Home Tin Tức Thời Sự Tác hại của các bài thuốc lưu truyền qua email

Tác hại của các bài thuốc lưu truyền qua email PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tấn Tài   
Thứ Ba, 09 Tháng 6 Năm 2009 21:19

          Email hiện đang thời kỳ thịnh hành . Việc trao đổi email giữa các nhóm bạn hoặc các group email    do các dịch vụ email miễn phí  đã lan rộng trên toàn thế giới và nhất là trong cộng đồng người Việt hãi ngoại , vì nó vừa tiện lợi , liên lạc nhanh chóng và không tốn tiền với  tất cả bạn bè  bất cứ lúc nào , bất kỳ ở đâu ...

Tuy nhiên bất cứ việc gì , hễ có lợi thì tất nhiên phải có hại . Trở lại những năm đầu 1990, email chỉ được ưu tiên cấp cho những người nào chứng minh được họ thực sự cần dùng. Ngày nay, việc sử dụng email lại đang trở thành một mối phiền toái .  Chúng ta có thể cho rằng email là một vấn đề đơn giản, nhưng việc sử dụng nó sao cho dễ dàng , thuận lợi vẫn đang còn là những sự lầm lẫn.

Email ( hay nói một cách rõ ràng hơn đó là thư rác- spam ) được nhận từ nhiều nguồn khác nhau , nội dung phần lớn không có ý nghĩa thiết thực , vô bổ , thông báo lộn xộn mang đầy những tuyên truyền tác hại .Chẳn hạn , trong thời điểm  Cúm Heo (Swine Flu) hiện nay , đang  là sự kiện gây chú ý trên toàn thế giới , các spammer cũng không bỏ qua cơ hội này. Họ đã gửi các “thư rác” Cúm Heo có chứa các đường dẫn hoặc file đính kèm dẫn tới các trang lừa đảo hoặc có chứa virus.

Trong phạm vi bài này , tác giả muốn trình bày một vấn đề khá búc xúc về các email truyền  tải các bài thuốc , cây cỏ chữa bệnh .

          Thói quen tự uống thuốc không theo lời chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tự chữa bệnh theo lời chỉ dẫn qua sách báo hoặc xem lời quảng cáo hay các lời mách bảo của người quen đã tồn tại từ lâu trong đa số người Việt . 

Ở hầu hết các nước , thuốc đuợc chia làm hai loại :

-loại bán theo toa bác sĩ , là các loại thuốc thuộc loại nguy hiểm dùng sai có thể đi đến tử vong

- loại thuốc bán tự do ( OTC - Over the Counter ) tức là loại để bán tự do trên quầy . Tuy là thuốc bán tự do , nhưng người uống cũng cần phải có chút ít về kiến thức y khoa thường thức và phải đọc kỹ bản hướng dẫn trong toa .

 Do hoàn toàn mù tịt về thuốc nhưng lại tự ý dùng thuốc, hậu quả có thể đưa đến tác hại không lường trước được.   Một thí dụ về tự ý dùng thuốc rất sai khá phổ biến trước đây ở VN , khi bị cảm sơ sài lại dùng  chloramphemicol (tên  biệt dược nổi tiếng trước đây  là Tifomycine) để tự chữa trị thường xuyên, sau một thời  gian đâm ra bị "thiếu máu bất sản" (cơ thể không sinh ra được tế bào máu) dẫn đến tử vong. Ðau nhức vì bị phong thấp  thì dùng các loại thuốc Cortisone , hậu quả  là sau một thời gian dùng thuốc là bị mục xương .

          Việc tự ý dùng thuốc ngày nay phần lớn lại theo những thông tin sức khoẻ y khoa từ internet và nhất là từ các thông tin qua các bài thuốc do bạn bè gửi đến bằng email . Bài viết không đả phá những  loại thông tin  nầy , song có một thực  trạng là :

1/ Các thông tin thì  rải rác, thiếu tính hệ thống,  thậm chí có bài bảo rằng  chất này tốt cho bộ phận này,  bài khác  lại bảo có hại cho bộ phận  kia

2/ Người nhận thông  tin thì không có kiến thức nền  tảng nên vừa dễ tự áp dụng,  vừa dễ phân vân khi gặp  thông tin ngược chiều

3/ Cho nên cả sự thông tin lẫn sự  tiếp thu đều nửa vời

 Với sự bùng nổ thông tin  trên Internet  hiện nay,  chúng ta cần phải cảnh giác và thận trọng hơn trong việc thu thập thông tin về sức khỏe, y dược từ Internet. Chúng ta   phải sàng lọc, chọn lấy thông tin nào đáng tin cậy và tin cậy ở mức độ nào trên quan điểm "y học phải có chứng cứ" (evidence based medicine) và có các dữ kiện chính xác  để sàng lọc thông tin. Trên Internet, trình độ quảng cáo hiện nay đã lên đến mức "siêu" nên các  dược phẩm  phần lớn gắn liền với kinh doanh, vì vậy thông tin về dược phẩm luôn bị thổi phòng  vì kinh doanh, lợi nhuận nên càng dễ bị sai lệch hơn  nữa.  Đối với người dùng thuốc nói chung, đừng bao giờ lấy tin trên Internet để tự chẩn đoán bệnh, tự tìm loại thuốc nào cho là "thích hợp" (bởi vì đã được quảng cáo rất nghệ thuật  nghe rất xuôi tai, chiều nào cũng lọt), rồi đến nhà thuốc mua về tự uống, tự chữa bệnh. Câu nói cho rằng  "Uống thuốc không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc" thì chắc chắn có ngày ta không bổ bề nào cả mà là "bổ ngửa" vì do dùng thuốc bừa bãi, tùy tiện và bị tai biến do thuốc. Hiện nay Vitamin C dưới dạng  viên thuốc  sủi bọt ( với liều cao 1000 mg dược chất trong một viên) được quảng cáo là uống thay thế nước rất tốt cho sức khoẻ .Như vậy, mỗi ngày dùng một viên sủi đã là quá nhiều. Nếu dùng liền tù tì 2-3 viên sủi như uống nước giải khát và dùng lâu ngày sẽ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hóa (nhất là uống vào lúc bụng trống), gây sỏi thận (sỏi oxalat).

          Lại một vấn đề khác , nhiều người cho rằng các loại dược thảo bao gồm cả thuốc bắc và thuốc nam đều an toàn, không độc vì có nguồn gốc tự nhiên. Thật sự thuốc ở dạng nào cũng cần được sử dụng đúng để trị đúng bệnh, hạn chế tác dụng phụ. Khi dùng dược  thảo cần chú ý tránh những sai lầm sau đây :

-Bệnh tật sinh ra là do mất đi sự cân bằng trong cơ thể về các mặt âm dương, hàn nhiệt, hư, thực... Vì vậy, ngay một chứng bệnh cũng chia ra thể hàn (lạnh), thể nhiệt (nóng), thể hư (bản thân các cơ quan trong cơ thể bị hư suy), thể thực (bệnh cấp tính do yếu tố bên ngoài là chủ yếu chưa ảnh hưởng tới công năng của các tạng trong cơ thể)...

-Một số người  vẫn nghĩ rằng dùng “thuốc tây” thì nóng và độc, còn “dược thảo” thì mát và bổ,  nên dẫn đến tình trạng dùng dược thảo  một cách bừa bãi. Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì dược thảo cũng có những tác dụng phụ gây nguy hiểm tính mạng nếu không được các thầy thuốc thăm khám bệnh và kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn.

-Việc chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp ngộ độc dược thảo này rất khó khăn, thường không xét nghiệm ra độc tố. Mỗi trường hợp ngộ độc thuốc  là do mỗi bài thuốc khác nhau, mỗi bài thuốc lại gồm nhiều vị khác nhau. Do đó muốn nghiên cứu để tìm chính xác độc tố thì rất khó khăn và tốn kém.

-Dược thảo có thể dẫn tới ngộ độc vì một số lý do :

1/ Bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc . Điều này xảy ra tương tự như đối với thuốc tây. Tuy nhiên vì dược thảo thường là một hỗn hợp gồm rất nhiều chất khác nhau nên rất khó xác định dị nguyên cụ thể.

2/Bệnh nhân dùng quá liều  mà trong thành phần của dược thảo có một hoặc nhiều độc tố

3/ Do chất lượng dược thảo  không bảo đảm vì trồng trọt chăm bón quá nhiều hóa chất có hại, bảo quản không tốt vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc dễ gây dị ứng.

4/ Do người bệnh được dùng phối hợp quá nhiều loại thuốc, trong đó có cả tân dược , nên dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể. Đây là một vấn đề rất phức tạp mà người thầy thuốc dễ bỏ qua và người bệnh cũng dễ tự ý dùng thêm với mong muốn bệnh tình  thuyên giảm nhanh

Mỗi một dược thảo có những phương pháp điều trị cụ thể đặc hiệu khác nhau. Với nguyên tắc bệnh hàn thì dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn, hư thì phải dùng thuốc bổ, bệnh thực phải dùng thuốc tả để công phạt đi. Không thể có một dược thảo  chung cho bất kỳ một bệnh nào. Nếu dùng trái đi sẽ gây nên những hậu quả tai hại. Người xưa có câu "Nhiệt gặp nhiệt tắc cuồng, hàn gặp hàn tắc tử "(bệnh thể nhiệt mà dùng thuốc cay nóng, bệnh thuộc hàn mà dùng thuốc lạnh đều làm cho bệnh nặng thêm).

Dược thảo dùng quá liều trong một thời gian dài có thể gây nên những tổn hại cho cơ thể. Vị thuốc "mộc thông" là vị phổ biến để lợi tiểu, dùng với liều cao kéo dài có thể gây nên suy thận. Dùng liều cao"tế tân, bạch quả, ô đầu, phụ tử, hạnh nhân" cũng có thể gây nên ngộ độc. Dùng trong  một thời gian dài cũng gây tác hại. Ví dụ dùng lâu ngày "chu sa, đại giả thạch" (những vị thuốc có nguồn gốc khoáng vật), hoặc "lục thần khúc" (một vị thuốc tăng cường kích thích tiêu hóa) có thể ảnh hưởng tới chức năng gan và thận.

Có nhiều dược thảo  khi sử dụng đòi hỏi phải có những kiêng kỵ nhất định khi phối hợp với những dược thảo  khác để thành lập bài thuốc. Những kiêng kỵ này nhằm hạn chế sự tương tác không có lợi của các vị thuốc này với nhau, hạn chế tác dụng không mong muốn của chúng.

Trong đông y  có nhiều vị thuốc dễ gây ngộ độc, nôn mửa nếu bào chế không kỹ như "bán hạ chế, phụ tử chế..." Vị thuốc "tỳ bà diệp "(lá nhót) khi bào chế người ta phải làm sạch các lông tơ trên mặt lá nếu không có thể gây ra tình trạng ngứa họng, ho, nặng thì sưng niêm mạc họng. Từ lâu nay  tỏi được dùng như một vị thuốc đông y và nhiều chế phẩm chứa tỏi được bán trên thị trường, nhưng gần đây  một nhóm nghiên cứu cho rằng dùng tỏi quá liều lượng sẽ làm tổn hại bao tử .Nhiều dược thảo độc tính cao thường chỉ dùng bôi, đắp ngoài da. Khi dùng để uống có thể gây những tác hại nặng nề, có khi dẫn tới tử vong. Ví dụ mật cá trắm, lá vòi voi dùng đắp ngoài chữa các bệnh khớp... Nhiều người do được truyền miệng dùng để uống dẫn đến suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp tính rất nguy hiểm.Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản... tồn đọng trong dược thảo Bởi vậy, mỗi khi bạn có ý định dùngdược thảo để phòng và điều trị bệnh, hãy tìm đến những cơ sở y tế đáng tin cậy, những lương y được đào tạo các trường chính quy  để được hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.

          Trong email được lưu truyền còn có nhiều bài nói về công dụng của các loại cây cỏ như hoa sim, cành bông trang, bông lá đề, uống dấm táo , nhai dầu mè , ăn cá rough fish ,  uống máu rắn v.v...

Ðây nói về việc uống máu rắn . Nhiều  người  cho máu rắn hổ trị được bệnh ung thư và nhiều chứng bệnh khác , nhưng theo các bác sĩ thì máu động vật  là một thứ vô cùng mất vệ sinh , là ổ bệnh có trên duới 10 loại ký sinh gây hại cho con người . Có khi con rắn bị nhiễm bệnh , các vi khuẩn , virus , ký sinh trùng trong máu có thể tàn phá con người .

Hay nói về  cái lợi của Cà Phê . Chất caffeine ( là tinh thể trắng, vị đắng, có trong hạt, lá và quả của một số cây - dĩ nhiên phải kể đến cây cà phê trước tiên -) có trong cà phê có tác dụng tăng cường năng lượng cho cơ thể. Chất này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi sự buồn tẻ của những công việc đơn điệu, nó cũng phát huy tác dụng đối với những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe đường dài .Caffeine cũng có tác dụng chống mỏi cơ và chính vì thế, một cốc cà phê trước các hoạt động đòi hỏi thể lực như chạy bộ, nâng tạ ... sẽ giúp chúng ta nâng cao hiệu suất Nhưng , caffeine có thể làm người ta dùng luôn như một thói quen khó bỏ giống như một chất gây nghiện. Liều lượng cao, nó gây nhức đầu, mất ngủ, nôn mửa, run chân tay...Dùng lâu dài, caffeine gây táo bón và phụ nữ có thai có thể sinh con nhẹ cân, thậm chí sảy thai.

          Điều  xót xa của việc tự  dùng thuốc  là một số người vẫn chưa tiếp cận được với dịch vụ  y tế, chưa được chăm sóc sức khỏe  đúng nghĩa. Và dù trình độ y khoa đã phát triển rất cao nhưng khi có những bệnh nan y mà phát hiện trễ, đến cơ sở y tế chậm thì việc điều trị vẫn còn hạn chế , tâm lý “còn nước còn tát”. Vì thế, khi nghe ai nói ở đâu, có bài thuốc nào , kiểu chữa bệnh gì... có thể chữa được bệnh là người ta  tin ở đó và tìm đến với hi vọng chữa  hết bệnh . Phàm ở đời ai cũng sợ chết .  Mặc dù ngày nay, Tây y đã có những bước tiến vượt bực trong lãnh vực y học, nhưng trong thực tế cũng còn có nhiều giới hạn. Phía Đông Y và y học cổ truyền là những ngành y học chân chính, tuy cách chẩn đoán và cách tiếp cận một căn bệnh có khác hơn Tây y, nhưng Đông y cũng phải bó tay trước một số bệnh tật ngặt nghèo. Trước tình thế tuyệt vọng thập tử nhất sanh nầy,  bệnh nhân thường hay bám vào bất cứ điều gì có thể đem lại cho họ niềm hy vọng chữa khỏi được bệnh tật… Đó có thể là những lời cầu nguyện, lễ bái,  chạy đôn chạy đáo thăm hỏi bà con họ hàng xa gần, bạn bè khắp nơi xem coi ai có biết thầy giỏi , thuốc hay để chữa trị v.v..

Trên đời này không có loại thuốc nào có thể chữa bá bệnh. Chúng ta  cần thường xuyên tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, kịp thời thì khả năng điều trị khả quan - kể cả bệnh nan y. Các bài thuốc được lưu truyền thường khoác lác nói rằng :  "Khoa học đâu có câu trả lời cho tất cả mọi bệnh tật và hãy tự mình chữa lấy từ những cây cỏ của thiên nhên mà Tây Y chưa biết " Lẽ dĩ nhiên là nếu sau khi uống “thuốc”  mà bệnh nhân cảm thấy hơi đỡ một chút thì liền tin tưởng bài thuốc ngay lập tức.Chúng ta nên biết rằng có một số bệnh tật cũng có thể tự nhiên khỏi (self limiting) sau một thời gian nào đó nghĩa là bệnh có thể biến đổi ngày này qua ngày khác và bệnh nhân có cảm giác rằng bệnh đã bớt đi kể cả các bệnh nan y.  Nếu có một loại cây cỏ nào hoặc toa thuốc nào có tính cách chữa bệnh thần diệu thì chắc chắn các viện bào chế  trên  thế giới đua nhau tìm đến  nghiên cứu hoặc mua cho được bản quyền để sản xuất bán ra thị trường .

Ở VN cứ đến các bệnh viện ung thư mới thấy hết các kiểu chữa bệnh ung thư "truyền miệng". Bệnh nhân  cũ mách cho bệnh nhân mới, chỉ cần nghe nói ở đâu đó có bài thuốc chữa được bệnh ung thư là tìm đến. Có vô vàn bài thuốc từ lá cây, vị thuốc... được các bệnh nhân rỉ tai nhau như: cây xạ đen, lá trinh nữ , nấm linh chi, canh dưỡng sinh, lá đu đủ, nước trái nhàu, sừng tê giác, mật gấu , máu rắn hổ ....Có bệnh nhân đang được   xạ trị, nghe mách có bài thuốc bắc  có thể chữa khỏi là  lặn lội đi mua . Biết là bệnh ung thư là bệnh khó chữa, nên hầu như bệnh nhân  nào cũng có tâm lý  dù tốn hàng triệu đồng cũng mua về uống. Cứ như thế, có những người uống tới 5-6 loại thuốc cùng lúc mà không biết nó tác dụng đến đâu.

Đối mặt với một căn bệnh ngặt nghèo, bệnh nhân cần và có quyền xin được tham khảo với một vài nhà chuyên môn khác để có thêm ý kiến của họ.Ý kiến thứ hai là điều rất cần thiết. Nhưng tận nhân lực rồi mới tri thiên mạng, và nên nhớ rằng sinh bệnh lão tử là một thực tế mà không một ai có thể thoát ra khỏi hết.

           Ở đời, con người thường có một số ngộ nhận đối với mọi sự việc, ngay cả trong vấn đề sức khỏe, bệnh tật. Nguyên do đưa đến ngộ nhận là thiếu sót hiểu biết hoặc tiếp nhận nguồn tin tức không được chính xác. Thuốc chỉ là một thành phần trong kế hoạch điều trị bệnh. Các thành phần khác như ăn uống cân bằng, hợp lý, có nếp sống lành mạnh, thường xuyên vận động cơ thể... cũng rất quan trọng để giúp thuốc tác dụng hữu hiệu hơn .Trước kia , khi chưa có máy vi tính ,  các  bài thuốc được phổ biến trên báo chi , ngoại  trừ các báo lá cải chỉ biết đăng các bài hấp dẫn để câu độc giả , các chủ bút thường cân nhắc và lựa chọn bài nào có giá trị , thì mới cho phổ biến . Ngày nay , bất cứ ai cũng có thể phổ biến một bài thuốc mà không cần cân nhắc , phân tích gì cả . Phần lớn là vô tình chỉ vì muốn gửi cho người thân và bạn bè , các thông tin y khoa để phòng ngừa và chữa trị  , nhưng có biết đâu  đây là những bài thuốc "tam sao thất bổn" , chỉ cần đánh sai một chữ hoặc một con số về cân lượng cũng đủ tai hại rồi .Nói chi các bài thuốc "tào lao" do một người nào đó phổ biến  để quảng cáo , đùa cợt hoặc với một ác ý nào đó . Bởi thế , khi chúng ta đọc các bài thuốc này thì chỉ nên xem chúng như là  một tài liệu  để tham khảo chứ không thể nào sử dụng chúng như một toa thuốc để trị liệu .

Lê Tấn Tài viết theo các tài liệu y khoa