Home Tin Tức Thời Sự Vấn Đề Trung Quốc của Thế Giới

Vấn Đề Trung Quốc của Thế Giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Chúa Nhật, 17 Tháng 5 Năm 2009 07:04

Đừng cúi đầu mà hãy nhìn ra ngoài...

Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm tại Hà Nội. Vấn đề Trung Quốc của thế giới nằm tại đâu? Và làm sao giải quyết?

Hôm Thứ Ba mùng năm vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan báo việc thành lập hồi tháng Ba một cơ quan mới trong Bộ đã hoạt động từ tháng Tư. Đó là "Cục Biên giới và Hải dương vụ", có trách nhiệm phối hợp việc giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác về biên giới và lãnh hải.

Một số "học giả" Bắc Kinh lập tức kết luận - thay - cho chính quyền, rằng việc tái phối trí phần vụ của các nha sở thành một cơ chế thống nhất để giải quyết các tranh chấp là một... "thiện chí hòa bình của Trung Quốc".

Nghe rất hợp tai - mà đầy nghịch lý.

Bộ Ngoại giao thì chuẩn bị chiến dịch tuyên truyền và tranh đấu để hợp thức hóa việc chiếm đoạt lãnh hải của xứ khác trong khi Quân đội Giải phóng thì tăng cường khả năng bảo vệ các vùng chiếm đóng ấy. Các cuộc biểu dương của Hải quân Trung Quốc đang mở ra một cuộc thi đua võ trang tại Đông Á và lập tức bị Bắc Kinh đả kích là đầy tính khiêu khích, thù nghịch và thiếu thiện chí hoà bình!

Cũng thế, khi người ta nói đến tốc độ tăng trưởng rồng cọp của một nền kinh tế có gần 1.400 tỷ dân chúng.

Công cuộc kỹ nghệ hoá xứ này khiến cho trong có 10 năm (1996-2006), Trung Quốc đã nhân đôi số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Hồi đầu năm còn loan báo là sẽ nâng sản lượng than thêm 30% từ nay đến 2015. Kết quả là xứ này đang tiết ra nhiều thán khí nhất thế giới, hơn hẳn Hoa Kỳ, để sản xuất ra một lượng hàng hoá và dịch vụ chỉ bằng phân nửa nước Mỹ. Chính quyền Barack Obama đang muốn thực hiện một cuộc cách mạng năng lượng để bảo vệ an ninh và môi sinh mà không thể làm gì trước một lò thán khí carbon-monoxide vĩ đại như Hoa lục.

Lý luận nghe rất hợp tai tại Bắc Kinh là 1) khi xưa, các nước Tây phương cũng đã thải thán khí để kỹ nghệ hoá, 2) bây giờ, đến lượt Trung Quốc thì thế giới lại than phiền, dù rằng 3) lượng khí thải của xứ này so với dân số (bao nhiêu thước khối carbon monoxide một đầu người) thì vẫn còn ít, 4) mà họ làm như vậy là để sản xuất hàng hóa cho các nước khác được mua rẻ, nếu tính thêm "thuế trên thán khí" thì các nước có chịu không, hay là lại than rằng Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tự do mậu dịch, v.v...

Rất hợp tai mà đầy nghịch lý.

Vì trong khi thế giới đang tìm cách giảm thiểu chất thải và cứu vãn môi trường sinh sống của cả nhân loại thì lãnh đạo Bắc Kinh vẫn tự cho mình là một ngoại lệ. Trung Quốc có sứ mệnh đầy chính nghĩa là phải nuôi một dân số khổng lồ nên không thể bị chi phối bởi những cam kết quốc tế. Ai than phiền thì bị đả kích là bất công, kỳ thị, hoặc có ý đồ hâm nóng "Chiến tranh lạnh", v.v...

Thế giới đành chịu thua?

Nếu cả thế giới còn chịu thua như vậy thì hà cớ chi người Việt ta phê phán lãnh đạo Hà Nội là cứ cúi đầu phục tòng Bắc Kinh, hết nhượng đất lại nhượng biển và nay đang ở trên đà bán nước? Sau bài "Trung Quốc và Việt Nam" trên cột báo này trong số ra ngày Thứ Bảy 16 tháng Năm, ta nên tìm hiểu về Thế giới và Trung Quốc...
***

TRUNG QUỐC NGOÀI ĐÔNG HẢI

Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) thì trễ lắm là ngày 13 tháng Năm, quốc gia nào đã ký kết sẽ phải nộp cho Ủy ban Liên hiệp quốc về Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Cointinental Shelf - CLCS) những yêu sách về thềm lục địa mở rộng ra khỏi ranh giới 200 hải lý từ lãnh thổ của mình. Sau cùng, Hà Nội cũng đã nộp hồ sơ của mình như nhiều xứ khác - và lập tức bị Bắc Kinh phản bác.

Chuyện này là tất nhiên khi ranh giới trùng lấp lên nhau vì Bắc Kinh đã cưỡng chiến quần đảo Hoàng Sa và khống chế một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Không ai ngạc nhiên là tranh chấp về chủ quyền đã xảy ra từ một quốc gia có 22.000 cây số biên giới trên đất liền với 14 nước láng giềng, 18.000 cây số duyên hải và ba triệu cây số vuông ở ngoài khơi, bên dưới có rất nhiều tài nguyên. Xứ này vốn đói ăn và khát dầu nên thấy rằng cướp được thì cướp. Không chỉ cướp mà họ còn tăng cường khả năng quân sự để bảo vệ thành quả ăn cướp.

Vì vậy, thể nào cũng có ngày Bắc Kinh gặp phản ứng của các quốc gia khác, trước hết ở ngoài Đông hải của Việt Nam mà họ gọi là Trung Nam hải.

Chẳng hạn như mùng tám tháng Ba vừa rồi, tuần duyên và "ngư thuyền" Bắc Kinh đã có màn khiêu khích tầu kiểm báo USNS Impeccable của Hoa Kỳ cách đảo Hải Nam chừng trăm cây số. Ba ngày sau, là một vụ khiêu khích với Hải quân Nhật quanh đảo Điếu ngư đài đang tranh chấp với Nhật Bản (đảo Senkaku của Nhật), khiến chiến đấu cơ F-15 của Nhật bay lên nghênh chiến máy bay Su-30MKK của Không quân Trung Quốc. Tới ngày 17, Cục Ngư nghiệp của Bộ Nông nghiệp Bắc Kinh đưa một chiến hạm được cải thành ngư thuyền Yuzheng 311 ("Ngư chính") để khẳng định chủ quyền ngoài Đông hải. Năm tới, một "ngư thuyền" thứ hai - với khả năng chuyên chở trực thăng - sẽ gia nhập hải đội này.

Nhìn như vậy, nói về văn thì Bắc Kinh diễn giải Luật biển theo quan điểm có lợi cho mình, màg cũng dụng võ để nếu khôn không qua lẽ thì khoẻ sẽ qua lời. Chiều hướng ấy tất nhiên giới hạn khả năng kiểm báo của đệ nhất siêu cường hải dương hiện nay là Hoa Kỳ, nhưng cũng gây vấn đề cho các quốc gia hải dương khác, như Nhật Bản, Úc Đại Lợi hay Ấn Độ.
Trên toàn cảnh thì ngoài việc tăng cường cho các đội "ngư thuyền" có võ trang - và sẵn sàng cho ngư phủ Việt Nam xuống biển - Trung Quốc đang tái phối trí lại các hạm đội của mình.
Từ Bắc xuống Nam, Bắc Kinh có Hạm đội miền Bắc (Bắc hải) với bộ Tư lệnh đặt tại Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, đối diện với Đại Hàn, để canh chừng vùng Đông Bắc Á; có Hạm đội miền Đông (Đông hải) và bộ Tư lệnh tại Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang có trách nhiệm trải từ Giang Tô tới Phúc Kiến để canh chừng Đông hải của Trung Quốc - và eo biển Đài Loan cùng Nhật Bản; hạm đội thứ ba đang được tăng cường là Nam hải, với bộ Tư lệnh đặt tại Trạm Giang của tỉnh Quảng Đông để khống chế Đông hải của Việt Nam và vùng biển Đông Nam Á.

Từ cả chục năm trước, Hải quân Trung Quốc đã ưu tiên phát triển hai hạm đội tại miền Bắc để bảo vệ Vịnh Bột Hải và uy hiếp Đài Loan. Nhưng, cùng với nhu cầu gia tăng về kinh tế - nhập cảng nguyên nhiên vật liệu và xuất cảng hàng hoá, ngày nay Trung Quốc dồn phương tiện cho hạm đội miền Nam. Hàng không mẫu hạm Varyag mua của Nga sẽ trở thành nơi huấn luyện cho hạm đội miền Bắc, chứ Bắc Kinh đang ráo riết ráp chế lấy hàng không mẫu hạm cho vùng biển nóng, Hạm đội miền Nam của họ.

Từ Đông hải của Việt Nam, chiến hạm Trung Quốc sẽ có trách nhiệm mở rộng qua eo biển Malacca, tới Ấn Độ dương lên tới vùng biển Đông phi. Bậc thềm và vùng trái độn để Trung Quốc vươn tối biển xanh dương vì vậy nằm ngang lá phổi của Việt Nam.

Mười năm về trước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, Hải quân Trung Quốc đã có nhiệm vụ thi hành từng bước trong một chuỗi chiến lược không nhất thiết là tuần tự. Đó là 1) bảo đảm khả năng kiểm soát các vùng độc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones - EZZ) được "vẽ" thêm từ lãnh thổ của họ theo lý luận rất hợp lý là muốn đòi thì còn phải có khả năng giữ; 2) cải tiến khả năng và kỹ thuật hải quân trên vùng biển cận duyên (biển xanh lục - green water) này; 3) mở rộng hợp tác với các nước để hải quân Trung Quốc có thể sử dụng một chuỗi quân cảng như Sittewe tại Miến Điện, Chuttagong tại Bangladesh, Gwadar tại Pakistan và Hambantota tại Sri Lanka trên đường bành trướng hải đội qua Ấn độ dương; 4) củng cố khả năng kiểm soát để xây dựng khu vực này thành "vùng trái độn" bảo vệ Trung nguyên, y như các vùng trái độn Thang Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu trên đất liền; trong khi ấy, 5) ráo riết xây dựng việc thiết kế, huấn luyện và sử dụng các chiến hạm có khả năng viễn duyên, đi ra biển xanh dương - blue water. Gần đây, khi Bắc Kinh đưa hai chiến hạm tham dự việc tiễu trừ hải tặc ngoài khơi Somalia cũng nằm trong chiều hướng thao dượt và huấn luyện đó.

Những bước bành trướng ấy tất nhiên đã đạp qua đầu Hà Nội và gây vấn đề cho các quốc gia cũng coi biển Đông là vùng giao lưu tự do - như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ. Và Hoa Kỳ.

Hà Nội có thể cúi đầu chứ các nước kia phải theo dõi và canh chừng rất kỹ. Hoa Kỳ có bận tay  bận chân về chuyện Iraq hay A Phú Hãn thì cũng không thể thả nổi biển Đông. Việc chiến đấu cơ tối tân nhất F-22 Raptor đã được thiết trí trước tiên tại Nam Hàn rồi vừa xuất hiện ngoài Đông hải là một nhắc nhở.
***

TỪ ẤN ĐỘ DƯƠNG VỀ ĐÔNG HẢI

Thế giới có một quốc gia đông dân gần bằng Trung Quốc - và dân số sẽ vượt Trung Quốc trong vài thập niên tới - trên một lãnh thổ thu hẹp hơn. Đó là Ấn Độ. Xứ này là một bán đảo bị khoá trong tiểu lục địa Nam Á với rặng Hy Mã Lạp Sơn và Tây Tạng hiểm trở ở phía Bắc, các vùng sa mạc và thảo nguyên khô cằn phía Tây - của Pakistan và A Phú Hãn. Sự sinh tồn của Ấn tùy thuộc khả năng kiểm soát từ châu thổ sông Hằng qua châu thổ sông Indus. Và bước ra ngoài là phải kiểm soát được Ấn độ dương cùng việc giao lưu buôn bán với Trung Đông, Tây Âu và Đông Á.

Đang phải xoay trở với Pakistan ở bên trong, chính quyền Delhi không yên tâm với ảnh hưởng lan rộng của Trung Quốc tới Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan. Quyền lợi và khả năng thông thương của Ấn Độ qua eo biển Malacca, tới Đông Á và các tiểu bang miền Tây Úc Đại Lợi cùng việc kiểm soát an ninh từ Vịnh Bengal tới Vịnh Ba Tư và vùng Đông Phi tất nhiên đặt ra bài toán cho Delhi. Đó là vấn đề Trung Quốc của Ấn Độ, một trong những động lực khiến Ấn Độ nghiêng dần về phía Hoa Kỳ - mà không chỉ vì hồ sơ Hồi giáo và Pakistan.

Ngược lại, phản ứng đó của Ấn Độ càng khiến Bắc Kinh lo sợ là sẽ bị bao vây nên càng ráo riết tăng cường thi đua võ trang. Vấn đề Trung Quốc vì vậy không thu hẹp vào quan hệ giữa Bắc Kinh với Hà Nội.

Người Việt ta có thể để ý đến chuyện đó và nhìn thêm về hướng khác.

Một cường quốc cũng đông dân trên một quần đảo thật ra có rất ít tài nguyên là Nhật Bản cũng không mấy yên tâm với các đấng con trời đỏ tại Bắc Kinh.

Nhật Bản cần giao thương với bên ngoài nên từ xưa rồi đã xây dựng hải đội và trở thành cường quốc hải dương tại Đông hải. Khi nhà Minh úp mặt vào núi hồi đầu thế kỷ 16, hải tặc Nhật Bản ("Nụy khấu") đã uy hiếp biển Đông của Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ 20, hải quân Nhật đã đánh thắng hạm đội Nga tại eo biển Đối Mã. Nhật Bản cũng là cường quốc đại dương đã trực tiếp tấn công Hoa Kỳ trong trận Trân châu cảng năm 1941...

Chính là nhu cầu sinh tồn ấy mà Nhật đã trở thành một đế quốc bành trướng vào Mãn Châu, xâm lăng Trung Quốc và tiến sâu tới Đông Nam Á trước khi bị Hoa Kỳ đánh bại và chuyển hóa thành một quốc gia dân chủ, hiếu hoà và tạm thời chủ hòa...

Trong suốt giai đoạn Chiến tranh lạnh, Nhật Bản tập trung vào phát triển kinh tế và phó thác việc phòng vệ chiến lược cho Hoa Kỳ nhưng tình hình đã thay đổi sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Vẫn là một đồng minh chiến lược của Mỹ, Nhật đang tăng cường khả năng quân sự để đảm đương lấy viêc bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngày nay, vì địa dư hình thể của một cường quốc kỹ nghệ sống nhờ giao thương với bên ngoài, Nhật Bản có những mục tiêu chiến lược dễ hiểu là 1) phải bảo vệ được lãnh thổ - một quần đảo - 2) gây ảnh hưởng qua đầu tư tới các vùng đại lục tiếp giáp, từ khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga tới các tỉnh duyên hải Trung Quốc đối diện với lãnh thổ Nhật và 3) kiểm soát được luồng giao lưu từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á qua đến Trung Đông và Âu Châu.

Chỉ vì những động lực chiến lược ấy, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phải cùng khai thác và kiểm soát biển Đông, cùng gia tăng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế với các nước Đông Nam Á. Chính là thực tế ấy khiến hai nước sẽ có ngày nói chuyện phải quấy. Nhật Bản đã đầu tư rất mạnh vào các tỉnh duyên hải Trung Quốc nhưng đang chuyển dần mục tiêu đầu tư qua việc cải thiện quan hệ với Ấn Độ, Mông Cổ và cả Liên bang Nga. Tuần qua, việc Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật nói đến tăng cường hợp tác đầu tư tại khu vực Viễn Đông của Nga và thậm chí tìm cách giải quyết tranh chấp chủ quyền trên bốn quần đảo Kurils ở phía Bắc của Nhật là một chí dấu đáng chú ý.

Mà Nhật Bản không là một xứ lạc hậu nhỏ yếu. Triển vọng trở thành cường quốc hải dương thứ nhì của thế giới sau Hoa Kỳ chỉ là vấn đề thời gian - chắc chắn là ngắn hơn Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc chưa có truyền thống hải dương như Nhật Bản.

Cho nên, biển Đông cùa Trung Quốc không là vùng đất không người cho Bắc Kinh mặc tình tự biên tự diễn....

Chưa nói tới một quốc gia đã thành lập hải quân từ thế kỷ 18 và luôn luôn cải tiến khả năng để kiểm soát được mọi vùng biển trên địa cầu, là Hoa Kỳ.

Chính quyền Mỹ có thể đang tập trung chú ý tới các ưu tiên khác, nhưng không thể quên quyền lợi tương đồng với Ấn Độ, Nhật Bản hay cả Úc Đại Lợi. Trước khi Hoa Kỳ có thể nhúc nhích thì các đồng minh kia đã phải xét lại vấn đề Trung Quốc của họ. Và trước khi Bắc Kinh bơi ra tới biển xanh thì các tỉnh bên trong của họ có khi đã bị động loạn, những vùng trái độn như Cao nguyên Thanh Tạng hay Tân Cương có khi đã bị rung chuyển....

Một vòng địa dư chớp nhoáng ấy nên giúp chúng ta nhìn vào bài toán Trung Quốc của Việt Nam với con mắt khác. Không có lý do gì cứ phải cúi đầu như lãnh đạo Hà Nội...