Xin Cám Ơn TNS John McCain |
Tác Giả: Bai An Tran |
Thứ Sáu, 10 Tháng 10 Năm 2008 07:31 |
California, 08-10-2008 Hình: TNS John McCain, ân nhân của nhiều người Việt-Nam. Vào giữa năm 1995, khi tôi đang nằm trong tù tại trại Hàm Tân, thì hai vị thượng nghị sĩ Mc Cain (Cộng Hòa) và Tom Harkin (Dân Chủ) được Tổng Thống Bill Clinton trao phó cho nhiệm vụ đi Hanoi để hoàn tất việc thương thuyết về vấn đề bình thường hóa liên hệ ngoại giao giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam. Công việc này theo đúng với truyền thống chính trị của nước Mỹ từ xưa tới nay là “Chính sách ngoại giao phải có tính cách lưỡng đảng” (Bi-partisan Foreign Policy). Tức là cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều cùng hợp tác, thống nhất với nhau trong nhiệm vụ đối ngoại của nước Mỹ. Khi tới Việt Nam, thì ngoài công việc chính yếu là gặp gỡ, thương thảo với giới chức có thẩm quyền của Hanoi, thì cả hai vị nghị sĩ này đều tìm cách can thiệp cho tôi được trả tự do, vì đã bị bắt giam từ năm 1990 lâu quá rồi. Ông Mc Cain thì gặp riêng Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Thiện Ngộ trong một bữa ăn sáng để yêu cầu trả tự do cho tôi. Còn ông Tom Harkin thì yêu cầu Hanoi cho phép ông được đến thăm gặp tôi trong trại tù, vì ông được tin tôi bị đau bệnh nhiều. Cả hai nghị sĩ này đều chưa bao giờ quen biết hay gặp gỡ tôi từ hồi trước năm 1975. Nhưng họ đều đứng ra can thiệp cho tôi, đó là vì do các bạn hữu là người Mỹ, đặc biệt là Dick Hughes đã liên tục vận động nơi chính giới, truyền thông báo chí và cả giới trí thức, văn nghệ sĩ của Mỹ để cùng đứng ra làm áp lực đòi hỏi Hanoi phải thả các tù nhân chính trị đã bị đàn áp trù dập như tôi ở Việt Nam. Lúc đó, tôi không hề được hay biết gì về chuyện Nghị Sĩ Mc Cain can thiệp cho tôi. Nhưng qua cháu Thùy Trang là con gái tôi cho biết trong dịp thăm gặp gần đó, thì cháu được Nghị Sĩ Tom Harkin cho người mời cháu đến gặp ông ở một khách sạn tại Saigon. Trong bữa tiếp xúc này, ông Harkin cho cháu hay đại khái là: “ông có yêu cầu được đến gặp ba cháu ở trong trại giam, nhưng nhà nước đã không cho phép ông làm việc này. Nhưng ông có nói tình hình có nhiều hứa hẹn là ba cháu có thể được trả tự do vào ngày rất gần đây. Vậy nhờ cháu nhắn lại với ba là cứ yên tâm và ráng giữ gìn sức khỏe, vì ngày đoàn tụ với gia đình cũng sắp tới gần rồi...” Và quả đúng như vậy, vì chỉ mấy tháng sau, vào đầu năm 1996, thì tôi được trả tự do và cùng với toàn bộ gia đình đến định cư ở California bên Mỹ. Khi đặt chân tới đất Mỹ, thì tôi mới được biết văn phòng của Nghị Sĩ Mc Cain có đưa ra “một thông cáo báo chí về việc tôi được trả tự do và đã đến định cư tại Mỹ”. Như vậy rõ rệt là nhà cầm quyền Hanoi đã thông báo trực tiếp cho nghị sĩ, như họ đã hứa với ông hồi năm trước trong dịp ông gặp gỡ với Bộ Trưởng Bùi Thiện Ngộ để can thiệp cho tôi. Và tôi đã ngay lập tức viết thư cảm ơn cả hai nghị sĩ Mc Cain và Harkin; cũng như cảm ơn nhiều vị khác đã góp phần giúp cho tôi được trả tự do sớm sủa như vậy. Vì nếu không nhờ được các sự vận đông mạnh mẽ và hiệu quả này, thì tôi còn phải ở tù thêm nhiều năm nữa, bởi lẽ án tù của tôi là 12 năm kể từ khi tôi bị bắt giữ vào năm 1990, thì phải đến năm 2002 mới mãn hạn tù. Cả gia đình chúng tôi, thì không bao giờ quên được tấm lòng nhân đạo thật quý báu của những người như Nghị Sĩ Mc Cain. Rồi đến năm 2000, sau thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe đã khá rồi, thì tôi đã tìm cách đến tận văn phòng Quốc Hội Mỹ tại thủ đô Washington D.C., hầu đích thân gặp mặt để bày tỏ lòng biết ơn đối với cả hai nghị sĩ Harkin và Mc Cain. Cả hai vị đều đã tiếp đón tôi rất thân tình và họ đã chú ý đến sự trình bày của tôi về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Và kể từ đó đến nay, mỗi khi có dịp đến Washington, thì tôi đều tìm cách ghé thăm các vị ân nhân này. Ðó là cái mối duyên lành tốt đẹp riêng tư giữa tôi với Nghị Sĩ Mc Cain. Còn đối với tập thể cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Mỹ, thì công lao của Mc Cain thật là lớn lao, ít có một nhân vật chính trị nào ở Mỹ mà có thể sánh kịp được. Ðó là ông đã vận đông được Quốc Hội Mỹ thông qua “Tu chính án Mc Cain” (Mc Cain Amendment) vào năm 1997, nhằm nới rộng thêm số người con của các sĩ quan được nhập cư vào nước Mỹ theo diện “Nhân đạo” H.O., dù các người con này đã có gia đình riêng rồi. Và sau hơn 10 năm áp dụng Tu chính án này, thí tổng số người được theo cha mẹ đến định cư tại nước Mỹ đã lên tới con số 20,000. Thật là một kỳ tích mà chỉ có những người có sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm tranh đấu như Nghị Sĩ Mc Cain, như bà Khúc Minh Thơ mới có thể đạt được mà thôi. Việc này đã được nhiều người đề cập đến, nhân Ðại Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị vừa được tổ chức rất sôi nổi và thành công tại Dallas, Texas vào đầu Tháng Mười 2008, dịp cuối tuần lễ trước đây thôi. Sau cùng, tôi muốn ghi thêm về lời bình bất hủ của Mc Cain vào năm 2000, nhân dịp đánh dấu 25 năm kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam (1975-2000). Trong dịp này, Thượng Nghị Sĩ Mc Cain, một cựu tù nhân chiến tranh mà từng bị giam cầm, tra tấn nhiều năm trong nhà tù Cộng Sản Hanoi, đã phát biểu một câu thật ngắn gọn, xúc tích mà rất đích đáng; đó là: Rất tiếc là “Phe tà đã thắng lợi trong cuộc chiến tranh này” (The wrong side has won this war!) Quả thật Mc Cain đã giữ vững lập trường “Chính nghĩa của phe Thế Giới Tự Do”, khi tuyên bố như vậy. Ông đã giúp củng cố lòng tự tin của tất cả chúng ta là những người đối lập với chủ trương “độc tài chuyên chế sắt máu” của Cộng Sản. Dù năm 1975, phe quốc gia có thua trận, nhưng cái chính nghĩa Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền của chúng ta thì vẫn sáng ngời, tốt đẹp. Một lần nữa, xin được bày tỏ lòng biết ơn rất mực của chúng tôi đối với Nghị Sĩ Mc Cain vì câu bình luận rất chính xác và đanh thép này. Xin cầu chúc cho Nghị Sĩ Mc Cain đạt được thắng lợi thật vẻ vang trong cuộc bầu cử tổng thống vào Tháng Mười Một sắp tới. |