Ý kiến của một số trí thức VN về báo cáo nhân quyền của Hà Nội |
Tác Giả: VOA |
Thứ Sáu, 08 Tháng 5 Năm 2009 07:39 |
Một số học giả và trí thức Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích bản báo cáo nhân quyền do chính phủ Việt Nam công bố hồi gần đây trong khuôn khổ của cuộc duyệt xét đầu tiên mà Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tiến hành 4 năm một lần để kiểm điểm việc thực hiện quyền con người tại 192 nước thành viên của Liên hiệp quốc. Mời quí thính theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây. Khi quyết định thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2006, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc cũng đồng thời thiết lập một cơ chế có tên là Thẩm nghị Định kỳ Phổ cập (Universal Periodic Review), gọi tắt là UPR, để duyệt xét việc thực hiện nhân quyền của toàn bộ các nước thành viên 4 năm một lần. Cuộc thẩm nghị đầu tiên đã bắt đầu từ tháng tư năm 2008 và theo lịch trình Việt Nam sẽ trình bày báo cáo của mình vào ngày 8 tháng 5 năm 2009 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneve. Trong khuôn khổ của cơ chế UPR, hôm 23 tháng 3 vừa qua giới hữu trách Hà nội đã công bố 'Báo Cáo Quốc Gia Kiểm Điểm Định Kỳ Việc Thực Hiện Quyền Con Người Ở Việt Nam'. Văn kiện - được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và sự tham gia trực tiếp của nhiều cơ quan chính phủ, đã nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích của một số học giả và trí thức Việt Nam vì những điều mà họ cho là không đúng sự thật và phản ánh những cách suy nghĩ và hành động lỗi thời, không phù hợp với những nguyên tắc nhân quyền phổ quát của thời đại hiện nay. Trong phần đề cập tới bài học thành công về nhân quyền ở Việt Nam, báo cáo của Hà nội nhấn mạnh tới bài học là 'các quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia'. Đoạn 60 của báo cáo này cho biết rằng 'Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, được sống trong độc lập, tự do, dân chủ với tất cả quyền con người của mình và được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật'. Báo cáo nói thêm rằng 'thành tựu to lớn' này 'chính là những thành tựu dân chủ, nhân quyền cơ bản nhất mà nhân dân Việt Nam đã giành được'. Tiến sĩ Nguyễn Quang A là giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam ở Hà nội. Ông cho biết rằng đoạn văn vừa kể không phản ánh sự thật hiện nay ở Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói: "Người Việt Nam từ ngàn xưa cho đến nay chưa bao giờ đạt được những cái quyền như thế mà còn phải phấn đấu rất nhiều. Và cái quyền đấy không ai có thể ban phát cho, mà mình phải bằng mọi cách tranh đấu lấy mới được." Ông Nguyễn Quang A cho hay một số quan chức Việt Nam hiện nay thật sự tin rằng họ là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm: "Hiện giờ tình hình có khá hơn thời trước và muốn đạt được những cái như người ta viết thì tôi nghĩ còn cần sự nỗ lực của rất nhiều người và cũng không phải là nhanh chóng mà có thể đạt được." Giáo sư Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Quyền làm người Việt Nam, bác bỏ sự kết nối giữa nhân quyền với việc giành độc lập cho đất nước. Ông cho rằng đây là hai vấn đề riêng biệt, và không nhất thiết là nhân quyền của người dân sẽ được bảo vệ sau khi giành được độc lập. Giáo sư Ái nói tiếp: "Ðiều tôi thấy hết sức lạc hậu trong bản phúc trình này là nhà cầm quyền Hà nội vẫn tiếp tục chủ xúy cái gọi là 'ngoại lệ nhân quyền châu Á' – nghĩa là họ tôn trọng nhân quyền nhưng mỗi nền văn hóa lại có một sắc thái nhân quyền khác nhau. Nói như vậy là chống lại nhân quyền quốc tế rồi. Và đặc biệt hơn nữa là nhà cầm quyền Việt Nam trong Điều 4 Hiến pháp qui định rằng tư tưởng của nhà nước hiện nay là chủ nghĩa Mác-Lê và Hồ chí Minh và đồng thời Đảng Cộng Sản là đảng duy nhất quản lý đất nước. Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa triết học Tây phương chứ không phải là nền văn hóa dân tộc từ đời Vua Hùng về sau. Cho nên tôi thấy tư tưởng ngoại lệ nhân quyền châu Á của phúc trình này rất là lạc hậu." Bản báo cáo nhân quyền của Việt Nam nhấn mạnh tới sự kiện là 'chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13,000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền về dân sự, chính trị được qui định một cách cụ thể và toàn diện hơn'. Giáo sư Võ Văn Ái nhận xét: "Báo cáo này cho một danh sách rất nhiều về vấn đề luật pháp và xem như rằng khi có càng nhiều luật chừng nào thì cái tôn trọng nhân quyền càng nhiều chừng đó. Tuy nhiên họ không hề cho người đọc thấy được những vấn đề cụ thể của những luật pháp đó đã được áp dụng như thế nào trong việc bảo vệ quyền của công dân tại Việt Nam; và xem như nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền vì đã có những cuộc đối thoại với Hoa kỳ, với Liên hiệp châu Âu và cứ xem như có đối thoại về nhân quyền là có nhân quyền trong khi người công dân tại Việt Nam rất trông mong được thấy quyền của con người được bảo vệ." Giáo sư Võ Văn Ái cho biết trong thời gian vừa qua ông đã trình bày với các giới chức Liên hiệp quốc và các nước khác về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Ông nói thêm rằng ông đang vận động cho một cuộc biểu tình trước Điện Quốc Liên ở Geneve ngày 8 tháng 5 để phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ ở Hà nội. Ông Võ Văn Ái nói: "Trong vài tháng qua chúng tôi đã hoạt động có thể nói là rất mạnh mẽ. Trước nhất là để thông tin cho tất cả các thành viên quốc gia có chân trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc để họ hiểu rõ hơn những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam như tôi đã trình bày trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc hôm 23 tháng 3 vừa qua. Sau hôm đó chúng tôi tiếp tục đi thăm viếng, thông tin, và chúng tôi hy vọng rằng với những hồ sơ cụ thể về vấn đề vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo tại Việt Nam thì ngày 8 tháng 5 sắp tới, khi phái đoàn Hà nội trình bày phúc trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thì các quốc gia đó sẽ đưa những tư liệu đó ra để chất vấn. Đó là những hoạt động bên trong Điện Quốc Liên của Liên hiệp quốc. Bên ngoài thì chúng tôi kêu gọi đồng bào người Việt tị nạn khắp năm châu đến Geneve vào 9 giờ sáng ngày 8 tháng 5 để biểu tình, yêu sách cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam để nói thay cho tiếng nói của đồng bào trong nước hiện không có phương tiện hoặc cơ sở truyền thông báo chí để nói lên khát vọng nhân quyền của mình." Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một cựu tù nhân lương tâm từng bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam giam cầm trong nhiều năm, là Giám đốc Viện Quốc tế cho Việt Nam ở Virginia, Hoa kỳ. Ông cho rằng báo cáo nhân quyền của Việt Nam có nhiều điều lẫn lộn và không cho mọi người thấy được chính phủ Việt Nam đã làm gì để bảo vệ nhân quyền. Ông Đoàn Viết Hoạt nhận định: "Bản kiểm điểm này lẫn lộn giữa thành tích phát triển với thành tích nhân quyền và dân quyền. Họ kể ra thành tích về giáo dục, y tế, phụ nữ v.v. nhưng đó là những thành tích về phát triển. Thành tích phát triển không nhất thiết bảo đảm sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Thứ hai là sự lẫn lộn giữa vấn đề độc lập của đất nước với vấn đề nhân quyền và dân quyền. Một đất nước được độc lập chưa hẳn là bảo đảm được nhân quyền và dân quyền nếu chính quyền đó không tôn trọng và thực thi nhân quyền." Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng hai điều quan trọng nhất trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là mối quan hệ giữa người dân với chính quyền và vấn đề pháp trị. Về mối quan hệ giữa chính phủ và dân chúng, ông nói rằng thực tế ở Việt Nam cho thấy người dân không được tự do vì mọi hoạt động của họ đều bị nhà cầm quyền kiểm soát. Ông Đoàn Viết Hoạt nói thêm: "Báo cáo của Việt Nam cho biết họ muốn thay đổi rất nhiều luật pháp nhưng thay đổi luật pháp không có nghĩa luật pháp được tôn trọng bởi người cầm quyền. Tức là người cầm quyền có thể sử dụng luật pháp để vi phạm nhân quyền. Đây là điều mà chúng tôi đã đưa ra trong các nhận xét của chúng tôi trong nhiều năm nay. Đó là nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng luật pháp để cai trị. Cái đó chúng tôi gọi là pháp quyền, trong tiếng Anh gọi là 'rule by law'. Một chế độ pháp trị thì hoàn toàn khác – tức là người cầm quyền không được dùng luật pháp để vi phạm nhân quyền hoặc chỉ làm những việc có lợi cho người cầm quyền mà không vì quyền lợi của người dân. Khi sử dụng để luật pháp để cai trị thì vẫn tốt hơn là không có luật pháp, nhưng luật pháp phải cai trị cả người cầm quyền thì lúc đó mới thật sự là tôn trọng luật pháp và ở đó mới có căn bản để nhân quyền được tôn trọng. Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa pháp quyền và pháp trị, tức là 'rule by law' và 'rule of law'. Ở Việt Nam chưa có 'rule of law', chưa có pháp trị mà chỉ có pháp quyền thôi. Rõ ràng là chữ 'pháp quyền' mà nhà nước đang dùng ở Việt Nam có nghĩa là 'rule by law' chứ không phải là 'rule of law'. Thực chất của vấn đề Việt Nam hiện nay là nhà cầm quyền không thật sự là một nhà cầm quyền do người dân cử ra và phục vụ cho người dân mà là do Đảng Cộng Sản cử ra và phục vụ cho quyền lợi của những người cầm quyền. Ở Việt Nam thường nói tới 4 cái quyền của người dân là 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra'; có vẻ như dân quyền được tôn trọng lắm, nhưng có một cái quyền căn bản nhất của dân quyền và nhân quyền là quyết định thì lại do đảng quyết định! Cho nên đảng sẽ quyết định người dân được biết gì, được làm gì và được kiểm tra cái gì, và họ đặt ra luật để qui định những điều đó. Và như thế thì nhân quyền và dân quyền không thể được tôn trọng." Theo các qui định của cơ chế UPR, sau phần trình bày và thảo luận về báo cáo quốc gia của một nước, một báo cáo chung cuộc sẽ được đúc kết với những khuyến nghị cho quốc gia đó để thực hiện quyền con người, và UPR sẽ bảo đảm là mọi nước phải chịu trách nhiệm về tiến bộ hoặc thất bại trong việc thực thi các khuyến nghị đó. Đến cuộc thẩm nghị lần thứ nhì, các nước có bổn phận cung cấp thông tin về những gì mà họ đã làm để thực thi những khuyến nghị được đề ra 4 năm về trước. Cộng đồng quốc tế sẽ trợ giúp trong việc thực thi các khuyến nghị và kết luận liên quan tới việc xây dựng năng lực và trợ giúp kỹ thuật, với sự tham khảo ý kiến của quốc gia liên hệ. Và nếu cần, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ giải quyết trường hợp của những nước không hợp tác với cơ chế này. |