Chương trình Phát thanh TIẾNG VỌNG TÌNH THƯƠNG góp phần an ủi bệnh nhân |
Tác Giả: VietCatholic/Saigon Echo |
Thứ Tư, 11 Tháng 2 Năm 2009 01:21 |
Hôm nay, 11-2, nhân ngày Quốc Tế hướng về các bệnh nhân, Saigon Echo xin đăng lại bản tin và phóng sự của hãng tin Công Giáo quốc tế VietCatholic. Đặc biệt trong phần phóng sự, qua lời chứng của chị Đinh Thị Thu Hương, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe chị nhắc đến tên chương trình phát thanh TIẾNG VỌNG TÌNH THƯƠNG. Chị Hương là một bệnh nhân mắc chứng nan y, nhưng đã được Chúa chữa lành một cách khác lạ. Đây là nguyên văn lời của chị đã kể lại trong xúc động, đầy nước nước mắt với LM. Giuse Đồng Văn Vinh, phóng viên của VietCatholic: "Dần dần, con lấy lại được bình tĩnh và học cách phó thác mọi sự theo gương Đức Mẹ. Con năng suy gẫm những mầu nhiệm Mân Côi từ những dĩa CD do chương trình TIẾNG VỌNG TÌNH THƯƠNG thực hiện." Đây là một niềm khích lệ rất lớn lao cho các anh em phục vụ trong chương trình phát thanh TVTT từ nhiều năm qua. Trong những ngày tới, khi phần kỹ thuật về âm thanh hoàn hảo, chúng tôi sẽ lần lượt đưa lên hàng trăm chương trình TVTT để cống hiến quý thính giả. Xin BẤM VÀO ĐÂY để đọc tin và nghe lời chứng của chị Đinh Thị Thu Hương. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân 2009
VietCatholic News (07 Feb 2009 16:29)
VATICAN.- ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi cộng đồng Giáo Hội và xã hội động viên để giúp đỡ các trẻ em bị bệnh tật và thương tích trong thân xác và tinh thần.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm 7-2-2009, nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 17 sẽ được cử hành vào ngày 11-2-2009, lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Khác với 16 lần trước đây, lần này ĐTC không chỉ định một Đền Thánh riêng biệt nào để cử hành Ngày Thế Giới các bệnh nhân và mỗi giáo phận tùy tiện cử hành. Tại Vatican, chiều ngày thứ tư, 11-2-2009, ĐHY Javier Lozano Barragán, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, sẽ chủ sự thánh lễ cho các anh chị em bệnh nhân và những người săn sóc họ, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Cuối thánh lễ, ĐTC sẽ đến chào thăm và ban huấn dụ cho mọi người. Sau đây là nguyên văn Sứ Điệp của ĐTC. Nguyên văn Sứ Điệp Anh chị em thân mến, Ngày Thế Giới các bệnh nhân, cử hành vào ngày 11-2 tới đây, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, sẽ thấy các cộng đoàn giáo phận quây quần cầu nguyện quanh các Giám Mục của mình, để suy tư và quyết định về những sáng kiến nhắm gây ý thức về thực tại đau khổ. Năm Thánh Phaolô mà chúng ta đang cử hành là dịp thích hợp để dừng lại suy niệm với thánh Phaolô Tông Đồ về sự kiện ” như đau khổ của Chúa Kitô dồi dào trong chúng ta, thì nhờ Chúa Kitô ơn an ủi cho chúng ta cũng được tràn đầy ” (2 Cr 1,5). Ngoài ra, mối liên hệ tinh thần với Lộ Đức cũng gợi lại trong tâm trí chúng ta mối quan tâm từ mẫu của Mẹ Chúa Giêsu đối với những người em của Con Đức Mẹ, ”đang trên đường lữ hành và sống giữa những nguy hiểm và cơ cực, cho đến khi họ được dẫn vào quê hương hạnh phúc” (Ánh sáng muôn dân, 62). Năm nay, chúng ta đặc biệt chú ý đến các trẻ em, những thụ tạo yếu đuối và vô phương thế tự vệ nhất, và trong số này, có các trẻ em bệnh tật và đau khổ. Có những em đang mang trong thân xác những hậu quả của bệnh làm cho tàn tật, có những em khác đang chiến đấu chống lại những căn bệnh mà ngày nay người ta vẫn không chữa được, mặc dù có những tiến bộ của y khoa và sự trợ lực của những nghiên cứu gia và chuyên gia tài giỏi về y tế. Có những em bị thương tích trong thân xác và tâm hồn vì những cuộc xung đột và chiến tranh, có những em khác là nạn nhân vô tội của oán thù vô nghĩa lý của người lớn. Có những trẻ em 'bụi đời', thiếu hơi ấm của gia đình và bị bỏ rơi, những thiếu niên bị những người đáng kinh tởm xâm phạm sự thơ ngây trong trắng của các em, tạo cho các em một thương tích tâm lý, ảnh hưởng trên trọn cuộc đời còn lại của các em. Chúng ta cũng không thể quên vô số các trẻ em chết vì đói khát, vì thiếu săn sóc y tế, cũng như những trẻ em phải di tản và tị nạn, rời bỏ quê hương với cha mẹ để đi tìm những điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn. Từ tất cả các trẻ em ấy đang vang lên một tiếng kêu đau đớn âm thần, gọi hỏi lương tâm chúng ta trong tư cách là con người và là tín hữu. Cộng đồng Kitô giáo không thể dửng dưng đứng trước những tình trạng thê thảm như thế, và cảm thấy nghĩa vụ thúc bách phải can thiệp. Thực vậy, như tôi đã viết trong thông điệp ”Thiên Chúa là tình thương”, Giáo Hội là ”gia đình của Thiên Chúa trong thế giới. Trong gia đình này, không thể có người nào phải chịu đau khổ vì thiếu những điều cần thiết” (25,b). Vì thế, tôi cũng mong ước rằng Ngày Thế Giới các bệnh nhân là dịp để các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận ngày càng ý thức mình là ”gia đình của Thiên Chúa” và khuyến khích họ hãy làm cho tình thương của Chúa được cảm nghiệm cụ thể trong các làng mạc, khu xóm, và thành thị, tình yêu ấy của Chúa đòi hỏi rằng trong Giáo Hội, với tư cách là một gia đình, không một phần tử nào phải chịu đau khổ vì thiếu thốn” (ibid.). Chứng tá bác ái là điều thuộc về chính đời sống của mỗi cộng đoàn Kitô. Và ngay từ đầu, Giáo Hội đã diễn tả các nguyên tắc Tin Mừng qua những cử chỉ cụ thể, như chúng ta đọc thấy trong sách Tông Đồ công vụ. Ngày nay, vì những điều kiện trợ giúp y khoa đã thay đổi, chúng ta thấy cần có sự cộng tác chặt chẽ hơn giữa các chuyên gia y tế đang hoạt động tại các nhà thương và trung tâm y tế với các cộng đoàn Giáo Hội hiện diện trong lãnh thổ địa phương. Trong viễn tượng này, một tổ chức có liên hệ với Tòa Thánh được xác nhận trọn vẹn giá trị, đó là Nhà Thương Nhi Đồng Chúa Hài Đồng Giêsu, năm nay đang kỷ niệm 140 năm thành lập. Cũng cần nói thêm. Vì trẻ em bệnh nhân thuộc về một gia đình và gia đình này cũng chịu đau khổ với em và thường phải chịu nhiều khó khăn và cơ cực, nên các cộng đồng Kitô không thể không giúp đỡ các gia đình đang phải mang gánh nặng vì người con đau yếu của mình. Theo gương người Samaritano nhân lành, chúng ta cần cúi mình xuống trên những người đang bị thử thách nặng nề, và nâng đỡ họ bằng tình liên đới cụ thể. Như thế, việc chấp nhận và chia sẻ đau khổ được biểu lộ qua sự nâng đỡ hữu ích dành cho các gia đình có trẻ em đau yếu, kiến tạo nơi họ một bầu không khí thanh thản và hy vọng, giúp họ cảm thấy chung quanh mình một gia đình rộng lớn gồm các anh chị em trong Chúa Kitô. Sự cảm thương của Chúa Giêsu đối với những dòng lệ của bà góa thành Naim (cf Lc 7,12-17) và đối với lời cầu nguyện tha thiết của Ông Giairô (cf Lc 8,41-56) chính là những điểm tham chiếu hữu ích, trong số những điều khác nữa, để học cách chia sẻ những tình cảnh cơ cực về thể lý và tinh thần của bao nhiêu gia đình phải chịu. Tất cả những điều đó đòi phải có một tình yêu thương vô vị lợi và quảng đại, phản ánh và là dấu chỉ lòng từ bi yêu thương của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi con cái Ngài trong thử thách, nhưng luôn tái cung cấp cho họ những nguồn lực tuyệt vời trong tâm trí để có thể đương đầu thích hợp với những khó khăn trong cuộc sống. ”Sự tận tụy hằng ngày và dấn thân không ngừng để phục vụ các trẻ em bệnh tật chính là một chứng tá hùng hồn về lòng yêu mến sự sống con người, đặc biệt là đối với sự sống của người yếu đuối, hoàn toàn tùy thuộc người khác. Thực vậy, cần mạnh mẽ khẳng định phẩm giá tuyệt đối và cao cả của mọi sinh mạng con người . Qua dòng thời gian, giáo huấn của Giáo Hội vẫn không thay đổi, đó là sự sống con người thật là đẹp và phải được sống sung mãn, cả khi sự sống ấy suy yếu và bị mầu nhiệm đau khổ bao phủ. Chúng ta cần hướng nhìn về Chúa Giêsu chịu đóng đanh: khi chịu chết trên thập giá, Ngài đã muốn chia sẻ đau khổ của toàn thể nhân loại. Trong đau khổ vì yêu thương của Chúa, chúng ta thấy có sự đồng cảm tột cùng với những đau khổ của các trẻ em bệnh nhân và cha mẹ các em. Vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Gioan Phaolô 2, qua việc kiên nhẫn chấp nhận đau khổ đã nêu gương sáng ngời đặc biệt vào cuối đời, ngài viết: ”Trên thập giá, có Đấng Cứu Chuộc loài người”, là ”Con người của đau khổ”, đã nhận mang trên trên mình những đau khổ thể lý và tinh thần của con người thuộc mọi thời đại, để trong tình yêu, chúng ta có thể tìm được ý nghĩa cứu độ của đau khổ và và những lời giải đáp hữu hiệu cho tất cả những vấn nạn của họ” (Salvifici doloris, Khổ đau cứu độ, 31). Ở đây tôi muốn bày tỏ lòng quí chuộng và khích lệ các Tổ chức Quốc tế và Quốc gia đang quảng đại và hy sinh chăm sóc các trẻ em bệnh nhân, đặc biệt là tại các nước nghèo, góp phần đảm bảo cho các em được chăm sóc thích đáng và với lòng yêu thương. Đồng thời tôi cũng tha thiết kêu gọi các vị hữu trách của các quốc gia hãy tăng cường các đạo luật và những biện pháp giúp đỡ các trẻ em bệnh nhân và gia đình các em. Về phần mình, nhất là khi liên hệ tới cuộc sống của các em, Giáo Hội luôn sẵn sàng đóng góp sự cộng tác hăng say với ý hướng biến đổi toàn thể nền văn minh của nhân loại thành 'nền văn minh tình thương' (cf Khổ đau cứu độ, 30). Để kết luận, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi tinh thần với tất cả anh chị em là những người đang chịu đau khổ vì bệnh tật. Tôi thân ái gửi lời chào thăm tất cả những người đang giúp đỡ anh chị em: các Giám Mục, các linh Mục, những người thánh hiến, các nhân viên y tế, những người thiện nguyện và tất cả những ngừơi đang xả thân trong tình yêu thương để săn sóc và thoa dịu đau khổ của những người đang bị bệnh tật. Hỡi các em nhỏ đang chịu bệnh tật và đau khổ, Cha đặc biệt chào thăm các con: Cha ôm lấy tất cả các con trong tình yêu thương phụ tử cùng với cha mẹ và những người thân của các con, và Cha cam đoan đặc biệt nhớ đến các con trong kinh nguyện, mời gọi các con hãy tín thác nơi sự phù trợ từ mẫu của Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm, Đấng mà trong lễ Giáng Sinh vừa qua, chúng ta đã chiêm ngưỡng Mẹ đang vui mừng ôm lấy Con Thiên Chúa trở thành hài nhi. Cha cầu xin Mẹ Maria Chí Thánh bảo vệ các con và mọi bệnh nhân trong tình hiền mẫu của Mẹ, là Sức Khỏe của các bệnh nhân, và Cha thành tâm ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho tất cả. Vatican ngày 2-2-2009 Biển Đức 16, Giáo Hoàng (Trần Đức Anh OP chuyển ý) |