Home Tin Tức Thời Sự Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara qua đời

Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara qua đời PDF Print E-mail
Tác Giả: Tin Tổng Hợp   
Thứ Hai, 06 Tháng 7 Năm 2009 10:43

"Những quan chức cấp cao nhất của Mỹ tham gia vào các quyết định liên quan tới cuộc chiến tại Việt Nam đã hành động theo cái mà chúng tôi nghĩ là nguyên tắc và truyền thống của đất nước. Chúng tôi ra quyết định theo những giá trị đó nhưng đã phạm sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi nợ các thế hệ sau câu trả lời về nguyên nhân của sai lầm".

(Hồi Ký của McNamara)

Robert McNamara, cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc được coi là một trong những kiến trúc sư chính của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, qua đời hôm qua ở tuổi 93.

Robert McNamara chụp tháng 4/1966. Ảnh: Life.

Vợ ông cho biết, ông gặp nhiều vấn đề sức khỏe trong thời gian gần đây và qua đời trong lúc ngủ. McNamara là người từng giám sát quá trình leo thang hoạt động quân sự của Mỹ tại Việt Nam từ năm 1961 tới 1968. Nhưng sau khi rời Lầu Năm Góc, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ này tỏ ra hối tiếc về vai trò của ông trong cuộc chiến. Ông cho rằng cuộc chiến đã làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ với hơn 58.000 binh sĩ thiệt mạng.

Năm 1995, McNamara xuất bản cuốn hồi ký "In Retrospect: The Tragedies and Lessons of Vietnam". Trong cuốn sách có đoạn: "Những quan chức cấp cao nhất của Mỹ tham gia vào các quyết định liên quan tới cuộc chiến tại Việt Nam đã hành động theo cái mà chúng tôi nghĩ là nguyên tắc và truyền thống của đất nước. Chúng tôi ra quyết định theo những giá trị đó nhưng đã phạm sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi nợ các thế hệ sau câu trả lời về nguyên nhân của sai lầm".

Nhưng McNamara đã không nghĩ như vậy khi ông bắt đầu nhiệm kỳ bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời tổng thống John F. Kennedy. "Tôi không phản đối việc người ta gọi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến của McNamara. Tôi nghĩ đó là một cuộc chiến quan trọng và tôi hài lòng khi tên tuổi của mình gắn liền với nó. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giành thắng lợi", McNamara từng viết như vậy về cuộc chiến Việt Nam vào năm 1964.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara (phải) ngồi cạnh Tổng thống Lyndon B. Johnson (giữa) và Ngoại trưởng Dean Rusk trong cuộc họp nội các tháng 2/1968. Ảnh: WHPO.

McNamara chào đời ngày 9/6/1916 tại San Francisco, bang California. Ông lấy bằng cử nhân kinh tế và triết học tại Đại học California năm 1933. Sau đó ông học thạc sỹ ở Đại học Harvard danh tiếng và trở thành giáo sư trẻ nhất tại đây. Đầu năm 1943 McNamara gia nhập quân đội, làm việc trong không lực Mỹ và được thăng hàm đại tá.

Sau Thế chiến II ông làm việc cho công ty sản xuất xe hơi Ford với vai trò giám đốc kế hoạch và phân tích tài chính. Những hệ thống quản lý, tổ chức và lập kế hoạch hiện đại của McNamara giúp công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Ông thăng cấp khá nhanh và trở thành chủ tịch của Ford năm 1960 và là vị chủ tịch đầu tiên không thuộc gia đình Ford. Nhưng chỉ đúng 5 tuần sau khi McNamara nhậm chức, Tổng thống John F. Kennedy mời ông đảm nhận chức vụ bộ trưởng quốc phòng và ông đồng ý.

Sau khi trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc, McNamara cơ cấu lại quân đội Mỹ theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân. Dưới thời McNamara, số lượng quân Mỹ tại Việt Nam đã tăng từ 400 lên 17.000 năm 1964. Từ năm 1965, Mỹ bắt đầu ném bom miền bắc Việt Nam, đồng thời triển khai lực lượng quân sự lớn và tham gia vào chiến sự ở miền nam. Theo kế hoạch chiến tranh của McNamara, số lượng quân Mỹ tại Việt Nam là 485.000 vào cuối năm 1967 và tăng lên gần 535.000 tính tới ngày 30/6/1968.

McNamara chủ trương sử dụng các chiến thuật trong kinh doanh và những nhà phân tích ngoài quân đội khiến nhiều quan chức trong Lầu Năm Góc và nghị sĩ quốc hội giận dữ. Năm 1967, McNamara công khai bày tỏ sự nghi ngờ khả năng giành thắng lợi của Mỹ tại Việt Nam bằng cách tăng quân và gia tăng các chiến dịch ném bom miền bắc. Ông từ chức vào năm 1968 để đảm nhận chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và giữ vị trí này tới năm 1981. Sau khi về hưu McNamara tích cực ủng hộ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.

McNamara từng nhắc tới lý thuyết Domnio để lý giải nguyên nhân khiến chính quyền của Tổng thống Kennedy can dự vào Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn ông từng nói: “Trước khi bị ám sát, Kennedy chưa bao giờ nói rằng liệu ông ấy có muốn rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam hay không. Nhưng tôi tin rằng, nếu còn sống, chắc chắn ông ấy sẽ rút quân”.