Hoa Kỳ quyết định đưa cá tra và basa vào loại catfish? |
Tác Giả: Việt Hà phóng viên RFA |
Thứ Ba, 26 Tháng 5 Năm 2009 04:56 |
Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đang soạn thảo lần cuối các quy định mới theo đó cá tra và cá basa của Việt Nam sẽ có thể được gộp chung vào danh mục cá da trơn hay còn gọi là catfish. Điều này có nghĩa là cá tra và basa của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu những kiểm tra đặc biệt, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Phán quyết không công bằng Mới đây, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, đã gửi thư đến 140 nghị sĩ Hoa Kỳ, đề nghị họ xem xét lại những quy định trong bản thảo của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đề nghị đưa cá tra và cá basa của Việt Nam vào danh mục cá da trơn. Phía Việt Nam quan ngại là nếu bị đưa vào danh mục cá da trơn, thì cá tra và ba sa của Việt Nam sẽ phải chịu những kiểm tra ngặt nghèo hơn do yêu cầu đảm bảo về sức khoẻ và an toàn tiêu dùng từ phía Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên, cá tra và basa của Việt Nam phải chịu những phán quyết mà theo chính phủ Việt Nam là không công bằng, ví dụ việc đánh thuế chống bán phá giá lên cá tra và basa của Việt Nam hồi năm 2003. Lịch sử hành trình chật vật này được bà Brenda Jacobs, luật sư, chuyên gia tư vấn cho chính phủ Mỹ, tóm lược như sau: Sau khi Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam năm 2001, xuất khẩu cá da trơn từ Việt Nam vào Mỹ tăng đáng kể. Vì thế các nhà sản xuất cá da trơn tại Mỹ đã khiến cá da trơn của Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá. Họ đã thành công trong việc khiến cá da trơn của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn ở mức độ nào đó. Nhưng dẫu vậy, họ vẫn không đạt được điều họ muốn. Vì thế họ đã khiến cho một luật khác được thông qua yêu cầu cá da trơn từ Việt Nam phải được gọi tên khác để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Vì thế, cá da trơn của Việt Nam chỉ được gọi là basa và tra. Sau khi áp thuế bán phá giá, nhập khẩu cá tra và basa của Việt Nam vào Mỹ bị suy giảm. Nhưng điều này lại mở ra cánh cửa cho các nhà xuất khẩu cá da trơn từ Trung Quốc vào Mỹ, khiến cho các nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ phải lo ngại. Đến năm 2007, thì có những báo cáo quan ngại về an toàn sức khoẻ đối với cá da trơn nhập khẩu từ Trung Quốc do có sử dụng kháng sinh và hoá chất bảo quản. Và đó là lý do mà Đạo luật Nông Trại năm 2008 yêu cầu có sự kiểm tra chặt chẽ đối với cá da trơn. Nhưng liệu, quy định mới này có bao gồm cả cá tra và basa của Việt Nam? Bà Brenda nói: Câu hỏi được đặt ra là loại cá da trơn nào phải chịu ảnh hưởng của luật mới. Cá da trơn của Việt Nam thực chất không được gọi là cá da trơn. Theo như thay đổi mới nhất trong luật của Mỹ, chúng được gọi là tra và basa. Vậy giờ đây chúng ta có nên để cho chúng phải chịu quy định về kiểm tra mới hay không? Quyết định mâu thuẫn gây thiệt thòi cho Việt Nam Mặc dù gặp những khó khăn như vậy, xuất khẩu cá tra và basa của Việt Nam vào Mỹ vẫn gia tăng. Theo thống kê của Hiệp hội xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, riêng quý 1 năm 2009, xuất khẩu cá tra và basa sang Mỹ đạt hơn 22 triệu đô la, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương Mại Việt Nam tại Mỹ cho biết thì Việt Nam đã nỗ lực làm công tác marketing cho sản phẩm của mình tại thì trường Mỹ để đạt được kết quả như trên, và sản phẩm của Việt Nam đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Mỹ. Ông cho rằng việc định nghĩa lại cá tra và basa của Việt Nam một lần nữa sẽ là không hợp lý, ông nói: Trước hết, luật của Mỹ năm 2002, Mỹ kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá, họ không cho Việt Nam mang cá tra ba a vào mỹ mang tên catfish, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu mỹ phải marketing tên tra và basa, mặc dù từ 2002 đến nay, thị trường vẫn phát triển, và thị trường Mỹ chuộng cá basa và tra việt nam. Giờ họ chuyển từ FDA sang USDA quản lý họ lại đề nghị đổi lại tên sang catfish, ở đây có mâu thuẫn, Việt Nam đã cố gắng và tốn kém nhiều để marketing tên cá này, giờ họ lại có ý định định nghĩa lại tên cá là catfish, Việt Nam thấy thế là không thoả đáng. Đạo luật Nông Trại đã đi vào hoạt động từ năm ngoái, nhưng quy định mới về kiểm tra đối với cá da trơn hiện vẫn trong giai đoạn bản thảo và sẽ phải được quyết định vào tháng 12 năm 2009. Vì thế, cho đến lúc này cá tra và basa của Việt Nam vẫn chưa phải chịu ảnh hưởng. Bà Brenda nói bà hy vọng là Bộ Nông Nghiệp Mỹ khi đưa ra quyết định cuối cùng sẽ xem xét đúng mức những lo ngại của phía Việt Nam. Trong khi đó ông Thoan bày tỏ sự tự tin vào xuất khẩu cá tra và ba tra của Việt Nam, và ông cũng nói rằng phía Việt Nam đã đề cập vấn đề này trong các cuộc thảo luận cấp cao giữa hai bên. Ông cho biết: Việt Nam rất tự tin, cá tra và basa giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng thị trường Mỹ chỉ chiếm 5%, Việt Nam xuất đi nhật và châu Âu là chủ yếu. nhưng nó cũng cản trở và khó khăn, nhưng trong các cuộc họp cấp cao chúng tôi nêu vấn đề đó, và nó cản trở thông thương giữa Mỹ và Việt Nam. Với thuế chống bán phá giá, phía Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ thị trường Mỹ mà tìm đến các thị trường khác ở châu Âu. Giờ đây nếu cá tra và cá basa của Việt Nam được định nghĩa lại là cá da trơn thì có nghĩa là nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ phải tốn phí thêm để đáp ứng được các yêu cầu kiểm tra ngặt nghèo của Mỹ. Điều này sẽ gây khó khăn không chỉ cho những nhà xuất khẩu của Việt Nam, mà còn cả những nhà nhập khẩu Mỹ, và cuối cùng là người tiêu dùng Mỹ phải chịu ảnh hưởng. |