Home Tin Tức Thời Sự Hàng ngàn người sống “bất hợp pháp” ngay trên đất của chính mình

Hàng ngàn người sống “bất hợp pháp” ngay trên đất của chính mình PDF Print E-mail
Tác Giả: VNnet   
Thứ Tư, 05 Tháng 8 Năm 2009 04:54

 HÀ NỘI 4-8 (TH) - Tư bản đỏ và những kẻ dựa vào đám tư bản đỏ để cướp nhà cướp đất của nông dân Việt Nam mỗi ngày mỗi giầu có. Còn các nạn nhân ra sao sau khi các dự án “qui hoạch” được đưa ra rồi bỏ đó? 
Khắp nơi trên cả nước, người nông dân trở thành kẻ bị lưu đày ngay trên tài sản của họ nếu liều lĩnh ở lại, hoặc lưu lạc tha phương đâu đó.
 Hàng trăm sân gôn được “qui hoạch” trên cả nước phục vụ giải trí đám quan quyền giầu có nhờ tham nhũng và đám tư bản đỏ. Rất nhiều sân gôn chỉ mới “qui hoạch” tức đuổi dân đi để chiếm đất rồi bỏ đó, từ Nam chí Bắc. Hàng chục ngàn mẫu ruộng màu mỡ nuôi sống người dân và lấy gạo xuất cảng nuôi chế độ đã bị bỏ hoang. Sự cùng khổ của nông dân vì các dự án “qui hoạch treo” được nhiều tờ báo trong nước đề cập, nhưng rồi vẫn không đi tới đâu.
 Ðảng và nhà nước CSVN tuyên truyền chế độ của họ là “của dân, do dân và vì dân”. Sự thực hoàn toàn ngược lại.
 Câu chuyện dưới đây về các người nông dân ở huyện Thạch Thất, nay thuộc Hà Nội mở rộng, được báo điện tử VietNamNet ngày 4 Tháng Tám 2009 là một trong những chuyện tiêu biểu cho sự cay đắng uất hận của người dân trong chính sách cướp bất động sản bằng luật lệ, bằng chính sách đằng sau có súng đạn đe dọa.
 
VietNamNet ngày 4 Tháng Tám 2009:
“Dự án KCN cao Hòa Lạc và trường ÐHQG nằm phần lớn trên địa bàn xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất). Ðể có được mặt bằng cho 2 dự án lớn này, hàng ngàn người nông dân đã phải mất toàn bộ ruộng đất nông nghiệp và đất thổ cư. Nhưng những dự án này vẫn bị ‘treo’ trong nhiều năm qua. Vì thế hàng ngàn nông dân dù đã trở thành ‘công dân thủ đô’ vẫn phải sống tiếp trong cảnh cùng cực vì mất nghề và không nhà ở.” 
Cả xã đi ở nhờ
Hơn 70 hộ dân thuộc thôn 7 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) nhiều năm nay phải sống trong cảnh lay lắt, tạm bợ trên chính mảnh đất mà trước kia, họ và cha ông của mình đã định cư trong nhiều năm liền, qua nhiều thế hệ. 
Về mặt quản lý hành chính, họ thuộc vào diện “dân nhảy dù” và “định cư bất hợp pháp”. Nguyên nhân, đấy là khi được tuyên truyền, “vận động” (tức ép buộc) bàn giao đất nông nghiệp, đất thổ cư, đất đồi... cho nhà nước, họ đã phá bỏ công trình, nhà cửa để trả đất cho dự án. Thế nhưng, đến tận thời điểm Tháng Tám 2009, những hộ dân này vẫn chưa có được chỗ ở mới theo diện tái định cư, dù tất cả các loại đất nói trên đã bị thu hồi và đã bàn giao từ năm 2007.
 Ðiều ấy đồng nghĩa với việc, hàng ngàn người nông dân của xã Thạch Hòa trong gần 3 năm nay, ở trong tình trạng không có nhà ở, mất việc làm và thất nghiệp, sống lay lắt tạm bợ trên chính mảnh đất mà trước đây, thuộc quyền sở hữu của họ. 
Con đường đất dẫn vào thôn 7 đỏ quạch và bụi mù. Có những đoạn, ổ voi, ổ trâu tù đọng đất bùn hòa nước đỏ quạch. Những ngôi nhà lụp xụp và tiêu điều hai bên đường nằm lẩn khuất giữa những vườn sắn tầu đang lên mơn mởn. Cỏ tranh mọc cao lút hai bên vệ đường. Tất cả những ngôi nhà này, hầu hết đều không có đường dẫn vào nhà. Vỉa đất bị khoét cách tường nhà chừng một sải tay. Làng xóm im ắng đến bí ẩn. 
Khi được hỏi, những người dân ở thôn 7 cho biết, tất cả các hộ dân này đều đang “ở nhờ” trên đất bị thu hồi. Họ chưa có nhà để ở, vì khu đất giãn dân, tái định cư theo dự án thu hồi đất bàn giao cho KCN cao Hòa Lạc, đến bây giờ vẫn chưa có... mặt bằng. 
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Diễn, chị Lê Thị Lan bị thu hồi 8 sào ruộng, trong đó có 4 sào thuộc đất ruộng thừa kế của bố mẹ. Cùng với hơn 1,000m2 đất ở, đất vườn, tài sản gắn liền với đất, cây cối hoa màu thuộc diện được đền bù... tổng số tiền hai anh chị được nhận là hơn 200 triệu đồng. Số tiền 64 triệu đồng bị giữ lại để “cược” cho đến khi nào được nhận đất giãn dân, anh chị được nhận hơn 140 triệu đồng. 
Chị Lan than thở: “Vợ chồng em nhận tiền đền bù từ năm 2007. Toàn bộ ruộng đất đã giao cho dự án, thành ra hai vợ chồng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Nhìn ruộng bỏ hoang mà thắt cả ruột. Vườn tược, nhà cửa cũng đã bàn giao cả rồi, bây giờ phải ở nhờ... Gần như cả xã này, đều rơi vào hoàn cảnh như chúng em cả!” 
Anh Diễn, chị Lan còn may mắn vì chưa dỡ nhà để bàn giao cho dự án nên vẫn còn được ở trong căn nhà cấp 4, dù đã cũ kỹ. Những trường hợp đã dỡ bỏ nhà, người dân phải sống trong những căn lều được dựng tạm, lụp xụp... 
Liền kề nhà anh Diễn là nhà của anh Trương Công Tình và chị Hoàng Thị Ðào. Trỏ vào căn nhà lụp xụp được dựng tạm bợ, chị Ðào không giữ được nước mắt: “Gia đình chúng tôi tuân thủ quy định của nhà nước, chấp nhận tháo dỡ nhà để trả đất cho dự án. Thế nhưng, đã mấy năm trôi qua, đất giãn dân chưa thấy, hàng ngàn người phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì giấy tờ nhà đất đã trả lại xã, nhà cũng đã dỡ rồi... Chúng tôi phải sửa lại cái nhà bếp để làm nhà ở tạm. Cứ mỗi khi trời mưa gió hay đài báo bão, cả đêm phải thức chong chong vì sợ nhà sập...” 
Những người dân xóm 7 như gia đình anh Diễn, anh Tình... đều cùng ở tình trạng bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp (bao gồm đất trồng lúa, đất đồi, đất trồng cây lâu năm, đất vườn) và đất thổ cư. Ðây là những người thuần nông, không có nghề phụ. 
Từ khi đất đai, nhà cửa bị thu hồi, không có nghề nghiệp, không nhà ở, hàng ngàn nông dân xã Thạch Hòa rơi vào tình trạng “nhảy dù”, “định cư bất hợp pháp”. Theo tính toán của anh Diễn, với hơn 200 triệu tiền đền bù, anh chỉ đủ làm căn nhà cấp 4 trên đất tái định cư mới. “Từ năm 2007 đến nay, gần 3 năm đã trôi qua mà đất giãn dân, tái định cư vẫn chưa có mặt bằng bàn giao cho người dân, chúng tôi vẫn phải ăn, phải sống!” Mỗi ngày, anh chị tằn tiện “cấu” từ số tiền hơn 140 triệu được nhận đền bù để nuôi 4 khẩu ăn trong gia đình, đến nay đã gần như cạn kiệt. 
Anh Diễn tâm sự: “Ðể mưu sinh, chúng tôi phải ‘khai hoang’ bất hợp pháp chính ruộng vườn trước kia. Nhìn vườn tược, ruộng đất bỏ hoang cho cỏ mọc, trong khi phải ngồi chơi, nhà nông xót lắm. Ðành cấy trộm, cấy chui được ngày nào hay ngày đó, chừng nào dự án đổ đất lấy mặt bằng thì thôi...”
 Nguồn thu “không chính thức” của người dân Thạch Hòa bị thu hồi đất, đấy là trồng cấy trên các thửa đất ruộng cũ. Ðất vườn trước kia nay đã bị khoanh vùng, bà con vào trồng sắn “chui”. “Chúng tôi phải thức dậy từ tờ mờ sáng để chui vào đó trồng sắn. Nhiều cán bộ dự án ngăn không cho người dân trồng, rau cỏ vừa lên được cao thì họ đem ủi hết” - chị Lan than thở. 
Những lúc “nông nhàn”, chị Lan, anh Diễn... lại đi làm thuê, làm mướn kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng.
 Tình trạng nói trên không phải của riêng thôn 7, mà các thôn 3, thôn 6, thôn 5... xã Thạch Hòa - những thôn nằm hoàn toàn trong địa bàn quy hoạch của dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, người dân bị thu hồi toàn bộ đất đai, vườn tược, nhà cửa. Chưa có nhà tái định cư, không việc làm, không ruộng đất, họ “sống nhờ” trong chính ngôi nhà của mình, cuốc cày trộm trong chính mảnh vườn thửa ruộng cũ. Tiền đền bù, theo thời gian đã tiêu gần hết.
“Ðiều chúng tôi lo lắng nhất là con em mình về sau sẽ lấy cái gì để đảm bảo cuộc sống? Chúng tôi không có nghề, đất nông nghiệp đã bị thu hồi, chắc những ngày còn lại, phải làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Lo nhất là tụi nhỏ...” - anh Tình chán nản. 
Gia đình anh Tình có 5 khẩu. Ðứa con gái lớn của anh đang học đại học ngoài Hà Nội. Số tiền đền bù anh được nhận hơn 500 triệu đồng, thế nhưng, chi phí cho các con, cho cả gia đình cũng chẳng còn là bao. Trong khi đó, chị Ðào (vợ anh) đang mắc phải bệnh ung thư không có tiền điều trị. Anh Tình rầu rĩ: “Ðồng tiền như miếng thịt chín, không giữ được lâu. Không có ruộng, mỗi ngày phải cấu véo mỗi tí, thì có núi cũng lở...”
 Chị Lan thì đăm chiêu: “Cháu nhà em đang học lớp 4 ở trường tiểu học Thạch Hòa. Chỉ sợ, đến khi cháu lên cấp 2, không biết có trường nào nhận vào không, vì bây giờ chúng em không biết mình có hộ khẩu ở địa bàn nào, do ai quản lý. Nghe nói, người ta không nhận học sinh trái tuyến từ vùng nọ sang vùng kia, mà có nhận thì học phí cao lắm...”
 
Hoang mang...
Trao đổi với VietNamNet, ông Dương Như Hưng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Thạch Hòa cho biết: Thạch Hòa là xã bị thu hồi đất lớn nhất huyện Thạch Thất để bàn giao mặt bằng cho các dự án. Dự án xây dựng ÐHQG chiếm hơn 1,000ha; dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc trên 650ha; ngoài ra các dự án khác xấp xỉ 400ha. Tổng diện tích đất bị thu hồi của Thạch Hòa trên 2,000ha, trong khi đó, tổng diện tích của xã Thạch Hòa trên 3,300ha, với 2,700 hộ dân. 
Thế nhưng, xót xa nhất, trong số hơn 2,000ha đất bị thu hồi thì 60-70% là đất nông nghiệp, đất canh tác lúa nước. 
Diện tích 30% còn lại, rơi vào đất nông trường 1A được chuyên dụng trồng chè và trồng cây lâu năm. Thời điểm trước khi nông trường 1A chưa giải thể, hàng ngàn công nhân làm việc tại nông trường này sống bằng tiền thu hoạch chè. Khi dự án xây dựng ÐHQG HN được quy hoạch tại đây, những công nhân này phải trả lại đất với tiền hỗ trợ, đền bù là 20 triệu đồng/1,000m2. 
Con đường đất dẫn ra khu trồng chè của nông trường cũ ngoằn ngoèo, phải vượt qua con suối ngập gần bánh xe máy. Từ khi đất nông trường bị thu hồi, nhiều công nhân bất đắc dĩ phải chuyển nghề, bám lấy đường quốc lộ mưu sinh. Tuy nhiên, nhiều người xót xa, nhớ nghề vẫn cố gắng bám lấy những đồi chè cũ kỹ, với hy vọng “vớt vát” được tí nào hay tí ấy. 
Khi còn tồn tại, nông trường chè là nơi mưu sinh của hàng trăm lao động thuộc thôn 10, xã Thạch Hòa. Trên con đường đất ra khu trồng chè, tôi bắt gặp nhóm thanh niên đang cởi trần đảo chè, đóng chè vào bao tải. Tất cả đều trong độ tuổi 19, 20, những thanh niên vừa bước vào độ tuổi lao động. 
Chủ tịch xã Thạch Hòa thừa nhận: “Chính sách hỗ trợ mất việc làm cho nông dân bị thu hồi ruộng đất không giải quyết được tình hình thực tế. Ða số lao động trong tuổi lao động từ 50 tuổi trở xuống đều không xin được việc vì rất khó đào tạo nghề mới!”
 Ông Hưng cho hay, với hơn 2,000ha đất bị thu hồi, gần 2,000 hộ trên tổng số 2,700 hộ dân của xã Thạch Hòa thuộc diện di dời sang khu tái định cư mới. Tuy nhiên, khi được hỏi lý do tại sao, gần 3 năm trôi qua mà vẫn chưa có khu tái định cư giao cho người dân, ông Hưng giải thích: “Vì dự án vẫn còn bị treo, mà nguyên nhân ‘treo’ là do... dự án làm đường cao tốc Láng-Hòa Lạc!?” 
Hơn 2,000ha đất nông nghiệp bị thu hồi, hơn 2,000 hộ phải di dời sang vùng đất mới. Thế nhưng, khu đất giãn dân vẫn còn đang ở mức “giải phóng mặt bằng” với tấm biển rách nát theo năm tháng. Có tới 2/3 tổng số người dân trên địa bàn xã Thạch Hòa đều cùng ở tình trạng như nhau, nên có lẽ Thạch Hòa sẽ “cháy” nhà trọ. 
Vì sao cho đến giờ, những người dân đã hy sinh cho công cuộc hiện đại hóa lại đang phải sống như những kẻ “tị nạn” trên chính quê hương bản quán của chính mình?” 
Phản hồi về bài viết nói trên, một độc giả tên Văn Ðình An viết: 
“Không chỉ riêng khu công nghệ cao Hòa Lạc, hàng trăm khu công nghiệp khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Gần khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu công nghiệp Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, cũng đang có tình trạng tương tự. Những người dân đói nghèo được cha ông để lại cho vài ngàn m2 đất vườn sinh sống. Từ khi Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hòa Bình cho quy hoạch khu công nghiệp Lương Sơn, 4-5 năm nay nhiều gia đình đã bàn giao đất cho khu công nghiệp, nhưng đất tái dinh cư không có. Ðất quy hoạch nhưng hầu hết vẫn bỏ hoang, làm nơi hoạt đông lý tưởng cho bọn tiêm chích ma túy. Những người dân trước đây còn có thu nhập từ cây quả trong vườn nay chẳng có việc gì làm. Bây giờ nhiều gia đình ở đây còn có chút lương hưu (vì trước đây họ là công nhân nông trường chè), nhưng mai đây con cái họ sẽ sông bằng gì? Ðất thu hồi với giá vô cung rẻ mạt, thu hồi đất của dân rồi lại kinh doanh cho thuê.” 
Ðộc giả tên Ngọc Quang viết: “Ðiều đáng buồn là tình trạng như bài viết trên hầu như có ở nhiều nơi, việc di dân, di chuyển nơi ở của dân chỉ là một kế hoạch chung chung để lấy đất, giải phóng mặt bằng, chẳng có điều ràng buộc nào trong cam kết khi thực hiện dự án về thời gian, về thiệt hại kinh kế, về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà nước, chủ đầu tư; vì vậy chỉ người dân là thiệt thòi. Có dự án ra quân rầm rộ, có cả cưỡng chế xong 4 năm sau đất vẫn bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích ban đầu, thế mà chẳng ai chịu trách nhiệm...” 
Ðộc giả tên Nguyễn Anh Minh, Hà Nội viết: “Theo quy định của luật đất đai, đất cấp cho dự án do nhà nước cấp nếu sau 12 tháng mà dự án đó không thực hiện...” thì bị nhà nước thu hồi lại đất. Các dự án KCN cao Hòa Lạc và trường ÐHQG nằm phần lớn trên địa bàn xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất), phần lớn đất đai của các dự án đều thuộc quyền sở hữu của dân qua bao thế hệ. Người dân vì sự phát triển của đất nước mà giao đất cho nhà nước để cấp lại cho các dự án, đổi lại nhà nước cấp đất tái định cư cho dân xây nhà ở và làm ăn sinh sống. Thế nhưng đã 3 năm trôi qua các dự án đó không được triển khai, dân cũng chưa được cấp đất tái định cư, vậy là các chủ dự án đã vi phạm các điều khoản. Vậy, căn cứ theo luật đất đai nhà nước phải thu hồi đất trả lại đất cho dân và đền bù những thiệt hại cho dân đó là lẽ công bằng. Theo tôi, khi các chủ dự án vi phạm luật đất đai, vi phạm các điều khoản.... thì người dân có quyền bác bỏ các cam kết, có quyền sử dụng hợp pháp lại đất đai của mình...”