Cali, 16/10/2008
Chú thích : Tác giả là một sĩ quan trong QLVNCH trước 1975, cấp bậc Đại Tá.
Chức vụ cuối cùng ở VNCH là Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II / Quân Khu 2 (Pleiku).
Sau 1975, định cư ở Virginia, Hoa Kỳ, và di chuyên về California năm 1977.
Trước khi về hưu năm 2007, tác giả làm việc cho Sở Ghi Danh Cử Tri (tức Sở Bầu Cử) quận Orange với chức vụ Trưởng Phòng Tiếp Ngoại, Đặc trách Cộng Đồng Việt Nam.
Công việc gồm dịch thuật tài liệu bầu cử, hướng dẫn cử tri Mỹ gốc Việt trong việc bầu cử qua những phương tiện truyền thông, tuyển mộ và hướng dẫn nhân viên song ngữ cho các phòng phiếu, vân vân.
Trong thời gian tại chức, ông không có quyền phát biểu ý kiến riêng về bất cứ ứng cử viên hay dự luật trong bất cứ cuộc bầu cử nào.
Nay sau khi đã nghỉ hưu trí, ông không còn bị ràng buộc bởi luật lệ ấy nữa.
Sau đây là bài chuyển ngữ của ông từ một bài báo về cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2008 của tác giả Andy Sullivan của hãng Reuters do báo OC Register đăng lại ngày Thứ Hai 06/10/2008.
Để giúp độc giả hiểu thêm về ý kiến của tác giả bài báo, ông Lê Khắc Lý có ghi thêm một số dữ kiện do ông sưu tầm về cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ và tiếp theo trong phần sau là ý kiến riêng của ông.
Khả Năng Có Thể Sẽ Có Số Phiếu Ngang Nhau Trong Cuộc Chạy Đua Của Mc Cain - Obama Vào Chức Vụ Tổng Thống Hoa Kỳ
Hạ Viện, cơ quan sẽ phá vỡ sự ngang phiếu này, đã từng quyết định một cuộc bầu cử lần mới nhất là trong năm 1824.
Bài của Andy Sullivan (Reuters) do Nhật Báo OC Register đăng trong số báo ra ngày Thứ Hai 06/10/2008, trang News 5.
Lê Khắc Lý chuyển ngữ.
* * * * *
Washington - Một điều khả hữu có thể xảy ra là ứng cử viên Cộng Hoà John Mc Cain và ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama có thể chia nhau số phiếu trong một tình trạng mà mỗi người đều không đủ số phiếu tối thiểu để thắng cử.
Muốn được đắc cử Tổng Thống, một ứng cử viên phải thắng đủ tối thiểu 270 phiếu cử tri đoàn.
Nếu ông Mc Cain thắng phiếu ở Virginia, New Hampshire, Florida và Ohio nhưng thua phiếu về tay Obama ở Pennsylvania, Colorado, New Mexico và Iowa, cả hai ứng cử viên cuối cùng có thể sẽ chỉ chiếm được tới 269 phiếu cử tri đoàn.
Trường hợp khác, tuy hiếm xảy ra - giả sử như ông Mc Cain thua phiếu ở Virginia và New Hampshire nhưng lại thắng ở Michigan thì kết quả cũng có thể đưa đến một sự ngang bằng nhau về số phiếu.
Hạ Viện chọn Tổng Thống
Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, lúc đó Hạ Viện sẽ phải quyết định kết quả bầu cử trong cuộc họp vào tháng Giêng, mỗi tiểu bang bầu một phiếu để phá vỡ sự ngang bằng này.
Lần mới nhất là vào năm 1824, Hạ Viện đã quyết định một cuộc bầu cử.
Hạ Viện với tổng số 435 ghế dưới sự kiểm soát của đảng Dân Chủ với số đại biểu từ 27 tiểu bang nhiều hơn đảng Cộng Hoà và có thể còn tăng thêm sau cuộc bầu cử tháng 11 này.
Tổng số dân biểu đảng Cộng Hoà đến từ 21 tiểu bang.
Có 2 tiểu bang có số dân biểu Cộng Hoà và Dân Chủ ngang nhau.
Một vài thành viên có thể cảm thấy áp lực để bầu cho ứng cử viên của đảng khác nếu ứng cử viên đó thắng ở tiểu bang hay ở địa hạt dân biểu của họ hoặc ứng cử viên đó thắng lớn một cách rõ rệt bằng số phiếu phổ thông trên toàn quốc, theo lời của giáo sư Robert Bennett của trường Đại Học Northwestern University.
Theo giáo sư Bennett, có thể còn có những kịch bản khác như : - Trước khi Hạ Viện họp, bộ tham mưu tranh cử của Obama và Mc Cain có thể cố gắng thuyết phục các thành viên trong Cử Tri Đoàn, những người sẽ thực sự bỏ lá phiếu cử tri đoàn cho mỗi tiểu bang, để họ chuyển sự ủng hộ của họ sang cho ứng cử viên của đảng mình.
Trong các cuộc bầu cử trong quá khứ, việc này đã từng thỉnh thoảng xảy ra nhưng không bao giờ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Những thành viên trong cử tri đoàn của khoảng chừng một nửa số tiểu bang trong nước thường bị bó buộc bởi luật lệ để bỏ phiếu đại diện cho phiếu bầu phổ thông.
Thượng Viện chọn Phó Tổng Thống
Trong khi Hạ Viện chọn Tổng Thống thì Thượng Viện chọn Phó Tổng Thống trong trường hợp có sự ngang bằng này.
Được kiểm soát bởi đảng Dân Chủ, Thượng Viện có thể chọn ông Joe Biden ngay cả khi nếu ông Mc Cain thắng cử bằng phiếu của Hạ Viện.
- Vị Phó Tổng Thống mới có thể là Quyền Tổng Thống nếu Hạ Viện không bầu được vị Tổng Thống mới vào lúc Tổng Thống Bush rời Toà Bạch Ốc ngày 20 tháng Giêng.
- Chủ Tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi, sẽ trở thành Quyền Tổng Thống nếu không viện nào đạt được kết quả bầu, nhưng bà sẽ phải từ nhiệm chức vụ ở Hạ Viện.
* * * * *
Sau đây là những dữ kiện do người chuyên dịch sưu tầm để giúp độc giả hiểu thêm về vấn đề này.
Real Clear Politics là một mạng lưới chuyên tổng kết kết quả thăm dò dư luận của các hãng về cuộc bầu cử.
Tổng kết thăm dò của Real Clear Politics về số Phiếu Cử Tri Đoàn (PCTĐ) của 50 Tiểu Bang trên toàn quốc và Thủ Đô (Washing ton DC) Hoa Kỳ (Real Clear Politics Electoral Count) được liệt kê như sau :
Ngày 06/10/2008 Obama/Biden có 264 PCTĐ gồm : Chắc Chắn cho Obama 192 Phiếu (15 Tiểu Bang) : CA (55) ; CT (7) ; DC (3) ; DE (3) ; HI (4) ; IA (7) ; IL (21) ; MA (12) ; MD(10) ; ME (4) ; NY (31) ; OR (7) ; PA (21) ; RĨ) ; VT (3). Thiên về Obama 72 Phiếu (7 Tiểu Bang) : MI (17) ; MN (10) ; NH (4) ; NJ (15) ; NM (5) ; WA (11) ; WI (10).
McCain/Palin có163 PCTĐ gồm : Chắc Chắn cho McCain 163 Phiếu (19 Tiểu Bang) : AK (3) ; AL (9) ; AR (6) ; AZ (10) ; ID (4) ; KS (6) ; KY (8) ; LA (9) ; MS (6) ; MT (3) ; ND (3) ; NE (5) ; OK (7) ; SC (8) ; SD (3) ; TN (11) ; TX (34) ; UT (5) ; WY (3). Thiên Về Mc Cain 20 Phiếu (2 Tiểu Bang) : GA (15) ; WV (5).
Còn Nghi Vấn (nghĩa là chưa biết sẽ ngả ngũ về ai) 111 Phiếu (8 Tiểu Bang) : CO (9) ; FL (27) ; IN (11) ; MO (11) ; NC (15) ; NV (5) ; OH (20) ; VA (13).
Ngày 14/10/2008 (Trước cuộc tranh luận lần thứ ba, ngày Thứ Tư 15/10/2008 ở New York) Obama/Biden có 313 PCTĐ, Mc Cain /Palin có158 PCTĐ. Còn Nghi Vấn (nghĩa là chưa biết sẽ ngả ngũ về ai) 67 Phiếu.
Ngày 16/10/2008 (Sau cuộc tranh luận lần thứ ba, ngày Thứ Tư 15/10/2008 ở New York).
Obama/Biden có 286 PCTĐ. McCain/Palin có158 PCTĐ. Còn Nghi Vấn (nghĩa là chưa biết sẽ ngả ngũ về ai) 94 Phiếu.
Lời chú của người viết : Tổng số Cử Tri Đoàn của 50 Tiểu Bang và Thủ Đô DC là 538. Một nửa của số này là 269. Quá một nửa mới thắng cử được, tức là 270 trở lên.
Như vậy theo kết quả thăm dò của Real Clear Politics vào ngày 06/10/2008 trên đây, nếu đúng, xin lặp lại "nếu đúng" mà thôi, thì Thượng Nghị Sĩ Barack Obama chỉ cần 6 phiếu Cử tri Đoàn nữa (264 + 6 = 270) là thắng cử ; đây là điều tương đối không khó lắm cho TNS Obama.
Còn về phần Thượng Nghị Sĩ John McCain, ông phải cần lấy hết số phiếu Cử tri Đoàn Còn Trong Vòng Nghi Vấn mới thắng được (163 + 111 = 270) ; đó sẽ là điều rất khó cho TNS John Mc Cain.
Còn các cuộc thăm dò tiếp theo, ví dụ như trước và sau cuộc tranh luận lần thứ ba của hai ứng cử viên vào ngày Thứ Tư 15 tháng 10, 2008 (tức là các cuộc thăm dò vào các ngày14/10/2008 và 16/10/2008), TNS Barack Obama đã thắng và có dư số phiếu tối thiểu để được đắc cử và TNS John Mc Cain đã thua một cách rõ rệt.
Điểm cần lưu ý ở đây là điểm của TNS Barack Obama đã giảm, từ 313 xuống 286, mất đi 27 điểm.
Tuy nhiên đây chỉ mới là DỰ ĐOÁN mà thôi của các cơ quan thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử khoảng hơn hai tuần lễ.
Kinh nghiệm mới nhất là trong cuộc tranh cử giữa các TNS Hillary Clinton và Barack Obama trong cuộc chạy đua để được sự đề cử của đảng Dân Chủ làm Ứng Cử Viên Tổng Thống, các cuộc thăm dò đều đoán sai hết.
Hầu hết các cuộc thăm dò đều cho là Bà Hillary Clinton sẽ được đảng đề cử. Kết quả ngược lại như hiện nay ai cũng biết.
Về sau người ta mới suy đoán là những người được hỏi ý kiến có lẽ đã không muốn nói thật, hoặc số người được các hãng thăm dò chọn để hỏi ý kiến không thuộc thành phần tiêu biểu thật sự.
Cho nên kết quả thăm dò đã trở nên không còn đáng tin cậy nữa.
Hiện nay người ta đang nói đến "Hiệu Ứng Bradley", tức là việc ứng cử của Ông Tom Bradley, từng là Thị Trưởng Los Angeles, vị Thị Trưởng da đen rất thành công đầu tiên trên toàn quốc (5 nhiệm ký từ 1973 đến 1993).
Vào các năm 1982 và 1986, ông ra tranh cử vào chức vụ Thống Đốc Tiểu Bang California.
Ông Bradley là đảng viên Dân Chủ và là người da đen, tương tự như trường hợp TNS Barack Obama ngày nay.
Đối thủ của ông trong cả hai cuộc bầu cử đếu là người da trắng và là đảng viên Cộng Hoà.
Các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử trong cả hai lần ứng cử đó đều cho thấy ông Bradley dẫn trước đối thủ của ông là người da trắng và đảng viên Cộng Hoà đến 14 điểm.
Đa số dư luận giới truyền thông và người dân đều một mực tin rằng ông Bradley sẻ đắc thắng vẻ vang.
Kết quả ngược hẳn lại. Và ông đã thua đối thủ của ông cũng khoảng 14 điểm.
Ngày nay người ta gọi đó là "Hiệu Ứng Bradley".
Lý do của sự sai trật này cũng được nghĩ có lẽ là vì ngưới da đen quá tin tưởng vào kết quả thăm dò nên thấy "không cần" đi bỏ phiếu nữa vì "gà" của mình chắc ăn quá rồi.
Có lẽ cũng vì nghĩ thế nên vừa mới đây TNS Barack Obama đã nhắc nhở cho cử tri ủng hộ ông "đừng ngủ quên trên chiến thắng".
Sau đây người viết xin đóng góp vài ý kiến táo bạo cho một sự dự đoán kết quả bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2008 này.
Người viết xin xác nhận không hề có ý thiên vị hay miệt thị một chính đảng hay một cá nhân ứng cử viên nào.
Trái lại, người viết luôn luôn kính trọng mọi ứng cử viên. Những ý kiến sau đây chỉ là lời bàn trong tinh thần tự do phát biểu ý kiến mà thôi.
Ngư Ông Đắc Lợi
Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ kỳ này rất lý thú và gay cấn, có nhiều điểm đặc biệt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Chẳng hạn như : (1) Các Ứng Cử Viên có giới nữ (Bà TNS Hillary Clinton, Bà Thống Đốc Sarah Palin) và giới da màu (Ông TNS Barack Obama) ; (2) Các ứng cử viên chánh (TNS Obama và TNS Mc Cain) đều là các Thượng Nghị Sĩ đương nhiệm ; (3) Tuổi tác của hai ứng cử viên đối thủ chênh lệch nhau cả ba thập niên (TNS Mc Cain ở tuổi 70 và TNS Obama ở tuổi 40) ; (4) Cuộc tranh cử trong nội bộ đảng Dân Chủ trong suốt mấy tháng qua rất sôi nổi, gây chú ý không những trên toàn quốc Hoa Kỳ mà còn trên khắp thế giới nữa.
Một sự tiên đoán mà tôi nghĩ chắc mọi người đều đồng ý là sự tham gia của cử tri các giới sẽ rất đông đảo, có thể tạo kỷ lục cho sự tham gia bầu cử trong lịch sử Hoa Kỳ.
Các giới như Cộng Hoà, Dân Chủ, nam, nữ, giới cao niên, giới trẻ, cử tri có khuynh hướng bảo thủ, cử tri có khuynh hướng tự do phóng túng, da trắng, da màu, các nhóm sắc tộc khác … đều sẽ náo nức tham gia do tự mình thấy hào hứng hay do những sự thúc đẩy của các vận động viên.
Trong khi các cuộc thăm dò, tuy không thể tin tưởng 100% được, cũng đều gần như đồng loạt chứng tỏ cho thấy TNS Barack Obama đang dẫn đầu một cách có vẻ như chắc ăn và đã có rất nhiều người tin tưởng rằng TNS John Mc Cain sẽ không thể nào thắng được.
Tuy nhiên, người viết có ý nghĩ khác.
Ai cũng phải công nhận TNS Barack Obama trẻ, khỏe, nhiều nghị lực, thông minh, lanh lợi, có học thức cao, tuy chưa có kinh nghiệm về hành chánh và chính trị nhiều.
Song le trong lịch sử Hoa Kỳ, đã có những vị Tổng Thống khi ra ứng cử đều chưa có kinh nghiệm và đã đắc cử và đã thành công trong chức vụ Tổng Thống.
Yếu tố màu da lại càng không phải là yếu tố gây trở ngại cho việc lãnh đạo. Do đó TNS Barack Obama có đủ khả năng làm Tổng Thống Hoa Kỳ.
Còn TNS John Mc Cain quả thật là một nhân vật cao tuổi, có thành tích yêu nước, anh hùng đáng trọng vọng.
Những người thuộc lớp cao niên, những người bảo thủ và nhất là cử tri Mỹ gốc Á Châu, đặc biệt là người Việt chúng ta đều cho đó là điều kiện chính yếu cho một vị lãnh đạo quốc gia.
Nhưng theo cung cách suy nghĩ của người Mỹ "tự do" ngày nay, những điều đó không hẳn là yếu tố vững chắc để được đắc cử vào chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ.
So với TNS Barack Obama, ông lại là một người chậm chạp, kém hiểu biết hơn, sức khỏe và sự lanh lợi đều thua xa.
Tuy nhiên vì "hoàn cảnh và tình thế", ông Obama khó thành công kỳ này, ý người viết muốn nói đến ở đây là thời điểm chưa thuận lợi cho một người da màu làm Tổng Thống Hoa Kỳ. Có thể một thời gian nữa.
Hãy xem vụ Rodney King, một người da đen "bị" cảnh sát hành hung bắt giữ rồi ra toà và được bồi thường, và vụ OJ Simpson, một cầu thủ thể thao da đen nổi tiếng và rất giàu có, bị tình nghi giết vợ, ra toà, "trắng án" ở Los Angeles mới mấy năm trước đây thì rõ.
Cả hai vụ đều đã gây ra những sự lộn xộn loạn đả chết người, hư hao tài sản lớn lao.
Người Mỹ chưa sẵn sàng hay nói một cách chính xác hơn, đa số người Mỹ da trắng chưa sẵn sàng chấp nhận một sự "khác thường", ngoài cái "norm" ("thói quen thường lệ") của họ.
Cái "norm" đó là một tổng thống người đàn ông da trắng. TNS Barack Obama có thể sẽ là một người "anh hùng" tiên phong trong lần này. Tuy nhiên phải cần sau một hay vài lần ứng cử, chắc chắn ông sẽ thành công và thành công vẻ vang.
Kết quả các cuộc thăm dò như kể ở trên, tuy hấp dẫn cho TNS Barack Obama, nhưng không đáng tin cậy lắm.
Kinh nghiệm trong cuộc chạy đua giữa TNS Hillary Clinton và TNS Barack Obama trong nội bộ đảng Dân Chủ vừa qua thì rõ. Các thăm dò đều sai hết. Người ta không thìch Bà Clinton, nhưng trong khi được hỏi ý kiến không ai nói điều đó ra. Họ giấu kín trong lòng. Cho nên trong các cuộc thăm dò giữa TNS John Mc Cain và TNS Barack Obama kỳ này chắc gì đã chính xác ! Người ta nhớ lại "Hiệu ứng Bradley" !
Yếu tố khác nữa là khi quốc hội được kiểm soát bởi một đảng thì thông thường dân chúng Hoa Kỳ dành Toà Bạch Ốc cho đảng đối lập. Mục đích là để cân bằng quyền hành, tránh tình trạng "độc tài".
Điển hình là trong nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống George W Bush, đảng Cộng Hoà của ông đã làm chủ cả lập pháp và hành pháp, do đó đã tạo cơ hội cho ông làm một tổng thống có nhiều quyền hành gần như tuyệt đối đến độ có thể gọi là "độc tài".
Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân "giúp" ông mất nhiều uy tín trong dân chúng. Người Mỹ biết rõ như vậy nên họ sẽ tránh cho tình trạng đó tái diễn.
Hiện tại và sau cuộc bầu cử tháng 11 sắp tói đây, quốc hội Hoa Kỳ đang và sẽ vẫn do đảng Dân Chủ kiểm soát. Và đó là điều vô hình chung trở thành bất lợi cho TNS Barack Obama.
Một điểm quan trọng khác mà người viết thấy cần phải nói rõ ỏ đây.
Đó là có quả thật Kinh Tế là mối quan tâm bậc nhất của người Mỹ ngày nay không ? Chưa hẳn. Tình trạng suy trầm kinh tế ngày nay là tình trạng toàn cầu không phải riêng của nước Hoa Kỳ.
Vả lại kế hoạch cứu nguy bằng 700 tỷ đô la của Tổng Thống Bush dường như đã có kết quả phần nào. Thị trường chứng khoán tuy có chao đảo nhưng có vẻ như đang lên dần.
TC đã mất cả hàng ngàn tỷ đô la trong các mối đầu tư vào Fannie Mae và Freddie Mac.
Giá xăng đã ngưng lại, không tăng đến 5 hay 10 đô la một ga lông như có người đã la hoảng cách đây không lâu.
Vậy khi người dân đến phòng phiếu vào ngày 04/11 này, họ sẽ nghĩ gì trước khi bỏ lá phiếu bầu Tổng thống của họ ? Họ sẽ suy nghĩ để thấy rằng kinh tế không quan trọng bằng an ninh quốc gia.
Tổng Thống George W Bush làm nhiều việc sai, nhưng quả thật an ninh quốc gia có kết quả tốt. Bọn khủng bố cố gắng cách mấy cũng không làm được một 9/11 lần thứ hai. Sự kiểm soái hành khách ở các phi trường tuy có nhiều phiền phức nhưng không ai phàn nàn. Mọi người đều chấp nhận tức là đương nhiên coi các biện pháp đó là cần thiết cho bản thân và gia đình họ.
Tức là an ninh quan trọng hơn.
Và khi người dân nghĩ thế, họ sẽ bầu cho ứng cử viên nào có khả năng làm cho nền an ninh quốc gia được tiếp tục như thế.
Trong hai ứng cử viên là TNS Barack Obama và TNS John McCain ai có kinh nghiệm và khả năng làm được điều đó ? Câu trả lời đã rõ ràng, TNS Barack Obama không chiếm được lòng tin của dân Mỹ về phương diện này.
Một yếu tố tâm lý khác, có vẻ gián tiếp xa xôi hơn, đó là tính tự ái của người Hoa Kỳ.
Đa số dân Hoa Kỳ có gốc gác từ Âu Châu.
Nhưng họ đã bỏ Âu Châu vì muốn tìm tự do, tương tự như người Việt chúng ta ngày nay vậy, và họ đã lập ra xứ này. Cho nên họ mang nhiều tự ái. Cái gì người Âu Châu tôn sùng, họ làm ngược lại.
Bóng đá chơi bằng chân, người Anh gọi đúng tên là "Football" thì người Mỹ gọi là "Soccer" (do chữ Association mà ra).
Trong khi ngưới Âu mê say và coi đó như là môn thể thao có tính cách "quốc gia" của nước họ, thì người Mỹ không thèm để ý tới trong suốt hai trăm năm lịch sử, cho mãi gần đây khi thế giới đều xôn xao rộn ràng mỗi lần "mùa" bóng đá (Football) tới, người Mỹ mới bắt đầu tập tành và thành lập hội.
Họ đặt ra môn "Football" của họ mà chỉ chơi bằng cách ôm banh trong tay mà chạy chứ không động đến chân mà cũng cứ gọi đó là "Football" (Bóng chơi bằng chân) ! Họ đặt ra môn "Baseball" mà Âu Châu không ai bắt chước cả.
Cho nên khi TNS Barack Obama được Âu Châu hoan nghênh nồng nhiệt thì chưa chắc đã là điều có lợi cho ông trong cuộc bầu cử kỳ này.
Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào, TNS John Mc Cain hay TNS Barack Obama thắng cử, nước Mỹ cũng sẽ trải qua một cơn loạn lạc dân sự.
Người Mỹ gốc Phi Châu sẽ hoặc quá vui mừng khi TNS Barack Obama đắc cử hoặc quá bất mãn khi ông thất cử để biểu lộ nổi vui sướng hay sự bất bình của họ công khai ngoài đường, sẽ gây xáo trộn không ít trong nhiều thành phố.
Những phân tích trên đây hoàn toàn là ý kiến cá nhân. Tất cả những dự đoán đều có thể trở thành "võ đoán" như chơi. Tôi có thể sai, chắc chắn là thế. Nhưng tôi vẫn tin vào những lập luận của tôi. Và tôi cũng tin rằng ai thắng cử kỳ này cũng đều là "vận may" cả và kết quả sẽ rất khít khao.
Hay có thể có tình trạng số phiếu ngang bằng nhau như ý kiến của tác giả Andy Sullivan ở trên.
Người viết không bao giờ tự cho mình là người "tiên tri", mà chỉ là một kẻ đoán mò mà thôi. Và nếu TNS John Mc Cain đắc cử thì đó quả là một điều thật may mắn cho ông, một trường hợp may mắn làm cho ta nghĩ tới cảnh một "Ngư Ông Đắc Lợi" vậy.
Santa Ana, CA, ngày 17/10/2008. Lê Khắc Lý
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|