Home Tin Tức Thời Sự Thêm các bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa

Thêm các bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc lâm, phóng viên RFA   
Thứ Bảy, 08 Tháng 8 Năm 2009 07:56

Nhằm góp sức trong việc chứng minh chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam đã có nhiều người, nhiều nhóm trong và ngoài nước lặn lội tìm kiếm những hồ sơ, tài liệu.

 Bìa cuốn "Hoàng Sa, Trường Sa – Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế" của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

 Các công trình nghiên cứu còn cất công tìm kiếm bản đồ hay bất cứ những di chỉ nào nhằm chứng minh các quần đảo trên đã từng có dấu chân người Việt đến làm việc, khai hoang hay lập những đền thờ tuy nhỏ bé tạm bợ nhưng trong hoàn cảnh thời gian lúc đó đủ chứng minh được rằng người Việt đã có mặt sớm nhất nhằm xác định chủ quyền quốc gia.

Một trong những người có sự hy sinh to lớn đó là ông Nguyễn Phước Tương, hiện sống tại Đà Nẵng đã bỏ công hơn 10 năm để sưu tập hàng trăm cuốn sách, tài liệu, bản đồ và nhân chứng và sẽ xuất bản các tài liệu này trong thời gian sắp tới. Mặc Lâm phỏng vấn ông để tìm hiều thêm chi tiết về những việc làm này.

Thư tịch, tài liệu cổ
Mặc Lâm:  Thưa kính chào ông Nguyễn Phước Tương, trước tiên xin ông nhận nơi đây lòng cám ơn của riêng tôi đối với việc làm hết sức khó khăn nhưng rất ý nghĩa của ông. Theo tôi được biết thì vần đề thu thập tài liệu Hoàng Sa Trường Sa đã được rất nhiều nhà sử học cũng như học giả nghiên cứu rất sâu và hầu như không còn tài liệu nào mà họ chưa đụng tới, ông có thể cho biết việc sưu tầm của ông có gì mới?

Ô. Nguyễn Phước Tương: Tất cả những tư liệu tôi thu thập được trong 10 năm qua cũng đã phải nộp  cho nhà nước để nhà nước kiểm tra, có những quyền sách rất cổ từ thế kỷ thứ 16, những tư liệu rất cổ viết rõ ràng quần đảo Hoàng Sa - Bãi cát vàng là của Đàng trong.

Mặc Lâm:  Và ông có những bằng chứng gì mới về thời chúa Nguyễn hay không?

Ô. Nguyễn Phước Tương:  Dưới thời Chúa Nguyễn cho tới tận nay quần đảo Hoàng Sa luôn luôn là một đơn vị hành chánh của Việt Nam. Thời nhà nguyễn thì thuộc về Quảng Ngãi, thời Pháp thuộc thì thuộc Thừa Thiên, đến thời Việt Nam Cộng Hòa thì của Quảng Nam, thời xã hội chủ nghĩa thì thuộc Quảng nam rồi tiếp đó thuộc Đà Nẵng. Như vậy có một tổ chức hành chánh luôn luôn thuộc chủ quyền đất nước Việt Nam.

Các thư tịch cổ của Việt Nam, hàng chục quyển sách Việt Nam viết bằng chữ Hán, tức là phiên âm ra chữ Hán và phiên dịch ra tiếng Việt nói rằng Hoàng Sa là của Việt Nam.

 Mặc Lâm: Đó là những tài liệu cổ nhưng vẫn là trong nước, ông có phát hiện gì từ bên ngoài như Trung Quốc hay các nước tây phương hay không?

Ô. Nguyễn Phước Tương: Tất cả những tư liệu triều Nguyễn đều dịch ra tiếng Việt và tiếng Pháp  nên cũng không cần gì của Trung Quốc. Tài liệu của Sử quán triều Nguyễn đã viết những bộ sách từ Đại nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, hàng chục quyển sách của Việt Nam có chữ Hán kèm theo rất rõ ràng, rồi thư tịch cổ của phương tây, tôi đã dẫn ra một số, như cuả Tabert, rồi hồi năm một ngàn chín trăm sáu mấy, có quyển sách của Pháp viết về chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa dài 400 trang.
Thư tịch cổ của Trung Quốc không có tài liệu nào nói rõ ràng Hoàng Sa và Trường Sa tức Tây Sa và Nam Sa là của họ.  

Bản đồ, Nhân chứng...

Mặc Lâm: Riêng về bản đồ thì ông có những tài liệu gì mới?

Ô. Nguyễn Phước Tương: Bản đồ địa lý Việt Nam quan trọng nhất là của Đỗ Bá Công Đạo ông đã vẽ bản đồ này thời Chúa Nguyễn ông ghi rõ ràng Hoàng Sa là của Việt Nam. Bản đồ của quốc sử quán triều Nguyễn cũng vẽ bản đồ có Hoàng Sa. Còn về thư tịch bản đồ phương tây thì chúng tôi có tay khoảng gần 20 bản, trong đó có bản ghi rất rõ Hoàng Sa thuộc nước An Nam.

Không có bản đồ của Trung Quốc nói Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Năm 1905-1910 nhà Thanh vẽ bản đồ nước Trung Hoa có điểm cực nam là Nha Châu thuộc đảo Hải Nam, không có phần Tây Sa và Hoàng Sa.

Mặc Lâm:  Đó là về văn kiện còn về nhân chứng sống ông có đưa ra được chi tiết gì mới hay không chằng hạn như các đội binh tuần đảo Hoàng Sa có ai còn sống tới giờ này hay không? 

Ô. Nguyễn Phước Tương: Chúng tôi nêu ra những nhân chứng đã từng sống trên đảo Hoàng sa những người Việt đã từng đi lính, đi đánh cá, những sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã từng sống trên đó xây dựng cơ sở như thế nào để chúng tôi so sánh và kết luận.

Theo luật pháp quốc tế thì một vùng đất thuộc chủ quyền nước nào phải đảm bảo ba điều kiện: Thứ nhất là chiếm hữu vùng đất vô chủ, mình lấy Hoàng Sa khi đó chưa thuộc Chăm pa mà do những quan lại người Việt gốc Chăm giới thiệu và dẫn quân ra đảo Hoàng Sa để chiếm.

Thứ hai nó phải do một chính quyền quản lý, chứ Trung quốc chỉ nói là ngư dân đánh cá là không được, phải có chính quyền quản lý. Thứ ba là vùng đất không được xâm chiếm của một nước nào.

Đó là vi phạm rất lớn của Trung Quốc đối với ta. Năm 1956 nó chiếm nhóm đảo An Vĩnh ở phía đông, năm 1974 dưới chế độ Việt Nam cộng hòa nó chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía tây. Những điều đó đều vi phạm luật pháp quốc tế về chủ quyền của Việt Nam.

Mặc Lâm: Công trình này của ông có được nhà nước hay một tổ chức tư nhân nào ủng hộ hay khuyến khích hay không?

Ô. Nguyễn Phước Tương: Từ lâu nay nhà nước Việt nam rất dè dặt trong vấn đề có những quyển sách công bố hay chủ trương là như vậy nhưng trong tình hình hiện nay có thay đổi, tức là cho phép những nhà nghiên cứu, học giả trong nước có thể viết về Hoàng sa và Trường sa.

Tài liệu của chúng tôi viết đầu tiên được sở khoa học công nghệ thành phố Đà Nẵng ủng hộ, cho phép viết, đặt vấn đề viết.

Sau khi viết xong, thành phố giao cho bốn cơ quan giám định nội dung về chính trị và về lịch sử. Thứ nhất là sở nội vụ, là bộ phận quản lý quần đảo Hoàng sa, thứ hai là sở khoa học công nghệ trong đó có bộ phận khoa học xã hội nhân văn, thứ ba là ban tuyên giáo thành ủy, thứ tư là hội khoa học lịch sử thành phố Đà nẵng tổng giám định. Và cuối cùng họ thống nhất đề nghị lãnh đạo thành phố Đà nẵng cho phép xuất bản.

Mặc Lâm:  Xin cám ơn ông.