Home Tin Tức Thời Sự Nhà văn VN được gì nhờ Google?

Nhà văn VN được gì nhờ Google? PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 12 Tháng 8 Năm 2009 05:21

Google đã và đang scan nhiều sách từ các thư viện Hoa Kỳ
Sự kiện Google dự định trả tiền cho những cuốn sách của tác giả Việt Nam được họ đưa lên mạng đang tạo ra tình trạng "nhiễu thông tin" ở Việt Nam.

Một số tờ báo Việt Nam thoạt đầu đăng tin Google sẽ bồi thường hàng trăm triệu đôla cho các nhà văn Việt Nam.

Có những nhà văn trong nước được BBC liên hệ tỏ ra ngỡ ngàng hoặc ngạc nhiên trước cái gọi là "bán bản quyền tác phẩm văn chương cho Google”, mặc dù thông tin có thể tìm thấy trên trang web bản tiếng Việt của Ban Điều hành vụ hòa giải vụ kiện Google.

Năm 2004, Google mở đầu dự án chép và đưa lên mạng một số lượng sách khổng lồ của một số thư viện của Mỹ.

Một số tác giả và nhà xuất bản đã tiến hành kiện Google với lý do vi phạm bản quyền.

Các bên sau đó thương thảo một thỏa thuận dàn xếp kết thúc vụ kiện tụng mà không phải ra tòa.

BBC Việt ngữ đã có cuộc phỏng vấn với Quản trị viên phụ trách Thỏa thuận Thu xếp sách Google để có những thông tin mới nhất.

Thỏa thuận này áp dụng cho các nhà văn Việt Nam nếu các nhà văn đó có "lợi ích tác quyền" (copyright interest) của Mỹ đối với những cuốn sách có trong Thỏa thuận này. Nói chung, Thỏa thuận bao gồm những sách được xuất bản ở Mỹ và các nước vào hoặc trước ngày 5/01/2009.

Sách của các tác giả Việt Nam và in ở Việt Nam cũng có lợi ích tác quyền của Mỹ nếu chúng được xuất bản sau năm 1998, là khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ bản quyền. Các tác phẩm đó sẽ nằm trong Thỏa thuận. Quý vị có thể cần kiểm tra với chuyên gia về bản quyền của Việt Nam để xác định xem liệu sách in ở Việt Nam trước ngày đó có lợi ích tác quyền của Mỹ hay không.

Trong vụ kiện Google xâm phạm bản quyền, nguyên đơn cho rằng việc sao chép sách của Google mà chưa có sự cho phép đã là xâm phạm bản quyền. Google đã và đang sao chép các cuốn sách tìm thấy trong các thư viện và các nguồn khác ở Mỹ. Trong số này có thể có những cuốn sách của tác giả Việt Nam. Thỏa thuận giải quyết các đơn kiện xâm phạm bản quyền của bất kỳ các tác giả và nhà xuất bản ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, miễn là sách của họ có "copyright interest" của Mỹ.


Hầu hết sách tiếng Việt trên Google chỉ mới có thông tin căn bản vì chưa giải quyết xong bản quyền

Vụ kiện chống Google thuộc dạng "class action" (hành động tập thể). Theo đó, một hay nhiều nguyên đơn có thể đại diện quyền lợi của nhiều người. Trong trường hợp này, một nhóm tác giả đã tiến hành kiện theo lối "class action", đại diện cho toàn bộ các chủ bản quyền sách mà Google đã số hóa khi chưa có sự cho phép. Toàn bộ các thành viên của vụ "bồi thường tập thể" (settlement class) - gồm cả tác giả và nhà xuất bản - đều được đưa vào Thỏa thuận - trừ phi họ quyết định rút ra trước ngày 4/09. Vì thế, tất cả các tác giả Việt Nam (và người thừa kế) của những sách in ở Việt Nam và cũng có "copyright interest" của Mỹ thì đều là thành viên của vụ bồi thường tập thể này.

BBC:Một số tờ báo ở Việt Nam nói rằng Google đã mua bản quyền của hơn 4000 sách của tác giả Việt Nam và trả 60 đôla cho việc số hóa mỗi tác phẩm và 63% doanh thu từ mỗi lần sử dụng tác phẩm. Xin các ông cho biết độ chính xác của thông tin này?

Theo Thỏa thuận, cứ mỗi cuốn sách mà Google đã số hóa khi không được sự cho phép của chủ sở hữu vào hoặc trước ngày 5/05/2009, chủ bản quyền của cuốn sách ấy (nhà văn và nhà xuất bản) cùng có thể nhận được khoản tiền tối thiệu 60 đôla Mỹ mỗi cuốn.

Để nhận được phần tiền đó, chủ bản quyền phải xác nhận mình sở hữu cuốn sách đã được số hóa trước ngày 5/01/2010, qua trang web Thỏa thuận Thu xếp Sách của Google.

Thỏa thuận chỉ cho phép Google số hóa các sách mà bản in của chúng đã có mặt tại Mỹ.
Đúng là Google sẽ trả các chủ sở hữu 63% thu nhập có được từ cuốn sách đó thông qua các hình thức thu lợi nhuận mà Google được phép phát triển theo Thỏa thuận (ví dụ, đơn đặt mua của các cơ quan, bán sách, quảng cáo, chi phí in từng trang...) Lợi nhuận này sẽ được chia giữa tác giả và nhà xuất bản theo đúng Quy trình Tác giả - Nhà xuất bản, được đưa ra trong Tài liệu đính kèm A của Thỏa thuận Thu xếp.

Ngoài hạn chót 5/01/2010, hạn chót duy nhất còn lại là ngày 4/09/2009. Trước ngày này, chủ bản quyền phải quyết định liệu họ có muốn đứng ngoài Thỏa thuận hay không. Nếu đứng ngoài, chủ bản quyền hoàn toàn không tham gia Thỏa thuận và sẽ không nhận được tiền từ Thỏa thuận (không có 60 đôla cũng như lợi nhuận sau này).

Nếu chủ bản quyền không rút ra ngoài trước ngày 4/09/2009, có nghĩa là họ tự động tham gia Thỏa thuận. Nhưng để nhận được khoản tiền 60 đôla trả một lần cho các cuốn sách mà Google số hóa vào hoặc trước hôm 5/05/2009, và để nhận lợi nhuận sau này, chủ bản quyền phải đăng ký và nhận mình sở hữu sách trên trang web của Thỏa thuận.

BBC:Google có kế hoạch số hóa thêm các sách của tác giả Việt Nam trong tương lai?

Xin nói rõ Google không mua sách để rồi số hóa chúng. Công ty lấy sách từ các thư viện đại học lớn, sao chép xong thì trả chúng về cho các thư viện. Trong dự án này, Google dự định tiếp tục số hóa các sách có trong những thư viện Mỹ tham gia dự án. Trong số đó có thể có sách của tác giả Việt Nam và cũng có lợi ích tác quyền Mỹ.

BBC:Có những cuốn sách chỉ in ở Việt Nam mà không bán ở Mỹ? Các tác phẩm như thế có được Google số hóa?

Thỏa thuận chỉ cho phép Google số hóa các sách mà bản in của chúng đã có mặt tại Mỹ. Chúng tôi không biết liệu Google có định số hóa các sách chỉ in và phát hành ở Việt Nam hay không.

Nếu một cuốn sách được in ở Việt Nam vào hoặc trước ngày 5/01/2009 và cũng có lợi ích tác quyền Mỹ, thì Google có quyền số hóa sách đó. Nhưng công ty chỉ có thể số hóa cuốn sách tại Mỹ mà thôi.

Tức là ngay cả nếu cuốn sách chỉ xuất bản ở Việt Nam, nhưng một bản in của nó đã hoặc sẽ có mặt trong thư viện Mỹ, thì Google sẽ có thể số hóa nó theo Thỏa thuận. Nếu cuốn sách không được tìm thấy ở Mỹ, thì Thỏa thuận không cho phép Google số hóa cuốn sách đó.