Home Tin Tức Thời Sự Nghèo đói và lúa gạo

Nghèo đói và lúa gạo PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Khiêm   
Thứ Tư, 12 Tháng 8 Năm 2009 04:32

BBCVietnamese.com từ Thái Lan

Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn thấp.
Đối với nông dân Nguyễn Văn Bảy từ Tiền Giang, vùng nằm trong vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến gia đình ông trên hai mặt.

Giá nông sản giảm nên thu nhập giảm. Và số nhân khẩu phải nuôi trong gia đình bỗng nhiên gia tăng.

“Con của nông dân đi làm ở các khu chế xuất, nhà máy đóng cửa,xí nghiệp giảm người, họ phải quay về mảnh ruộng. Thêm nhân khẩu và thêm gánh nặng cho nông thôn.”

Ông Bảy, nông dân ba đời với mảnh ruộng chừng một ha rưỡi, cho rằng kiến thức thị trường kém làm cho nhiều nông dân thua lỗ, vì họ chậm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Rồi nông dân không có trình độ để theo dõi khủng hoảng cho nên chỉ chạy theo đuôi. Cái gì có giá họ chạy theo đuôi, nó mất giá thì đốn bỏ. Ví dụ như trồng lúa không có giá, thấy người ta trồng tràm, chạy theo trồng tràm, rồi nó ứ không bán được, lại đốn bỏ, cứ vậy, phát triển kinh tế không được.”

Trong khi thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam trong năm lên tới 1000 USD, thu nhập của nông dân không cải thiện được bao nhiêu. Báo trong nước nói một hộ làm lúa ở đồng bằng Bắc Bộ, với hai sào ruộng, một năm làm ra khoảng một triệu rưởi đồng, (85USD). Nông dân Nguyễn Văn Bảy nói chi phí cho sản xuất quá cao đã ăn hết vào thu nhập của gia đình ông.

“Nông sản không bao giờ có giá cao cả, nhưng cái vốn bỏ ra rất lớn. Thí dụ như phân bón cao, tiền công làm ruộng cao, thậm chí gặp phân giả thuốc giả coi như nông dân chịu chết. Thứ hai nữa cái điều kiện hoạt động của nông dân còn lạc hậu dữ lắm, không tân tiến như các nước khác.”

Ông Bảy nhắc đến chuyện lúa thu hoạch trong mùa mưa, và chuyện thiếu nhà kho chứa đã làm giảm phẩm chất, hoặc lãng phí nhiều thóc lúa. Cạnh đó là chuyện bị thương lái ép giá.

Kinh doanh lương thực đâu chỉ có một tổng công ty. Hiện giờ có tới 140 công ty có tư cách xuất khẩu gạo. Đâu chỉ có một mình Vinafood
Trương Thanh Phong - Tổng giám đốc
“Về giá cả nông dân bị ép dữ lắm. Giá gạo xuất cảng có thể lên gần 600 USD một tấn, hoặc trên 800 USD, như thời cao điểm năm 2008. Tuy nhiên lúc đó nông dân không bán được lúa, chính phủ không cho xuất cảng, lấy lý do đảm bảo an ninh lương thực. Không xuất được thì nông dân không bán được. Gạo dồn ứ trong nhà rất nhiều, về sau phải bán giá rẻ.”

Đâu có chuyện đó

Không ít người nói rằng nông dân Việt Nam canh tác lạc hậu, thiếu thông tin, bị thương lái ép giá, trong khi công ty lương thực kiếm lời qua hợp đồng xuất khẩu gạo. Trong những năm gần đây khoảng cách thu nhập giữa người làm ra hạt gạo và giới kinh doanh sống bằng nó, ngày càng rộng thêm.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty Lương thực Miền Nam, doanh nghiệp quốc doanh có doanh số xuất khẩu gạo lớn nhất nước, không tin rằng các tổng công ty lương thực đã có lỗi trong chuyện làm cho nông dân nghèo.

“Kinh doanh lương thực đâu chỉ có một tổng công ty kinh doanh. Hiện giờ có tới 140 công ty có tư cách xuất khẩu gạo. Đâu chỉ có một mình Vinafood,”

“Phát biểu thì họ cứ nói. Nông dân nghèo đâu phải chỉ vì mua lúa mà họ nghèo.”

Giám đốc tập đoàn lương thực lớn nhất VN nói thêm: “Nông dân diện tích trồng lúa nó ít, nhân khẩu nó đông nếu mà bình quân trên đầu người nó thấp quá. Nếu độc canh sống bằng cây lúa không, người nông dân không thể nào khá được.”


Hệ thống thu mua gạo xuất khẩu ở Việt Nam có lợi cho thương lái và tổng cty.
Ông Phong cho biết chỉ những hộ có ruộng đất lớn thì trồng cấy hay kinh doanh mới khá. Ở Việt Nam số hộ có chừng 5 héc ta đất trở nên chỉ chiếm có 1%.

Ông Phong, người giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay ngoài gạo, Tổng công ty Lương thực Miền Nam còn kinh doanh lúa mì, thực phẩm chế biến, khách sạn du lịch.

“Các mặt hàng phi lương thực chiếm 40 phần trăm doanh số của công ty.”

“Tổng công ty đâu chỉ mỗi xuất khẩu gạo. Họ kinh doanh đa ngành đa nghề, nhiều mặt hàng sản phẩm khác đâu chỉ có gạo không.”

Nông dân vẫn nghèo

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia đầu nghành về cây lúa, cho rằng nông dân trồng lúa vẫn là nhóm người nghèo nhất Việt Nam.

“Nông dân bán gạo hiện nay vẫn là những người nghèo nhất do cách tổ chức thị trường trong nước và do sự ép giá của các thương lái,”

“Cạnh đó là cách điều hành xuất khẩu gạo của tổng công ty lương thực.”

Nhà khoa bảng có nhiều năm lăn lộn với nông dân kể lại năm 2008 khối tổng công ty và các công ty lương thực kiếm lời lớn trong khi nông dân thiệt thòi.

“Lúc đó nhà nước cấm không cho xuất khẩu cho nên đâu có ai mua được. Nông dân khi ấy người ta đang cần tiền. Trong khi chỉ có một ông mua, ông ấy mua với giá rẻ, nông dân chịu chết,”

“Xong rồi họ xuất cảng với giá cao. Cho tới giờ này những người nghèo nhất là những người trồng ra lúa bởi vì họ luôn luôn bị lợi dụng.”

Giáo sư Xuân nói nông dân ngày nay bị thiệt thòi bởi thị trường mua bán lúa gạo hỗn loạn.


Diện tích trồng lúa của VN quá nhỏ, nông dân lại độc canh cho nên thu nhập thấp.
“Bây giờ nông dân chúng ta mạnh ai ấy làm, không biết bán gạo cho ai, và không biết bán giá bao nhiêu. Luôn luôn là phập phồng,”

“Còn các công ty họ luôn luôn lợi dụng thị trường để chèn ép người nông dân, làm sao có lời nhất cho họ.”

Giải pháp đối với tình trạng này, theo ông Võ Tòng Xuân là cho nhiều công ty tham gia để thị trường thu mua gạo được cạnh tranh hơn, giảm bớt thế độc quyền của tổng công ty nhà nước. Khi ấy nông dân mới có hy vọng cải thiện thu nhập.

Hiệu trưởng trường Đại học An Giang muốn thấy doanh nghiệp liên kết với nông dân trrong việc tạo ra vùng nguyên liệu xuất khẩu để hai bên cùng có lợi.

“Có cách nào đó doanh nghiệp xuất khẩu gạo tạo ra các vùng nguyên liệu của họ. Rồi từ đó họ chăm sóc giúp đỡ người nông dân ngay từ đầu để làm ra sản phẩm, hay nguyên liệu tốt nhất cho doanh nghiệp để xuất khẩu,”

“Có như thế người nông dân mới an tâm làm ăn. Vì khi ấy người ta biết là trồng cây gì cho ai, với sản lượng ra sao, chất lượng như thế nào. Và chắc chắn nó sẽ được mua bởi cái công ty đặt hàng.”

Bài nằm trong loạt Bắt nhịp Kinh tế Toàn cầu -Taking the Pulse of the Global Economy của BBC World Service, nhìn vào các chỉ số kinh tế, giá cả, chính sách nhà nước, thị trường và tác động của chúng đến đời sống người dân trên thế giới.