Home Tin Tức Thời Sự Obama và McCain: Ai sẽ là Tổng Thống Hoa Kỳ?

Obama và McCain: Ai sẽ là Tổng Thống Hoa Kỳ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Huệ Vũ   
Thứ Hai, 27 Tháng 10 Năm 2008 12:27

Bên tám lạng, người nửa cân

Chỉ còn một thời gian ngắn sẽ tới ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, theo kết quả thăm dò dư luận, liên danh Cộng Hoà của Nghị Sĩ John McCain đang chạy đua nước rút để đuổi kịp đối thủ Barack Obama.

Thăm dò của Reuters/C-span/ Zogby trong tuần qua, liên danh Obama bỏ rơi đối thủ trên dưới 10% đã được thu hẹp trong ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật. Từ gần 10% trong ngày 24, đột ngột rớt xuống còn 5%, là con số chệch lệch thấp nhất trong liên tiếp 3 tuần qua. Kết quả thăm dò thường có con số xác xuất là cộng hay trừ khoảng 3%.

Cũng theo các kết quả thăm dò mới nhất của Zogby, ứng cử viên Obama dẫn đầu ứng cử viên McCain trong số cử tri độc lập là 50% so với 34%, dẫn đầu trong số cử tri phụ nữ là 55% so với 41%. Trong số cử tri theo đạo Công Giáo, ông Obama dẫn đầu 17%, đối với người theo đạo Tin Lành, nhưng không phải là phái Phúc Âm (Evangelicals) chỉ dẫn đầu 4%. Đạo Evengelicals ủng hộ McCain trên 70%. Trong thành phần cử tri ôn hoà (moderates) ông Obama được ủng hộ 64% so với 29% ủng hộ McCain. Đối với thành phần bảo thủ, ứng cử viên McCain được trên 70% ủng hộ, nhưng trái lại ông Obama được trên 90% thành phần cấp tiến (liberals) ủng hộ. Ứng cử viên McCain đã vượt qua và dẫn đầu đối thủ 12% trong số cử tri đàn ông da trắng.

Mức dẫn đầu của ông Obama so với McCain theo thăm dò của viện Gallup không bị sụt giảm như Zogby, vẫn giữ mức trên 9 điểm. Kết quả theo dõi hàng ngày của Gallup trong ngày 27/10 cho thấy ông Obama dẫn dầu McCain trong số người đã ghi danh đi bầu lại tăng lên 10 điểm là 52% so với 42%. Theo kết quả thăm dò của CBS và New York Times công bố trong ngày 27, ứng cử viên Obama dẫn đầu 13 điểm, 52% so với 39%.

Sự lên điểm của nghị sĩ McCain qua thăm dò Zogby trong 2 ngày qua được giải thích có thể là vì ứng cử viên Obama đã nghỉ vận động để đi thăm bà ngoại đang bệnh, Nghị sĩ McCain trong những ngày gần đây chỉ nói về kinh tế, bớt tấn công cá nhân đối thủ, và liên danh của ông cũng mạnh mẽ tách rời họ với Tổng thống George W. Bush. Ưùng cử viên phó tổng thống Sarah Palin đã nói rằng Tổng thống Bush là một trở ngại bất lợi lớn nhất cho liên danh. Nghị sĩ McCain cũng cho rằng chính phủ Bush phải chịu trách nhiệm đối với sự suy thoái của nền kinh tế và làm cho quốc gia chồng chất nợ nần. Trả lời phỏng vấn qua chương trình “Meet the Press” của đài NBC trong ngày 26, nghị sĩ McCain đã lần nữa lập lại ông không phải là Tổng thống Bush. Ứng cử viên McCain cũng nói rằng ông đã trải qua nhiều cuộc bầu cử, ông thấy rõ sự căng thẳng, theo kết quả thăm dò thì ông bị bỏ rơi nhiều hơn thực tế: “I’ve been in a lot of presidential camps ... and I see the intensity out there, and I see the passion ... have shown me much further behind than we actually are”,

Đối với các sắc dân thiểu số ở Hoa Kỳ, cộng đồng người Do Thái ủng hộ Obama so với McCain có tỷ lệ 3 trên 1, với 74% so với 22%.

Theo thăm dò của 4 trường đại học Berkley, USC, UC Riverside và Rutgers, cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu có 41% ủng hộ ứng cử viên Obama so với 22% cho biết sẽ bỏ phiếu cho Nghị sĩ McCain. Tuy nhiên đối với Cộng Đồng Việt Nam, trên 51% ủng hộ McCain so với chỉ có 24% ủng hộ Obama. Trong khi đó, 60% người Mỹ gốc Nhật, và 52% người Mỹ gốc Ấn ủng hộ Obama. Theo thăm dò của Pew Research, 57% người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha ủng hộ Obama so với 23% ủng hộ MCain.

Dư luận các nước trên thế giới hiện gần như nghiêng hẳn về phía ứng cử viên Obama. Theo thăm dò của viện Gallup thực hiện trên 70 nước từ tháng 5 cho tới tháng 9 cho thấy dân chúng các nước từ Phi Châu tới Á Châu, Trung Đông, Nam Mỹ đều ủng hộ Obama nhiều hơn so với McCain. Đặc biệt là dân chúng các nước Âu Châu quan trọng, Canada, Úc, và Nhật Bản đã ủng hộ ứng cử viên đảng Dân Chủ với một tỷ lệ rất lớn. Tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Obama so với McCain ở Canada là 67% sv 22%, ở Úc là 64% sv 14%, ở Áo 58% sv 10% , ở Bỉ là 64% sv 6%, ở Đan Mạch là 69% sv 8%, ở Pháp là 64% sv 4%, ở Đức là 62% sv 10%, ở Na Uy là 71% sv 13%, ở Anh là 60% sv 15%, ở Hoà Lan là 74% sv 10%, ở Nhật là 66% sv 15%. Trong 70 nước chỉ có 3 nước có tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên McCain nhiều hơn Obama là Georgia, Cam Bốt và Phi Luật Tân nhưng với sự chênh lệch rất nhỏ. Ở Phi Luật Tân có 28% ủng hộ McCain nhưng 20% ủng hộ Obama.

Tuy nhiên, con số thăm dò toàn quốc có cho thấy ông Obama dẫn đầu 1 con số hay 2 con số đi nữa, thì điều này cũng không thể kết luận là ông ta sẽ chắc chắn thắng cử. Theo hệ thống bầu cử Hoa Kỳ, người dân trực tiếp bỏ lá phiếu, nhưng quyết định cuối cùng là do con số cử tri đoàn của mỗi tiểu bang gọi là Electral College. Mỗi tiểu bang có một con số cử tri đoàn bằng con số dân biểu trong tiểu bang cộng cộng với 2 nghị sĩ. Tổng số cử tri đoàn toàn quốc của 50 tiểu bang cộng với Waghington D.C. là 538 phiếu. Ứng cử viên thắng nhiều phiếu cử tri nhất trong tiểu bang sẽ nhận hết con số cử tri đoàn của tiểu bang, theo nguyên tắc “ăn cả ngã về không”.

Tuy nhiên có 2 tiểu bang là Maine and Nebraska không chịu áp dụng luật này mà phân chia con số cử tri đoàn cho từng đơn vị bầu dân biểu. Bầu cử theo lối cử tri đoàn quyết định cuả Hoa Kỳ, nhiều khi một ứng cử viên tổng thống hơn đối thủ nhiều triệu phiếu trên toàn quốc, nhưng đã phải thất cử chỉ vì thua vài trăm lá phiếu ở một tiểu bang có con số cử tri đoàn quan trọng, như cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.

Trong 50 tiểu bang Hoa Kỳ, có những tiểu bang được coi là chắc chắn của Cộng Hoà hay Dân Chủ; là red state hay blue state; như Texas được coi là Red State - tiểu bang Cộng Hoà, trong khi đó California được coi là Blue State - tiểu bang Dân Chủ. Có những tiểu bang được coi là thiên Dân Chủ hay thiên Cộng Hoà, có những tiểu bang gọi là tiểu bang “chiến trường”, ứng cử viên phải thắng ở những tiểu bang chiến trường này mới bảo đảm có thể thắng cử. Dựa theo các con số thăm dò, các cơ quan thăm dò đã đưa ra nhiều con số ước tính khác nhau về con số cử tri đoàn mà hai ứng cử viên có thể nhận được cho tới ngày 27/10, các cơ quan thăm dò đã đưa ra những con số ước lượng như sau: CNN: Obama 301 – McCain 150; Quinnipiac University: Obama 269 – McCain 128; Zogby: Obama 275 – McCain 236; Survey USA: Obama 303 –McCain 220; Poll of Polls: Obama 367 – McCain 157 . . . Hầu như tất cả các cơ quan thăm dò đều đưa con số cử tri đoàn mà ông Obama nắm giữ hiện giờ đều cao hơn đối thủ.

Lúc chúng tôi viết bài này, chỉ còn 7 ngày nữa tới ngày bầu cử là thời gian có thể quá ngắn để ứng cử viên McCain thay đổi làn sóng. Hình như xưa nay ít có một ứng cử viên nào được các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ chấm thắng qua 3 cuộc tranh luận liên tiếp đã phải thất cử. Dù yêu hay ghét ông Obama, dù tỷ lệ dẫn đầu lên xuống bất thường, tới ngày hôm nay, giữa 2 ứng cử viên, ông Obama vẫn là người có nhiều hy vọng hơn đối thủ McCain. Theo ông Karl Rove, một chiến lược gia của đảng Cộng Hoà, ông McCain chỉ còn cách duy nhất để thắng là gieo hoang mang đối với đối thủ và khai thác ưu điểm, quan điểm của mình. (Mr. McCain has only one hope: to drive home doubts about Mr. Obama based on his record, and share as much as he can about his own values and vision to reassure voters.)

Mặc dầu thăm dò dư luận là một khoa học có con số xác xuất cộng trừ 3, đôi khi cũng chứng tỏ sai lầm với thực tế, như cũng đã từng xảy ra trong thời gian vận động giành sự chỉ định của đảng Dân Chủ giữa Nghị Sĩ Hillary Clinton và Barack Obama. Phân biệt màu da ở Hoa Kỳ ngày nay không còn như xưa. Chỉ còn một tỷ lệ nhỏ cử tri da trắng còn coi màu da là một yếu tố chọn lựa. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống trong ngày cuối cùng rất có thể có hiện tượng Bradley được gọi là ảnh hưởng Bradley xảy ra. Trong cuộc bầu cử thống đốc California năm 1982, ứng cử viên da màu Tom Bradley đã dẫn đầu các kết quả thăm dò, nhưng cuối cùng những người cho biết sẽ bầu cho ông khi tới phòng phiếu đã bỏ phiếu cho đối thủ của ông là người da trắng. Hiện tượng Bradley đã làm cho kết quả thăm dò chính trị ở giữa ứng cử viên da màu và da trắng ở Hoa Kỳ ít chính xác. Những người da trắng khi trả lời câu hỏi của những cơ quan thăm dò không muốn chứng tỏ mình là người kỳ thị, nhưng khi tới phòng phiếu yếu tố kỳ thị màu da đã trở thành yếu tố quyết định của lá phiếu. Chức vụ tổng thống là chức vị quan trọng nhất ở Hoa Kỳ, rất có thể hiện tượng Bradley không còn hiện diện trong những cuộc bầu cử điạ phương, dân biểu, nghị sĩ trong những năm gần đây lại tái hiện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Một yếu tố khác có thể làm kết quả bầu cử khác hẳn với thăm dò đối với Ứng cử viên Obama; đó là, ông ta được đa số thanh niên, sinh viên ủng hộ, nhưng thành phần trẻ này lại là những người rất lười đi bỏ phiếu so với lớp người lớn tuổi thuộc thành phần bảo thủ.

Tóm lại, dù có kết quả thăm dò thuận lợi hơn cho ứng cử viên Obama, việc ông được trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ hay không cũng phải chờ tới cuối ngày 4/11 mới có thể có câu trả lời.

Theo thăm dò của 4 trường đại học Berkley, USC, UC Riverside và Rutgers, cộng đồng Việt Nam chúng ta chỉ có 24% ủng hộ ứng cử viên Barack Obama. Việc Cộng Đồng Việt Nam lội ngược dòng so với các sắc dân thiểu số khác là điều dễ hiểu vì chúng ta là nạn nhân của chế độ Cộng Sản và vẫn còn thiên kiến. Mọi cộng đồng, cá nhân của người công dân Hoa Kỳ khi ủng hộ hay bỏ phiếu cho một ửng cử viên nào ngoài vấn đề cân nhắc chính sách, còn nghĩ tới quyền lợi mà người ứng cử viên có thể đem lại cho mình. Một đại thương gia, hay nhân viên cao cấp có lợi tức trên 250.000 mỹ kim một năm không phải đảng viên Dân Chủ có lẽ sẽ dồn bỏ phiếu cho ứng cử viên McCain; trong khi đó một công nhân nghèo nếu không có những yếu tố chính trị nào khác chi phối có thể sẽ dồn phiếu cho Ứng cử viên Obama.

Việc bỏ phiếu cho ai, hay vận động cho ai là quyền của người dân trong một nước tự do, nhưng ngôn ngữ có tính cách mạ lỵ, bóp méo sự thật, hằn học trên báo chí, trên internet của một cộng đồng thể hiện được trình độ và trí thức của cộng đồng đó. Trên một tờ báo mới đây một học giả họ Đặng viết” Ông Barack Hussein Obama là người sinh ra trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Tổ tiên của ông là những người da màu từ vùng Phi Châu nghèo khổ đến Hoa Kỳ theo các đoàn tàu buôn với thân phận kẻ nô lệ tha phương cầu thực. Ông Nội của Barack Obama là người gốc Yemen. Cha đẻ của Obama được nhắc đến như một người vô trách nhiệm vì nghiện ngập rượu chè..” Đọc dòng chữ trên bài báo của ông họ Đặng, người viết không biết ông ra lấy từ đâu ra những yếu tố trên! Hầu như tất cả mọi bài báo của cộng đồng người Việt đều bênh vực cho Cộng Hoà, cho rằng nay là đảng “yêu nước”, là đảng giữ vững nước Mỹ, còn đảng Dân Chủ là đảng mị dân, sẽ làm tiêu tan nước Mỹ, họ viết tên liên danh “Obama – Biden” thành “Obama Bi Laden” để chế diễu, cho rằng Obama đắc cử sẽ bán nước Mỹ cho khủng bố. Họ bênh vực Cộng Hoà và đả kích Dân chủ không khác gì giống như giữa Quốc Gia và Cộng Sản thời chiến tranh Việt Nam! Những thái độ quá khích này chúng tôi nghĩ rằng chẳng lợi ích gì cho một cộng thiểu số rất nhỏ ở Hoa Kỳ và xa hơn là ích lợi của công cuộc tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ Việt Nam.

Có lẽ những người Việt Cộng Hoà còn hơn Mỹ này vì yêu nước Mỹ quá sức nên mới có thái độ quá khích trên. Người viết cũng có thân phận tỵ nạn như những vị này, nhưng chỉ có thể yêu nước Mỹ một phần nào đó. Chúng tôi chỉ mong một ngày nào đó có thể về quê hương nghèo khó để sống hết quãng đời còn lại. Hơn nữa, là một người chỉ tới sống ở Mỹ vài chục năm, nếu chúng tôi nói rằng mình yêu nước Mỹ hơn những người từng sống ở Mỹ nhiều đời, yêu nước Mỹ hơn đảng Dân Chủ, một đảng cũng lâu đời như Cộng Hoà (khi được hai ông Thomas Jefferson, James Madison thành lập có tên là Democratic – Republican Party, tách ra làm 2 trong thập niên 1830); lên tiếng mạ lỵ cho rằng Dân Chủ không yêu nước tôi nghĩ rằng điều này chỉ là một sự lố bịch.

Nhắc nhở đến ân oán quá khứ, giết Tổng thống Diệm là một người đại sứ Cộng Hoà chứ không phải chủ trương của Tổng thống Dân Chủ Kennedy, bỏ rơi Việt Nam là do phản chiến Dân Chủ, nhưng lừa Tổng thống Thiệu là Tổng thống Nixon, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà là chủ trương của Kissinger đang là cố vấn của ông McCain, là của chính phủ Cộng Hoà Ford. Chính sách của đảng Cộng Hoà trong thời gian ông Bush cầm quyền cũng không có điểm nào gọi là lợi ích cho cuộc tranh đấu của người Việt. Tổng thống Bush cũng đã từng cho rằng quân đội Việt Nam Cộng Hoà không bằng “quân đội Iraq”! Quá khứ cũng cho thấy nếu Tổng thống Carter không ra lệnh cứu vớt người tỵ nạn, thì ngày nay rất nhiều người đang có mặt ở Hoa Kỳ đã vào miệng cá! Quá khứ lịch sử đối với chiến cuộc Việt Nam là sự sai lầm của cả Cộng Hoà và Dân Chủ. Không thể cứ tiếp tục chưởi rủa Dân Chủ, tôn vinh Cộng Hoà. Trong đầu thập niên 1990, một Luật Sư ở Houston đã tuyên bố “bọn người Việt theo Dân Chủ là bọn đĩ điếm..”

Chúng tôi nghĩ rằng nhưng lời tuyên bố như vậy là cực đoan quá trớn, và không có một cái nhìn xa xôi nào đối với tương lai. Chính trường của Hoa Kỳ là một sự thay đổi, người Việt ở trong đảng này hay đảng kia đều có thể bênh vực cho quyền lợi của cộng đồng. Là thành phần trẻ họ sẽ có cơ hội đi vào dòng chính trị Hoa Kỳ, để một ngày nào đó cộng đồng chúng ta có thể có những người đại diện cao cấp trong chính quyền, là dân biểu, là thượng nghị sĩ. Ngày nay cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã có nhiều anh chị em Việt Nam xuất thân từ Dân Chủ đã đắc cử vào nhiều chức vụ trong thành phố, trong tiểu bang. Ngược lại phía Cộng Hoà cũng vậy, và giới trẻ này không thấy có thái độ đen trắng, “tao thiện mày ác” như một số nào đó trong thế hệ lớn tuổi của những người viết báo Việt Ngữ, có thể trong đó có chúng tôi. Có thể tiếng Anh của họ cũng chỉ biết câu “don’t you understand” hay “do you understand?” như chúng tôi, cho nên sau cuộc tranh luận lần thứ nhất họ vội vã viết bài bình luận nói rằng “ Obama chứng tỏ gà mờ, thiếu kiến thức.. bị McCain dạy dỗ như học trò.!” Khi viết một bài báo gieo nghi vấn đối với số tiền vận động của ông Obama, không hiểu những người viết những bài như vậy đã nghiên cứu và biết rõ qui luật đóng góp tài chánh cho ứng cử viên ở Hoa Kỳ hay không?

Chúng tôi tạm nghĩ báo chí của người Việt chưởi bới lẫn nhau quá nhiều – cứ chưởi nhau cho đã! Nhưng không nên chưởi bới và mạ lỵ những chính trị gia Hoa Kỳ, dù họ là ai, nếu họ chưa làm điều gì xúc phạm tới danh dự hay quyền lợi tập thể người Việt. Chúng tôi nghĩ rằng điều này chẳng lợi ích gì cho tập thể, cho tương lai của Cộng Đồng. Trong sinh hoạt cộng đồng, hay đấu tranh chính trị của người Việt ở khắp nơi phiá Dân Chủ cũng rất gần gũi với chúng ta, có thể hơn Cộng Hoà. Trong số dân biểu Cộng Hoà chúng tôi cũng chưa thấy ai sẳn sàng tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam như nữ dân biểu Loretta Sanchez. Nêu ra điều này chúng tôi chỉ muốn nói rằng Cộng Hoà hay Dân Chủ đều cần thiết cho chúng ta, không nên vì mang trên mình hai chữ Cộng Hoà hay Dân Chủ rồi mất đi sự ôn tồn, khách quan cần thiết.

Ông Obama cũng chưa hẳn đắc cử, ông McCain cũng chưa chắc thất bại, nhưng họ là hai người mà đa số trên dưới 60% dân chúng đều cho rằng ai đắc cử cũng đều là người tổng thống tốt. Một McCain đắc cử có thể là một người rút kinh nghiệm thất bại của Tổng thống Bush thực hiện nhiều sự cải cách (reform) cho đất nước như ông đã nhiều lần nhắc tới.

Chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền Tổng thống McCain chúng tôi cũng tin rằng không đến nỗi tệ như chính phủ Bush!

Tuy nhiên, trong sự chọn lựa, chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Obama, lý do:

Thứ nhất, với chúng tôi ông Obama là một hiện tượng – con một người du sinh, xa cha từ nhỏ, được bà ngoại nuôi dưỡng, đã có thể ăn học thành tài, vươn lên trên diễn đàn chính trị để có thể trở thành một ứng cử viên tổng thống của một đảng chính trị Hoa Ky, chúng tôi cho rằng ông ta là một tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên, cho con cái của những người mới tới Hoa Kỳ.

Thứ hai, một nước Mỹ có một tổng thống Mỹ đen sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, Hoa Kỳ hoàn toàn cáo chung kỳ thị, màu da không còn là một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt chính trị, con cái người da trắng, da đen, da vàng trong tương lai ai có tài đều hy vọng có thể trở thành tổng thống. Có thể hy vọng sẽ có những tổng thống họ Trần, họ Nguyễn.

Thứ ba, ông ta chứng tỏ là một người có khả năng thực sự, có sức thuyết phục và lôi cuốn thực sự. (Nếu ông ta là “gà mờ”, thì không thể lôi cuốn những cuộc nói chuyện qui tụ hàng trăm ngàn người (St Louis, Denver), hàng chục ngàn người (Orlando), trên 200.000 người ở Đức. Chúng tôi đã theo dõi các buổi diễn thuyết, tranh luận của ông và thấy rõ ông là người có tài thực sự.

Thứ tư, với sự ngưỡng mộ của người dân các nước hiện nay, ông ta có nhiều cơ hội phục hồi những thiệt hại ngoại giao mà chính phủ Bush đã gây ra. Đối với Phi Châu, một lục điạ nhiều tài nguyên chưa khai phá, đang bị Trung Cộng chiếm lĩnh ảnh hưởng, ông Obama là người sẽ dễ dàng mang Phi Châu gần lại Hoa Kỳ hơn bất cứ người tổng thống nào khác.

Thứ năm, Dân Chủ làm một đảng có truyền thống quan tâm tới vấn đề nhân quyền. Hy vọng chính phủ mới sẽ quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam hơn.

Thứ sáu, giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay, đất nước lại đang phải đối đầu với 2 cuộc chiến, giai đoạn này cần thiết phải có một hành pháp và một lập pháp thống nhất mới có thể có những quyết định nhanh chóng. Lịch sử chứng tỏ Dân Chủ có khả năng phục hồi kinh tế quốc gia hơn.

Thứ bảy, ông McCain đắc cử cũng không hẳn sẽ làm gì lợi ích cho CSVN lắm, nhưng từ việc ông ta và Kerry bảo trợ để CSVN sưả đổi liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ; bà Cindy đang có liên hệ chặt chẽ với Việt Nam, công tác từ thiện của bà dành cho trẻ em sứt môi cũng là một công tác đáng ngưỡng mộ. Nhưng khi ông McCain trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thì CSVN chắc chắn sẽ khai thác tối đa để làn nãn chí những người tranh đấu trong nước!

CSVN hy vọng McCain đắc cử, tôi không muốn McCain đắc cử.

Đến giờ này, nếu không có điều gì bất thường xảy ra, tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ là Barack Obama.