Cử tri đoàn bầu tổng thống Mỹ (theo tài liệu của Ủy Ban Bầu Cử Hoa Kỳ - Federal Election Commission) |
Tác Giả: Bai An Tran |
Thứ Sáu, 10 Tháng 10 Năm 2008 12:47 |
Lê Văn Thạch Thể thức bầu tổng thống ở Mỹ không giống các nước dân chủ khác. Sau ngày dân bỏ phiếu, mỗi tiểu bang sẽ chọn một số người gọi là cử tri đoàn (electoral college) để họ bầu vị tổng thống và phó tổng thống tương lai. Ứng cử viên chiếm đa số ở tiểu bang nào sẽ hưởng trọn các phiếu bầu dành cho tiểu bang đó - trừ hai tiểu bang Ðoàn cử tri của mỗi tiểu bang nhiều hay ít không hoàn toàn tỷ lệ với dân số. Con số đó cao bằng số đại biểu quốc hội của tiểu bang, tức là tổng số các dân biểu cộng với số nghị sĩ. Số dân biểu của mỗi tiểu bang tùy thuộc dân số, nhưng tiểu bang nào cũng được cử 2 nghị sĩ như nhau. Do đó, khi dùng thể thức cử tri đoàn để chọn tổng thống, các tiểu bang nhỏ, thưa dân được lợi hơn các tiểu bang đông dân. Tại sao nước Mỹ lại chọn một lối chọn người làm tổng thống đặc biệt như vậy? Nguồn gốc lịch sử Muốn hiểu nguyên nhân chung ta phải tìm về lịch sử thời lập quốc khi người Mỹ soạn bản hiến pháp của họ. Khi thành lập vào cuối thế kỷ 18, Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu gồm 13 tiểu bang lớn nhỏ khác nhau và ở rải rác suốt dọc bờ biển Ðại Tây Dương. Khi người Mỹ nổi lên chống lại Vua Anh quốc để đòi độc lập, thường họ tham gia với tính cách các “thực địa” (colonies) nay gọi là tiểu bang; và lúc đó họ nuôi một tinh thần tự trị rất cao. Các tiểu bang đều muốn bảo vệ quyền lợi của mình, vì họ rất nghi ngờ và lo lắng một chính phủ trung ương có thể sẽ lạm dụng quyền hành. Ngoài ra, tư tưởng phân quyền giữa hành pháp và lập pháp được các nhà lập quốc coi là phương pháp tốt nhất để bảo vệ quyền của người dân bình thường. Lúc đó nước Mỹ có khoảng 4 triệu người và họ sống xa cách nhau hàng mấy ngàn cây số. Với phương tiện giao thông cổ lỗ, đi ngựa hoặc xe ngựa, người ta không nghĩ có một ứng cử viên nào đủ sức đi tranh cử ở khắp các tiểu bang. Người dân cựu thuộc địa mới được độc lập cũng không tin tưởng ở các đảng phái chính trị, cho nên các nhà soạn thảo hiến pháp không hề nghĩ đến tình trạng các ứng cử viên do đảng phái cử ra và các đảng có tổ chức khắp nơi. Như vậy thì làm thế nào để bầu một vị tổng thống? Ý kiến đầu tiên là dân bầu quốc hội liên bang, rồi sau đó quốc hội sẽ bầu tổng thống. Nhưng người ta lại sợ làm như vậy thì không còn phân quyền được nữa, mọi quyền hành sẽ tập trung vào một số người nắm cả hai ngành hành pháp và lập pháp thay vì lập được sự cân bằng và kiểm soát lẫn nhau. Ngoài ra, việc để cho một nhóm người họp nhau bầu tổng thống có thể gây nên nạn mua chuộc, mặc cả, tham nhũng, khiến đời sống chính trị thêm thối nát. Một ý kiến khác là để đại biểu các quốc hội tiểu bang họp nhau lại cùng bầu tổng thống. Nhưng ý này cũng bị bác vì người ta lo lắng vị tổng thống được bầu sẽ lệ thuộc một số tiểu bang, hậu quả là ông tổng thống phải nể vì nên các tiểu bang sẽ lạm quyền, mất ý nghĩa của việc thành lập liên bang. Tất nhiên cũng có ý kiến để cho dân chúng bỏ phiếu trực tiếp chọn tổng thống. Nhưng vì dân chúng sống rải rác xa nhau mà giao thông khó khăn, chưa có báo chí toàn quốc như bây giờ, bầu theo lối đó thì khi bỏ phiếu cử tri mỗi tiểu bang sẽ chọn ứng cử viên cùng sống trong tiểu bang của mình, những người từ tiểu bang khác khó lòng đi tới tận nơi tranh cử. Chưa hết, những tiểu bang đông dân sẽ lấn át các tiểu bang thưa dân và thống ngự cả đời sống chính trị liên bang. Sau cùng mới có ý kiến để cho một cử tri đoàn bầu tổng thống. Khi chọn phương pháp này, các nhà lập hiến Mỹ nghĩ tới hội đồng các vị hồng y ở Tòa Thánh Một khuôn mẫu mà các nhà lập hiến Mỹ đã theo là lối bầu cử tại La Mã thời thượng cổ. Những nhà lập quốc Mỹ đều có học và những người có học thời đó đều thông thạo lịch sử. Ở Cộng Hòa La Mã, những công dân thành phố họp nhau lại thành từng nhóm 100 người, chia ra nhóm tùy theo sản nghiệp lớn hay nhỏ. Mỗi nhóm “Bách Gia” (Centuries) đó được phép bỏ một lá phiếu chung cho cả nhóm. Thích ứng vào tình trạng nước Mỹ thời thế kỷ 18, người ta coi mỗi tiểu bang là một nhóm Bách Gia, nhưng mỗi tiểu bang không bỏ một phiếu như ở La Mã ngày xưa mà có số phiếu lớn nhỏ khác nhau. Ðiều II, Khoản 1 của hiến pháp Mỹ quy định con số phiếu của mỗi tiểu bang lớn bằng số dân biểu (nhiều hay ít tùy theo dân số) cộng với số nghị sĩ (mỗi tiểu bang 2 người). Căn cứ vào đó mỗi tiểu bang được chỉ định số người gia nhập cử tri đoàn. Việc chọn lựa ai vào trong cử tri đoàn từ đầu đã hoàn toàn để cho các tiểu bang quyết định. Chỉ cấm các nhân viên chính phủ liên bang và các đại biểu quốc hội không được nằm trong thành phần cử tri đoàn, để không có cảnh họ lạm dụng quyền hành. Ðể tránh sự mua chuộc các thành viên cử tri đoàn, (tạm gọi là tuyển cử viên, elector), những người này sẽ không được tập trung ở một chỗ bỏ phiếu. Vì thế, cử tri đoàn của mỗi tiểu bang sẽ họp nhau bỏ phiếu tại thủ phủ tiểu bang đó. Ðể tránh cảnh mỗi tiểu bang chỉ bầu cho “con cưng” của mình, mỗi tuyển cử viên phải đề cử hai người làm tổng thống, trong đó ít nhất có một người sống ở tiểu bang khác. Làm như vậy, sau cùng khi gộp cộng kết quả của các tiểu bang lại thì người nào nhiều phiếu nhất sẽ thắng. Người đó có thể là người thứ nhì đã được nhiều tuyển cử viên chọn. Sau khi bỏ phiếu xong, các lá phiếu được niêm kín gửi về thủ đô liên bang, sẽ được khui ra ở quốc hội để đếm kết quả. Người được nhiều phiếu nhất, và phải trên 50% số phiếu, sẽ thành tổng thống, người hạng nhì sẽ làm phó tổng thống (Thủ tục này bây giờ đã thay đổi hoàn toàn). Nếu không ai đủ điều kiện đó, hoặc nếu có 2 ứng cử viên bằng phiếu nhau, các dân biểu Hạ Viện sẽ bỏ phiếu chọn một trong 5 ứng cử viên đứng hàng đầu. Khi bỏ phiếu lần này mỗi tiểu bang sẽ có một phiếu thôi, để các tiểu bang nhỏ thêm ưu thế. Nếu Hạ Viện bầu rồi vẫn không phân thắng bại, lúc đó Thượng viện sẽ chọn. Ðó là cách bầu cử tổng thống nguyên khởi ở nước Mỹ. Nên nhớ, vào thế kỷ 18 người Mỹ không tưởng tượng được các ứng cử viên có thể đi vận động ở khắp các tiểu bang, họ cũng chưa nghĩ tới các đảng chính trị, và nói chung thì họ rất nghi ngờ các đảng phái chính trị, theo kinh nghiệm họ đã thấy ở Anh Quốc! Thay đổi cách chọn cử tri đoàn Lối bầu cử tổng thống như trên được dùng bốn lần bầu các tổng thống Mỹ đầu tiên. Trong thời gian đó, những đảng chính trị đã ra đời, vì nhu cầu hoạt động đồng thời những ý kiến bàn về vai trò đảng chính trị của các ông Edmund Burke và James Madison đã được nhiều người chấp nhận. Một cuộc bỏ phiếu rắc rối xẩy ra năm 1800, khi 2 ứng cử viên tổng thống trong cùng đảng Dân Chủ-Cộng Hòa đạt được số phiếu bằng nhau. Hạ Viện phải bỏ phiếu 36 lần mới chọn được Tổng Thống Thomas Jefferson, thắng ông Aaron Burr nên ông Burr phải làm phó. Sau đó hiến pháp Mỹ được sửa đổi năm 1804 với tu chính án số 12, ấn định cử tri đoàn bầu tổng thống và phó tổng thống riêng ra, chứ không phải ai đứng hạng nhì thì làm phó tổng thống nữa. Tu chính án 12 thích ứng với tình trạng mới là sự ra đời của các đảng chính trị, và các đảng hoạt động rất mạnh trong cả liên bang. Các cử tri không còn chọn lựa theo khuynh hướng tiểu bang nữa mà theo khuynh hướng các đảng phái. Hội nghị tu chính hiến pháp năm 1804 không hề thảo luận đến việc để dân bầu tổng thống trực tiếp, họ vẫn giữ hệ thống cử tri đoàn. Một lý do các sử gia nêu lên là lúc đó người ta thấy kinh nghiệm cuộc cách mạng Pháp đưa tới những cuộc tàn sát và kết thúc với một chế độ độc tài của Napoleon; thấy như thế cho nên người Mỹ vẫn rất sợ việc để cho tất cả mọi người bỏ phiếu, dù không đầy đủ tin tức và hiểu biết về các ứng cử viên, đưa tới cảnh một vị tổng thống có uy tín quá mạnh tập trung quyền hành vào tay mình. Từ sau Tu chánh án 12 cách tổ chức bầu tổng thống Mỹ không thay đổi nhiều, trừ một số chi tiết. Việc chọn thành phần tham dự cử tri đoàn vẫn trao cho các tiểu bang quyết định, và họ có thể quyết định nhiều lối khác hẳn nhau. Từ sau năm 1804 các tiểu bang ở Mỹ bầy ra nhiều cách chọn thành viên trong cử tri đoàn khác nhau, và thay đổi nhiều lần. Có hai khuynh hướng chính, một là dân chúng toàn tiểu bang bỏ phiếu chọn những người được vào cử tri đoàn của tiểu bang - hoặc mỗi đơn vị bầu cử dân biểu sẽ bầu một tuyển cử viên vô cử tri đoàn; còn cách thứ hai là để quốc hội tiểu bang chọn. Ðến năm 1836 thì hầu hết các tiểu bang ở Mỹ theo lối thứ nhất, chỉ có Khi dân trong cả trong tiểu bang bầu tuyển cử viên cho cử tri đoàn, bầu riêng từng người chứ không bầu cả một danh sách, thì đưa tới hậu quả là mỗi đảng chính trị sẽ đề cử một số người lớn bằng số phiếu mà tiểu bang được phép bỏ. Như vậy, những người ủng hộ đảng sẽ chọn từng người một nằm trong danh sách đó. Tuy nhiên vẫn có những người dân đi bầu không thích để đảng phái chọn tất cả các tuyển cử viên cho mình. Họ tự ý chọn những người nằm trong danh sách của nhiều đảng khác nhau. Từ đó đưa tới cảnh cùng một tiểu bang có những tuyển cử viên thuộc các đảng khác nhau, nhiều người chọn vị tổng thống khác với đa số! Ngày nay, tình trạng đó không thấy xẩy ra nữa. Trên lá phiếu không thấy đề tên tuyển cử viên được đề nghị, mà chỉ có tên ứng cử viên tổng thống. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy trên lá phiếu thường in mấy chữ “Electors for - các tuyển cử viên cho” ông hay bà nào đó, mấy chữ này in rất nhỏ trước tên ứng cử viên. |