Home Tin Tức Thời Sự Truyền thông Trung Quốc cho rằng “bất ổn tiềm ẩn” ở vùng biển Nam Trung Hoa nay đã lộ rõ

Truyền thông Trung Quốc cho rằng “bất ổn tiềm ẩn” ở vùng biển Nam Trung Hoa nay đã lộ rõ PDF Print E-mail
Tác Giả: Bản dịch của blog Anhbasam   
Thứ Năm, 30 Tháng 7 Năm 2009 04:52

Bản tin của Hãng thông tấn Zhongguo Tongxung She đóng tại Hong Kong

Thứ Bảy, ngày 25-7-2009

Bắc Kinh, 13-7 (ZTS) – Vấn đề Biển Nam Trung Hoa có một lịch sử dài lâu. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cam kết giải quyết vấn đề này một cách ôn hòa và đã rất cố gắng để tạo ra khu vực hòa bình và ổn định. Hoàn cảnh hiện nay trong toàn khu vực Biển Nam Trung Hoa là tương đối ổn định. Tuy nhiên, những bất ổn ẩn khuất đang ngày càng lộ rõ.

Số mới nhất của tờ “World Vision” đã dẫn lời Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hải Nam về biển Nam Trung Hoa nói rằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trên biển Nam Trung Hoa và vị trí chiến lược quan trọng của vùng biển này với tư cách một tuyến đường biển, đã làm cho Biển Nam Trung Hoa trở thành một tâm điểm cho cuộc tranh đua nóng bỏng đối với tất cả các bên sắp tới. Tranh cãi về Biển Nam Trung Hoa liên quan tới Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực (như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruney). Song, các quốc gia ở xa vùng biển này – ví dụ như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ – cũng đã hăng hái can dự vào cuộc tranh chấp. Khu vực này vẫn còn ổn định, nhưng giờ đây phải chịu ảnh hưởng của nhiều bên. Các quốc gia láng giềng trong khu vực đã theo đuổi một chiến lược rất rõ ràng trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa: làm phức tạp hóa vấn đề Nam Sa nhằm đẩy Trung Quốc vào thế kẹt giữa những lực lượng đối lập và khiến cho Trung Quốc không thể nào giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều được.

Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đã khiến cho cuộc tranh chấp ở vùng biển Nam Trung Hoa ngày càng lộ rõ

“Tranh chấp ở Nam Sa quanh vấn đề chủ quyền quần đảo này và quyền pháp lý đối với vùng biển này, thực chất, là một sự câu kết của những lợi ích chiến lược và đua tranh đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên,” theo nhận xét của Chủ tịch Wu Shicun. Các quốc gia quanh Biển Nam Trung Hoa đã đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác dầu lửa và khí đốt tự nhiên, đã công khai mời chào đấu thầu, và mời các công ty dầu quốc tế tới khai thác. Các nước láng giềng trong khu vực đã kiếm được ít nhất là 50 triệu tấn dầu lửa mỗi năm từ Biển Nam Trung Hoa, tương đương với sản lượng hàng năm của mỏ dầu Daqing. Các quốc gia trong khu vực đã cùng phân chia Biển Nam Trung Hoa – một khu vực đặc trưng bởi các mỏ dầu chồng lấn lên nhau. Các nước này tiếp tục mở rộng phạm vi thăm dò của mình, mà phần lớn khu vực đó là nằm bên trong biên giới truyền thống của Trung Quốc.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế, Giáo sư Feng Yongfu tin rằng Trung Quốc – với tư cách là một lực lượng mạnh trong khu vực – cần phải giữ vị thế chi phối trong khu vực này. Trung Quốc không nên ngồi chờ các nước khác thực hiện kế hoạch cùng khai thác những nguồn tài nguyên này. Thay vào đó, Trung Quốc cần phải đi tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện một kế hoạch chứng tỏ sự hiện diện của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở Nam Hải, trong tiến trình khai thác tài nguyên thiên nhiên trên Biển Nam Trung Hoa.

Chúng ta cần phải quan tâm đến thái độ của các lực lượng lớn

Hiện nay, tất cả các nước phía đông nam trừ Indonesia – như Philippines, Malaysia và Việt Nam – đã thiết lập các cơ quan đặc biệt nhằm bảo vệ các quyền lợi trên biển của họ và thậm chí đã sử dụng lực lượng quân sự kiểm soát các vùng biển liền kề. Vào cuối năm ngoái, chính phủ Indonesia đã lập một nha đặc biệt thực hiện các vụ bắt giữ, trực thuộc Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp. Cơ quan này đã được trang bị gần 30 chiếc tàu giám sát và với một thiếu tướng hải quân chuyên phối hợp các bên trong quá trình hoạt động. Tàu của cơ quan này đã nhiều lần xâm phạm các vùng lãnh hải truyền thống của Trung Quốc để bắt giữ và xua đuổi các tàu cá của Trung Quốc. Theo tờ International Herald Tribune, các nước này đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc đang đánh bắt cá hợp pháp rồi thả họ ra; rất nhiều lần như vậy. Việc này thực sự đã chứng tỏ sự kiểm soát và quyền pháp lý của họ trên vùng biển này; và thể hiện một kiểu tuyên bố chủ quyền theo ý họ.

Chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến thái độ của các lực lượng lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và Úc. Theo tờ Kuala Lumpur Security Review, chỉ huy lực lượng quốc phòng, Thống chế Không quân Anggus Houston đã tuyên bố với tạp chí này rằng mối quan tâm của nước Úc đối với Biển Nam Trung Hoa là việc duy trì sự ổn định trên khắp khu vực, trong đó có quần đảo Nam Sa, vì vậy mà tuyến hải hành này – cũng là một trong những tuyến đường biển có tầm quan trọng toàn cầu – có thể tiếp tục được mở ngỏ và tự do sử dụng. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates mới đây đã nói rằng thái độ của Hoa Kỳ trong cuộc tranh cãi quanh vấn đề chủ quyền của Quần đảo Nam Sa là: “Hoa Kỳ không có thái độ nào.” Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã gửi bốn tàu chiến được trang bị hệ thống phòng vệ tới hướng dẫn một cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Nam Trung Hoa, là hoạt động hiếm khi xảy ra trước đây.

Theo tạp chí này, hoạt động của Malaysia trong cuộc diễn tập này đã bắt đầu trong 10 ngày cuối tháng Sáu. Trong quá trình hoạt động đó, Hoa Kỳ đã gửi tới 1.600 sĩ quan và binh lính, hai tàu chiến được trang bị hệ thống phòng vệ tổng hợp – mà Trung Quốc gọi là “Xiafei” và “Zhongyun” – những phi cơ săn tàu ngầm P3C cũng như những loại chiến đấu cơ F/A-18 Hornet. Vào ngày 28 tháng Sáu, những chiến hạm từ Hoa Kỳ và Malyasia đã tập hợp ở biển Nam Trung Hoa và hướng dẫn một cuộc tập luyện theo đội hình. Các chuyên gia về tàu chiến Hoa Kỳ nói rằng ý nghĩa của sự có mặt của các chiến hạm được trang bị hệ thống phòng vệ của Hoa Kỳ ở Biển Nam Trung Hoa cho thấy rằng một khi có một cuộc chiến tranh nổ ra, chiến hạm Hoa Kỳ có thể tạo nên một tấm khiên phòng thủ trên không ở Biển Nam Trung Hoa.
 

Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/hidden_trouble.htm

Bản dịch của blog Anhbasam
 (
http://anhbasam.wordpress.com/2009/07/26/247-bất-ổn-dược-che-dậy-tren-biển-dong-da-lộ-ro/)

NL biên tập.