34 năm sống trong sự sợ hãi đã là quá dài! |
Tác Giả: Alfonso Hoàng Gia Bảo |
Thứ Tư, 29 Tháng 4 Năm 2009 22:38 |
Năm nay 2009, không biết lại có điềm gì, có là năm định mệnh hay không mà một lần nữa Tây nguyên lại phải ‘dậy sóng’? Nhưng rõ ràng việc đảng csvn định phó thác, giao khoán Tây nguyên cho TQ đem người sang ‘tung hoành’ dưới danh nghĩa khai thác Bauxite xem ra cũng nghiêm trọng chẳng kém gì sai lầm của ông Thiệu khi đột ngột ra quyết định rút quân và ‘giao phó’ vùng cao nguyên này cho phía cộng sản. VietCatholic News (30 Apr 2009 04:53)
Nhân ngày 30/4/2009:
“Chủ trương lớn” khai thác Bauxite đang khiến đảng csvn bị ‘sa lầy’ ở Tây Nguyên. Thế nhưng 34 năm trước cũng chính nơi này đã giúp họ làm nên “Đại thắng mùa Xuân” 1975 bằng sự khởi đầu đánh chiếm Ban Mê Thuột một cách quá dễ dàng. Một chiến thắng mà nhiều người đến nay vẫn cho rằng tính chất chiến lược của nó đã khiến chế độ Sàigòn nhanh chóng thất thủ chỉ 7 tuần sau đó. Thế nhưng sau 34 sống dưới chế độ cộng sản, những đứa bé còn ngồi ghế nhà trường thời ấy đã trưởng thành và được tận mắt chứng kiến thêm nhiều ‘bàn thua’ khác của mọi tầng lớp trước sự cai trị độc đoán của đảng Csvn, chúng tôi mới chợt nhận ra rằng việc Ban Mê Thuột thất thủ mới chỉ là cơ hội cho họ và sự thử thách cho VNCH, nhưng chính cái tâm lý quá hãi sợ cộng sản đã là ‘thủ phạm’ gây nên tình trạng hoảng loạn không chỉ trong dân chúng mà còn cả trong cả binh lính làm cho tình hình xấu đi quá nhanh khiến chính quyền Sàigòn còn đủ cánh nào có thể kiểm soát được tình thế nữa. Năm nay 2009, không biết lại có điềm gì, có là năm định mệnh hay không mà một lần nữa Tây nguyên lại phải ‘dậy sóng’? Nhưng rõ ràng việc đảng csvn định phó thác, giao khoán Tây nguyên cho TQ đem người sang ‘tung hoành’ dưới danh nghĩa khai thác Bauxite xem ra cũng nghiêm trọng chẳng kém gì sai lầm của ông Thiệu khi đột ngột ra quyết định rút quân và ‘giao phó’ vùng cao nguyên này cho phía cộng sản. Phải chăng ‘vũng lầy’ Bauxite Tây nguyên đang mở ra những cơ hội và thử thách mới, mà nếu mọi người không còn bị sợ hãi như 34 năm trước, biết đâu mọi thứ cũng sẽ nhanh chóng thay đổi chỉ trong năm nay? Tây nguyên, vùng đất “chiến lược” hay “định mệnh”? Lâu nay chúng ta quen nhìn con số ‘30/4’ dưới dạng ngày tháng (date format) vì bị ám ảnh bởi cái ngày đen tối Sàigòn rơi vào tay cộng sản hơn ba thập kỷ trước, do vậy mà chắc có it người để ý đến sự trùng hợp kỳ lạ của cặp phân số này: 30/4=7,5 cũng chính là hai chữ số của năm định mệnh 1975. Đây có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng sự sụp đổ quá nhanh của miền Nam mà kể từ khi Ban Mê Thuột (BMT) thất thủ rạng sáng ngày 12/3/75 (phía Hà Nội lại bảo là ngày 11/3) cho đến lúc chiếc xe tăng T54 của bộ đội Bắc Việt húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập Sàigòn trưa ngày 30/4/75, một cuộc đổi đời “ngoạn mục” với gần 20 triệu người dân miền Nam diễn ra chỉ vỏn vẹn trong 49 ngày, không ai có thể bảo là tình cờ được nữa, mà hầu hết các ý kiến đều xem việc VNCH để mất “cao nguyên chiến lược” vào tay bộ đội Bắc Việt chính là nguyên nhân. Đúng là sau khi để mất BMT bộ đội miền Bắc đã nhanh chóng tràn xuống đánh chiếm Nha Trang và đã đe dọa ‘cắt đứt’ lãnh thổ VNCH ra làm hai thật. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng trong suốt cuộc chiến cả những lúc khốc liệt nhất 1968-1972, cái gọi là “vị trí chiến lược” của nơi này lại rất ít được nghe nói đến, thậm chí như chua từng nghe, mà dư luận này chỉ mới có kể từ sau khi biến cố 30/4 xảy ra kéo theo sự thất thủ của Sàigòn. Bằng chứng là BMT chưa hề được ‘vinh dự’ là một trong số những địa danh chiến sự nổi tiếng như Cổ thành Quảng Trị, Khe Sanh, Huế, An Lộc, Bình Long v.v… thời ấy. Thậm chí cho đến cả hiện nay nhiều người vẫn nói “tính chiến lược” của Tây nguyên một cách rất vô tư thoải mái: “Nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu là 'Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương' … Khi nói về Việt Nam, người ta thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế…. Người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng: Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương". (trích “Bước ngoặt của chiến cuộc” – BBC Vietnamese) [1]. Không chỉ đoạn trích dẫn trên, mà từ ngày xảy ra vụ Bauxite Tây nguyên chúng tôi cũng đọc được ở nhiều bài viềt những đại danh từ “nhà nghiên cứu, người ta, người Pháp, người Mỹ” cũng trong ý nghĩa đề cao Tây nguyên nhưng đều không được nêu tên tuổi cụ thể và tính “chiến lược” cũng vậy, chẳng thấy dẫn chứng kết luận ấy là rút ra từ những trận đánh lịch sử nào trong quá khứ, hay cứ thấy cao cao thì gọi là “nóc nhà”? Mà nếu thế thì danh xưng “nóc nhà của Đông Dương” đã thuộc về đỉnh núi Pansifan cao trên 3.000 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn từ lâu rồi. Mọi người có thể kiểm chứng điều này bằng Google searching engine với cụm từ “Top of Indochina” sẽ có khoảng 7500 kết quả và tất cả đều chỉ về Sapa và Pansifan Mountain mà chẳng phải Central Highland hay ‘Tây nguyên’ nào hết, vì nơi này chỗ cao nhất mới chỉ 1600 mét so với mặt biển làm sao có thể gọi là “nóc”?. Khi chiến cuộc đã tàn, vì đã có sẵn cái đích ‘thất thủ nhanh’ dẫn đường nên mọi lý giải dường như chẳng còn mấy khó để tìm cách vươn đến cái đích ấy. Thêm vào đó còn có thể vì nhiều người không muốn nhớ đến những tháng ngày buồn cũ, nên cảm thấy ‘bằng lòng’ với những suy diễn thiếu khách quan bởi sự dẫn đường này. Nếu ngày xưa tướng Pháp H.Navarre không bị thua tan tác ở trận Điện Biên Phủ, không chừng vùng đồi núi hiểm trở Tây Bắc cũng lại được “người ta, nhiều nhà nghiên cứu, người Pháp…” phong cho cái danh hiệu ‘nóc nhà của Tây Bắc – Thượng Lào” như Tây Nguyên hiện nay cũng nên? Những người thắng cuộc nói gì? Trong quyển “Đại Thắng Mùa Xuân” [2] xuất bản năm 1976 ông Đại tướng Văn Tiến Dũng người trực tiếp chỉ huy trận đánh BMT đồng thời cũng là tác giả đã thuật lại rất chi tiết về chiến dịch Tây Nguyên. Các chương 2-5 mô tả các bước chuẩn bị và chi tiết về trận đánh BMT nằm ở các chương 6-7 tiếp theo. Người viết bài này mặc dù cố đi tìm một sự đánh giá của vị tướng trực huy chỉ huy trận đánh Tây nguyên này, nhưng không thể tìm thấy đoạn nào về nó, thậm chí còn bị ‘thất vọng’ khi đọc được: “Đồng chí Lê Duẩn nói với một số cán bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu: các đồng chí hãy suy nghĩ xem trận Buôn Ma Thuột có phải là trận mở đầu cuộc Tổng tiến công lớn của ta không?” (Chương 6 - Đòn đánh trúng huyệt). sau khi bộ độ tràn ngập BMT được mấy hôm. Điều này chứng tỏ trước khi đánh chiếm tỉnh lỵ cao nguyên này, các chiến lược gia Bắc Việt cũng chẳng hề có kế hoạch lớn lao nào khác tiếp theo. Việc đánh BMT cũng như việc đánh chiếm Phước Long hồi đầu tháng 1/75, như hồi ký của tướng Văn Tiến Dũng về tình hình của quân cách mạng lúc ấy “… tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.” (Chương 2 - Thời cơ) Ấy thế mà sau trận đánh BMT họ đã vớ được thời cơ do VNCH ‘dâng tặng’ “Nhưng giờ đây, cả một quân đoàn chủ lực của nguỵ rút chạy hộc tốc, bỏ cả Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược rất quan trọng thì vì sao? Theo lệnh ai? Hai đòn sấm sét ta đánh ở nam Tây Nguyên đã làm rung động quân địch đến thế kia ư? Đúng là đòn đánh trúng huyệt, địch bắt đầu ngấm, chỉ sau có mấy ngày. Đúng là địch đã choáng váng và rối loạn về chiến lược. Lại một sai lầm nữa rất lớn về chiến lược của chúng.” (Chương 8 - Bước ngoặt của chiến tranh) Và cục diện chiến trường miền Nam từ đó đã bất ngờ chuyển sang một hướng mới khác không ai ngờ trước nổi trước đó. Ngay cả cục tình báo CIA Mỹ mắc phải sai lầm về tình hình: “Dự đoán của trùm CIA ở Sài Gòn Thomas Polgar đưa ra trong báo cáo ngày 26/2/1975 về sự tấn công hạn chế của quân đội Bắc Việt vào mùa xuân, (Polgar và Tổng hành dinh CIA đều nhận định Bắc Việt sẽ tấn công vào mùa hè năm 1975 và kéo dài sang năm 1976 để gây áp lực lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ) là hoàn toàn sai lầm.” [3] Gần đây trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 4 điều tiết lộ” [4], nhà văn Trần Khải Thanh Thủy có thuật lại chuyện tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp sinh nhật 85 tuổi tại nhà riêng năm 1995, ông có bảo “Lẽ ra ta không có được chiến thắng lẫy lừng là giải phóng Miền Nam, chỉ vì sau hội nghị Paris 1973, anh Ba Duẩn ra chỉ thị ngừng tất cả các cuộc tấn công lại, chỉ tập trung vào củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất, nuôi quân cho tốt rồi sau vài năm phát triển vượt bậc sẽ đánh một trận tơi bời, dứt điểm, không để địch có cơ ngóc đầu phản công như hồi tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 nữa…..nhưng là lệnh của cấp trên nên buộc phải chấp hành, không ngờ, phía dưới, cũng như vùng sâu vùng xa, lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương, phần đang phát triển mạnh nên không chịu ngừng kế hoạch luyện tập, tấn công lại, phần vì không nhận được lệnh trên nên cứ âm thầm chuẩn bị. Thế là như đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, không có cách gì ngừng sự phát triển lại được nên đành để vậy. Nhờ đó ta có được chiến thằng vĩ đại vào 4-1975” Không biết thực hư của câu chuyện này ra sao nhưng cũng xin nêu lên để chúng ta thấy thêm rằng, sở dĩ đã có những kiểu giải thích ‘ngẫu hứng’ như vậy, vì bên thắng cuộc nhiều người cũng “ấm ớ hội tề” chẳng hiểu vì sao phe ta lại chiến thắng quá dễ, quá sức nhanh? Sự sợ hãi: bàn thua trông thấy ! Giữa cả một rừng thông tin về biến cố 30/4/75, trong khi chưa ai ‘giải mã’ được vì sao miền Nam thất thủ quá nhanh một cách đầy thuyết phục, thật may cho các thế hệ hậu sinh chúng tôi nhờ có internet đã dễ dàng tiếp cận những thước phim, hình ảnh, tài liệu về cuộc chạy trốn cộng sản lớn nhất trong lịch sử VN của hàng triệu người. Ngoài ra còn phải kể đế các nhân chứng sống là chính những người thân gia đình, các bè bạn chúng tôi thuật lại nhiều chuyện về việc chạy nạn ở miền Trung, đặc biệt là ở bãi biển Chu Lai - Tam Kỳ, Quảng Ngãi những ngày cuối tháng 3/75. Nay mỗi khi có dịp xem lại những thước phim chiến tranh thời ấy, hình ảnh đọng lại trong tâm trí chúng tôi bao giờ chẳng mấy khi là những lời thuyết minh hay lý giải về chiến thuật, mà chính là cái tâm trạng hoảng loạn hiện rõ trên nét mặt từng người trong cuộc. Cộng thêm cái kinh nghiệm 34 năm qua dù chẳng có mấy người dám nói ra, nhưng tôi thấy có lý do để tin rằng, chính cái tâm lý “sợ hãi cộng sản” mới thật sự là thứ chiến lược, chiến thuật tồi tệ nhất đã góp phần làm nên cái ngày định mệnh 30/4/75 chứ chẳng phải ‘tại’, ‘do’ hay ‘bởi’ thất thủ cao nguyên nào hết. Tháng 3/2009 vừa qua mọi người lại mới có thêm một nguồn tư liệu về chiến tranh VN được công bố và được dịch và giới thiệu qua loạt bài “Mở Hồ sơ mật của CIA về nguyên nhân tại sao mất VNCH 1975” [3] gồm nhiều kỳ trên báo Tiền Phong, trong đó có đoạn viết về biến cố BMT bị thất thủ như sau “… tướng Quang báo với Tổng thống Thiệu chuyện chưa từng xảy ra là “quân đội chán nản, thậm chí tuyệt vọng” , còn tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, nhận định, việc mất cao nguyên là sự tàn phá tâm lý ghê gớm đối với binh sĩ VNCH. Sự sụp đổ cực kỳ nhanh chóng của quân lực VNCH không chỉ bởi sức mạnh tổng tấn công của quân đội Bắc Việt, mà còn vì lý do VNCH bỏ ngỏ trận địa cho bộ đội Bắc Việt” (trích Kỳ II: Đổ lỗi) Đoạn trích dẫn trên cho chúng ta thấy binh lính VNCH đã thất trận ngay cả khi súng còn chưa kịp nổ. Do vậy, cái gọi là “yếu tố chiến lược của Tây Nguyên” lẽ ra chỉ nên được đặt ra trong sự sụp đổ của Sàigòn, nếu sau khi mất BMT đã có thêm những cuộc quyết đấu giữa hai bên và VNCH bị thua vì bị thất thế về địa hình do mất Tây nguyên, chỉ khi ấy nhận định “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương” mới có giá trị. Nhưng rất tiếc điều này lại chưa có cơ hội chứng minh trước lúc Sàigòn thất thủ. Quân đội VNCH khi ấy gần như chỉ có “cầm cự” và “rút lui chiến thuật”, một cách nói hoa mỹ mà thật ra là nhiều nơi đã bỏ chạy trong sự hoảng loạn. Hoảng loạn là sự bộc phát ra bên ngoài của cái tâm trạng sợ hãi ‘rối bời’ bên trong con người mình. Vậy cội nguồn của sự sợ hãi nơi những người lính và dân miền Nam trước đây ở đâu ra? Câu hỏi đã khiến tôi liên tưởng lại cái thời mới tập tễnh vào tiểu học hồi thập niên 60, mặc dù còn nhỏ nhưng cũng đã hân hạnh được nghe danh “Việt cộng là đồ ác ôn, tàn ác!” mà đi kèm với nó thường là tấm áp-phích vẽ 4-5 tên “vi-xi” ốm cà tong cà teo, mặt mày xấu xí trông như lũ quỉ cùng đánh đu trên một cây đu đủ cũng ốm yếu chẳng kém họ, khiến nó oằn cong sát xuống đất mà vẫn không thể gãy, để tuyên truyền cho dân chúng miền Nam thấy cái sự nghèo đói của chủ nghĩa cộng sản đem lại. Nhìn tấm áp-phích ấy ai cũng biết đó chỉ là tranh cổ động. Miền Bắc thời ấy tuy đói rách thật nhưng không thể tệ đến mức kinh khủng như thế. Ấy vậy mà tác dụng ám ảnh của nó rõ ràng không ai có thể phủ nhận, nếu không thì tôi cũng chẳng tài nào nhớ dai cái hình xấu xí lâu đến tận bây giờ. Và đây cũng mới chỉ là một trong vô số những điều được chính quyền Sàigòn tuyên truyền về sự tàn ác của cộng sản mà thời xưa gọi là “tâm lý chiến”, mặc dù chẳng phải hoàn toàn là bịa đặt nhưng khi xem những bộ phim như “Chúng tôi muốn sống”, “Ánh sáng miền Nam”… ai mà chẳng thấy sợ Việt Cộng? Điều này cho chúng ta thấy việc tuyên truyền về những sự ác của chủ nghĩa cộng sản quả là con dao hai lưỡi cực kỳ lợi hại: Lúc lực lượng còn cân bằng, chế độ Sàigòn còn đủ mạnh để che chở người dân an bình đó là điều tốt, vì nó giúp cho dân khỏi bị rơi vào những lời đường mật do bị cộng sản du đi theo họ. Nhưng một khi chế độ bị ‘lung lay’, sự bảo vệ ấy chẳng còn những ám ảnh về cái ác của cộng quân lập tức trỗi dậy và quay lại hại ngay chính chủ nhân của nó. + Nếu chẳng phải vì lý do này thì vì điều gì mà hàng trăm ngàn người đã phải giẫm đạp lên nhau trên quốc lộ 19, 21 từ BMT, Pleiku xuống Qui nhơn, Nha Trang tháng 3/75? + Nếu sau khi mất BMT dân chúng vẫn cứ bình tĩnh để không gây ra những cảnh hỗn loạn ‘đục nước béo cò’, ai dám chắc có sẽ ngày 30/4? Tâm lý sợ hãi Việt cộng của quân dân miền Nam 34 năm trước đã vô tình là thứ đồng minh vô cùng lợi hại giúp bộ đội Bắc Việt chiến thắng quá dễ dàng trong các cuộc đọ sức. Nhiều nơi chưa đánh lính đã buông súng bỏ chạy, nơi này thấy nơi kia chạy cũng chạy theo, nhà này thấy nhà khác chạy cũng chạy để rồi tất cả như những quân cờ Đômino đổ. Bởi vậy không phải tự nhiên khi chúng ta đọc quyển “Đại Thắng Mùa Xuân’ của ông Đại tướng Văn Tiến Dũng, những tĩnh từ trạng thái “hoảng loạn, kinh hãi, sợ hãi, tháo chạy v.v…” được nhắc đến rất nhiều lần mà chẳng phải những danh từ “chiến lược, chiến thuật…” như lẽ ra nó phải chiếm đa số trong các sách viết về chiến tranh. Cảnh tượng tuyệt vọng dân chúng miền Nam VN trong những ngày ấy không dễ gì xảy ra thêm lần nữa. Nhưng nếu ai biết nó thảm hại ra sao hãy cứ nhìn cảnh các nhà đầu tư chứng khoán những lúc họ bị rơi vào tình trạng hoảng loạn tranh giành nhau bán đổ bán tháo cố phiếu như thế nào, ắt sẽ hiểu ngay rằng trong mọi tình huống, mọi lĩnh vực, một khi NIỀM TIN đã chẳng còn thì SỰ SỢ HÃI thế chỗ ngay tức thì và sẽ gây nên những sự sụp đổ chẳng còn ai có thể cứu vãn nổi. Mọi sai lầm của quá khứ chẳng ai còn có thể sửa chữa được điều gì ngoại trừ rút ra được những bài học quí giá. đó là, muốn cho đất nước chóng thoát khỏi sự cai trị độc đoán của đảng Csvn, trước hết mỗi người cần phải sớm loại bỏ được sự sợ hãi họ ra khỏi chính con người mình. Tham khảo: [1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090312_buonmathuot.shtml [2] http://vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n0ntnqn31n343tq83a3q3m3237n1n [3] http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=157214&ChannelID=5 [4] http://vietnamnewvn.blogspot.com/2009/01/no10-ai-tuong-vo-nguyen-giap-va-4-ieu.html Sàigòn, 30/4/2009 |