[22/10/2008 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review]
Tuần báo The Economist số ngày 18-24/10/2008 nhận định rằng tình trạng tranh cử của Thượng nghị sĩ John McCain không mấy sáng sủa. Tuy nhiên tờ tuần báo uy tín và có nhiều ảnh hưởng này nói rằng cuộc tranh cử của Thượng nghị sĩ John McCain chưa phải là vô vọng, nếu ông John McCain biết đánh vào những nhược điểm chính của Thượng nghị sĩ Obama trong những ngày còn lại.
Sau đây là nội dung của bài báo “John McCain’s last chance”. http://www.economis t.com/world/ unitedstates/ displaystory. cfm?story_ id=12429421
Trần Bình Nam lược dịch
Trong các cuộc tranh cử trước đây Thượng nghị sĩ John McCain thường gặp cảnh ngộ lên voi xuống chó. Năm 2000 ông thất điên bát đảo tại South Carolina với ông Bush. Mùa hè năm 2007 tưởng như ông sẽ dẹp tiệm trong cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Cộng hòa. Thế nhưng ông vẫn vượt qua các khó khăn, được đảng đề cử và nay đang chạy nước rút vào tòa Bạch Cung .
Theo viện thăm dó dư luận Gallup, John McCain thua Thượng nghị sĩ Obama 7 điểm trong suốt hai tuần qua và các thăm dò khác cho thấy ông Obama đang dẫn đầu tại các bang vốn lưng chừng, và có cơ sẽ thắng tại các bang xưa nay vẫn bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, như bang Virginia và North Carolina. Nhưng điều đó không có nghĩa Thượng nghị sĩ John McCain không thể vượt qua các chướng ngại để về đích.
Thăm dò dư luận lên lên xuống xuống là thường. Giống như một quả bóng được bơm hơi thì căng phồng, nhưng nếu chọc đúng chỗ bằng một mũi kim bén thì nó có thể xìu xuống ngay. Trong cuộc bầu cử năm 1980 ông Ronald Reagan thua tổng thống Jimmy Carter với tỉ số 39% - 47% 10 ngày trước ngày bầu cử, nhưng cuối cùng ông Reagan đã thắng.
Để thắng, Thượng nghị sĩ John McCain cần bỏ ngay lối vận động tiêu cực. Chọn bà thống đốc Sarah Palin đứng phó tổng thống là một chọn lựa thiếu tính toán, nhưng quá trễ để bàn lui. Nhưng gần đây ông John McCain không mấy khéo léo khi đặt nghi vấn về lòng yêu nước của Thượng nghị sĩ Obama, và gắn hình ảnh ông Obama với Bill Ayers (1), một người Mỹ bị dư luận xem là chủ trương khủng bố và với mục sư Jeremiah Wright, một mục sư thiên tả. Đường lối tranh cử này làm bực mình giới cử tri độc lập và một số cử tri Cộng hòa. Người ta ghi nhận sự ủng hộ của cử tri Cộng hòa đối với Thượng nghị sĩ John McCain cũng có chiều giảm sút.
Vậy Thượng nghị sĩ John McCain phải “binh” đường nào để thắng? Có ba đường.
Thứ nhất, cần làm cho cử tri thấy rõ rằngThượng nghị sĩ Obama là một ứng cử viên Dân chủ ít có thiện cảm với giới kinh doanh nhất. Tổng thống Calvin Coolidge (2) từng nói: “Nói đến nước Mỹ là nói đến kinh doanh.” Ông Obama không có kinh nghiệm gì về kinh doanh. Ông chỉ làm việc cho công ty “Kinh doanh Quốc tế” (Business International) , một công ty cố vấn kinh doanh, trong một thời gian ngắn. Sau đó ông bỏ nghề kinh doanh sang làm việc cho các cơ sở bất vụ lợi (non-profits) , các công ty luật, các đại học và làm chính trị cho đến hôm nay. Đặc biệt ông Obama rất thân cận với hai giới luật sư và nghiệp đoàn là hai giới vốn có ác cảm với giới kinh doanh. Ông Obama và vợ đều là luật sư. Thượng nghị sĩ Joe Biden, người đứng phó cho ông Obama cũng là luật sư và cũng ghét giới kinh doanh. Ông Biden từng nói với các luật sư cãi trước tòa (trial laywers) rằng, “Quý vị và nghiệp đoàn là hai thành phần bảo vệ người dân khỏi sự bóc lộc của các đại công ty.”
Nghiệp đoàn Hoa Kỳ đang chờ ông Obama thắng cử để gây lại thanh thế, và đã chi tiêu 200 triệu mỹ kim để ủng hộ Obama. Nghiệp đoàn muốn bãi bỏ luật “bầu phiếu kín” (3) khi lấy quyết định thành lập nghiệp đoàn. Và nghiệp đoàn muốn bãi bỏ luật ấn định quyền làm việc (right-to-work laws) hiện còn áp dụng tại 22 tiểu bang Hoa Kỳ. Luật này cấm không được bắt buộc thợ thuyền trong một số ngành nghề phải vào nghiệp đoàn.
Thư hai, Thượng nghị sĩ John McCain cần chỉ ra cho cử tri thấy sự nguy hiểm nếu lần này đảng Dân chủ kiểm soát cả Quốc hội và Tòa Bạch Cung. Kỳ bầu cử này đảng Dân chủ có phần chắc lấy thêm 10 đến 20 ghế tại Hạ nghị viện, và tại Thượng viện đảng Dân chủ có nhiều hy vọng đạt được đa số 60 ghế để thông qua bất cứ gì họ muốn bất chấp ý kiến của đảng Cộng hòa (4). Hiện đảng Dân chủ có 51 ghế, và có khả năng thắng 8 ghế đảng Cộng hòa đang nắm giữ, chưa kể còn vài ba ghế vốn đất của đảng Cộng hòa hiện rất ngang ngữa.
Người Mỹ thường không thích một đảng nắm cả lập pháp và hành pháp. Trong 28 năm từ khi tổng thống Reagan đắc cử cho đến nay chính quyền một đảng (nắm cả hành pháp và hai viện quốc hội) chỉ xẩy ra trong 6 năm – 2 năm với Clinton và 4 năm với George W. Bush. Thượng nghị sĩ John McCain cần cho cử tri thấy ông có đủ kinh nghiệm tại quốc hội, nên nếu là tổng thống ông có đủ khả năng ngăn chận sự thái quá của quốc hội do đảng Dân chủ kiểm sóat, đồng thời ông cũng có khả năng làm việc với một quốc hội đối lập khi cần thiết.
Thứ ba và sau cùng, Thượng nghị sĩ John McCain cần cho cử tri biết Thượng nghị sĩ Obama chưa bao giờ làm điều gì trái ý với đảng Dân chủ. Tại Chicago ông ta luôn hành động theo đường lối của nghiệp đoàn và trong bộ máy thiên tả của gia đình Daley. Tại Thượng nghị viện ông Obama bỏ phiếu 97 lần trong 100 theo đảng Dân chủ. Obama không có tính độc lâp. Về phá thai ông Obama theo đường lối phóng túng nhất nghĩa là rất rộng rãi trong việc cho phép phá thai muộn.
Kinh nghiệm cho thấy một ông tổng thống Dân chủ kinh nghiệm và có khuynh hướng độc lập cũng khó cưỡng lại một quốc hội Dân chủ, huống gì một ông tổng thống còn non nớt và có quá trình chỉ biết “làm theo” như ông Obama thì làm sao có thể lãnh đạo quốc gia một cách có hiệu quả.
Cần công nhận rằng Thượng nghị sĩ John McCain gốc quân nhân nên ông không có khả năng làm giàu, ông giàu nhờ vợ. Trong khi Thượng nghị sĩ Obama có can đảm “húc” guồng máy chính trị của gia đình Clinton và thành công (nhờ biết nuông chiều các tập đoàn quyền lợi trong đảng Dân chủ vốn ghét gia đình Clinton).
Tuy nhiên nếu Thượng nghị sĩ John McCain làm nổi bật được ba nhược điểm căn bản của Thượng nghị sĩ Obama cử tri sẽ có chất liệu để cân nhắc.
Vận động tranh cử bằng khẩu hiệu “Hãy bỏ phiếu cho tôi để tránh nạn hồng thủy” không phải là đường lối tranh cử chân phương. Nhưng Thượng nghị sĩ John McCain không còn con đường nào để đi đến thắng lợi bằng con đường duy nhất còn lại đó.
Chú thích:
(1) Bill Ayers (William Charles Ayers) 64 tuổi, làm việc trong ngành giáo dục. Ông vốn chủ trương chống chiến tranh Việt Nam. Năm 1969 cùng với nhiều người khác ông thành lập tổ chức Weather Underground chuyên đặt bom các công sở chính phủ. FBI liệt ông vào thành phần khủng bố nội địa. Ông Bill Ayers hiện là giáo sư tại đại học Illinois (University of Illinois, Chicago) 2) Calvin Coolidge: tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ (3) Nghiệp đoàn không thích luật buộc “bỏ phiếu kín” vì nếu bỏ phiếu kín nghiệp đoàn không làm áp lực thợ thuyền được. (4) Để có thể biểu quyết phải chấm dứt cuộc thảo luận. Theo nội quy Thượng viện muốn chấm dứt thảo luận phải có tối thiểu 60 phiếu đồng ý. Nếu phe đa số không kiểm soát trên 60 ghế thì phe thiểu số cứ lên phát biểu hoài (gọi là filibuster) và phe đa số không có cách gì chấm dứt cuộc thảo luận để biểu quyết thông qua dự luật mình muốn dù nắm đa số trong tay. |