Tiêu biểu cho những đổi thay loại này chính là cao trào sửa đổi chính định nghĩa của hôn nhân. Lường trước được hệ quả khủng khiếp của thái độ cực đoan này, các Giám Mục California đã lên tiếng chính thức cảnh giác về nguy cơ trào lưu đánh đổ hôn nhân truyền thống hầu áp đặt một bản chất khác cho hôn nhân, cũng như lên tiếng bênh vực cho cơ chế nền tảng vốn khai sinh ra tế bào kết tinh thành xã hội loài người. Dẫn nhập:
Thiên hạ đang nóng lòng khao khát thay đổi. Đổi thay không còn thuần túy là “hương vị” của cuộc đời, nói theo ngạn ngữ của Tây phương. Thay đổi đã trở thành lẽ sống còn: Thay đổi hay là chết! Tôn chỉ thượng thặng của một ứng cử viên Tổng Thống hiện nay đang xoáy sâu vào điểm này. Phải thay đổi chứ! Đương nhiên! Dứt khóat! Chẳng lẽ cứ để ù ù cạc cạc, trì trệ hoài như thế này sao?
Thực ra từ ngàn xưa thay đổi vẫn là quy luật của vũ trụ, của thiên nhiên, cũng như của loài người. “Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”—một triết gia thượng cổ Hy lạp đã bảo thế--bởi lẽ làn nước trong xanh kia vẫn tiếp tục tràn qua thân thể bạn, để rồi chảy xuôi mãi, không bao giờ trở lại. Trịnh Công Sơn cũng có những lời văn vẻ tương tự: ‘vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên…bốn mùa thay lá, thay hoa, thay mãi đời ta.’ Qủa vậy, có bao giờ ta níu kéo thời gian được đâu? Hôm qua đã lui vào quá khứ để rồi mãi mãi trở thành lịch sử. Dẫu có “hoành tráng” đến như Thế vận hội Bắc Kinh vừa qua chăng nữa, rồi cũng phải bế mạc! Vận động trường “Tổ chim” có “ấn tượng” mấy chăng nữa, rồi cũng phải đóng cửa để làm…chuyện khác. Thay đổi hóa ra là điều kiện của kiếp làm người! Vì là điều kiện thành ra nó cũng đem đến trăm đắng ngàn cay cho kiếp nhân sinh. Ngày nào dọn vào căn nhà mới (chưa vị tất là mới tinh, nhưng dù sao vẫn là quá đẹp so với căn chung cư ọp ẹp vừa vẫy tay từ gĩa!), ta thấy cuộc đời ôi đẹp làm sao. Nhưng rồi chỉ vài ba năm sau, căn nhà lý tưởng của mình đã trở thành túp lều lụp xụp so với căn nhà trên triền đồi người bạn vừa đóng escrow tuần qua. Hóa ra cái gì mình có, dù có đẹp đến mấy rồi cũng ‘xuống cấp.’ Chẳng thế mà lúc nào bồn cỏ nhà hàng xóm cũng xanh hơn bãi cỏ nhà mình đó sao? Cơm nguội ở nhà ăn mãi đâm ngán, chỉ mong ra tiệm để được thưởng thức một tô phở tái, kèm theo ly cà phê nóng mà cô tiếp viên ‘còn nóng hơn cả cà phê’ bưng ra. Cái bẫy thay đổi, đổi thay nằm ở chính cái nghịch lý ấy.
Trớ trêu hơn nữa: chỉ vì ‘có mới nới cũ,’ thành ra từ điều kiện và nhu cầu, đổi thay đã trở thành cái mốt thời thượng, không phải chỉ dưới hình thức thuần túy tân trang: mắt, môi, má, cằm, bụng, đùi…nhưng là thay đổi thực sự, toàn diện, tận gốc, một lần cho tất cả, không khoan nhượng, tuyệt...nòi, tại một địa điểm lừng danh thế giới: Thái Lan.
Chủ trương ‘thay đổi hay là chết’ đưa người ta đi đến chỗ thay đổi chỉ để đổi thay, bất chấp hậu quả và liên lụy: kiếm cô bồ nhí thế chỗ cho mụ vợ ‘sầu giá’ nhà quê; hoặc tìm kép nhí dung dăng trên phố thay cho thằng chồng vũ phu, chỉ biết biếu em ‘cái chai em cầm’ thay cho hột soàn cà rá. Tiêu biểu cho những đổi thay loại này chính là cao trào sửa đổi chính định nghĩa của hôn nhân. Lường trước được hệ quả khủng khiếp của thái độ cực đoan này, các Giám Mục California đã lên tiếng chính thức cảnh giác về nguy cơ trào lưu đánh đổ hôn nhân truyền thống hầu áp đặt một bản chất khác cho hôn nhân, cũng như lên tiếng bênh vực cho cơ chế nền tảng vốn khai sinh ra tế bào kết tinh thành xã hội loài người. Vì tầm mức quan trọng của nó, Dự Luật 8 được đem ra trưng cầu dân ý vào tháng 11, 2008 tại California, cùng với việc tuyển chọn nhân vật nắm giữ chức vụ cao nhất của cường quốc này. Xin mời bạn đọc theo dõi bản lược dịch tuyên ngôn của các Giám Mục California về vấn đề hết sức quan trọng này.
Mùng Một tháng Tám, 2008
“Chỉ có tảng đá tình yêu hoàn toàn và không thể đảo ngược giữa người nam và người nữ mới có khả năng trở thành nền tảng của một xã hội vốn là mái ấm cho cả nhân loại.” (Lời ĐGH Bênêđictô XVI công bố nhân khóa hội thảo về Hôn nhân và Gia đình, tại Viện Gioan Phaolô II, ngày 11 tháng Năm, 2006).
Vấn đề Dự Luật 8 đặt ra trước mắt chúng ta hôm nay chính là “Hôn Nhân”—một cơ chế cổ xưa, nhưng vẫn tân kỳ, của loài người, vốn có trước cả Giáo hội lẫn chính quyền. Lịch sử cho thấy rằng hôn nhân tiềm tàng ở bên trong các xã hội bền vững, triển nở và nồng ấm. Cho dù có những khác biệt về văn hóa, điều không hề thay đổi chính là: hôn nhân là mối tương quan lý tưởng giữa một người nam và một người nữ nhằm mục đích sinh sản và tiếp nối nòi giống nhân loại.
Ngày 15 tháng Năm, 2008, Tòa Án Tối Cao Pháp Viện California đã phán quyết rằng luật lệ hiện hành.định nghĩa hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là vi hiến. Sự thay đổi triệt để trong chính sách chung này sẽ gây ra nhiều hậu quả sâu xa cho xã hội, bởi vì: (1) nó hạ giảm khía cạnh thực tế về sinh học và hữu cơ của hôn nhân—điều này cho thấy nó đã bén rễ sâu xa đến thế nào vào trong miền đất của văn hóa, ngôn ngữ, và luật pháp của chúng ta, cũng như nó hoàn toàn phớt lờ đi lối thông hiểu phổ cập về từ ngữ hôn nhân; và (2) nó hạ thấp từ ngữ “hôn nhân” xuống ngang tầm với “sự hùn hạp”—tức là một sắp xếp có tính chất khế ước thuần túy của người lớn giữa các cá nhân trên 18 tuổi. Trẻ em—nếu có—không còn là lý lẽ tiên quyết có tính xã hội của thể chế này nữa.
Với tư cách là thầy dậy đức tin, chúng tôi mời gọi toàn thể tín hữu Công giáo hãy cẩn trọng uốn nắn lương tâm mình, bằng cách quy hướng về nguồn mạc khải Kinh Thánh, về sự khôn ngoan của Truyền Thống, về kinh nghiệm và viễn kiến của các bậc thánh nhân nam nữ, cũng như về điều có thể lãnh hội được chỉ nhờ vào lý trí mà thôi.
Thâu tóm lại giáo huấn về hôn nhân, Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo số 1603 và 1604 dậy rằng: Thiên Chúa chính là tác giả của hôn nhân. Ơn gọi hôn nhân được ghi khắc vào tận bản chất của người nam và người nữ khi họ được khai sinh từ bàn tay Thiên Chúa. Hôn nhân không hề là một thể chế thuần nhân cho dù nó phải kinh qua nhiều biến thiên suốt dòng thời gian trong các nền văn hóa, cơ cấu xã hội, và các thái độ linh thiêng khác nhau. Phúc lợi của cá nhân và của xã hội nhân lọai lẫn Kitô giáo đều kết chặt với tình trạng lành mạnh của đời sống hôn nhân và gia đình.
Với ý nghĩ ấy, các Giám Mục chúng tôi xin gửi đến quý tín hữu Công giáo vài lời khuyên nhủ khi đáp ứng lại trước sự thay đổi triệt để này trong chính sách chung của California về hôn nhân.
Trước hết, việc kết hợp đồng tính không hề là một với kết hợp dị tính. Hôn nhân giữa người nam và người nữ không chỉ bao gồm sự bổ túc tình dục như tự nhiên sắp đặt, mà còn bao gồm khả năng sinh sản nữa. Phúc lợi lý tưởng của trẻ em là được sinh ra từ một hôn nhân truyền thống và được nuôi dậy bởi một người cha và một người mẹ. Chúng tôi nhìn nhận rằng có những người cha, người mẹ độc thân, và chúng tôi ngưỡng mộ những hy sinh cao cả của họ trong việc dưỡng dục con cái.
Thứ đến, chúng tôi muốn nhắc nhở rằng hôn nhân phản ảnh mối tương quan của Thiên Chúa đối với chúng ta—và hôn nhân kiện toàn, làm phong phú và duy trì nhân loại. Khi hoàn hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ tự hiến mình cho Thiên Chúa như đồng tạo-hóa của một hữu thể nhân sinh mới. Bất cứ một nếp sống ghép đôi nào—cho dù có thể mang lại sự an ninh và tình bạn cho các cá nhân liên hệ--đều không phải là hôn nhân. Chúng ta cần hỗ trợ cho hôn nhân truyền thống như chính ngọn nguồn khai sinh nền văn minh chúng ta, như chính nền tảng của một xã hội có khả năng trở thành mái ấm cho mọi con người, và như phản ánh mối tương quan của ta với Thiên Chúa.
Kế nữa, ta cần nhớ rằng, là con cái Thiên Chúa, mang phẩm giá con người, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Việc bảo vệ lối thông hiểu truyền thống về hôn nhân không bao giờ có hàm ý khinh miệt những người anh chị em chúng ta—ngay cả khi họ có ý kiến bất đồng.
Tiếp đến, ta phải cầu nguyện và tìm ra một giải pháp công bằng cho vấn đề rất quan trọng cho phúc lợi của toàn thể gia đình nhân loại này.
Tiếp nữa, là công dân tiểu bang California, ta cần nắm lấy cơ hội để đảo ngược phán quyết của Tòa Án Tối Cao Pháp Viện. Trong kỳ tổng tuyển cử tháng Mười Một năm nay, sẽ có Dự Luật 8 được đưa ra như sau: “Chỉ duy hôn nhân giữa một người nam và một người nữ mới có giá trị hoặc được nhìn nhận tại California.” Nói như thế chỉ có nghĩa là xác nhận định nghĩa có tính lịch sử, hợp luận lý, và hữu lý về hôn nhân—chứ không hề lấy đi bất kỳ một phúc lộc nào từ các sắp xếp mang tính khế ước khác.
Sau cùng, chúng tôi mạnh mẽ khuyến khích các tín hữu Công giáo triệt để ủng hộ cả về tài lực lẫn nhân lực cần thiết để làm sao cho Dự Luật 8 được thông qua. Hãy nhớ thực thi quyền công dân và đi bầu đông vào tháng Mười Một sắp tới.
|