Home Tin Tức Thời Sự 10 Sự Kiện Nổi Bật Nhất Trong Năm 2008

10 Sự Kiện Nổi Bật Nhất Trong Năm 2008 PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigonecho sưu tầm   
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 09:19

Khủng hoảng, khủng hoảng và khủng hoảng - chúng ta nghe cụm từ này quá nhiều trong năm 2008. Năm 2009 đã tới gần, cùng nhìn lại một năm đầy biến động, điểm lại những cuộc khủng hoảng mà sự ảnh hưởng của chúng lan toả không chỉ trong một quốc gia, và nhìn về một năm mới với những mong muốn lạc quan hơn cho cả thế giới.

CÁO LỖI

  Trong Đêm Giáng Sinh vừa qua, trang nhà của Saigon Echo đã bị phá hoại. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng tái lập ngay sau đó, nhưng cho tới nay các bài vở vẫn chưa thể đem trở lại tất cả. Mong quý độc giả vui lòng thông cảm.

 

1.- Khủng hoảng chính trị ở Pakistan

Chính trường Pakistan từ lâu đã luôn tiềm ẩn các cơn sóng ngầm. Các cuộc chia sẻ quyền lực giữa các nhà cầm quyền thường không ngã ngũ. Ba chính trị gia có ảnh hưởng lớn nhất Pakistan là cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và Tổng thống Pervez Musharraf luôn đối đầu với nhau.

Khi cuộc đối đầu tranh giành quyền lực đang diễn ra gay cấn và căng thẳng thì ngày 27-12-2007, cả đất nước Pakistan như bị sốc trước một hung tin, một cơn đại hồng thủy đổ ập đến: cựu Nữ Thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát. Vụ ám sát bà Bhutto diễn ra trong thời điểm nhạy cảm của chính trường Pakistan: bà Bhutto và ông Nawaz Sharif đã đồng ý liên kết lật đổ Tổng thống Pervez Musharraf.

   Hình chụp bà Benazir Bhutto 30 giây trước khi bị ám sát.

Cái chết của bà Bhutto đã gây bàng hàng cho toàn bộ người dân Pakistan trong và ngoài nước. Cả thế giới đã lên án vụ ám sát này. Người Pakistan nghi ngờ chính phủ đứng sau vụ ám sát bà Bhutto. Tuy nhiên, Tổng thống Pervez Musharraf đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ các nghi ngờ trên của dư luận, ông nói: "Cái chết của Bhutto không phải lỗi của chúng tôi".

Sau cái chết của bà Bhutto, chính trường Pakistan chìm trong lộn xộn. Chính phủ buộc phải hoãn cuộc bầu cử đến ngày 18-2. Bà Bhutto mất đi đã gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội, chính trị ở Pakistan. Toàn bộ nền kinh tế của Pakistan sụp đổ sau cái chết của bà. Nhưng cái gì đến rồi cũng sẽ đi, cuộc sống của người dân Pakistan cũng dần trở lại bình thường dù trong lòng ai cũng thương tiếc bà Bhutto - người phụ nữ xấu số.

   Quang cảnh hỗn loạn và người bị thương sau khi bom nổ
 
Sau cái chết của cựu Thủ tướng Bhutto, cuộc tranh giành quyền lực trong chính trường Pakistan vẫn tiếp tục diễn ra căng thẳng. Đảng Nhân dân Pakistan PPP đã chọn Bilawal Bhutto Zardari, con trai bà Bhutto, là người kế nhiệm trong cuộc đua tranh giành quyền lực. Nhưng Bilawal còn quá trẻ để có thể thay thế vai trò của bà Bhutto nên đã nhường chỗ cho cha mình là Asif Ali Zardari lên làm lãnh đạo đảng Nhân dân Pakistan.

Ông Asif Zardari đã liên kết với cựu Thủ tướng Nawaz Sharif để gây sức ép với Tổng thống Pervez Musharraf, vạch chiến lược lật đổ, buộc ông này phải từ chức.

Trong bài diễn văn được phát trực tiếp trên truyền hình hôm 18-8-2008, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf tuyên bố sẽ từ chức nhằm tránh làm tổn hại đến các lợi ích quốc gia. Tuyên bố từ chức của ông Musharraf đã được chấp nhận. Sau sự ra đi của ông Musharraf, các đảng phái ở Pakistan tìm người lên làm Tổng thống.

Đảng Nhân dân Pakistan PPP là đảng đứng đầu trong liên minh cầm quyền cho biết, các nghị sĩ đảng này đã thống nhất đề cử chồng của cố Thủ tướng Bhutto, ông Asif Ali Zardari, làm ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Pakistan.

Ngày 7-9-2008, ông Asif Ali Zardari, chồng của cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto - đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống của nước này, mở ra một hướng đi mới cho Pakistan thời hậu Musharraf.

2.- Cuộc bầu cử được cả thế giới chú ý

Trong năm 2008 diễn ra 2 cuộc bầu cử ở 2 cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga. Tuy nhiên, 2 cuộc bầu cử này lại diễn ra theo 2 thái cực khác nhau: Nếu ở Nga là sự dàn xếp của Vlarimir Putin sau khi đã mãn 2 nhiệm kỳ, và theo hiến pháp không được ra tái tranh cử; thì ở Mỹ lại là cuộ đua gay cấn và quyết liệt ngay từ vòng sơ bộ.

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ là một sự kiện quan trọng được cả thế giới hồi hộp dõi theo. Vị tân Tổng thống sẽ là người quyết định đường lối ngoại giao, chính sách quân sự của Mỹ đối với thế giới. Đặc biệt, cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 là một trong những cuộc bầu cử gay cấn, tốn kém bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

   John McCain                Barack Obama
 
Cuộc đua tranh đã nóng bỏng ngay từ khi tìm vị trí ửng cử viên của các đảng tham gia tranh cử. Trong cả cuộc đối đầu giữa các đối thủ trong cùng một đảng hay giữa các đối thủ giữa hai đảng với nhau đã diễn ra hết sức quyết liệt và sòng phẳng.

Sau cuộc tranh đấu cam go, cuối cùng cử tri nước Mỹ cũng tìm cho mình một vị tân Tổng thống mà họ ủng hộ và tin tưởng. Người đã được chọn là Thượng nghị sĩ da màu Barack Obama của đảng Dân Chủ.

Người Mỹ bầu cho ông Obama với hy vọng ông sẽ là người có khả năng lèo lái nước Mỹ ra khỏi tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay cũng như có thể lấy lại tiếng nói, vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới.

Cử tri Mỹ còn kỳ vọng Obama sẽ là người có thể chấm dứt cuộc chiến tại Iraq trong danh dự, và sẽ làm dịu đi những căng thẳng trong quan hệ giữa liên minh doa Hoa Kỳ đứng đầu với phần còn lại của thế giới. Trước mắt ông Obama có rất nhiều khó khăn và thử thách chờ ông giải quyết và vượt qua.

3.- Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu

Trong năm qua, nền kinh tế toàn cầu đã bị suy giảm với một tốc độ chóng mặt. Khởi đầu là cuộc khủng hoảng của ngành tài chính ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng hàng đầu của Mỹ bị vướng vào khó khăn tài chính. Khởi đầu của sự sụp đổ của Bear Stearns, ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ. Tiếp đến là sự thua lỗ của Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers. Điều này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ tụt dốc không phanh.
 
Trong tháng 7-2008, cũng tại thị trường chứng khoán, các cổ phiếu của 2 tập đoàn cho vay bất động sản Fannie Mae và Freddie Mac mất giá.

Ngày 13-7-2008, IndyMac - ngân hàng từng một thời là tổ chức cho vay địa ốc lớn nhất nước Mỹ - đã bị Ủy ban Giám sát tài chính Hoa Kỳ OTS đóng cửa và chuyển giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang FDIC.

Đến 25-7-2008, nước Mỹ lại đón nhận thêm 2 ngân hàng nữa bị phá sản. Rồi đến Citigroup và công ty khổng lồ trong ngành bảo hiểm AIG cũng bị cuốn vào cơn bão suy thoái.

Ở Á Châu, hai nền kinh tế lớn nhất là Nhật Bản và Nam Hàn cũng không nằm ngoài vòng xoáy của cơn lốc khủng hoảng.

Thị trường tài chính Âu Châu cũng phải đối diện với khủng hoảng. Ngay cả nền kinh tế lớn nhất Âu Châu cũng chính thức suy thoái. EU đã phải thông qua kế hoạch 260 tỷ đôla để phục hồi kinh tế.

Trong khi đó 3 đại tập đoàn sản suất xe hơi hàng đầu của Mỹ đã phải cầu cứu chính phủ. Các ngân hàng lớn của Mỹ cần hỗ trợ ít nhất 18 tháng nữa. Kinh tế Mỹ tiếp tục lún sâu thêm vào khủng hoảng, và chính thức suy giảm.

4.- Khủng hoảng lương thực toàn cầu

Năm 2008 là năm của những cuộc khủng hoảng. Thế giới đã phải hứng chịu một loạt các cuộc khủng hoảng trầm trọng trong tất cả mọi lĩnh vực, mọi mặt trận: Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng năng lượng và thậm chí cả khủng hoảng lương thực.

Từ tháng 4-2008, cả thế giới phải đối mặt với cơn khủng hoảng lương thực trầm trọng. Mỗi nước lại có những biện pháp, những phản ứng khác nhau về cuộc khủng hoảng này. Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất cảng gạo để cố gắng kiểm soát giá lương thực trong nước đang tăng vọt. Còn ở Haiti thì người dân tấn công dinh Tổng thống để tìm miếng ăn... Khủng hoảng lương thực đe dọa 100 triệu người, giá lương thực tăng cao khiến "người giàu cũng khóc".

Câu hỏi được đặt ra là giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu thế nào? LHQ kêu gọi làm cách mạng nông nghiệp, Nhật hỗ trợ 100 triệu đôla giải quyết khủng hoảng lương thực.

Bài học về khủng hoảng lương thực đã khiến cho nhiều nước, nhiều tổ chức đề ra các biện pháp đề phòng: Ngân hàng Thế giới World Bank đề nghị giải pháp bảo đảm an ninh lương thực, Liên Hiệp Âu Châu EU cho biết sẽ tài trợ nông nghiệp cho nước nghèo, Philippines ngưng chuyển đổi đất nông nghiệp, hợp tác toàn cầu chống khủng hoảng lương thực để chung tay cứu đói.

5.- Thảm họa động đất ở Trung Quốc

Năm 2008, thế giới đã phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên như bão Nargis ở Miến Điện, bão Fengshen ở Philippines và có lẽ nặng nề nhất là thảm họa động đất ở Trung Quốc.

Vào ngày 12-5-2008, cả miền Tây Nam Trung Quốc chao đảo vì một trận động đất mạnh tới 7.5 độ Richter. Tâm chấn xảy ra tại độ sâu 10km ở một địa điểm cách Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, khoảng 93 km. Trận động đất dữ dội này đã khiến gần 10,000 người bỏ mạng, hàng trăm người mắc kẹt dưới những tòa nhà bị sập.

Trận động đất đã tàn phá một phần lớn của tỉnh Tứ Xuyên. Nhiều trường học, công sở và nhà ở sập xuống, thiệt hại về người và của là quá lớn, kinh tế của Trung Quốc thiệt hại không nhỏ. Trong khi đó, các nhóm cứu hộ của trung Quốc phải cật lực tìm kiếm những người vẫn còn mắc kẹt trong đống đổ nát.

Ước tính trận động đất gây thiệt hại cho Trung Quốc hơn 20 tỷ đôla, khoảng 5 triệu người bị mất nhà cửa và khoảng hơn 80,000 người đã bị thiệt mạng.

Sau thảm họa này, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giá lương thực tại vùng bị động đất tăng cao và phải lo chỗ ở cho người dân gặp nạn cũng như phải bắt tay ổn định đời sống xã hội, an ninh trật tự, học tập và lao động nơi đây.

6.- Vụ khủng bố đẫm máu ở Ấn Độ

Hôm 27-11-2008, cả thế giới đã lặng người đi vì một loạt vụ tấn công của bọn khủng bố ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ít nhất 7 địa điểm đã bị tấn công ở thủ phủ tài chính này của Ấn Độ, trong đó có hai khách sạn sang trọng, nơi các tay súng đang cầm giữ khách lưu trú làm con tin.

Quân đội Ấn Độ đã được triển khai quanh khu vực có sự hiện diện của bọn khủng bố. Cả thế giới đã lên án hành động tấn công dã man nhằm vào người vô tội này của các phần tử khủng bố.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thề sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để lùng bắt những kẻ phải chịu trách nhiệm về hàng loạt vụ tấn công làm chấn động thành phố Mumbai.

Một ngày sau vụ tấn công khủng bố, lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ đã chiến đấu để dọn sạch những tay súng còn sót lại tại hai khách sạn sang trọng và một trung tâm Do Thái.

Lực lượng an ninh Ấn Độ đã bắt được ba tên khủng bố, trong đó có một tên người Pakistan, ẩn náu bên trong khách sạn Taj Mahal - một trong những mục tiêu bị tấn công hôm 27/11/2008 ở Mumbai làm ít nhất 125 người chết và hơn 300 người bị thương.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết những kẻ tiến hành vụ ở Mumbai đến từ nước ngoài và một quan chức quân đội chỉ huy chiến dịch tiêu diệt những tên này khẳng định chúng là người Pakistan.

Chính phủ Pakistan đã phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công có phối hợp hôm 27/11/2008 vào Mumbai. Điều này đã khiến căng thẳng quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan thêm leo thang.

Vụ tấn công khủng bố này được ví với sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ dù mức độ không khủng khiếp bằng. Sau khi bắt giữ và điều tra một số tên còn sống, Ấn Độ đã loại trừ khả năng chiến tranh với Pakistan.

7.- Cuộc chiến Nga - Georgia

Từ lâu giữa Nga và Georgia đã có những căng thẳng, tranh chấp về vấn đề biên giới của các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Đỉnh điểm của xung đột này diễn ra vào đêm 7-8-2008. Nga đã đưa xe tăng vào Nam Ossetia và giao chiến ác liệt với quân Georgia.

Chiến sự bắt đầu lan sâu vào đất Georgia khi phi cơ Nga oanh tạc các mục tiêu quân sự ở thành phố Gori, chỉ cách thủ đô Tbilisi 80 km. Chiến sự ngày càng leo thang khi Nga huy động cả hạm đội Hắc Hải tới sát bờ biển Georgia.Không chịu được những đợt ném bom và bắn phá ồ ạt của Nga, Tổng thống Georgia tỏ ý muốn ký thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Sau đó Georgia rút quân khỏi nam Ossetia, nhường lại quyền kiểm soát cho Nga.

Dư luận quốc tế đã không thể khoanh tay đứng nhìn. Mỹ cáo buộc nga muốn thay đổi chế độ ở Georgia, còn Tổng thống Pháp Sarkozy đã lên đường sang Nga để tìm lối thoát cho cuộc xung đột.

Với nỗ lực của ông Sarkozy, cuộc xung đột đã tìm được lối thoát, Nga và Georgia ký kết hiệp định đình chiến.

8.- Vụ bê bối sữa nhiễm độc ở Trung Quốc

Khi người tiêu dùng trên toàn thế giới chưa kịp khôi phục lòng tin vào các mặt hàng tiêu dùng sản xuất ở Trung Quốc sau vụ hàng hóa của nước này nhiễm hóa chất độc hại thì họ lại thêm một lần nữa phải ngỡ ngàng khi được biết các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc tại Trung Quốc bị phát hiện có chất gây sạn thận cho người uống.

Vụ việc bị phanh phui khi có hàng chục trẻ em Trung Quốc phải vào bệnh viện vì không thể đi tiểu sau khi uống một loại sữa bột rẻ tiền. Ít nhất đã có 1 em bé bị tử vong.

Giới chưc y tế Trung Quốc sau nhiều ngày chần chừ đã phải lên tiếng nhận: trong thành phần sữa cho trẻ em có chứa chất melamine, nguyên nhân chính gây sỏi tuyến tiết niệu cho người uống. Chất này được các nhà sản suất cho vào để nhằm tăng thêm hàm lượng protein.

Đã có gần 300,000 trẻ em bị bệnh do uống sữa có chứa melamine. Cuộc điều tra được mở rộng và phát hiện nguồn sữa nguyên liệu có chứa melamine đã được xuất cảng ra ngoại quốc.

Không những thế, các cơ quan điều tra và kiểm duyệt còn phát hiện melamine trong trứng gà, trong thức ăn dành cho cá, cho gà, trong nhiều loại bánh kẹo, sữa của Nam Hàn, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Mỹ, New Zealand, Thụy Sĩ... Điều nàu dấy lên phong trào tẩy chay các mặt hàng có nguồn gốc từ sữa, trứng gà của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Trung Quốc, hàng chục công ty, nhà máy sản xuất sữa bị đóng cửa. Thuơng hiệu các mặt hàng đuợc sản xuất tại Trung Quốc bị ảnh huởng nghiêm trọng: nguời tiêu dùng tránh xa dù giá có rẻ đến mấy.

Theo báo chí Trung Quốc, tập đoàn Tam Lộc - trung tâm vụ bê bối sữa nhiễm hoá chất - đã mắc nợ khoảng 160 triệu đôla. Trước đó, công ty này đã được xác nhận là phá sản.

9.- Nạn cướp biển hoành hành

Từ khoảng tháng 9-2008, liên tục xảy ra các vụ hải tặc cướp tàu của các nuớc đi qua hải phận Somalia để đòi tiền chuộc. Bọn hải tặc đã bắt giữ hàng loạt tàu thuơng mại, tàu hàng, tàu chở dầu, tàu du lịch, thậm chí cả tàu đánh cá của các nuớc Ukraine, Nhật Bản, Nam Hàn, Ảrập Saudi, Yemen rồi đòi tiền chuộc. Tàu thì 1 triệu đôla tàu thì hàng chục triệu đô. Bọn chúng còn dọa sẽ đánh đắm tàu nếu không có tiền chuộc.

Nguyên nhân nào đã làm gia tăng nạn cướp biển ở Somalia? Đầu thập niên 1990, nội chiến đã biến nước này thành một vùng đất không có luật lệ. Chính quyền liên bang chuyển tiếp hiện nay ở Somalia yếu đến nỗi tự bảo vệ cũng là một nhiệm vụ quá khó khăn.

Kể từ khi nước Cộng hòa Somalia bị chia năm xẻ bảy thì tàu đánh cá nước ngoài vào lãnh hải để đánh trộm cá ngừ rất nhiều ở vùng Sừng châu Phi. Ngư dân Somalia kể lại rằng những tên cướp sinh học đầu tiên là tàu đánh cá Đài Loan, kế đó là tàu Tây Ban Nha và các nước khác.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm ước tính những tên trộm cá biển này kiếm được ít nhất 90 triệu đôla. Thấy cuộc sống và nghề nghiệp bị đe dọa, một số ngư dân Somalia dùng tàu cặp tàu đánh cá Đài Loan và các nước khác bắt nộp thuế hoặc chia cá bắt được.

Làm ăn trót lọt một vài vụ thấy ngon ăn, những ngư dân không theo một đảng phái chính trị nào này rút kinh nghiệm: Nếu bắt giữ thuyền viên trên tàu làm con tin - nhất là con tin người phương Tây - để đòi tiền chuộc thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Cướp biển Somalia đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Ở Somalia, những tên cướp biển lại là người anh hùng. Họ mang lại sự phồn thịnh, sự phát triển cho xóm làng, mang của cải vật chất từ số tiền chuộc của những nạn nhân về góp công xây dựng quê hương nơi họ sống.

10-. Khủng hoảng ở Thái Lan

Trong thời gian một vài năm gần đây, Thái Lan đã nổ ra khá nhiều cuộc khủng hoảng. Trong đó có thể kể đến cuộc khủng hoảng biên giới giữa Thái Lan và Cam Bốt. Tranh chấp giữa hai nuớc là ngôi đền cổ Preah Vihear nằm giữa biên giới 2 nuớc sau khi ngôi đền này đuợc UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Hai nuớc đã đưa quân đội đến địa danh này để chiếm đóng và giao tranh. Các cuộc hội đàm song phuơng đã đuợc tổ chức nhưng cho đến nay, chủ quyền của ngôi đền thuộc về nuớc nào vẫn chưa đuợc phân định.

Trong khi căng thăng biên giới với Cam Bốt chưa giải quyết xong thì đất nuớc Thái Lan lại nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị. Hôm 25-8-2008, hàng chục ngàn người đã tập trugn biểu tình, phong tỏa các xa lộ, đường phố ở Bangkok và lối vào Tòa nhà Chính phủ nhằm đòi Thủ tướng Samak Sundaravej và chính phủ của ông từ chức, khơi mào cho cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài ở Thái Lan.

Người biểu tình mang theo dùi cui đã đẩy lui cảnh sát ra khỏi các khu vực thuộc tòa nhà Chính phủ vào sáng sớm 29-8-2008 khi một thành viên của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ PAD cảnh báo sẽ làm cho các cuộc biểu tình "hiếu chiến" hơn.

Năm ngày sau khi hàng ngàn người biểu tình do Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) dẫn dắt phá rào vào chiếm giữ Dinh Thủ tướng, khu nhà này không chỉ mất đi sự tôn nghiêm mà còn giống như một trại tị nạn mất trật tự. Người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Samak Sundaravej phải từ chức.

Đến ngày 9-9-2008, Toà án Hiến pháp đưa ra phán quyết về việc liệu Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej có vi phạm hiến pháp hay không, và nếu bị kết tội, ông Samak sẽ ngay lập tức phải từ chức cùng nội các.

Tòa án hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết đòi Thủ tướng Samak Sundaravej cùng toàn bộ nội các phải từ chức. Em rể ông Thaksin đắc cử chức thủ tướng Thái Lan.

Nội các mới của Thủ tướng Thái Lan hôm 30/9/2008 ra tuyên bố sẽ sửa đổi hiến pháp, bất chấp động thái này có thể kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ càng thêm rầm rộ.

Giữa lúc chính phủ Thái Lan đang lúng túng trong việc giải quyết bất ổn trong nước thì lại nảy sinh xung đột tranh chấp ngôi đền cổ ở sát biên giới với Cam Bốt. Sau nhiều nỗ lực hòa giải, bất đồng giữa Thái Lan và Campuchia dần được tháo gỡ. Đúng lúc này văn phòng Tổng Chưởng lý Thái Lan hôm 10-10-2008 đã kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp nước này yêu cầu giải tán đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) cầm quyền vì đã gian lận trong bầu cử.

Tân thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat tuyên bố ông có thể rời nhiệm sở. Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, Nattawut Sai-kau tuyên bố, Thủ tướng Somchai Wongsawat và liên minh cầm quyền gồm sáu đảng của ông sẽ rút lui.

Thái Lan đã quyết định ngày 11-12 này sẽ tổ chức bầu cử lại. Vào lúc 11:30 phút sáng 15/12/2008, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Chai Chidchob đã chính thức tuyên bố chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng thuộc về lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit Vejjaiva.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, con đường chông gai đang chờ tân Thủ tướng Thái Lan ở phía trước...