Home Tin Tức Thời Sự Các quán nướng “lạ”ở Sài Gòn

Các quán nướng “lạ”ở Sài Gòn PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thị Lan Anh   
Thứ Tư, 03 Tháng 6 Năm 2009 05:35

Giữa tháng Tư này, sau giờ tan sở, tan học, tan ca, dân Sài Gòn thích la cà ngoài đường hơn bao giờ hết. Ngoài lý do lô cốt rào chắn tứ tung, kẹt xe tá lả, về nhà vừa mệt mỏi nóng nực, lại hay bị sai phái, cằn nhằn … thì nỗi buồn thất nghiệp, nợ nần cầm cố, buôn bán ế ẩm …cũng góp phần đáng kể. Ông (bà) nào cũng rầu rĩ, than buồn muốn chết nhưng mười người than, chưa có một người dám chết thật, ngược lại, họ hay rủ rê bằng hữu vào quán nhậu, bức tử hàng loạt động vật lạ trên lò than hồng. Theo chân họ, kẻ viết bài lạc vào một chỗ mù mịt khói thơm. Đó là…

 

Một đĩa cá sấu nướng, dọn kèm wasabi Nhật, giá 65.000đồng.Photo NTLAnh

Quán nướng Chiều nay
‘Chuyên trị’ các món nướng, nhưng đáng nói ở chỗ thịt để nướng không phải là thịt heo, thịt bò, thịt dê quen thuộc mà là thịt đà điểu, kangaro, cừu, cá sấu, …nói chung là những thứ thịt còn ít nhiều mới lạ (gọi tắt là thịt lạ) đối với người trong nước. Quán Chiều Nay nằm trên đường Võ văn Tần (Trần Quý Cáp cũ), gần Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Việt Nam. Như tên gọi của mình, Chiều Nay chỉ mở cửa từ chiều đến 10 giờ tối. Khách vào quán mặc nhiên hiểu ngầm, ngoài nướng ra, Chiều Nay không bán súp, xào, lẩu, luộc. Đầu bếp Khanh cho biết ‘khuynh hướng eat out ở Sài Gòn thay đổi luôn. Tiệm này chuyên cá kèo, quán kia chuyên dê, chuyên mắm…chưa kể các nhà hàng Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc ngày càng đông, cạnh tranh khốc liệt. Chính nhờ chuyên nướng toàn ‘thịt lạ’ mà quán đứng vững suốt mười mấy năm liền’.
Nhìn thực đơn, kẻ viết bài chọn món kangaroo nướng. Anh Khanh nhanh nhẹn xiên từng ‘cục’ thịt mầu nâu đỏ đã tẩm ướp gia vị, đặt lên lò than hồng, vừa làm vừa giảng rành rẽ: ‘bên ta, thịt kangaroo mới nhập về, ai vào đây cũng háo hức gọi ăn thử chứ nói thực, nó không ngon bằng cừu nướng, đà điểu nướng. Kangaroo gốc tiếng Hy Lạp có nghĩa là chân to, để chỉ loài thú có hai chân sau to khoẻ so với hai chân trước nhỏ xíu. Tồn tại, phát triển cùng với lịch sử nước Úc, kangaroo được coi là quốc thú Úc. Dân Úc hiện trên hai chục triệu người, nhưng kangaroo nhiều gấp ba, nghĩa là đổ đồng một người dân phải ‘cộ’ ba con ‘chân to’. Cuộc trò chuyện đến đó bị đứt ngang chừng bởi khách vào quán càng lúc càng đông.
Khách Chiều Nay đa số là thanh niên, đi thành nhóm nhỏ, thỉnh thoảng cũng có khách tây, ngồi đàng hoàng, ăn chừng mực, chuyện trò nho nhỏ đủ nghe. Đang lúi húi ‘xử’ đĩa thịt ‘chân to’ nướng của mình, kẻ viết bài chột dạ, khi nghe hai ‘cha nội’ ngồi bàn kế bên triết lý về ‘bốn không trong đạo nhậu’ với ít nhiều cạnh khoé. Họ nói thế này: ‘Đi ăn đồ nướng mà đi solo, ngồi cắm đầu ăn, bia rượu các loại đếch biết uống, là không được thứ nhất. Hay thắc mắc rau cỏ, đũa chén thớt dao sạch không, thịt để hồi nào, ướp nhiều bột ngọt không, tay chân đầu bếp, bồi bàn có ghẻ không… là không được thứ hai. Tùy tiện gọi phone huy động thêm quân số, bỏ đi toa lét lúc tính tiền là không được thứ ba. Đòi về sớm, kiếm chuyện bới móc bắt bẻ, đánh lộn đánh lạo …là không được thứ tư. Phạm một trong ‘bốn không’ đó coi như đồ bỏ. Trời ơi! Kẻ viết bài vào quán một mình, ăn một mình, lại không biết uống bia…Té ra, dưới mắt dân nhậu Sài Gòn, mình thuộc hàng đồ bỏ mà không biết!

Phong phú đà điểu
Nhà hàng Nam Sơn, trước 75 có món bít tết bò khá ngon. Sau 75 dời về địa điểm mới trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – đối diện siêu thị Coop Mart, khách ít hẳn. Để cứu vãn tình thế, Nam Sơn kịp thời quảng cáo thực đơn mới là món bít tết đà điểu. Trong đó, thịt đà điểu được giới thiệu với các ưu điểm giầu đạm, giầu chất sắt, không cholesterol
So với kangaroo, thịt đà điểu chế biến được rất nhiều món ‘độc’. Cánh nhà hàng ngoài Bắc cho đà điểu ‘hội ngộ’ tương bần trong món đà điểu om tương. Với quí ông sớm ‘liệt gân’ họ dụ ‘ăn gân bổ gân’ với món gân đà điểu tần thuốc bắc. Lãng mạn hơn, họ lấy trái dừa làm nồi, bỏ thịt đà điểu ướp lá chanh vào đó cùng những viên sỏi đen nung nóng để dọn món đà điểu xông lá chanh. Dân Nam Bộ có phần đơn giản hơn. Một con đà điểu nặng trung bình 60 ký, pha ra, giỏi lắm chỉ được 16, 17 ký nạc làm bít tết, nướng phô mai, nướng sả ớt, nướng xiên que. Còn bộ xương ninh lấy nước ngọt, nấu phở.
Cha đẻ của món phở đà điểu là một người Chăm giầu có, học thức – ông Thiên Sanh Trí. Ông Trí vốn là một trong những doanh nhân đầu tiên mở trang trại rộng hơn 20 hecta ở Phan Rang nuôi đà điểu qui mô lớn. Sau nhiều lần mày mò chế biến, rốt cuộc cũng tạm gọi là thành công, ông khai trương ngay tiệm phở đà điểu sang trọng trên đường Hai Bà Trưng đoạn đối diện nhà thờ Tân Định, để lăng xê ‘dòng’ phở mới. Kẻ viết bài từng có lần ‘liều chết’ vào quán kiểm tra chất lượng phở. Nói chung, tô phở ‘made in Thiên Sanh Trí’ khá giống phở bò, cũng bánh phở trắng, các lát thịt chín xắt mỏng bầy mặt, thêm hành tây, hành ta, chan nước dùng ngọt thanh, bốc khói. Tuy không thể so với phở truyền thống nhưng ăn không đến nỗi nào. Hiềm nỗi quán chỉ tấp nập được một thời gian, sau có lẽ do giá đắt gấp đôi phở bò mà không ngon gấp đôi nên khách ngày một thưa dần, quán tiến lên đóng cửa.

Cá sấu hoa cà
Trong số các loại ‘thịt lạ’ ở quán Chiều Nay đường Võ Văn Tần quận 3, quán 9X đường Nguyễn Thái Học quận 1, quán Phố Biển đường Thép Mới quận Tân Bình thì thịt cá sấu có vẻ ít lạ nhất. Trong ký ức nhiều lão nông Cà Mau, Cần Giờ chuyện bắt sấu làm đám giỗ năm bảy chục năm trước, vẫn có. Họ kể con sấu bị trói, rộng dưới nước. Bữa nay cắt cái đuôi nấu cà ri, trộn gỏi. Con sấu vẫn chưa chết, máu loang nước đỏ lòm. Tới sáng lại cắt thêm hai cái chân. Cứ vậy, làm món gì, cần thịt chỗ nào ra xẻo lấy chỗ đó, cho tươi. Nghe kể, dù biết có thêm mắm dặm muối ít nhiều chứ không phải hoàn toàn có thực, kẻ viết bài không khỏi rùng mình. Vẫn biết sấu là loài hung tợn, có thể ‘gắp’người đang bơi ăn thịt (để tránh sấu gắp, kinh nghiệm của dân Cần Giờ là phải bơi đứng) nhưng nghĩ ra cách ăn thịt sấu theo kiểu tùng xẻo thì quả thực con người đã bỏ xa con sấu về mặt dã man.
Cần nói thêm, cá sấu ngày nay tuy được quảng cáo rùm beng là cá sấu hoa cà, nhưng thực ra đa số chỉ là cá sấu Xiêm, thuộc loại sấu nước ngọt, da xám, dài trung bình 3 mét, nuôi trong trang trại tư nhân. Còn cá sấu hoa cà, là loại nước lợ, dài gấp đôi cá sấu nước ngọt, da vàng pha đốm nâu, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, không phải là đối tượng nuôi giết thịt hàng ngày.
Con sấu trông xù xì xấu mã nhưng khi lạng bỏ bộ da thì thịt trắng bóc như thịt gà, chế biến được nhiều món nhậu rất ‘bắt’ như chả giò, gỏi xoài, ăn sống, nướng, xào càri, hon tương hột. (Riêng món cá sấu nướng và cá sấu ăn sống luôn dọn kèm wasabi Nhật Bản cay xộc óc. Nếu không chịu được cay khách không nên gọi hai món này). Muốn vừa thưởng thức cá sấu bảy món vừa nói chuyện tâm tình trong khung cảnh trời mây thoáng đãng, người cầu kỳ đi khỏi ngã ba Vũng Tầu vài trăm thước, rẽ vào khu du lịch Vườn Xoài tịch mịch, không thì ghé quận 12, xã Thạnh Lộc, hỏi làng cá sấu, vào nhà hàng Cá Sấu Hoa Cà. Nhà hàng này có khu vực trưng bày và bán đồ mỹ nghệ làm từ da cá sấu, có trại nuôi sấu để nếu muốn, các đấng nam nhi có thể trực tiếp câu cá sấu, sau đó vào bếp ‘ực’ luôn tại chỗ món ngạc huyết tửu (huyết cá sấu pha rượu) nóng hổi.

Còn có thịt ngựa
‘Nghe nói trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, gần nhà nị có quán bít tết thịt ngựa hả, ngon không?’, câu hỏi của anh đồng nghiệp khiến kẻ viết bài buồn năm phút. Quả có quán thịt ngựa như anh ta hỏi thật, nhưng chẳng hiểu sao quán rất ế ẩm, ế đến nỗi, dù rất tò mò muốn biết thịt ngựa ngon thế nào kẻ viết bài cũng ngại ngùng bước chân. Vì tâm lý chung, đã tốn tiền, tốn thời giờ đi ăn nhậu, ai cũng thích vào quán nhậu sôi nổi, đông vui. Bợm nhậu có nhớ, có ghiền nhậu hay không chính do không khí cởi mở, thoải mái của quán mang lại. Ngồi quán, hết sáu chục phần trăm là để xả stress. Bốn chục phần trăm còn lại mới dành cho chuyện khác… Vậy mà cái quán thịt ngựa góc Nguyễn Trọng Tuyển – Đặng văn Ngữ, đứng ngoài trông vào, lúc nào cũng chỉ thấy bàn ghế im lìm phủ bụi, hỏi hứng thú gì vào đó?
Chẳng biết có quan hệ dây rễ không nhưng cách quán thịt ngựa ‘quá cố’ vài chục thước lù lù một công ty chuyên kinh doanh thịt ngựa, cao ngựa – công ty Chu Việt. Nói về công ty này, dư luận khá hoang mang, vì từ năm 2007, khi mặt hàng cao ngựa kim, ngựa bạch, ngựa mầu của công ty được đồn thổi là có tác dụng chữa bệnh thần sầu (công ty có trong tay cả ngàn bức thư cám ơn của những bệnh nhân mua cao ngựa) thì tiếng tăm lẫn tai tiếng của công ty không ngừng đan xen bí hiểm, khiến thanh tra y tế phải xem xét lại giấy phép kinh doanh, dây chuyền giết mổ đóng gói, thực chất các loại cao ngựa, thịt ngựa…. Hiện tại, dù xúc xích ngựa được quảng cáo ‘ngon ơi là ngon’, mã pín tửu được hứa hẹn uống vào ‘chồm cả đêm’ nhưng tầm phủ sóng của sản phẩm Chu Việt vẫn rất khiêm tốn.
Quán ‘thịt lạ’ Sài Gòn, chưa bao giờ là cõi riêng của ‘đàn ông chúng mình’ vì trong thực tế có không ít phụ nữ trẻ trung, thành đạt thích đến đó cuối tuần cùng bạn bè, chồng con, thậm chí đi một mình. Với họ, thịt các loài động vật bán hoang dã như cừu, đà điểu, cá sấu… có cái ngon như thịt heo thịt bò lại vừa phảng phất cảm giác là lạ của thịt nai, heo rừng, chồn, nhím, giúp thay đổi khẩu vị lại không sợ mất eo, ‘chắc cú’ hơn đồ ta, đồ Tầu ô nhiễm, độc hại.
Còn với độc giả ở xa, có dịp về thăm quê hương, nhớ thèm đủ thứ, từ ‘cờ tây’ nấu rựa mận, dê nấu mẻ, bò cuốn lá lốt nướng nhưng sợ bò là… trâu, dê là … heo, cờ tây là cờ …xà mâu (lở lói) thì có lẽ ăn ‘thịt lạ’ chế biến theo kiểu Việt Nam là giải pháp an toàn nhất. Các vị chả việc gì phải cắn rứt lương tâm kiểu ‘người ta thất nghiệp đói khổ cơm không có ăn, mình ngồi ‘quất’ dĩa mồi năm sáu chục ngàn. ’Nghĩ thế rất sai! Càng thương người nghèo, càng phải nhậu! Trước cho người nghèo có việc làm, có thu nhập. Sau cho mình giống ‘nhân loại’ Sài Gòn thứ thiệt – là loại người ngày mai có động đất, có tận thế thì ngày nay vẫn ung dung gắp miếng thịt nướng, dô ly bia lạnh, bàn chơi về ‘bốn chữ không trong đạo nhậu’. (NTLA)