử tri tại County này. Theo thăm dò của các đại học thì sắc dân Á châu đa số theo Dân chủ, trừ dân Việt Nam.Tuy nhiên cũng có một chút ngoại lệ. Việt Nam trên 40 tuổi: 45% Cộng hòa chỉ có 20% Dân chủ. Còn dưới 40 tuổi thì 40% Dân chủ và 16% Cộng hòa. Số còn lại, phần lớn không chọn đảng. Khảo sát riêng về số cử tri trẻ tuổi Việt Nam mới ghi danh dưới 30 tuổi. Chúng ta có con số theo Dân chủ 75%. Cứ 4 người trẻ Việt Nam ghi danh, có 3 người sẽ bầu cho Obama. Trong số đó có hai cô con gái của ông Lại Đức Hùng, người đang dựng lại Hội Tết San Jose. Phụ huynh thì bầu cho McCain, nhưng con cái là cứ Obama. Rất nhiều nhà như vậy. “Ông bầu cho ai ?” Anh ký giả Ken của San Jose Mercury News quay sang hỏi tôi: “Vậy ông theo đảng nào, bầu cho ai?” Chúng tôi bèn phải kể tiểu sử cuộc đời bầu cử cho anh em rõ. Thoạt đầu nào có khác gì ai. Có công dân là ghi cho Cộng hòa. Sau một thời gian chán Cộng hòa, lại ghi qua Dân chủ. Mấy năm gần đây chán cả hai bên, bèn ghi không đảng phái. Tuy nhiên kỳ vừa qua, dù không đảng phái vẫn được phép bầu cho Dân chủ. Tôi chọn bà Clinton, vì chưa để ý đến Obama. Đùng một cái, người đẹp Clinton thua rất bất ngờ. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về anh chàng Mỹ đen, xem con người và sự nghiệp ra sao. Quả thực là trường hợp hãn hữu. Mầu da lại trở thành ưu điểm. Nếu Obama là một anh Mỹ trắng, có lẽ chưa tạo được huyền thoại, và phe Dân chủ với viên huyền ngọc đã xuất quân ào ạt. Tiền vào như nước. Bộ tham mưu tranh cử của Obama bài bản xuất sắc và trận mạc xem chừng quen thuộc. Từ trận chiến thắng Clinton đánh thẳng qua thành trì Cộng Hòa. Thừa thắng xông lên. Trong khi đó ông già McCain thắng phiếu Cộng hòa dễ dàng đã bỏ cơ hội hơn một năm trời nằm nghỉ ngơi chờ đợi. Rốt cuộc trở tay không kịp. Đảng Cộng hòa của ông Bush sa lầy từ chiến tranh đến kinh tế. Ông McCain vội vàng đưa giai nhân Palin ra trận, cũng đã làm chùn bước Dân chủ Obama được một đoạn đường. Nhưng về lâu về dài, thì xem chừng vốn nhà đã cạn. Võ công của người đẹp tuy có huyền ảo nhưng không có thực chất hiệu quả. Đó là tình hình hiện nay. Dù biết vậy nhưng chúng tôi vẫn có một phiếu tình cảm cho McCain. Nếu bác mà thắng, sẽ có bà Phó mở đường lịch sử. Nếu thua, ông McCain vẫn là anh hùng của nước Mỹ. Trong khi đó lịch sử Hoa Kỳ nếu có vị Tổng thống da đen đầu tiên thì dù muốn hay không phe Cộng hòa cũng sẽ chấp nhận. Đó là tinh thần Dân chủ. Tuy nhiên tại Santa Clara County và California, kỳ này cuộc bầu cử chính, không phải trông đợi kết quả bầu Tổng thống. Dụ luật số 8 chống hôn nhân đồng tính mới là cuộc bầu cử quan trọng của California. Số 8 đề nghị cấm hôn nhân cùng phái. YES là chống. NO là cho phép. Hai phe bỏ ra trên 60 mươi triệu để khai chiến. Đa số các tôn giáo bầu YES để chống hôn nhân đồng tính. Nhiều nơi khác ngoài Cali cũng xông vào chia phe chống đối. Vì nếu Cali qua được là sẽ mở đường cho toàn quốc. California là tiểu bang của tinh thần tự do tối đa. Khối đồng tính và những người trẻ ủng hộ hôn nhân cùng phái quyết chống lại dự luật số 8, không cho phép làm hôn thú. Đây là một mặt trận đã mở ra giao tranh nhiều lần giữa hai bên. Phe đồng tính thề sẽ chiến đấu và sẽ còn tiếp tục đánh đến khi chiến thắng cuối cùng. Cá nhân tôi đã có ý định bỏ phiếu YES cho dự luật số 8, nhưng vào giờ chót, vẫn hết sức phân vân. Sau cùng, kể cả việc bầu Tổng thống cho đến dự luật đồng tính, chúng tôi chẳng giúp được quý vị độc giả những ý kiến rõ rệt ra sao. Nhưng đó chính là dân chủ. Một nửa nước Mỹ theo màu xanh Dân chủ, một nửa nước Mỹ theo màu đỏ Cộng hòa. Trước đó cả nước Mỹ đã phân vân, cho đến ngày bầu cử vẫn phân vân. Đó chính là Tự Do. Câu chuyện này viết theo tài liệu của quận Santa Clara, tiểu bang California. Còn ở miền Đông, tiểu bang Virginia, quận Fairfax mới thực là nơi chiến trường sôi động. Cali thì yên một bề trao về Dân chủ Obama 55 lá phiếu cử tri đoàn, nhưng Vỉrginia cho đến nay vẫn chưa phân thắng bại. Hai ông bạn của chúng tôi: Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đang ra sức vận động cho Bác McCain. Trong khi đó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn Radio tiên đoán phần thắng ngả về Obama. Giới trẻ lại có con cháu cô Bảy Khúc Minh Thơ hết sức ủng hộ Cộng hòa. Giới trẻ khác là cô Lữ Anh Thư, con gái Trung tướng Lữ Lan nhiệt thành với đảng Dân chủ. Chiến dịch tranh cử đi vào giai đoạn chót rất gay cấn, hồi hộp tại Florida và miền thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi có chương trình lên sinh hoạt tại DC tháng 11 -2008 nhưng dứt khoát là sẽ bay lên khi khói lửa đã xong và hai bên yên bề thắng bại. Như vậy mới có thể nhẹ nhàng bắt tay hai phía bốn bên trong tinh thần thượng võ của chính trường. Dù Bạch Cung năm 2009 đón chào người anh hùng sánh vai bà Phó là phụ nữ đầu tiên hay Nhà Trắng mở cửa cho tổng thống da mầu bước vào, thì lịch sử của Hiệp chủng quốc cũng sẽ qua 1 trang mới. Và cử tri gốc Việt, thực sự quý vị là ai? Câu trả lời sẽ rất khác nhau. Phải chăng đứng lên thề quốc tịch cốt để lấy cái thông hành Hiệp Chủng Quốc. Về chơi Việt Nam, ta là người Mỹ; qua lại đất Hoa Kỳ, ta thành người Việt Nam. Khi đứng lên đáp lời sông núi ... . Sông núi bây giờ là sông núi nào?.
|