(Dân trí) - Trước khi lo lắng về quy định người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà không hạn chế sẽ ảnh hưởng tới thị trường nhà đất, tình trạng đầu cơ… chúng ta cần có cái nhìn thực tế trước thực trạng BĐS hiện nay. Việt kiều về nước mua nhà chỉ... thiệt
Thị trường BĐS sẽ không biến động nhiều nếu chính sách ban hành. Xung quanh vấn đề sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai liên quan đến việc sở hữu nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội lần này, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã có cuộc chia sẻ với báo Dân trí.
Có những ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng được sở hữu nhà không hạn chế của người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu cơ gia tăng, lũng đoạn thị trường BĐS. Ông nghĩ sao? Thực tế, không có Việt kiều vẫn có đầu cơ nhà đất. Bởi trong cơ chế thị trường, nếu mất cân đối cung cầu chắc chắn sẽ có đầu cơ. Hay nói cách khác, đầu cơ là hiện tượng đi liền với cơ chế thị trường. Và với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần có bàn tay can thiệp của nhà nước để giảm thiểu được tiêu cực trên thị trường nhà đất. Nhưng rõ ràng, lo lắng về việc “mở toang” cho người Việt Nam ở nước ngoài sở hữu nhà trong nước là có cơ sở…? Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam. Quy định về sở hữu nhà ở của người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay vẫn có những điều kiện ràng buộc chứ không “mở toang” hết. Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện nhất định đã đựơc quy định tại điều 126 của Luật nhà ở như: phải là người đầu tư trực tiếp trong nước, là nhà hoạt động khoa học, được nhà nước mời về, có giấy phép cư trú... Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi người Việt nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời. Theo luật Quốc tịch và Hiến pháp, có sự phân loại giữa người còn quốc tịch Việt Nam và người có gốc Việt nam. Trong đó, những người có quốc tịch Việt Nam thì được quyền sở hữu nhà ở như người Việt, tất nhiên vẫn có những hạn chế nhất định nhưng không nhiều. Còn người có gốc Việt Nam thì buộc phải hạn chế nhiều hơn, chẳng hạn như có kèm theo cả điều kiện về an ninh. Vậy theo ông, cần phải làm gì để chống đầu cơ trong lĩnh vực BĐS? Như tôi đã nói, chúng ta không nên đặt vấn đề chống Việt kiều đầu cơ mà phải có chính sách chung cho tất cả các đối tượng đầu cơ như đánh thuế sở hữu chẳng hạn. Trong lúc thị trường đang thiếu thì phải dùng thuế để điều tiết, ai mua nhiều, mỗi lần chuyển nhượng là bị thuế, sở hữu cũng phải dùng thuế. Mình cũng không thể chống đầu cơ bằng cách kiểm soát, cấm đoán, mà phải dùng các công cụ kinh tế để chống như: đẩy mạnh thị trường lên, tăng mạnh nguồn cung thì sẽ hết đầu cơ. Nếu quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam ở nước ngoài được mở rộng, ông nhận định thế nào về nhu cầu mua nhà của họ? Không phải Việt kiều nào cũng nhiều tiền. Theo khảo sát của chúng tôi, có một lượng rất đông Việt kiều sống ở các nước Đông Âu và các nước chủ nghĩa xã hội cũ, phần lớn bà con kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài đều làm lũng vất vả để kiếm sống. Bởi vậy, không phải ai cũng có tiền để mua nhà ở Việt Nam, mà có tiền thì chưa chắc họ đã mua do không có nhu cầu. Hơn nữa, giá nhà đất trong nước hiện rất cao so với nhiều nước trên thế giới. Nghĩa là ông cho rằng, thị trường nhà đất sau khi chính sách Việt kiều sở hữu nhà ở được mở rộng sẽ không có nhiều biến động? Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng, chính sách này nhằm thể chế hoá chính sách của Đảng và nhà nước, nó mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, nhằm động viên bà con Việt kiều… Xin cám ơn ông! |