Home Tin Tức Thời Sự McCain Hay Obama?

McCain Hay Obama? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Khải   
Chúa Nhật, 26 Tháng 10 Năm 2008 23:46

"Ngắn gọn, ai sẵn sàng bán đứng cuộc chiến vì dân chủ tại VN? McCain và Palin? Obama và Biden? Hay là chúng ta nên thảy đồng xu hên xui? Ít nhất, tôi biết, đã có 2 lá phiếu khiếm diện đã bầu bằng cách thảy đồng xu sấp ngửa. Nói theo nhà Phật, thắng cử là chuyện của phước đức. Nói theo các tôn giáo khác, đây sẽ là Ý Trời."

Trần Khải

Trần Khải

 

Bạn sẽ bầu cho ai: McCain hay Obama? Đó là câu hỏi và là nỗi quan tâm bạn thường thấy nhất vào những ngày này, không chỉ trên mặt báo hay làn sóng phát thanh, mà còn cả trong giao tiếp thường ngày với bằng hữu. Nói chung, lựa chọn này có tính quan trọng cho hướng đi 4 năm sắp tới của Hoa Kỳ, và chắc chắn là sẽ ảnh hưởng cả nhiều ván cờ thế giới.
 
Bạn đừng nên tin hoàn toàn vào các bản thăm dò, bởi vì lúc nào cũng có xác suất sai lầm. Nhất là những ngày này, khi cận ngày bầu cử. Thí dụ, như tính tới đêm Thứ Năm 23-10-2008, nghĩa là còn 11 ngày nữa là tới ngày bầu cử, chúng ta thấy có ba bản thăm dò cho thấy ứng cử viên Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama hơn sát nút điểm với ứng cử viên Tổng Thống Cộng Hòa John McCain: 3 bản thăm dò từ 3 nhóm nghiên cứu AP/GfK,  IBD/TIPP Poll, George Washington University Battleground Poll. Nhưng có khoảng 7 hoặc 8 cuộc thăm dò khác cho thấy điểm của Obama hơn McCain khoảng từ 5% tới 12% điểm. Thêm nữa, thăm dò là nhắm tới người sẽ bầu vào ngày bầu cử. Chứ còn bây giờ thì rất nhiều người đã bầu phiếu khiếm diện qua đường bưu điện rồi.
 
Vậy thì thăm dò nào đúng, thăm dò nào sai? Thực tế, bản thăm dò nào cũng sai hết. Vấn đề chỉ là sai ít hay sai nhiều thôi. Bởi vì thăm dò toàn quốc mà chỉ lấy mẫu có cỡ một ngàn người để phỏng vấn là sai quá cỡ rồi. Có gì bảo đảm là nhóm một ngàn người này đại diện cho hàng chục triệu cử tri? Dù lấy mẫu theo mô hình khoa học cỡ nào, cũng sẽ có sai. Bản thân tôi ở Quận Cam, đi bầu nhiều lần, mà chưa bao giờ nhận được cú điện thoại nào thăm dò cả. Thế cho nên, vì không tin hẳn vào một cuộc thăm dò, thì nên lấy trung bình cộng của cả chục bản thăm dò. Kết quả trung bình cộng này tính vào đêm Thứ Năm, cho thấy Obama nhiều phần sẽ thắng, trừ phi số người ủng hộ Obama bỗng nhiên làm biếng đi bầu hay trừ phi McCain giờ chót có độc chiêu..
 
Thực sự, McCain vẫn có riêng một số độc chiêu đối với cử tri Mỹ gốc Việt. Thứ nhất là số người Việt được sang Mỹ di dân theo diện Tu Chánh Án McCain hiển nhiên là không quên ơn của Thượng Nghị Sĩ John McCain. Đó cũng là một lý do ẩn tàng, thầm kín để nhiều cựu tù nhân chính trị Việt Nam mấy tuần trước đã sang Dallas, Texas, dự một buổi họp mặt cựu tù, và tất nhiên là ai cũng nhắc tới Tu Chánh Án McCain đã đưa hàng chục ngàn gia đình cựu tù chính trị VN sang Mỹ. Hàn Tín thời xưa ăn một chén cơm của cụ bà Phiếu Mẫu, suốt đời còn mang ơn. Huống gì là gia đình cựu tù nhân chính trị Việt Nam, được sang Mỹ nhờ McCain.  Nhưng thành phần gia đình cựu tù vẫn không phải là đa số trong cộng đồng Việt, vì các thế hệ thứ nhì đã có đời sống riêng và tất nhiên là có suy nghĩ  nhiều chất Mỹ hơn chất Việt.
 
Vậy rồi Hà Nội ủng hộ ai? Trên nguyên tắc, nhà nước CSVN không hó hé gì chuyện này, vì ủng hộ nhằm người thất cử thì sẽ lãnh búa. Nhưng qua dư luận và một số bài báo đã cho thấy: đa số người Việt trong nước ủng hộ McCain. Đơn giản, vì McCain có một phần da thịt là cơm gạo, là nước mắm Việt Nam; và vợ McCain đang giúp từ thiện cho một số nơi ở VN. Còn ông Obama thấy rõ toàn là bánh mì, bơ sữa thôi.
 
Thêm nữa, McCain còn có ơn lớn với dân tộc Việt Nam là đã vận động gỡ cấm vận, vận động để bang giao Mỹ-Việt. Tuy những hồ sơ này đã là cớ cho một số người vin vào để chỉ trích McCain là đã cứu nguy cho CSVN khỏi sụp đổ (bạn hẳn đã nghe trên một vài làn sóng phát thanh ban đêm ở  Quận Cam chụp nón cối cho McCain như thế rồi), nhưng bạn hãy suy nghĩ xem: nếu Mỹ còn cấm vận VN như Cuba, như Bắc Hàn tới giờ, thì bây giờ đã không thể có phong trào dân chủ như Khối 8406, không thể có đình công nhiều ngàn công nhân liên tục nhiều ngày, và không thể nào có những cuộc cầu nguyện  nhiều ngàn giáo dân ở Hà Nội đòi đất như các thời gian qua. Và thực tế, nếu còn cấm vận, dù bạn đã vượt biên được, bạn cũng không thể bảo lãnh được gia đình sang. Thú thật, để tâm sự chuyện riêng: người dì ruột của tôi không ưa McCain. Bà đang ở Quận Cam, và cứ nhất định nói là phải bầu cho Obama, vì dì cho rằng McCain giúp cho Việt Cộng nhiều quá.
 
Còn đứng trên cương vị của một nhà văn, bạn sẽ thấy rằng không có gì nhiều chất tiểu thuyết siêu thực hơn, khi một cựu tù binh Mỹ từ nhà tù Hỏa Lò trở về và vài thập niên sau lại vào Bạch Ốc. Chuyện này có lợi gì cho cuộc chiến dân chủ và nhân quyền Việt Nam không? Một cách chính xác, tôi vẫn tin rằng chính sách Mỹ đối với VN không thay đổi, dù là Obama hay McCain thắng cử. Nhưng nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho VN tin là cần có McCain vào Bạch Ốc. Nổi bật nhất trong các nhà hoạt động này là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu giám đốc Đài Á Châu Tự Do, người đã miệt mài làm việc ngày đêm (và cả viết bài lý luận) trong ban vận động cho McCain. Có vẻ như Giáo Sư Bích đã hăng say bênh vực McCain như dường rằng Obama vào Bạch Ốc sẽ cho im tiếng Đài Á Châu Tự Do?

Chưa hết, linh mục Phan Văn Lợi từ Huế cũng đã góp tiếng kêu gọi hỗ trợ cho McCain. Hẳn nhiên không phải là chuyện về các vấn đề trong xã hội Mỹ (kiểu như chống phá thai, chống đồng tính), mà chỉ vì quan tâm tới cuộc chiến nhân quyền. Nhưng linh mục Lợi có đọc và biết bao nhiêu về nền chính trị Mỹ, để kêu gọi xin giúp McCain? Chúng ta đành nghĩ rằng, đó có thể là do một trực giác của một linh mục đang đứng ở tuyến đầu nhân quyền? Hay để đơn giản, nói theo kiểu một anh bạn trong đại hội cựu tù mới đây ở Dallas, rằng McCain có mùi nước mắm, vẫn tốt hơn là mùi bơ sữa của Obama. Thêm nữa, anh bạn này cũng nhắc, McCain từng đứng giữa Little Saigon và nói rằng "Bọn gian tà đã thắng Cuộc Chiến Việt Nam…"

Nhưng, cũng nên nhìn thêm một chiều khác. Trong cộng đồng Việt, vẫn có nhiều người ủng hộ Obama. Thí dụ, như Giáo Sư Lâm Nguyễn Kim Oanh và nhà hoạt động Lily Hiếu Ngọc Nguyễn, hai người mới tuần trước đã viết các bài cổ động cho Obama. Riêng bản thân Obama cũng từng nói rằng ông có chất Châu Á từ Hawaii, từ Indonesia. Để cho công bằng, nơi đây chúng ta nên nhắc rằng đích thân Obama đã gửi một thư tới các cử tri Châu Á, nói với 13 triệu dân gốc Á tại Mỹ rằng: "Tôi sinh ở Hawaii, một tiểu bang có đa số là dân gốc Á, nơi hầu hết thời niên thiếu tôi đã ở đó, và tôi đã sống ở Indonesia… Chị/em tôi có nửa dòng máu Indonesia, và chị/em tôi kết hôn với một người Canada gốc Trung Hoa."
 
Vậy còn McCain? Các bản thăm dò hiện cho thấy, theo tin AFP, McCain được 2/3 cử tri Mỹ gốc Việt ủng hộ. McCain lại có một cô con nuôi 17 tuổi là gốc Bangladesh, do dòng tu Mẹ Teresa ở Ấn Độ giao cho bà Cindy McCain.
 
Còn một câu hỏi nữa: giữa McCain và Obama, sau khi bầu cử xong xuôi, trong cam kết của cả hai là đều sẽ cắt giảm ngân sách, vị Tổng Thống nào có thể suy tính chuyện cắt phăng luôn ngân sách của Đài Á Châu Tự Do? Ai sẽ sẵn sàng cho im tiếng làn sóng ưa loan tin về nhân quyền VN này?
 
Ngắn gọn, ai sẵn sàng bán đứng cuộc chiến vì dân chủ tại VN? McCain và Palin? Obama và Biden? Hay là chúng ta nên thảy đồng xu hên xui? Ít nhất, tôi biết, đã có 2 lá phiếu khiếm diện đã bầu bằng cách thảy đồng xu sấp ngửa. Nói theo nhà Phật, thắng cử là chuyện của phước đức. Nói theo các tôn giáo khác, đây sẽ là Ý Trời.