Home Tin Tức Thời Sự Lễ Nhậm Chức của tân Tổng Thống Obama

Lễ Nhậm Chức của tân Tổng Thống Obama PDF Print E-mail
Tác Giả: Tin Tổng Hợp   
Thứ Ba, 20 Tháng 1 Năm 2009 06:18

“Tôi long trọng thề rằng tôi sẽ nghiêm chỉnh thi hành nhiệm vụ của Tổng Thống Hoa Kỳ, và sẽ hết sức giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến Pháp Hoa Kỳ. Xin Thượng Đế phù hộ tôi”.

(Tin tổng hợp đài VOA và RFA và VN Express)
Khoảng 2 triệu người đã đổ về Quảng trường Quốc gia ở thủ đô Washington để chứng kiến ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức trong tư cách là vị tổng thống người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên của Hoa Kỳ.

Ông Obama và gia đình đã đến nhà thờ St.John, cách Tòa Bạch Ốc một khu phố, để dự thánh lễ riêng trước lễ nhậm chức theo truyền thống.

Sau đó, Tổng thống tân cử và phu nhân là bà Michelle, cùng với phó tổng thống tân cử Joe Biden và phu nhân là bà Jill đến Tòa Bạch Ốc để uống cà phê với tổng thống George W. Bush.

Buổi lễ đã tiến hành vào giữa sáng với phần trình diễn âm nhạc của nữ danh ca Aretha Franklin, nhạc sĩ đại hồ cầm Yo-Yo Ma và nhạc sĩ vĩ cầm Itzhak Perlman.

Ông Biden sẽ là người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức, do thẩm phán tối cao pháp viện John Paul Stevens cử hành.
Chánh án John Roberts sau đó cử hành lễ tuyên thệ tổng thống cho ông Obama.

Tổng thống tân cử Barack Obama và phu nhân đến nhà thờ St.John
Ðám đông tụ tập tại Quảng trường Quốc gia ở thủ đô Washington để chứng kiến lễ nhậm chức của ông Obama:
 “Tôi long trọng thề rằng tôi sẽ nghiêm chỉnh thi hành nhiệm vụ của Tổng Thống Hoa Kỳ, và sẽ hết sức giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến Pháp Hoa Kỳ. Xin Thượng Đế phù hộ tôi”.

Đó là 39 chữ mà theo truyền thống lâu đời của nước Mỹ, bất cứ một Tổng Thống đắc cử Hoa Kỳ nào cũng phải đọc nguyên văn như thế trong buổi lễ tuyên thệ trước khi chính thức được trở thành Tổng Thống. Nhân dịp lễ nhậm chức của ông Barrack Obama, vị Tổng Thống thứ 44, cũng là vị Tổng Thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ. Hà Giang tìm hiểu về lịch sử của buổi lễ long trọng này:

Thành phố Nữu Ước là nơi mà Tướng George Washington đã tuyên thệ để trở thành Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Trước đó, Quốc Hội Mỹ đã dự định cho chính phủ mới bắt đầu nhiệm kỳ của họ vào ngày 4 tháng 3, năm 1789, nhưng mùa đông khắc nghiệt năm ấy đã khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn, nên mãi đến ngày 6 tháng 4, các nghị sĩ mới có mặt đầy đủ ở Nữu Ước để đếm phiếu đại biểu, và chính thức tuyên bố rằng George Washington đã được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ.

Phải mất mấy ngày hôm sau, tin này mới đến được tư gia của Tướng George Washington tại Mount Vernon, tiểu bang Virgina.  Được tin, Tướng George Washington gấp rút lên đường đến thủ đô, để lại vợ là bà Martha Washington ở nhà thu xếp đi sau.

Trong cuộc hành trình gian nan đến Nữu Ước, Tướng George Washington đã phải dùng xe ngựa bốn bánh và có lúc phải cưỡi ngựa để đi qua ba tiểu bang Baltimore, Wilmington và Philadelphia. Nhưng rồi ông cũng đến được thành phố Nữu Ước trên một xà lan được chèo từ New Jersey đến vịnh Newark.

Lễ nhậm chức của Tổng Thống George Washington được tổ chức vào ngày 30/4/1789, đã khởi  đầu với âm thanh vang dội của tiếng súng đại bác nghi lễ và những tiếng chuông nhà thờ rộn rã khắp thành phố Nữu Ước. Đúng 12 giờ trưa, Tướng Washington rẽ đám đông để bước đến đại sảnh liên bang, nơi lưỡng viện Quốc Hội đã tụ tập đông đủ để chứng kiến nghi thức tuyên thệ. Thị trưởng Nữu Ước, Robert Livingston đã đọc lời tuyên thệ, và Tổng Thống George Washington, một tay đưa cao, tay kia đặt lên quyển thánh kinh, miệng lặp lại từng chữ của bản văn tuyên thệ Tổng Thống đã được ghi sẵn trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

“Tôi, George Washington, long trọng thề rằng tôi sẽ nghiêm chỉnh thi hành nhiệm vụ của Tổng Thống Hoa Kỳ, và sẽ hết sức giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến Pháp Hoa Kỳ. Xin Thượng Đế phù hộ tôi.”.  

Tổng thống Thomas Jefferson là người đầu tiên làm lễ tuyên thệ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau buổi tuyên thệ nhiệm kỳ thứ hai, ông đã cưỡi ngựa từ thủ đô về tư dinh của Tổng Thống, nay được gọi là Tòa Bạch Ốc, cùng lúc ấy một toán kỹ sư cơ khí của một căn cứ Hải Quân gần đó đã tụ họp để có một cuộc diễn hành nhỏ. Cuộc diễn hành đơn giản này về sau đã ngày càng trở thành quy mô, tạo nên truyền thống cho một cuộc rước long trọng trong mỗi ngày nhậm chức tổng thống.

Lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng Thống Thomas Jefferson đã khởi đầu tục lệ mở cửa Tòa Bạch Ốc để đón chào tất cả những ai muốn đến chúc mừng Tổng Thống sau buổi lễ tuyên thệ. Tục lệ này đã khiến vị tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ, ông Andrew Jackson phải phóng ra cửa số để thoát thân, khi một đám đông quá nôn nóng được gặp ông, đã ùa vào và xô đẩy nhau trong Tòa Bạch Ốc làm ông suýt ngộp thở.

Sử gia Jim Bendat, người đã ghi lại giai thoại của những buổi lễ nhậm chức trong lịch sử Hoa Kỳ trong cuốn sách có tựa đề: “Lễ nhậm chức Tổng Thống, một ngày trọng đại của thể chế Dân Chủ”  kể lại:

 “Tổng Thống Andrew Jackson muốn đón chào tất cả mọi người bất kể ai, thế là một đám đông người đã nhào đến, họ mặc quần áo lôi thôi lếch thếch, ủng dính đầy bùn đất, xô đẩy nhau làm hư hại bàn ghế và đổ vỡ nhiều đồ sứ trong Tòa Bạch Ốc. Một người đã nẩy ra sáng kiến hay là mang những chậu Whisky lớn ra ngoài sân cỏ, nhờ thế mới dụ được nhóm người này ra ngoài…”

Kể từ Tổng Thống George Washington, tất cả mọi tân tổng thống đều đọc bài diễn văn trong ngày nhậm chức. Nhưng vị Tổng thống thứ 5 của Hoa Kỳ là ông James Monroe là người đầu tiên đã nói chuyện với công chúng qua bài diễn văn của mình. Và kể từ đó, bài diễn văn nhậm chức là thông điệp đầu tiên của một tân tổng thống gửi đến cho toàn dân.

Những lời phát biểu của Tổng Thống tân cử thường phản ánh và đánh dấu một giai đoạn cụ thể trong lịch sử Hoa Kỳ. Thí dụ trong bài diễn văn năm 1865, Tổng Thống Abraham Lincoln kêu gọi toàn dân hãy “Tiếp tục hoàn tất công việc xoa dịu mọi vết thương của đất nước đã do cuộc chiến tranh Nam Bắc gây ra”. Vào năm 1933 sau cơn khủng hoảng kinh tế, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt trấn an người dân bằng câu: "Chúng ta không có gì để lo sợ, ngoài chính nỗi sợ hãi."

Nhưng bài diễn văn vào năm 1961 của John F. Kennedy, Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ, trong đó câu nói tạo cảm hứng và khơi lên lòng nhiệt thành phục sự đất nước của nhiều thế hệ trẻ, cho đến bây giờ vẫn còn được người đời nhắc nhớ:

“Hỡi đồng bào thân yêu: Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm được gì cho tổ quốc. Các bạn đồng minh thân mến, đừng hỏi Hoa Kỳ sẽ làm gì cho bạn, nhưng hãy hỏi chúng ta có thể cùng nhau làm gì để mang đến tự do cho nhân loại.”

Còn Barrak Obama thì nhiều bình luận gia tầm cỡ cho rằng bài diễn văn nhậm chức của Obama sẽ có giọng văn trẻ trung thuyết phục của John F. Kennedy, mạnh mẽ và tiềm ẩn của Abraham Lincoln và lôi cuốn, sâu sắc của Franklin D. Roosevelt. 

Dưới đây là nguyên văn bản dịch bài diễn văn của ông Obama:

Thưa quốc dân đồng bào,

Hôm nay tôi đứng đây với sự khiêm cung trước nhiệm vụ mà chúng ta phải đối phó, với lòng biết ơn về sự tin tưởng mà đồng bào đã dành cho tôi, và nghĩ đến những hy sinh mà các bậc tiền bối của chúng ta đã chịu đựng. Tôi cảm ơn tổng thống Bush về sự phục vụ của ông cho đất nước chúng ta, cũng như lòng hào hiệp và tinh thần hợp tác mà ông đã chứng tỏ trong suốt quá trình chuyển tiếp.

Cho đến nay, đã có 44 người Mỹ đọc lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Những lời tuyên thệ này đã được đọc lên vào những thời kỳ đầy thịnh vượng và trong những thời hòa bình yên ổn. Tuy vậy, lời tuyên thệ này cũng vẫn thường được đọc lên trong những lúc thời gian đầy u ám và sóng gió. Vào những thời điểm như thế, nước Mỹ vẫn tiếp tục tiến bước không phải đơn giản chỉ vì tài năng và viễn kiến của những người nắm giữ các chức vụ cao, mà còn bởi vì nhân dân chúng ta tiếp tục trung thành với những lý tưởng của các bậc tiền bối, và trung thành với các văn kiện lập quốc.

Sự việc đã diễn ra như vậy. Và nó phải diễn ra như vậy với thế hệ người Mỹ hiện nay.

Sự kiện chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng là điều ai cũng hiểu rõ. Quốc gia chúng ta đang có chiến tranh, chống lại một mạng lưới rộng lớn của bạo lực và lòng thù hận. Nền kinh tế của chúng ta bị suy yếu trầm trọng, do hậu quả của lòng tham và sự thiếu trách nhiệm của một số người, nhưng cũng vì sự thất bại chung của chúng ta phải có những lựa chọn khó khăn và chuẩn bị đất nước cho một thời đại mới. Nhà cửa đã bị mất mát; công việc bị cắt giảm; cơ sở kinh doanh bị đóng cửa. Công tác chăm sóc sức khỏe quá tốn kém; trường học chúng ta làm nhiều người thất bại; và mỗi ngày lại có thêm bằng chứng cho thấy rằng cách thức sử dụng năng lượng của chúng ta làm cho kẻ địch của chúng ta mạnh thêm và đe dọa đến hành tinh của chúng ta.

Đây là những chỉ dấu của khủng hoảng, bằng vào số liệu thống kê. Có những chỉ dấu không đo lường nhưng cũng không kém phần sâu sắc là sự hủy hoại lòng tin trên khắp đất nước. Đó là mối sợ hãi canh cánh rằng sự suy thoái của nước Mỹ là không thể tránh khỏi và rằng thế hệ kế tiếp phải hạ thấp kỳ vọng của mình.  

Hôm nay, tôi xin nói với đồng bào rằng những thách thức mà chúng ta đang đối mặt là có thực. Những thách thức này rất nhiều và nghiêm trọng. Những thách thức không thể được giải quyết một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng nước Mỹ phải biết rằng, chúng sẽ được giải quyết.

Ngày hôm nay, chúng ta tề tựu ở đây bởi vì chúng ta đã chọn hy vọng thay vì sợ hãi, thống nhất về mục đích thay vì sự xung đột và bất hòa.

Ngày hôm nay, chúng ta đến đây để tuyên bố sự cáo chung của những lời than phiền nhỏ nhặt và những lời hứa hão huyền, những lời trách cứ và những giáo điều đã lỗi thời, đã bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta quá lâu.

Chúng ta vẫn là một đất nước trẻ trung nhưng như lời Thánh Kinh đã nói, đã đến lúc ta phải gạt qua một bên những điều ấu trĩ. Đã đến lúc chúng ta phải tái khẳng định tinh thần kiên trì; để chọn cho chúng ta một lịch sử tốt đẹp hơn; để tiếp tục phát huy tặng phẩm quý giá đó; tư tưởng cao cả đó, đã được truyền lại cho chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác: đó là lời hứa được Thượng Đế mặc khải là mọi người đều bình đẳng, mọi người đều tự do, đều xứng đáng có cơ hội mưu cầu hạnh phúc đầy đủ.

Trong khi tái khẳng định tính chất vĩ đại của đất nước chúng ta, chúng ta hiểu rằng sự vĩ đại đó không bao giờ là một điều đương nhiên mà có được. Phải có công phu mới xây dựng được sự vĩ đại đó. Cuộc hành trình của chúng ta không hề là những lối đi tắt hay sự chấp nhận những điều bất cập. Đó không phải là một con đường cho những người thiếu can đảm, cho những người thích nhàn nhã hơn là lao động, hay những người mưu tìm sự vui thú của giầu sang và danh vọng. Thay vào đó, ấy là con đường của sự chấp nhận rủi ro, những người hành động, những người tạo ra thời thế, một số những người đó là những người nổi tiếng nhưng thường hơn đó những người, nam cũng như nữ, mà việc làm không được ai biết đến, những người đã đưa chúng ta tiến lên con đường dài, gập ghềnh tiến đến phồn vinh và tự do.

Đối với chúng ta, họ là những người đã gói ghém một ít của cải trần thế của và vượt qua những đại dương để đi tìm một cuộc sống mới.

Đối với chúng ta, họ đã lao động cực nhọc trong những cơ xưởng tối tăm và chinh phục miền Tây; chịu đựng roi vọt và cầy xới đất đai khô cứng.

Đối với chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh, ở những nơi như Concord và Gettysburg; ở Normandy và Khe Sanh.

Những người đàn ông và phụ nữ này đã không ngừng tranh đấu và hy sinh và làm việc cho tới khi đôi tay của họ rướm máu để cho chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Họ đã nhận ra rằng nước Mỹ lớn hơn con số gộp chung của những tham vọng cá nhân, lớn hơn mọi sự khác biệt bắt nguồn từ bối cảnh gia đình, của cải hoặc phe nhóm.

Đây là hành trình mà ngày nay chúng ta tiếp tục theo đuổi. Đất nước chúng ta tiếp tục là quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh nhất trên Trái đất. Sức sản xuất của công nhân của chúng ta không hề sút giảm so với thời kỳ trước khi vụ khủng hoảng này bắt đầu. Sự sáng tạo của trí óc của chúng ta không hề sút giảm, và hàng hóa và dịch vụ của chúng ta vẫn tiếp tục được cần tới in hệt như tuần trước, tháng trước, hoặc năm trước. Khả năng của chúng ta vẫn không hề suy giảm. Nhưng thời đại mà chúng ta đứng yên trong tự mãn, bảo vệ những quyền lợi hẹp hòi và trì hoãn việc làm ra những quyết định khó khăn – thời đại đó quả thật đã qua rồi. Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta phải tự mình đứng lên, phủi bụi trên người, và bắt đầu làm việc lại để xây dựng lại nước Mỹ.

Bất cứ chỗ nào chúng ta nhìn tới đều có những việc cần phải làm. Tình trạng của nền kinh tế đòi hỏi chúng ta hành động, hành động một cách quả quyết và nhanh chóng, và chúng ta sẽ hành động – không những để tạo ra công ăn việc làm mới, nhưng còn để xây dựng một nền tảng mới cho sự tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây dựng đường sá, cầu cống, mạng lưới tải điện và đường giây chuyển tải dữ liệu số để hỗ trợ cho công cuộc thương mại và nối kết chúng ta với nhau. Chúng ta sẽ khôi phục vị thế xứng đáng của khoa học, và áp dụng những điều kỳ diệu của kỹ thuật để nâng cao phẩm chất của công tác chăm sóc sức khỏe và giảm thiểu chi phí của công tác này. Chúng ta sẽ biến ánh sáng mặt trời, sức gió và đất đai thành năng lượng để chạy xe và vận hành nhà máy. Và chúng ta sẽ chuyển hóa trường học các cấp của mình để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Chúng ta có thể làm được tất cả những việc này. Và những việc này là tất cả những gì mà chúng ta sẽ làm.

Giờ đây, có một số người đặt nghi vấn về tầm vóc của những tham vọng của chúng ta, những người cho rằng hệ thống của chúng ta không có khả năng để thực hiện nhiều kế hoạch to lớn như vậy. Nhưng những người đó là những người có trí nhớ không mấy tốt. Vì họ đã quên mất những gì mà đất nước này đã làm; những gì mà những người đàn ông và phụ nữ tự do có thể đạt được khi óc tưởng tượng được kết hợp với một mục đích chung và nhu cầu của lòng dũng cảm.

Những gì mà những người có thái độ hoài nghi quá độ không thể hiểu được là mặt đất dưới chân họ đã chuyển dịch, là những sự tranh cãi chính trị vô bổ đã phí phạm năng lực của chúng ta quá lâu giờ đây không còn áp dụng nữa. Câu hỏi mà chúng ta nêu lên hôm nay không phải là chính phủ của chúng ta quá lớn hay quá nhỏ, mà là chính phủ hoạt động có hiệu quả hay không, phải chăng chính phủ giúp đỡ các gia đình tìm được công ăn việc làm với mức lương khả quan, giúp họ có được sự chăm sóc sức khỏe với phí tổn phải chăng, giúp họ có được một cuộc sống về hưu tử tế. Nếu câu trả lời là ‘phải’, chúng ta nhất định sẽ xúc tiến. Nếu câu trả lời là ‘không’, chúng ta sẽ chấm dứt các chương trình đó. Và những người quản lý tiền bạc của công chúng như chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm, phải chi tiêu một cách khôn ngoan, sửa đổi những thói quen không tốt, và làm việc dưới ánh san1g ban ngày, bởi vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể khôi phục niềm tin của dân chúng đối với chính phủ.

Câu hỏi trước mắt chúng ta cũng không phải là thị trường là một sức mạnh tốt hay xấu. Sức mạnh của thị trường trong việc tạo ra của cải và nới rộng tự do là vô địch, nhưng vụ khủng hoảng này nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có một cặp mắt chăm chú theo dõi, thị trường có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, và đất nước không giàu mạnh trong lâu dài khi thị trường chỉ mang lại lợi ích cho những người giàu có. Sự thành công của nền kinh tế của chúng ta lúc nào cũng không thể chỉ tùy thuộc vào Tổng Sản Lượng Nội Địa, mà tùy thuộc vào việc sự thịnh vượng lan tỏa đến đâu; tùy thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc nới rộng cơ hội cho những người có lòng – không phải vì đó là một việc từ thiện, mà vì đó con đường chắc chắn nhất để đạt được mục tiêu chung.

Đối với các quốc gia Hồi giáo, chúng ta tìm một hướng mới phía trước, dựa trên ích lợi hỗ tương và kính trọng lẫn nhau. Đối với các lãnh đạo trên khắp quả địa cầu muốn gieo rắc tranh chấp, hoặc đổ lỗi cho những tệ nạn xã hội của họ vào phương Tây, hãy biết rằng nhân dân quí vị sẽ phán xét quí vị về những gì quí vị có thể xây dựng, không vì những gì quí vị hủy đi. Đối với những ai bám víu quyền lực bằng tham nhũng, gian lận, và bằng cách bịt miệng những người bất đồng, hãy biết rằng quí vị đang đứng ở phía trái của lịch sử; nhưng chúng tôi sẵn sàn đưa tay cho quí vị nếu quí vị sẵn sàng nới lỏng nắm tay của quí vị.

Đối với các quốc gia nghèo, chúng tôi hứa làm việc với quí vị để các đồng ruộng của quí vị này nở, và để cho nước sạch được tuôn chảy; để nuôi dưỡng những tấm thân đói khát và đem thức ăn cho những đầu óc đói kém. Và đối với các quốc gia giống như đất nước chúng ta, đang có của cải tương đối dồi dào, chúng ta xin nói rằng chúng ta không thể nào vô cảm trước những đau khổ bên ngoài biên giới của chúng ta, và chúng ta cũng không thể tiêu dùng các nguồn lực của thế giới mà không chú ý đến hậu quả. Vì thế giới đã thay đổi, chúng ta phải thay đổi với thế giới.

Trong lúc xét đến con đường mở ra phía trước, chúng ta tưởng nhớ với tấm lòng biết ơn sâu sắc đến những người Mỹ dũng cảm, đã từng ngày từng giờ, tuần tra các sa mạc xa xôi và các rặng núi hẻo lánh. Họ có điều gì dạy chúng ta hôm nay, giống như những anh hùng đã gục ngã tại nghĩa trang quốc gia Arlington đã thì thầm cho chúng ta từ nhiều thời gian đã qua. Chúng ta vinh danh họ, không phải vì họ là những người bảo vệ tự do của chúng ta, nhưng vì họ mang tình thần phục vụ; sẵn sàng tìm lý tưởng nơi một điều gì lớn hơn bản thân họ. Thật vậy, trong lúc này, lúc sẽ định hình cho cả một thế hệ, quả thực tinh thần này cần phải hiện hữu trong tất cả mọi người chúng ta.

Khi nói đến chuyện chính phủ có thể làm gì và phải làm gì, quốc gia này cuối cùng được dựa trên sự tin tưởng và quyết tâm của toàn dân. Chính vì sự tử tế mà người Mỹ sẵn sàng giúp đỡ một người lạ mặt khi có những con đê bị vỡ, nhờ lòng vị tha mà các công nhân sẵn sàng làm bớt giờ thay vì để cho một người bạn của mình mất việc; mỗi khi chúng ta ở vào tình huống đen tối nhất. Chính nhờ sự dũng cảm của người nhân viên chữa cháy xông qua một cầu thang đầy khói, và cũng nhờ bậc cha mẹ biết chăm sóc cho con cái, mà cuối cùng số phận của chúng ta được quyết định.

Các thách thức của chúng ta có thể là mới mẻ. Các công cụ mà chúng ta đối phó với thách thức có thể là mới mẻ. Nhưng các giá trị đã dẫn đến thành công của chúng ta tùy thuộc vào sự chịu khó, lương thiện, can đảm, sòng phẳng, khoan dung, tò mò, trung thành và yêu nước; những chuyện đó không phải là mới mẻ. Đó là những chuyện có thật. Chúng là động lực âm thầm cho tiến bộ xuyên suốt lịch sử của nước Mỹ. Điều đang đòi hỏi chúng ta là quay về với những sự thật đó. Điều đòi hỏi chúng ta hiện nay là một kỷ nguyên mới của trách nhiệm; một sự thừa nhận của mỗi người Mỹ rằng chúng ta có nghĩa vụ với chính chúng ta, quốc gia chúng ta, và cả thế giới; những nghĩa vụ mà chúng ta không miễn cưỡng chấp nhận nhưng sẵn sàng nắm lấy, với ý thức chắc chắn rằng không có điều gì làm thỏa mãn tinh thần, không phản ảnh tư cách của chúng ta, cho bằng cống hiến mọi năng lực cho một sự nghiệp khó khăn.

Đây là phần thưởng và sự hứa hẹn của quyền công dân.

Đây là nguồn gốc của sự tin cậy của chúng ta, sự hiểu biết rằng Thượng Đế trông cậy vào chúng ta để hìnhthành một số định mạng không chắc chắn.

Đây lày nghĩa của tự do của chúng ta và tôn giáo của chúng ta - Tại sao mọi người, nam, nữ, trẻ em thuộc mọi chủng tộc và mọi tín ngưỡng có thể cùng nhau vui mừng kỷ niệm tại quản trường quốc gia vĩ đại này và tại sao một người mà cha của ông cách đây gần 60 năm không thể làm việc tại một nhà hàng địa phương mà nay đứng trước mặt quý vị để đọc một lời thề thiêng liêng nhất.

Do đó, chúng ta hãy đánh dấu ngày này bằng sự tưởng niệm là chúng ta là ai và chúng ta đã đi qua những chặng đường dài như thế nào. Vào năm khai sanh quốc gia Hoa Kỳ, trong những tháng lạnh nhất, một nhóm nhỏ những người ái quốc xúm lại với nhau bên cạnh đống lửa gần tàn bên bờ một dòng sông băng giá. Thủ đô đã bị bỏ. Kẻ thù đang tiến tới. Tuyết loang lỗ vết máu. Vào thời điểm mà cuộc cách mạng của chúng ta bị hoang mang nhất, thì vị cha già của quốc gia ra lệnh đọc cho mọi người những lời này: “Hãy nói cho thế giới tương lai...là trong mùa Đông giá lạnh nhất, không có gì ngoài hy vọng và đức tính có thể sống còn - rằng thành phố và xứ sở, được báo động vì mối nguy hiểm chung, tiến tới và gặp được”.

Hoa Kỳ. Đối mặt với những mối nguy hiểm chung, trong mùa đông của gian khổ của chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại những lời lẻ vượt thời gian này. Với hy vọng và đức tính, chúng ta hãy một lần nữa công an đảm vượt qua dòng nước băng giá và chịu đựng bất cứ cơn bão nào sẽ đến. Hãy để cho con cháu chúng ta nhắc lại là khi chúng ta bị thử thách, chúng ta đã chối từ không để cuộc hành trình của chúng ta phải chấm dứt, rằng chúng ta không quay lui trở lại hay là chúng ta ngập ngừng, và với con mắt chăm chú nhìn vào chân trời và với ân phước của Thượng Đế ban cho chúng ta, chúng ta mang ân tứ về tự do và chuyển lại một cách bình an cho thế hệ mai sau.