Ðừng nghe những gì Obama nói... Hãy lo những gì ông sẽ làm |
Tác Giả: Nguyển Xuân Nghĩa |
Thứ Bảy, 25 Tháng 10 Năm 2008 13:47 |
Hoa Kỳ đang bơi trong khủng hoảng tài chánh và vì vậy trôi vào nạn suy trầm kinh tế mà từ năm ngoái rồi, người ta dự đoán là sẽ xảy ra. Suy trầm (recession) là khi kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn trong hai quý liền. Nặng hơn thì có nạn suy thoái (depression) là sản xuất không tăng dù chậm hơn mà còn giảm. Khi theo dõi cuộc tranh cử, đa số dân Mỹ không phân biệt hai tình trạng ấy và cứ nghe nói đến suy thoái hay khủng hoảng. Cũng một phần vì lý do ấy mà chỉ số tin tưởng của giới thiêu thụ mới sút giảm thể thảm. Trong thực tế, nhờ xuất cảng mạnh sản xuất kinh tế vẫn có tăng trong sáu tháng đầu năm sau một chu kỳ tăng trưởng đều từ 2002, ngược với dự báo của nhiều người. Bây giờ, kinh tế có thể đang trôi vào suy trầm vì khủng hoảng tài chánh bùng nổ vào thời điểm bất lợi, khiến thị trường chứng khoán sụp đổ, rồi cứ vùng lên là lại sụt với mức độ thăng giáng cực kỳ thất thường nội trong một ngày. Cùng sự trồi sụt ấy là kết quả khảo sát và thăm dò ý kiến dân Mỹ về cuộc tranh cử Tổng thống giữa hai liên danh McCain-Palin bên Cộng Hòa và Obama-Biden bên Dân Chủ. Nhìn từ bên ngoài, giới kinh tế đang cân nhắc về tương lai và thu gọn dự đoán của họ vào dạng thức của đường tuyến biểu hiện sức sản xuất kinh tế. Lạc quan nhất là khi kinh tế suy sụp mạnh nhưng sẽ hồi phục thật nhanh, với đường tuyến biểu hiện là chữ V. Thời gian suy trầm có thể là từ ba đến sáu tháng, tệ lắm là chín tháng. Bất trắc hơn thế, có giả thuyết kinh tế sa sút, rồi bò ngang trong một giai đoạn khá lâu trước khi hồi phục, với đường tuyến biểu hiện là chữ U. Thê thảm nhất là kịch bản chữ L, là sản xuất sút giảm rồi cứ bơi dưới đáy mà chưa biết bao giờ mới ngoi lên. Có khi phải mất vài năm! Tức là suy trầm kéo dài và đào sâu thành suy thoái. Như vậy, tương lai sẽ như là chữ L, chữ U hay chữ V? Ai biết được? Theo định nghĩa, ta chỉ biết kinh tế suy trầm hay chưa sau khi thu thập thống kê kinh tế của các tháng trước. Cho nên, mọi chuyện đều chỉ là phỏng đoán. Người ta thường mỉa mai rằng các nhà kinh tế đã dự đoán sai chín trong sáu vụ suy trầm của quá khứ. Nôm na là chưa bị suy trầm đã la hoảng! Cũng về khả năng dự báo, nhiều nhà nghiên cứu còn dùng dữ kiện kinh tế để ước đoán kết quả tranh cử chính trị, với kết luận kiểm nghiệm từ quá khứ rằng khi kinh tế sa sút và thị trường chứng khoán tuột giá trong năm tranh cử, đảng cầm quyền sẽ thất cử. Bây giờ, khi kinh tế đang sa sút, thị trường chứng khoán Mỹ bị sụt đáy và khủng hoảng tài chánh đã phá vỡ những tổ hợp đầu tư tài chánh lớn nhất của Mỹ, đảng Cộng Hòa của ông Bush sẽ bị cử tri trừng phạt: liên danh McCain-Palin thất cử và đảng Dân Chủ chiếm đa số còn lớn hơn trong lưỡng viện Quốc hội. Huống hồ, tám năm cầm quyền của ông Bush và thành tích quá tệ của đảng Cộng Hòa trong Quốc hội khiến cho, từ năm ngoái rồi, người ta đã dự báo là đảng Dân Chủ sẽ thắng lớn năm nay. Ðiều kỳ lạ là dù được... thiên thời địa lợi nhân hòa, Obama không thể dẫn trước McCain quá năm điểm trong mấy tháng liền - cho tới vụ khủng hoảng tài chánh, cho tới quãng 15-29 Tháng Chín. Ðiều kỳ lạ thứ hai là dù Tổng Thống Bush là con vịt què vì sắp mãn hạn, chỉ được chưa đầy 30% dân Mỹ tín nhiệm (26% theo khảo sát mới nhất), Quốc Hội khóa 110 do đảng Dân Chủ kiềm soát từ Tháng Giêng năm 2007 lại có tỷ lệ tín nhiệm còn tệ hơn vậy, chỉ bằng từ một phần ba tới phân nửa tỷ lệ tín nhiệm tổng thống (khoảng 10%). Cho nên, dù đảng Dân Chủ đang có ưu thế, kết quả tranh cử sẽ còn gây bất ngờ và rất khít khao. Bây giờ, hãy đảo ngược bài toán: thay vì từ kinh tế suy đoán kết quả bầu cử năm nay thì dùng kết quả bầu cử mà suy đoán ra tương lai kinh tế năm tới, sẽ là L hay U hay V? Hãy đi từ gần đến xa.
Khủng hoảng tài chánh bùng nổ vì nạn bể bóng đầu cơ trên thị trường gia cư, rồi trên thị trường tín dụng thứ cấp (sub-prime), từ đó lan ra thị trường tín dụng - nơi vay mượn tiền. Nó lên tới cao điểm là nạn ách tắc tín dụng: các ngân hàng hết dám cho vay và hết dám cho nhau vay. Vì ách tắc tín dụng ấy, khủng hoảng tài chánh mới gây ra suy trầm kinh tế bên dưới vì làm cho sinh hoạt kinh tế kẹt tiền. Muốn vay tiền để kinh doanh, sản xuất hay tiêu thụ, người ta đểu thấy khó, kinh tế mới co cụm dần, trôi dần vào nạn suy trầm mà người ta tri hô từ trước. Các biện pháp can thiệp tới tấp của Ngân Hàng Trung Ương và chính quyền Hoa Kỳ (Hành Pháp lẫn Lập Pháp) đã gây thêm không khí hoảng loạn vì làm dân chúng tưởng rằng “nhà nước” càng cấp cứu, bệnh tình kinh tế càng suy sụp. Thật ra, trong nỗi bi quan hốt hoảng, người ta không chờ đợi tác dụng của các biện pháp cứu nguy và tự gieo họa vì sự hốt hoảng ấy. Nếu có khả năng tâm lý là nín thở theo dõi sự tình thay vì đạp lên nhau mà chạy, người ta đã có thể thấy ra vài yếu tố tích cực đang le lói ở cuối đường hầm. Thứ nhất là về phí tổn sản xuất. Khi dầu thô lên giá tới 147 đồng một thùng (kỷ lục ngày 11 Tháng Bảy) khiến giá xăng dầu vọt tới bốn đô la một ga lông, ai cũng nói đến phí tổn xăng dầu sẽ gây ra lạm phát và suy trầm sản xuất. Tuần qua, dầu thô chỉ còn chừng 70 đô la một thùng, giảm phân nửa nội trong ba tháng! Như vậy, sức ép của năng lượng đang nới dần, nên các chính khách hết nói tới xăng dầu, hết đòi trừng phạt bọn đẩu cơ hay các tổ hợp dầu khí Hoa Kỳ. Vấn đề tự nhiên tan biến! Yếu tố thứ hai, nghiêm trọng mà phức tạp hơn, là chỉ dấu của ách tắc tín dụng. Ðó là lãi suất mà các ngân hàng tính cho nhau khi cần vay qua đêm, London Interbank Offered Rate. LIBOR đã lên tới cực điểm là 6,88% vào ngày ban hành kế hoạch cứu nguy tài chánh, Thứ Sáu mùng ba tháng 10, qua Thứ Năm mùng chín, LIBOR vẫn lửng lơ trên đỉnh 5,09%. Thế rồi, trong bốn ngày cuối của tuần qua đã tuột dốc ngoạn mục. Hôm Thứ Sáu 17 chỉ còn là 1,67%, mức thấp nhất từ vụ khủng hoảng tài chánh - không, từ Tháng Chín năm 2004! Diễn giải cho rõ: các biện pháp trong toàn bộ kế hoạch cấp cứu bắt đầu công hiệu, chứng tỏ là giới hữu trách đã chẩn đúng bệnh và bốc đúng thuốc. Sự suy sụp của Wall Street đã xong. Trung tâm tài chánh này hết là trung tâm thế giới, các ngân hàng bị nạn cũng đang đụng đáy và ngoi lên khi tín dụng được giải tỏa. Việc vay mượn cho sinh hoạt kinh tế đang trở thành bình hòa, nếu như ta có can đảm bịt tai để khỏi nghe những lời báo động của chính trường trong mấy tuần tranh cử sau cùng. Cứ suy từ đó ra, có thể tiên đoán rằng kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm nặng trong ba tháng cuối năm và sẽ sớm hồi phục, cả thị trường gia cư cũng vậy! Nghĩa là ta gặp hoàn cảnh lạc quan của chữ V... Nhưng, dù lạc quan thì vẫn phải nhìn vào thực tế toàn cầu hóa. Hoa Kỳ bị ngã, đang lồm cồm bò dậy trước sự bàng hoàng của người dân. Ðấy là lúc dân Mỹ sẽ nghe nói đến một đợt tin xấu nữa. Thứ nhất, Âu Châu bị khủng hoảng nặng vì ngần ấy lý do đã thấy tại Mỹ, từ gia cư tới tín dụng thứ cấp, tới ách tắc tín dụng. Nhưng sẽ bị nặng hơn và lâu hơn Hoa Kỳ. Âu Châu không có một chế độ liên bang và cơ chế ứng phó gặp mâu thuẫn giữa yếu tố quốc gia của từng nước và yếu tố quốc tế của cả tập thể 15 nước sử dụng đồng Euro thống nhất và 27 nước của Liên Hiệp Âu Châu. Trong khi ấy, các ngân hàng của Tây Âu sẽ mất vốn nặng vì đã đầu tư quá nhiều tại các nước Ðông Âu cũ, từ vùng Baltic hướng Bắc xuống tới vùng Balkan phía Nam. Tuần qua, Iceland, Hungary và Ukraine đã kêu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Nhiều ngân hàng Âu Châu vì vậy có thể vỡ nợ. Và dư ba của trận bão Âu Châu sẽ đánh ngược về Mỹ khiến dư luận Hoa Kỳ lại qua một phen hốt hoảng chỉ vì khách nợ bên kia đại dương có thể làm chủ nợ bên này bị khốn đốn. Mà Hoa Kỳ không chỉ tiếp giáp với Ðại Tây Dương. Bên kia biển Thái Bình, đầu máy kinh tế thứ nhì của thế giới là Nhật Bản đang suy trầm và có thể khủng hoảng nặng vì sự suy sụp của hai thị trường nhập cảng lớn là Hoa Kỳ và Âu Châu. Vì ách tắc kinh tế chính trị, trong ba năm Nhật đã có ba Thủ tướng và sắp giải tán Quốc Hội để bầu lại và lập nội các mới! Bị suy trầm năm lần trong 18 năm, Nhật đang bị bội chi ngân sách tới 6,50% tổng sản lượng GDP. Xưa kia là một chủ nợ và chủ đầu tư của thế giới, nay đang có gánh nặng quốc trái lên tới 185% GDP. Cả hai tỷ lệ đều cao hơn Hoa Kỳ gấp bội! Vì hoàn cảnh đó, Nhật Bản khó ứng phó hơn và có thể bị khủng hoảng còn nặng hơn Mỹ.
Khi sóng đã tạm êm tại Mỹ, tới lượt Âu Châu và Nhật Bản trôi vào bão tố và vì trái đất hình tròn, kinh tế đã toàn cầu hóa, chấn động từ hai nơi đó sẽ dội ngược về Mỹ. Ðường tuyến của sinh hoạt kinh tế sẽ sụt mạnh, vừa tăng rồi lại sụt. May lắm thì sẽ có cái dạng của chữ W, tức là đụng đáy hai lần. Ðây cũng là lý do khiến lãnh đạo các nước mới nói đến nhu cầu phối hợp toàn cầu trong một thượng đỉnh sắp tới tại New York: phải xây dựng lại một kiến trúc tài chánh toàn cầu thay thế cơ chế cũ để mong là từ nay thit trường sẽ không bị khủng hoảng nữa. Thượng đỉnh sẽ được triệu tập sau ngày bầu cử của Mỹ và trước ngày nhậm chức của tổng thống đắc cử. Bây giờ, ta mới nhìn lại giả thuyết Tổng Thống Barack Obama. Xuất thân rất mờ ám từ cánh cực tả và là nghị sĩ thiên tả nhất Quốc Hội, Obama có chủ trương bao cấp cố hữu của cánh tả. Và không che giấu lập trường bảo hộ mậu dịch (protectionist) vì áp lực của các nghiệp đoàn. Khi kinh tế suy trầm, chủ trương bao cấp ấy tất nhiên dẫn tới tăng chi - lấy tiền ngân sách để kích cầu. Vì tính mị dân, Obama che giấu triết lý kinh tế chính trị truyền thống là tăng thuế để tăng chi mà nói tới giảm thuế. Từ hứa hẹn “giảm thuế cho 95% các gia đình đang lao động”, Obama phóng đại thành “giảm thuế cho 95% dân Mỹ đang lao động”. Thực tế là gần 40% dân Mỹ không thuộc diện đóng thuế! Biện pháp “tax credit” mà gọi là “tax cut” chỉ hàm ý rút tiền từ lợi tức thuế vụ an sinh xã hội và tăng thuế trên các thành phần dân chúng khác. Việc lấy tiền người này chi cho người kia để mua phiếu phản ảnh triết lý xã hội chủ nghĩa: chính quyền tự tiện tái phân lợi tức và chặn đứng đầu máy kinh tế, là giới đầu tư và sản xuất. Obama xứng tên là ObaMarx. Vào đúng giai đoạn suy trầm, chánh sách ấy khiến sinh hoạt kinh tế sẽ có cái dạng của chữ L. Suy trầm sẽ kéo dài hơn, các tiểu doanh bị khốn đốn hơn và thất nghiệp còn tăng, trong khi vật giá leo thang vì bội chi ngân sách. Những chuyện ấy, ta đã thấy dưới thời bao cấp của Carter: tăng trưởng thấp và lạm phát cao. Mà lại xảy ra cùng trào lưu bảo hộ mậu dịch, gây mâu thuẫn về ngoại thương giữa các nước. Khi thế giới đang muốn cải tổ hệ thống tài chánh toàn cầu cho thế kỷ 21, Hành Pháp và Quốc Hội trong tay đảng Dân Chủ sẽ góp phần làm ung thối kiến trúc tài chánh và thị trường kinh tế, nên khủng hoảng sẽ kéo dài lan rộng hơn. Ðó là bài học của Tổng Khủng Hoảng 1929-1933. Khi đó, vụ sụp đổ tại Wall Street vừa rồi mới chỉ là một chuyến du ngoạn. Tương lai còn bi thảm hơn nhiều cho cả Main Street! Hay các khu Bolsa, Bellaire... Một kịch bản còn gần với người Việt hơn, là Trung Quốc có thể trắc nghiệm đởm lược của tân tổng thống Ô Ba Hoa: “từ nay, các tổ hợp dầu khí Hoa Kỳ mà muốn đào dầu trong vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì phải có sự thỏa thuận của Bắc Kinh!” Tổng thống Obama sẽ làm gì? Bênh vực dầu khí Mỹ và quyền lợi Việt Nam? Nhiều phần, ông sẽ hỏi Joe Biden và được nhắc là Biden đã cắt quân viện cho miền Nam năm 1974 và không đồng ý cho dân Việt vào Mỹ tỵ nạn năm 1975! Ðừng nghe những gì Obama nói - mà hãy biết sợ về những gì ông ta sẽ làm! |