Home Tin Tức Thời Sự Trung quốc lại trúng thầu xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam

Trung quốc lại trúng thầu xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 10 Tháng 8 Năm 2009 06:02

Saturday, August 08, 2009  


 Một người chạy xe xích lô chở hàng hóa cho khách chạy trên đường phố Sài Gòn. Ðường cao tốc Bắc Nam bắt đầu được xây dựng với đoạn đầu từ Sài Gòn tới Dầu Giây trao cho Trung Quốc làm. (Hình: AFP/Getty Images)

HÀ NỘI (TH) - Lại thêm một dự án lớn sử dụng vốn vay ngoại quốc được nhà cầm quyền Hà Nội trao cho nhà thầu Trung Quốc bất chấp những chỉ trích ở trong nước.

“Ngày 5 Tháng Tám, công ty Ðầu Tư Phát Triển Ðường Cao Tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công Ty Cầu Ðường Trung Quốc (CRBC) đã ký hợp đồng triển khai gói thầu xây lắp 1A thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, đoạn thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.”

Bản tin của hãng thông tấn chính thức CSVN loan báo ngày Thứ Bảy 8 Tháng Tám 2009 như vậy và cho biết chi tiết: “Ðoạn thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là dự án đặc biệt quan trọng thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam và trong tương lai sẽ là điểm đầu của dự án đường cao tốc Dầu Giây-Ðà Lạt. Gói thầu có tổng chiều dài 51km gồm 4 làn xe với tổng vốn xây lắp là 1,381 tỷ đồng” (tức khoảng $800 triệu USD).

Tốc độ của các loại xe lưu thông trên đường này sẽ dự trù tối đa là 120km/h và riêng tốc độ chạy trên cầu Long Thành là 100km/h. Một quãng đường nhưng được chia làm 2 gói thầu và đều được trao cho nhà thầu Trung Quốc dù ở trong nước có rất nhiều nhà thầu quốc doanh lớn trong ngành xây dựng cầu đường. Theo nguồn tin trên “Gói thầu 1A sẽ có một số các công trình lớn như cầu Long Thành có chiều dài 1,700 mét và 20 cầu cỡ nhỏ, vừa. Bên cạnh đó một số các công trình, thiết bị phục vụ như: 3 trạm thu phí, 1 trung tâm điều khiển, 2 trụ sở hạt quản lý cũng được triển khai đồng bộ.”

Tiền để làm khúc đường này đến từ vốn vay ODA của JBIC (Nhật Bản), ADB (Ngân Hàng Phát Triển Á Châu) và vốn đối ứng của VEC.

Thời gian gần đây, người ta thấy hầu hết các dự án xây dựng lớn từ nhà máy nhiệt điện chạy than, thủy điện, nhà máy xi măng, nhà máy luyện bauxite v.v... đều được nhà cầm quyền giao cho nhà thầu Trung Quốc.

Ngày 27 Tháng Ba 2009, Tổng Hội Xây Dựng ở Việt Nam tố cáo rằng hàng vạn công nhân người Trung Quốc đã được đưa vào Việt Nam làm đủ mọi loại công việc, theo tin báo Tuổi Trẻ. Ngày 14 Tháng Tư 2009, bài báo của tờ SGTT cho thấy hàng trăm công nhân đủ loại đang hoạt động ở Tân Rai, nơi đang chuẩn bị khai thác bauxite và thành lập nhà máy “tuyển lọc” quặng bauxite thành bột nhôm thô (alumina) trong tỉnh Lâm Ðồng.

Qua nhiều lời tố cáo trên tờ Tuổi Trẻ và một số báo khác, sau khi ký hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc đưa từ cầu tiêu, nồi niêu song chảo và đưa lậu nhân công cùng vật liệu đủ mọi loại sang Việt Nam, bất chấp luật lệ nhà nước CSVN.

Trên nguyên tắc, nhà thầu Trung Quốc phải mua sắm các loại trang bị, vật liệu mà Việt Nam có hay sản xuất. Ðồng thời, chỉ được đưa sang Việt Nam các chuyên viên mà Việt Nam không có. Còn nhân công phổ thông, phải thuê người ở Việt Nam. Nhà thầu Trung Quốc làm ngược lại.

Ngày 22 Tháng Sáu 2009, báo điện tử VietNamNet cho hay khoảng 200 nhân công Trung Quốc đã dùng gậy sắt và một số võ khí khác đánh đập dân địa phương, quậy phá ở khu vực xây dựng nhà máy xi măng ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Một số người dân bị thương tích, có trình báo công an CSVN nhưng không thấy nhà cầm quyền địa phương có hành động gì bảo vệ dân.

Theo lời một viên chức Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN, 62.1% trong tổng số hơn 75,000 công nhân ngoại quốc có mặt ở Việt Nam (hầu hết là người Trung Quốc) là những người vừa cư ngụ vừa lao động bất hợp pháp.

Trong cuộc phỏng vấn của VietNamNet ngày 17 Tháng Tư 2009, Lê Quang Trung, phó cục trưởng Cục Việc Làm Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN xác nhận “quy định của pháp luật Việt Nam là không cho lao động nước ngoài có trình độ phổ thông vào Việt Nam làm những công việc phổ thông”.

Nhưng chế độ Hà Nội đã không có hành động gì cụ thể để đối phó với sự vi phạm luật lệ của cả “chủ đầu tư” đến nhà thầu Trung Quốc.

Hiện nay đang nhiều dự án xây dựng lớn do Trung Quốc thầu. Dây chuyền nhà máy xi măng ở Nghi Sơn (Hà Tĩnh) khoảng $25 triệu USD, nhà máy xi măng Công Thanh ở Nhơn Trạch (Ðồng Nai) vốn đầu tư khoảng $42 triệu USD, nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng vốn đầu tư khoảng $600 triệu USD cùng với nhà máy nhiệt điện ở Mạo Khê, Quảng Ninh trị giá $500 triệu USD, một số nhà máy thủy điện ở Quảng Nam, nhiệt điện Cà Mau v.v...

Những tin tức về chương trình khai thác bauxite loan báo cho thấy tiền đầu tư vào các dự án tuyển luyện quặng mỏ ở đây lên đến 12,500 tỉ đồng (hơn $760 triệu USD) với số nhân công Trung Quốc dự trù làm việc chừng 2,000 người.

Trong bài ký sự ngày 6 Tháng Năm 2009, báo SGTT viết rằng “Trên cung đường HCM, đoạn đi qua huyện Ðông Giang (tỉnh Quảng Nam) có một ‘làng’ công nhân người Quảng Tây (Trung Quốc). Họ đã đến đây hơn ba năm qua để xây dựng hai công trình thủy điện Za Hung và Sông Kôn 2. Không những họ sống thành làng, họ còn lấy phụ nữ địa phương, có con”, bài ký sự kể.

Tướng công an Ðặng Thái Giáp, cuối Tháng Bảy, xác nhận với báo Tuổi Trẻ là có 35,000 công nhân Trung Quốc đang “chính thức” làm được “báo cáo” tập trung ở Tây Nguyên và quanh Sài Gòn-Ðồng Nai-Bình Dương. Một số rất lớn không rõ bao nhiêu người Hoa khác đang làm lậu, không có ai kiểm kê.

Nhiều người đổ tội cho Bộ Lao Ðộng trách nhiệm về người ngoại quốc làm lậu ở Việt Nam quá đông. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bộ trưởng bộ này nói đó là trách nhiệm của công an.