Home Tin Tức Thời Sự Nghị Sĩ Jim Webb cảnh cáo: ‘Trung Quốc cải tiến quân sự để bành trướng lãnh thổ’

Nghị Sĩ Jim Webb cảnh cáo: ‘Trung Quốc cải tiến quân sự để bành trướng lãnh thổ’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 21 Tháng 7 Năm 2009 03:25

 WASHINGTON – (NV) “Trung Quốc không những chủ trương bành trướng ảnh hưởng kinh tế và chính trị mà còn bành trướng cả lãnh thổ. Quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa để hỗ trợ trực tiếp cho tham vọng này.”

 Nghị Sĩ đảng Dân Chủ Jim Webb, đơn vị Virginia, thuộc Ủy Ban Quan Hệ Ðối Ngoại của Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ nhận định như vậy trong một cuộc điều trần ở Quốc Hội hồi giữa tuần qua.

 Cuộc điều trần được thực hiện để Quốc Hội nghe các giới chức chính phủ trình bày các quan tâm liên quan tới tình hình biển Ðông, trong đó, chủ yếu là sự tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam.

 Sự gia tăng khả năng quân sự qua hàng chục tỉ đô la mỗi năm để hiện đại hóa Hải Quân và Không Quân từng được báo động ở Hoa Thịnh Ðốn lâu nay.

 Khi mở cuộc điều trần, Nghị Sĩ Jim Webb đặt câu hỏi Hoa Kỳ đóng vai trò gì trong cuộc tranh chấp.

 Theo ông Webb, khu vực biển Ðông tương đối bình yên trong 30 năm qua, nhưng những nỗ lực và sự đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam nhằm kiểm soát trọn vẹn khu vực như một thứ “ao sau nhà” của họ sẽ dẫn đến mất quân bình thế lực.

 Một mặt vẫn lập đi lập lại nguyên tắc cư xử “16 chữ vàng” và “4 tốt” với Việt Nam, nhưng cách họ hành động trên biển Ðông cho thấy một thứ tinh thần bá quyền nước lớn rõ rệt, muốn nuốt dần nước nhỏ.

 Theo sự nhận định của ông Webb, sự quan ngại đáng để ý nhất là việc Trung Quốc xác nhận chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Quần đảo Trường Sa không những là sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà còn là sự tranh chấp chung với cả một số nước khác như Phi Luật Tân, Mã Lai, Ðài Loan. Nhưng quần đảo Hoàng Sa thì hoàn toàn do Trung Quốc chiếm giữ từ khi chiếm đoạt của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.

 Vùng các quần đảo này được tin tưởng là có tiềm năng dầu khí quan trọng dưới lòng biển, làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trở nên gay cấn hơn. Bên cạnh đó, chúng còn nằm giữa đường hải hành từ Thái Bình Dương sang Ấn Ðộ Dương, hải lộ huyết mạch mà Trung Quốc mưu đồ làm chủ một mình.

 Trong thái độ dương oai, Trung Quốc tuyên bố khu vực quanh các quần đảo này là vùng đặc quyền kinh tế. Vì vậy mà xảy ra các vụ tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, bắn giết ngư dân hay đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam.

 Nghị Sĩ Webb cho rằng Hoa Kỳ ở vị trí đặc biệt để giúp tìm giải pháp giải quyết các tranh chấp ở biển Ðông.

 “Thật quan trọng để chỉ ra rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ tầm vóc và sức mạnh quốc gia để đối diện với sự mất quân bằng sức mạnh mà Trung Quốc đang đưa tới khu vực này.” Ông Webb nói.

 Trong khi Hoa Kỳ không hề có đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ gì ở đây, tàu khảo cứu đại dương của Hoa Kỳ đã gặp nhiều khiêu khích từ Trung Quốc khi hoạt động ở biển Ðông.

 Vụ việc xảy ra sau cùng là hồi Tháng Ba vừa qua khi tàu khảo cứu USNS Impeccable đã bị một nhóm tàu Trung Quốc quấy nhiễu khi hoạt động ở khu vực quốc tế gần đảo Hải Nam. Trung Quốc nói tàu Mỹ vi phạm luật quốc tế khi hoạt động ở đó trong khi Hoa Thịnh Ðốn thì nói ngược lại.

 “Hoạt động quân sự của chúng ta ở khu vực là bình thường và tuân thủ theo thông lệ quốc tế.” Robert Scher, phó phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng nói trong cuộc điều trần. “Chúng ta tiếp tục hoạt động ở biển Ðông và hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ được đặt trên căn bản lợi ích của chúng ta ở khu vực và ước vọng muốn duy trì an ninh và ổn định ở phía Tây Thái Bình Dương.”

 Theo ý kiến Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng Scot Marciel, sẽ hợp lý và tốt cho các nước nhỏ ở Ðông Nam Á là đối phó với Trung Quốc theo một nhóm. Trung Quốc chỉ muốn đối phó riêng với từng nước nhằm phục vụ lợi ích của họ.