MẸ NGHÈO |
Tác Giả: SEN K. - Philippines |
Thứ Năm, 07 Tháng 5 Năm 2009 08:40 |
Ảnh của Sen K. – Philippines
Kính mời quý độc giả đọc bài Tuỳ bút của Đoàn Thanh Liêm: "NHỮNG BÀ MẸ YÊU QUÝ CỦA TÔI" NHỮNG BÀ MẸ YÊU QUÝ CỦA TÔI Đoàn Thanh Liêm Dĩ nhiên là cũng như mọi người, tôi chỉ có một bà mẹ ruột sinh mình ra đời thôi. Nhưng tôi lại có nhiều bà mẹ khác đã nâng đỡ, yên ủi, lo lắng và chăm sóc cho tôi về nhiều mặt tinh thần cũng như vật chất. Nhân dịp Lễ Các Bà Mẹ “Mother’s Day” năm 2009 này, tôi xin được viết về các Bà Mẹ yêu quý này. Trước hết, bà mẹ của tôi họ Tống sinh vào cuối thế kỷ XIX. Bà là trưởng nữ của ông ngọai tôi là Cụ Chánh Cẩm, vì ông đã có thời giữ chức vụ Chánh Tổng ở miền quê tôi gọi là Tổng Cát Xuyên, thuộc Phủ Xuân Trường, Tỉnh Nam Định. Là người chị cả, nên ngay khi còn ít tuổi bà đã phải lo giúp cha mẹ để coi sóc các em là các cậu và dì của tôi. Vì thế mà bà không hề được đi học, nên chẳng biết đọc biết viết chữ quốc ngữ.Bà ngọai tôi quê ở Lục Thủy, thuộc họ Vũ Ngô, trong đó có cụ Vũ Ngô Xán là vị Hiệu Trưởng Trung Học Chu Văn An Hanoi mà nhiều người hồi đó đều biết đến. Mẹ tôi kể hồi còn nhỏ bà ngọai muốn gửi đến học chung với mấy con gái cụ Thượng Vũ Ngọc Hóanh là người cùng quê ở Lục Thủy. Nhưng ông ngọai tôi lại không muốn cho con gái đầu lòng phải đi xa gia đình, nên mẹ tôi đã không được đi học chung với các bà là cô ruột của Bác sĩ Vũ Ngọc Hòan sau này là vị Tướng chỉ huy ngành Quân Y của Quân Lực Việt Nam Công Hòa. Tuy không được đi học, nhưng với trí óc thông minh, mẹ tôi chỉ có nghe mấy cậu tôi học bài, mà cũng thuộc được khá nhiều bài học, nhất là các câu chữ nho trong sách “Tam thiên tự” v.v… Bà làm các con tính nhẩm rất mau lẹ và chính xác, mau hơn cả lối tính của các anh chị tôi bằng cách viết ra giấy nữa. Nhưng quan trọng hơn cả là mẹ tôi đã dạy bảo, uốn nắn anh chị em chúng tôi theo “đường ngay nẻo chính”, giúp chúng tôi giữ được cái truyền thống tốt đẹp của “gia phong gia đạo”. Bà để lại cho lũ con 11 người của mình một tấm gương lương hảo, trong sáng. Bằng giọng nói ôn tồn, hiền dịu, mẹ luôn nhắc nhủ chúng tôi là “phải ráng mà sống theo cái nền nếp đạo hạnh của cha ông từ bao nhiêu đời xưa đã truyền lại”. Bà cảnh giác chúng tôi là “không được làm điều chi thất đức, khiến làm hoen ố đến danh thơm của dòng họ nhà mình”. Mẹ tôi hay nhắc là : Các con chỉ nên coi tài sản cha mẹ để lại “ như là hương là hoa, là cái thứ kỷ niệm cho con cái”. Và như vậy, thì “tuyệt đối các con phải tránh xa cái vụ giành giật tranh chấp về ruộng vườn , nhà cửa như thường xảy ra trong các việc phân chia tài sản thừa kế trong các gia đình, khiến gây ra bao sự bất hòa, thù hận giữa anh chị em ruột thịt với nhau “… Tôi hay được ở gần mẹ, hay được kéo võng cho mẹ vì bà thường không được khỏe và nằm ngủ trên võng nhiều hơn trên giừơng. Vì thế tôi thường được nghe mẹ tâm sự tỉ tê nhiều thứ chuyện của gia đình nội ngọai, của bà con trong làng xã. Mẹ tôi kể về một số gia đình bị sa sút, lụn bại ở địa phương, bởi lý do ngày trước cha ông của họ đã ăn ở đồi bại, thất nhân thất đức, cho nên đã không dạy bảo được con cháu thành người lương thiện và ngay trong nội bộ gia đình thì anh chị em cũng đã bất hòa, dối trá, giành giật cãi lộn với nhau về nhiều thứ chuyện rồi. Bà nói đó là cái gương xấu “nhà dột từ nóc”, “thượng bất chánh, hạ tắc lọan”, các con phải biết nhắc nhở lẫn nhau để mà tránh khỏi tình trạng sa đọa. Bà nghiêm ngặt như thế, cho nên anh chị em chúng tôi đều răm rắp tuân theo lời mẹ dậy, và nhất là chúng tôi đều rất thuận thảo, yêu mến bảo bọc lẫn nhau. Các bà chị và ông anh cả của tôi đều nâng đỡ và chăm sóc cho tôi vá các em rất chu đáo tận tình, nhất là sau khi mẹ mất vào năm 1952 và cha tôi lại bị công sản Việt minh bắt đi mất tích kể từ năm 1948. Tôi thật tâm yêu mến mẹ và thương mẹ khôn tả sau bao nhiêu đau đớn dồn dập vào 2 năm 1947-48, khi cậu út chúng tôi là Tống Văn Dung cũng bị Việt minh hạ sát và quẳng xác xuống sông Trì Chính, Phát Diệm giữa năm 1947 và rồi vào cuối năm đó, thì cậu Lý Đạc là em kế của mẹ cũng từ trần vì bệnh đường ruột. Vào cuối đời, mẹ thường ít ngủ và hay thở dài vì những mất mát đau thương của gia đình chúng tôi giữa cái thời lọan lạc tàn bạo như thế ấy. Tôi sẽ viết chi tiết hơn về cuộc đời của mẹ để lũ con và các cháu của tôi hiểu biết hơn về cái truyền thống gia đạo trong gia đình chúng tôi tại miền quê thuôc vùng đồng bằng sông Hồng, trong tỉnh Nam Định. Riêng đối với tôi, thì có một chi tiết này thật là ngộ nghĩnh. Đó là mẹ tôi hay kể về sự lụn bại của mấy gia đình có người cha xưa kia đi làm cái “Nghề thầy cò, thầy kiện”, chuyên môn xúi bảy hai bên tranh chấp lẫn nhau như kiểu “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, để mà ở giữa ăn tiền. Người cha làm cái trò thất đức như thế, cho nên bây giờ con cháu nhà ấy đâu có “mở mày mở mặt” lên được ? “Cha ăn mặn, con khát nước mà!!” Sau này lớn lên, tôi lại đi học và làm việc trong ngành luật pháp. Tôi cứ ngẫm nghĩ nếu mẹ mà còn sống, chắc bà đã can ngăn không cho tôi chọn cái ngành nghề như thế! Một bà mẹ khác mà tôi cũng rất quý mến và biết ơn, đó là bà ngọai của các con tôi và là mẹ của bà xã nhà tôi. Bà họ Trịnh gốc ở miệt Hải Dương, gần với thành phố Hải Phòng.Tôi chỉ được gặp bà khi đã vào miền Nam sau 1954 và theo học ở trường Luật Saigon. So với mẹ tôi, thì bà được học hành đày đủ đến nơi đến chốn và có bằng nữ hộ sinh ngay từ hồi 1930 dưới thời Pháp thuộc. Bà đọc và nói được tiếng Pháp và đã từng làm việc bên cạnh các bác sĩ người Pháp tại mấy tỉnh ở miền Bắc hồi đó. Bà chắc cùng lớp với mẹ của anh Đặng Nguyên Phả, vì anh Phả cũng cho tôi biết là mẹ anh là nữ hộ sinh đã làm việc tại tỉnh Ninh Giang hồi trước 1945. Bà thấy tôi siêng học, nên đã luôn khuyến khích nâng đỡ tinh thần cho tôi để tiếp tục theo đuổi việc học tập có kết quả tốt đẹp. Dĩ nhiên là tôi biết ơn bà nhất là bà đã chấp nhận tác thành cho cuộc hôn nhân của hai vợ chồng tôi, mà cho đến nay đã trải qua được gần 50 năm rồi. Tôi càng biết ơn vì bà đã rất mực chăm sóc thật chu đáo cho lũ con của chúng tôi là cháu ngọai của bà. Về phía các bà bạn thân thiết của bà, thì tôi phải kể đến các bà bác sĩ Hòang Cơ Bình, Phạm Văn Phán, các bà hay sinh họat trong Nhóm Các Bà Mẹ Công Giáo. Bà cũng rất gần gũi với Bà Khâm (thường được gọi là Bà Lục Lộ vì ông cụ xưa làm trong ngành xây dựng kiều lộ), và Bà Giáo Ngọ là mẹ của các anh giáo sư Nguyễn Hải, Nguyễn Dương, và nhất là với Bà Phán Mẫn là mẹ của các anh bác sĩ Phạm Tu Chính, Phạm Sĩ Khải. Nhạc mẫu tôi đã qua đời năm 1986 tại Saigon, giữa cái thời đen tối ở miền Nam Việt nam kể từ sau 1975. Nhưng cái kỷ niệm sâu đậm gắn bó trong nội bộ gia đình bên ngọai các cháu lúc tụi chúng vừa mới lớn lên giữa cái thời buổi nhiễu nhương lọan lạc đó, thì không bao giờ phai lạt được. Tất cả các con tôi sinh trưởng ở miền Nam, thì không hề được biết bà nội của các cháu mà đã mất từ lâu ở ngòai Bắc. Nhưng, bù lại thì các cháu lại rất gần gũi, quyến luyến xung quanh bà ngoại rất quý mến của tụi chúng. Mấy dòng chữ mộc mạc này cũng là nhằm nhắc nhở cho các con tôi luôn giữ được trong cuộc đời của mỗi một cháu cái hình ảnh rất là đẹp đẽ, nhân hậu, thiết tha mà chí tình của bà ngọai các cháu vậy đó. Ngòai hai bà mẹ là bà nội và bà ngọai của các con tôi như đã viết trên đây, thì tôi còn có mấy bà mẹ tinh thần khác nữa, mà tôi rất vui mừng để viết ra đây một ít dòng chữ vào dịp Lễ Các Bà Mẹ năm 2009 này nữa. Trước hết là Bà Ba Loan ở Mỹ Tho. Vào năm 1954, thì một số em và cháu của tôi được Bà cho trú ngụ tại căn nhà của bà tại thành phố Mỹ Tho, vì hồi đó hòa bình rồi bà trở về miệt vườn bên kia bến bắc Rạch Miễu để coi sóc vườn dừa, nên căn nhà vẫn còn chỗ trống. Hồi đó tôi học ở Saigon, nhưng hay về Mỹ Tho thăm các em, các cháu vì có đường xe lửa đi lại rất tiện lợi. Một cách rất tự nhiên Bà Ba coi tôi như con và chuyện trò rất tự nhiên thân tình với gia đình chúng tôi. Vào dịp Tết đầu năm 1956, tôi đã qua bên vườn dừa ăn Tết với gia đình của bà. Mẹ của tôi đã mất từ lâu ở ngòai Bắc, nay di cư chạy lọan vào miền Nam mà được gặp một bà má ở miền quê “Nam kỳ Lục tỉnh” hết lòng bảo bọc nâng đỡ tinh thần cho, thì thật là niềm an ủi rất lớn lao cho một học trò mồ côi như tôi vậy. Dĩ nhiên lúc đó tôi đã vào tuổi 20, đã tự lập được rồi, nên không cần phải làm phiền đến bà về chuyện tiền bạc vật chất này nọ. Nhưng cái đáng quý nhất nơi Bà là nơi tấm lòng nhân hiền đạo hạnh mà Bà bày tỏ đối với bản thân tôi cũng như với các em, các cháu của tôi, giữa cái thời chúng tôi còn chân ướt chân ráo di cư từ miền Bắc với bao nhiêu nỗi lo âu lúng túng. Sau năm 1975, tôi cũng có vài lần đến thăm bà lúc đó đã già yếu rồi. Đến năm 1980-81, thì tôi nhận được bức thư của cháu nội của bà báo cho tôi biết là bà đã qua đời. Cháu viết : “Bà nội con dặn là sau khi bà mất thì con hãy viết thư cho bác, để xin bác góp lời cầu nguyện cho linh hồn Madelena của bà nội con….” Sau đó ít lâu, tôi đã đến viếng mộ của bà ở bên khu vườn dừa, nay thuộc tỉnh Bến Tre. Vào năm 1990, khi ở tại phòng biệt giam trong tù, tôi đã nhớ nhiều đến bà Ba Loan là má nuôi tinh thần rất đáng quý này. Vì tôi mồ côi mẹ từ lúc mới có 18 tuổi, chưa học xong bậc trung học, nên luôn luôn tôi thấy thiếu vắng tình mẫu tử. Vì thế khi gặp các bà mẹ của bạn hữu, thì tôi thật lòng quý mến và tâm sự với các bà như là đối với người mê đã khuất của mình vậy. Trong số các bà mẹ này, tôi phải kể đến Bà Chánh Hùng là mẹ của Võ Thế Hào, người bạn thân thiết của tôi từ hồi cùng học thi Tú tài 2 tại Hanoi năm 1954. Năm 1955, tôi đến ở chung nhà với Hào và được bà cụ chăm sóc việc ăn uống thật là tươm tất. Cụ coi tôi như con và hay tâm sự với tôi. Hồi đó ông cụ bị Việt minh bắt, nên bị kẹt lại ngòai Bắc; chỉ có một mình bà đem các em của Hào vào miền Nam mà thôi. Bà cụ thương tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, mà có chí theo đuổi việc học hành, lại là chỗ thân thiết với Hào là con trưởng của bà. Tôi thật cảm động vì mối thâm tình của bà đối với tôi. Cụ rất siêng năng đạo hạnh và hay bảo tôi đọc sách báo cho cụ nghe. Sau năm 1975, thì cụ ông ở ngòai Bắc đã vào đòan tụ với gia đình ở trong Nam và đến năm 1989, thì Bác sĩ Vũ Thế Truyền con trai út đã bảo lãnh cho cả hai ông bà sang đòan tụ tại thành phố New Orleans. Và nay, thì cả hai ông bà đều đã quy tiên. Nhưng cái kỷ niệm thân thương gắn bó của tôi với bà Cụ thì không bao giời phai lạt được. Ngòai ra, tôi cũng xin kể lại một số kỷ niệm với vài vị nữ tu mà đã góp phần rất lớn cho đời sống tâm linh của tôi nữa. Điển hình như Soeur Berte là người đã hướng dẫn tôi lúc mới có 9-10 tuổi tại Nhà Người Câm Điếc ở thị xã Thái Bình trước năm 1945. Bà hối đó cỡ 30 tuổi, người tầm thước, khuôn mặt đày đặn trắng hồng. Bà hay khuyên nhủ, khích lệ tôi trong việc học tập, và nhất là về “lối sống đạo đức theo tinh thần Thiên chúa giáo”. Cái tuổi thơ ấu của tôi đã in sâu lời giáo huấn dịu dàng của Bà. Bà mất vì đạn pháo kích vào thành phố Mỹ Tho năm 1968, để lại trong tôi một niềm thương cảm sâu xa. Người nữ tu khác nữa mà tôi rất quý mến, đó là Bà Mẹ Marie-Thérèse de Maleyssie, ngưới Pháp trước kia làm Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Paris của Dòng Phan Sinh (Mère Provinciale des Franciscaines de Paris). Năm 1968, Bà tới thăm công việc chỉnh trang tái thiết của chúng tôi tại các Quận 6,7,8 Saigon và đã rất chú ý đến chương trính công tác xã hội này. Đến năm 1970, do sự giới thiệu của Bà, tôi được mời tham gia vào Nhóm Sáng lập Viện Đại Kết Phát Triển Các Dân Tộc tại Paris (INODEP = Institut oecuménique au service du développement des peoples). Bà là người học rộng và họat đông lâu năm tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã giới thiệu cho tôi gặp gỡ trao đổi với nhiều bậc thức giả ở Pháp cũng như ở mấy nước khác ở Âu châu. Nơi bà, tôi nhận ra một tâm hồn đạo hạnh bền vững và một trí tuệ uyên bác năng động. Bà khích lệ tôi rất nhiều trong sự dấn thân phục vụ xã hội và mở rộng tầm sinh họat văn hóa với thế giới nữa. Về bên phía nữ tu Phật giáo, thì tôi cũng có duyên được tiếp xúc và cộng tác với Sư Bà Như Thanh, Sư Cô Như Châu tại Chùa Huê Lâm, khu bùng binh Cây Gõ, Quận 6. Sư Bà người thấp bé, nhưng có tầm hiểu biết rộng rãi và nhất là có uy tín lớn trong giới Tăng Ni và Phật tử. Sư Cô cũng vậy là một Phụ tá đắc lực và tín cẩn của Sư Bà. Vào các năm 1966-71, tôi thường có dịp đến phụ giúp các công tác xã hội, mở lớp dậy nghề, mở phòng phát thuốc tại chùa, và nhận thấy nơi đây việc tổ chức quản lý rất chặt chẽ và hiệu quả. Hiện Sư Cô Như Châu vẫn tiếp nối sự nghiệp do Sư Bà khởi xướng và tôi được nghe là các Phật tử vẫn quy tụ đông đảo xung quanh ngôi chùa đã từng được tiếng là họat động rất phấn khởi sinh động tại vùng ngọai ô nghèo túng này. Tôi rất vui mừng phấn khởi để ghi lại một số kỷ niệm thân thương quý báu này với các Bà Mẹ nói trên, về cả phương diện thể chất cũng như tinh thần của tôi. Nhờ tấm lòng nhân ái bao la dịu hiền của các Bà đã chăm sóc, nâng đỡ và hướng dẫn cho tôi trong suốt cuộc đời từ thuở lọt lòng cho đến ngày nay đã trên 70 năm, mà tôi đã mạnh dạn dấn thân nhập cuộc trong nhiều công tác nhân đạo từ thiện xã hội. Mỗi khi nhớ đến các Bà Mẹ này, thì lòng tôi rộn lên một niềm vui ngọt ngào và sự biết ơn thật là sâu đậm. Và tôi nguyện sẽ luôn cố gắng để sống làm sao cho thật xứng đáng với tấm lòng yêu thương trìu mến đó của các Mẹ đã dành cho tôi. Và bài viết này, tôi muốn đặc biệt dành để nhắc nhủ riêng cho lớp con và cháu của tôi nhân dịp Lễ Mother’s Day năm nay./ California, Tháng Năm 2009. |