Vì sao chỉ huy tình báo Ấn Độ phải từ chức? |
Tác Giả: Saigon Echo |
Thứ Năm, 28 Tháng 5 Năm 2009 07:29 |
Tướng Ashok Chaturvedi. Việc từ chức của tướng Chaturvedi chỉ sau 2 năm trở thành người đứng đầu RAW đã không khiến dư luận Ấn Độ, nhất là các phương tiện truyền thông bất ngờ vì ông từng là đối tượng bị chỉ trích, phê phán bởi các phương tiện truyền thông tại Ấn Độ do đã mang lại nhiều tai tiếng cho RAW hơn là thành tích, mà giọt nước làm tràn ly phản ứng của dư luận dẫn đến việc tướng Chaturvedi buộc phải từ chức là vụ khủng bố hàng loạt tại thành phố Jaipur vào tháng 5/2008. Nhiều người cho rằng sở dĩ Chaturvedi thăng tiến nhanh là do được người bà con là Sri Chaturvedi, một nhân vật có thế lực trên chính trường Ấn Độ, đỡ đầu. Từ đầu năm 2007, chính Sri Chaturvedi, lúc đó đang giữ chức Tổng thư ký nội các chính phủ, đã vận động với cả Thủ tướng Singh và cố vấn An ninh quốc gia Mayankote Narayanan để Chaturvedi được ngồi vào chiếc ghế Giám đốc RAW một khi tướng P.K Tharakan, Giám đốc đương nhiệm của RAW chính thức nghỉ hưu vào tháng 1/2007. Các phương tiện truyền thông lúc đó cho rằng việc lựa chọn Chaturvedi làm người đứng đầu RAW sẽ là một sai lầm nghiêm trọng vì nhân vật này không có tầm nhìn tổng quan về tình hình an ninh tại khu vực Nam Á, thiếu kinh nghiệm chỉ huy và nhất là có tư tưởng độc tài và bè phái. Việc bổ nhiệm Chaturvedi vào chức vụ Giám đốc RAW sẽ là một thảm họa đối với quyền lợi chiến lược của Ấn Độ trong khu vực. Mặc cho phản ứng quyết liệt của dư luận, vào ngày 1/2/2007, Chaturvedi chính thức được bổ nhiệm làm người đứng đầu RAW để thay thế tướng Tharakan. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm điều hành RAW, Chaturvedi buộc phải từ chức vào ngày 31/1/2009 do RAW gặp nhiều tai tiếng hơn là thành tích. Chaturvedi trở thành chỉ huy đầu tiên của RAW bị buộc phải từ chức. Các phương tiện truyền thông tại Ấn Độ như báo Khaleej Times, Outlook, The Telegraph Weekly, The Hindu Telegraph... đã phân tích một số nguyên nhân khiến Chaturvedi buộc phải từ chức. 1- Củng cố quyền thế và bè phái Ngay khi vừa lên nắm quyền chỉ huy RAW vào tháng 2/2007, Chaturvedi đã thay đổi hàng loạt nhân sự, loại bỏ những đối thủ cũ, thay thế một số quan chức không đồng quan điểm với mình và thay vào đó là hàng loạt tay chân thân tín. Việc làm vội vã này không chỉ gây mất đoàn kết trong nội bộ RAW mà còn làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh của tổ chức tình báo này. Báo Outlook lại chỉ trích rằng: "Chaturvedi đã tìm mọi cách để điều hành RAW một cách độc đoán nhằm cảnh cáo với cấp dưới rằng ông ta là nhân vật không ai có thể đụng vào được". Đây chính là lý do khiến Chaturvedi bỏ ngoài tai cảnh báo của Cố vấn An ninh quốc gia Narayanan về nguy cơ khủng bố sẽ xảy ra khắp Ấn Độ vào bất cứ lúc nào. Thậm chí Chaturvedi còn quyết định hạ mức độ đối phó với nguy cơ khủng bố xuống hàng thứ yếu. 2- Vụ tai tiếng tình báo tại Colombo Vào tháng 10/2007, Ravi Nair, chỉ huy chi nhánh RAW tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, dưới lốt quan chức cao cấp của Cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka, đã bị phản gián Sri Lanka bắt giữ về tội hoạt động nằm vùng và có quan hệ với một phụ nữ được cho là nhân viên tình báo của nước ngoài. Nữ điệp viên này vốn có quan hệ với Nair khi Nair còn hoạt động tại Hồng Công vào năm 2002. Báo Outlook cho rằng chính Chaturvedi đã bỏ qua những sai phạm chết người của Nair vì từ năm 1994 đến 2000, Nair là một trong số nhiều tay chân thân cận của Chaturvedi. 3- Vụ tai tiếng tình báo tại Nepal Khác với người tiền nhiệm Tharakan chú trọng đến quốc gia láng giềng Pakistan, Chaturvedi lại đẩy mạnh công tác tình báo hải ngoại tại Nepal. Tuy nhiên, đến tháng 1/2008, tai tiếng bắt đầu xảy ra đối với RAW khi Alok Joshi, một điệp viên của RAW tại thủ đô Kathmandu của Nepal bị bắt giữ về tội hoạt động nằm vùng và có liên quan đến âm mưu phá hoại cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Nepal tổ chức vào tháng 4/2008. Sau khi xảy ra sự kiện này, các phương tiện truyền thông tại Ấn Độ đã chỉ trích kịch liệt Chaturvedi và yêu cầu phải cách chức ông này. 4- Vụ khủng bố hàng loạt tại thành phố Jaipur Vào ngày 13/5/2008, 9 vụ đánh bom khủng bố đã xảy ra hàng loạt tại thành phố Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan, làm chết 60 người và làm bị thương 200 người khác. Trước đó vào cuối tháng 4/2008, một số cơ quan tình báo phương Tây đã cảnh báo với RAW về nguy cơ xảy ra khủng bố vào tháng 5/2008 tại nhiều thành phố lớn của Ấn Độ như Mumbai, Hyderabad, Kolkata và nhất là tại thành phố Jaipur. Tuy nhiên, những thông tin quan trọng này lại không được Chaturvedi quan tâm mấy nên đã không đề ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nguyên nhân là Chaturvedi bận nghỉ dưỡng bệnh tại một sân golf sang trọng gần thủ đô Dehli. Hậu quả là đã xảy ra khủng bố hàng loạt tại thành phố Jaipur. 5- Không được các cơ quan tình báo nước ngoài chia sẻ thông tin đúng mức Sau vụ khủng bố tại thành phố Jaipur, một số cơ quan tình báo nước ngoài lâu nay luôn chia sẻ thông tin với RAW như CIA (Mỹ), ASIO (Australia), MI-6 (Anh) hay DGSE (Pháp) đã quyết định hạn chế việc trao đổi thông tin với RAW, lấy lý do là RAW đã không cộng tác đúng mức với các cơ quan tình báo này, nhất là đối với những thông tin được chia sẻ mà hậu quả là đã dẫn đến các vụ đánh bom hàng loạt tại thành phố Jaipur vào tháng 5/2008. Vì những nguyên nhân chủ yếu này mà vào cuối tháng 1/2009, Chaturvedi bị buộc phải từ chức cho dù trước đó ông ta đã cầu cứu sự can thiệp của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại cầm quyền. Tuy nhiên, bà Sonia đã kiên quyết từ chối vì cho rằng không muốn can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính phủ Tình báo Pakistan và vụ sát hại TT Afghanistan Mohammad Najibullah
Tổng thống Mohammad Najibullah và tướng Mohammad Tokhi. Theo báo cáo của Benon Sevan, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Afghanistan thì LHQ đã cố thuyết phục Najibullah rời Afghanistan đến tị nạn tại một quốc gia khác nhưng vị cựu tổng thống này đã từ chối, sau đó bị quân Taliban bắt giữ và hành hình. Tuy nhiên, theo một tài liệu được công bố vào cuối năm 2008 bởi báo The Times của Anh thì chính Cơ quan Tình báo quốc gia Pakistan (ISI) đã ngăn chặn không cho Najibullah ra nước ngoài và cuối cùng chỉ điểm cho quân Taliban bắt giữ và sát hại ông này. Mohammad Najibullah sinh ngày 6/8/1947 tại vùng Ahmadzai thuộc bộ tộc Ghilzai Pashtun. Năm 1980, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Tình báo Pakistan (KHAD). Đến năm 1988, khi chính phủ thân Pakistan của Tổng thống Babrak Karmal sụp đổ, Najibullah trở thành Tổng thống Afghanistan. Lên nắm quyền tại một quốc gia đang gặp nhiều biến động về chính trị và sắc tộc, Tổng thống Najibullah thực hiện nhiều cải cách đáng kể về kinh tế, xã hội và quốc phòng với sự giúp đỡ của Liên Xô. Najibullah chủ trương giảm bớt các quan hệ với Pakistan vì cho rằng quốc gia này có mưu đồ phá hoại an ninh, xã hội của Afghanistan theo lệnh của Mỹ. Najibullah còn ra lệnh cho KHAD triệt phá tích cực các mạng lưới điệp báo nằm vùng của tình báo Pakistan được thành lập bên trong lãnh thổ Afghanistan. Để trả đũa, Pakistan quyết định hậu thuẫn cho hoạt động của tổ chức dân binh vũ trang Mujahedeen nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Najibullah. Cuộc nội chiến tại Afghanistan trở nên ác liệt khi Liên Xô quyết định rút quân đội ra khỏi Afghanistan vào năm 1989. Tuy nhận được viện trợ kinh tế và quân sự của Liên Xô nhưng chính quyền của Tổng thống Najibullah vẫn không đứng vững trước các cuộc tấn công ngày càng quyết liệt của quân Mujahedeen được Pakistan và Mỹ hậu thuẫn. Đây chính là lý do khiến Tổng thống Najibullah phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào năm 1991. Nhưng đến năm 1992, chính quyền của Tổng thống Najibullah cũng sụp đổ khi quân Mujahedeen tiến chiếm thủ đô Kabul. Vào ngày 10/4/1992, Tổng thống Najibullah buộc phải từ chức và giao quyền điều hành quốc gia cho một ủy ban lâm thời. Ngày 17/4/1992, tình báo Pakistan tìm mọi cách ngăn cản không cho ông tiếp xúc với các nhà ngoại giao và di tản ra nước ngoài như theo đề nghị của LHQ. Trong khi đó, một đối thủ khác của ông Najibullah là tướng Ahmad Shah Massoud, một trong những chỉ huy của quân Mujahedeen, cũng tìm cách loại trừ ông nhưng không thành công hoặc do ông này quá thận trọng hoặc do tình báo Pakistan ngăn cản kịp thời. Năm 1994, tướng Massoud tìm cách đánh tháo để đưa ông Najibullah đến thung lũng Panjsher ở miền Bắc Afghanistan, nơi đặt căn cứ chính của quân Mujahedeen với ý đồ mở một tòa án để xét xử tội trạng của ông Najibullah nhưng không thành công do một điệp viên nội gián cài vào nội bộ của tướng Massoud đã phát hiện ra âm mưu này nên liền báo tin cho tình báo Pakistan. Lập tức ông Najibullah được đưa đến quản thúc tại một địa điểm bí mật ở ngoại ô thủ đô Kabul. Theo tiết lộ của báo The Times, đến năm 1995, tình báo Nga đã triển khai một chiến dịch giải cứu ông Najibullah khỏi thủ đô Kabul và sau đó đưa đến Nga tị nạn nhưng bất thành. Sau vụ việc này, việc giám sát và quản thúc ông Najibullah được thực hiện một cách chặt chẽ cho đến khi quân Taliban tiến chiếm thủ đô Kabul vào tháng 9/1996. Biết là tình báo Pakistan sẽ "dâng" Najibullah cho quân Taliban như là một chiến lợi phẩm nhằm thắt chặt quan hệ giữa Taliban và Pakistan, nên trong một nỗ lực cuối cùng tướng Massoud tìm cách giải thoát cho ông Najibullah nhưng đã thất bại. Theo thông báo của Chính phủ Pakistan sau khi bị dư luận quốc tế chỉ trích là có liên quan đến vụ hành hình dã man ông Najibullah vào ngày 27/9/1996, ông Najibullah đã tìm cách rời nơi trú ngụ của mình để đến gặp phái bộ LHQ tại thủ đô Kabul để yêu cầu được bảo vệ sinh mạng. Trên đường đi, ông đã bị quân Taliban bắt giữ, bắn chết bằng một loạt đạn tiểu liên và đem treo cổ ngay tại thủ đô Kabul. Tuy nhiên, theo tiết lộ với báo The Times của tướng Mohammad Tokhi, người đã trải qua những giây phút cuối cùng với ông Najibullah, sau đó kịp đào thoát khỏi thủ đô Kabul, chính tình báo Pakistan đã chỉ điểm nơi cư trú và sau đó giải giao ông Najibullah cho quân Taliban vào trưa ngày 27/9/1996 |