Home Tin Tức Thời Sự Sức nặng lá phiếu cử tri Mỹ gốc Á

Sức nặng lá phiếu cử tri Mỹ gốc Á PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Năm, 16 Tháng 10 Năm 2008 01:13
Việt kiều Mỹ ủng hộ TNS McCain mạnh mẽ nhất so với các cộng đồng Á kiều Mỹ khác.

Nhiều cử tri Mỹ gốc Á châu (Á kiều Mỹ) quyết định sẽ bỏ phiếu cho Thượng Nghị Sỹ Barack Obama hơn số người sẽ bỏ phiếu cho Thượng Nghị Sỹ John McCain và số đang còn do dự đang ở mức khá cao.

Đây là kết quả từ khảo sát được cho là được thực hiện toàn diện nhất từ trước tới nay về chính kiến đối với cộng đồng thiểu số gốc Á.



Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 4.11 năm nay









Khảo sát cho thấy 41% Á kiều Mỹ muốn bầu cho ông Obama trong khi 24% số người được hỏi nói sẽ bỏ phiếu cho ông McCain.

Khảo sát này cũng cho thấy khoảng hai phần ba người nguời Mỹ gốc Việt ủng hộ Thượng Nghị Sỹ John McCain.

Trong khi đó ba phần tư Á kiều Mỹ từ các cộng đồng gốc Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ nói họ hậu thuẫn Thượng Nghị Sỹ Barack Obama.

Dân Mỹ gốc Hàn Quốc và Philippines cũng ủng hộ ông Obama nhiều hơn ông McCain tuy tỷ lệ chênh lệnh không cao như các cộng đồng khác.

Một trong những điểm gây nhiều chú ý là số người chưa quyết định bầu cho ai ở mức 34%, cao hơn nhiều so với thống kê cử tri thuộc diện này trên toàn nước Mỹ là 8%.

Khảo sát do các nhà nghiên cứu từ bốn trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ thực hiện với số người tham gia từ cộng đồng Á kiều Mỹ vào khoảng 4400.

Sáu nhóm cộng đồng gốc Á lớn nhất tại Hoa Kỳ là Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Xu hướng của Việt kiều

Khảo sát được thực hiện với 678 Việt kiều Mỹ cho thấy sự ủng hộ TNS McCain mạnh mẽ nhất so với các cộng đồng Á kiều Mỹ khác.

Tuy nhiên cũng có nhiều Việt kiều Mỹ nói họ không theo đảng nào và được biết đa số trả lời thăm dò bằng tiếng Việt.

Điểm cũng đáng chú ý là đa số Á kiều Mỹ bàn thảo về chính trị với bè bạn hoặc người trong gia đình với người Nhật Bản và Hàn Quốc có tỷ lệ cao nhất là 75% trong khi tỷ lệ này ở Việt kiều Mỹ là 56%, mức thấp nhất trong bảng so sánh.

Khảo sát cho thấy người Mỹ gốc Việt được xếp loại làm việc nhiều nhất cho cơ quan của đảng cũng như làm việc cho ứng viên.

Tuy nhiên tỷ lệ Việt kiều đóng góp cho ứng viên và cho đảng lại thấp nhất trong cộng đồng Á kiều Mỹ.


Theo khảo sát, Việt kiều đa số ủng hộ ông McCain









Gắn bó với đảng

Các nhà khoa học chính trị cho rằng yếu tố gắn bó với đảng nào giải thích sự khác biệt về xu hướng ủng hộ ứng viên, chẳng hạn nhiều Việt kiều Mỹ theo đảng Cộng Hòa trong khi Ấn kiều và Hoa kiều có đa số theo đảng Dân Chủ.

Tuy nhiên thực tế về số lượng lớn những người không theo đảng nào và thực trạng nhiều cử tri còn đang do dự có nghĩa lá phiếu của Á kiều Mỹ không thể không góp phần thay đổi cán cân.

Á kiều Mỹ hiện là cộng đồng có dân số tăng nhanh thứ nhì Hoa Kỳ, chỉ đứng sau cộng đồng Mỹ La Tinh và chiếm khoảng 5% dân số Hoa Kỳ.

Thống kê cho thấy vào năm 2007 có khoảng 15 triệu Á kiều tại Hoa Kỳ, tăng 25% so với 7 năm trước đó và với đà này nước Mỹ vào năm 2060 với dự kiến 432 triệu dân sẽ có hơn 44 triệu người Mỹ gốc Á.

Á kiều Mỹ chiếm khoảng 5% hoặc cao cơn 5% dân số tại các tiểu bang Virgnia, Nevada và Washington.

Khảo sát nói tại những tiểu bang "chiến trường bầu cử" như Colorado, Ohio và Florida nơi ít Á kiều Mỹ hơn thì lá phiếu của họ cũng góp phần làm thay đổi kết quả dẫn tới thắng lợi cho một trong hai ứng viên.

Tại các hạt bầu cử "chiến trường" này, 43% Á kiều Mỹ tỏ ý sẽ bầu cho TNS Obama, 22% bầu cho TNS McCain, và 35% chưa quyết định bầu cho ứng viên nào.


Số cử tri còn do dự trong cộng đông Á kiều Mỹ không nhỏ









Điểm đáng chú ý là đa số người tham gia trả lời khảo sát trong cộng đồng Á kiều Mỹ nói kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong khi cuộc chiến Iraq chỉ thu hút được 35% ưu tiên về mối quan tâm.

Người ta dự kiến người Mỹ gốc Nhật với 60% là người ở tuổi trưởng thành sẽ là cộng đồng đi bỏ phiếu nhiều nhất trong khi cộng đồng Trung Quốc và Việt Nam có tỷ lệ đi bầu thấp hơn.

Khảo sát cho hay hai phần ba số người chưa quyết định bầu cho ai hiện không theo đảng nào và một phần ba số người này thuộc hộ gia đình có thu nhập bằng hoặc dưới 55.000 USD/năm.