Home Tin Tức Thời Sự Đêm Nhớ Về Sài Gòn

Đêm Nhớ Về Sài Gòn PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Điểu   
Thứ Hai, 27 Tháng 4 Năm 2009 23:00

Apr 28, 2009

Cali Today News - Giây phút cảm động nhất, Giây phút đáng nhớ nhất của đêm Nhớ Về Sài Gòn Tưởng Niệm Tháng Tư Đen không phải là những bài ca, những giọng hát, người đến đông đảo. Điều đáng nhớ, điều còn lại sau khi rời hội trường…là những ánh nến chập chờn, là bài đọc tưởng nhớ những nguời đã nằm xuống trong tháng Tư đen tối của đất nước.

Lúc đó, đèn trong rạp hát tắt ngấm, những ngọn nến nhỏ thắp lên, một tràng hoa được mang đến đặt trước tượng đài Tổ Quốc Ghi Công… và tất cả mọi người hiện diện đứng lên, cúi đầu cùng tưởng niệm… không phải tưởng niêm một Sài Gòn đã mất, không phải tưởng niệm một vùng đất của từng người… đêm tưởng nhớ tất cả những anh linh chiến sĩ trận vong, những đồng bào tử nạn… và tất cả những ai còn đang đau khổ trong gông cùm của CS. Tưởng nhớ những công ơn gầy dựng của tiền nhân, và những máu xương của người Việt đã tưới xuống cho ruộng đồng Việt Nam cây xanh cho trái ngọt, lúa trổ những bông vàng.

Đêm Nhớ Về Sài Gòn diễn ra tại hội trường của trường trung học Overfelt, San Jose. Có gần cả ngàn người tham dự. BTC là nhật báo Cali Today, chương trình phát thanh Phố Đêm hợp tác cùng với các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt Gia Định, cựu sinh viên Luật Khoa Sài Gòn, và Trung tâm Aâm nhạc và điện ảnh Ananda. Bên cạnh đó khi thực hiện chương trình còn có các cựu SVSQ Thủ Đức của LLSVSQ Thủ Đức Bắc Cali như Hoàng Thưởng, Tuấn Phan… Chắc chắn là còn nhiều nhân sự không nêu tên.

Đồng bào Việt Nam vùng San Jose đã nhiệt liệt hưởng ứng qua những tiếng vỗ tay giòn giả khích lệ những anh chị em văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên… đóng góp trong chương trình. Họ đã ngồi cho đến phút chót của chương trình đã nói lên được tấm lòng của những người tham dự.

Nội dung của chương trình là những bài ca nhắc đến Sài Gòn, là tác giả của những ca khúc về Sài Gòn như nhạc sĩ Nam Lộc. Sài Gòn là niềm nhớ không quên, Sài Gòn là tượng trưng cho tự do và phát triển (kể cả cho đến hôm nay dù Sài Gòn đã mất tên) Sài Gòn không những sống với người Việt ly hương, nhưng Sài Gòn vẫn sống với người còn ở lại.

Những ca sĩ trong chương trình không phải là những giọng ca nổi danh trên các DVD thương mại, những con người đứng trên sân khấu đêm nay là những con người thật bình thường nhưng trong giọng ca của họ là thông điệp của tình người… tị nạn, là ray rức nhớ thương cho nên thu phục được trái tim người thưởng thức.

Phía người tham dự không là những nhà hoạt động cộng đồng, không là những nhân vật của xã hội nổi nang. Họ là ông già, bà cả, là thanh niên, thiếu nữ, là công nhân, là nội trợ, là chị bán hàng, là anh xây dựng, là em bé học sinh, là anh sinh viên … Họ là đại đa số thầm lặng… họ đi xem văn nghệ tưởng niệm ngày Tháng Tư quốc hận trong tâm tình của người nhớ nước, nhớ quê, nhớ những ngày hoảng loạn, thất thần và sẽ không bao gìờ quên ngày đau thương năm đó.

Chương trình vì thế đã cuốn hút người xem, chương trình không còn ngăn cách giữa người xem và người trình diễn.

Có những điều xảy ra. Ca sĩ Thanh Lan đã khóc khi đươc khán giả yêu cầu hát liên tiếp 5 nhạc phẩm… Nếu chương trìnhcó đủ thời gian có lẻ người ca sĩ nầy còn được hát. Thanh Lan bây giờ không phải là Thanh Lan của thời Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, của “Bang Bang” nhạc Pháp. Người ca sĩ sinh viên một thời đã từng làm say đắm bao con tim, cũng người ca sĩ nầy năm 93 là đề tài của bao nhiêu câu chuyện… Và bây giờ Thanh Lan mất luôn cả Sài Gòn khi ra đi năm 93 và không một lần có dịp quay về. Những ca khúc của người ca sĩ nầy hát về Sài Gòn bằng cả con tim, không bằng những luyến láy của kỹ thuật trình diễn nên tiếng vỗ tay không dứt, và nước mắt cứ tuôn rơi.

Đêm Nhớ về Sài Gòn còn có những giọng ca Huy Chương, Phương Trang, Thu Nga, Ngọc Hà, Mỹ Nhung, Thanh Vũ, Huỳnh Phú, Phương Thúy,… và nhóm cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt… Họ đã hát bằng trái tim, bằng cảm xúc của những người đã mất Sài Gòn để đêm nay từ hàng vạn dặm xa nhớ về Sài Gòn của những năm xưa. Những ca sĩ địa phương mà anh Nguyễn Xuân Nam thường gọi là “những rising stars” đã hát hay đến độ mà chính ca sĩ Thanh Lan phải nễ mặt khi nhận xét với anh Nam Lộc: “Các ca sĩ này hát hay quá, có khi còn hơn hẵn ca sĩ chuyên nghiệp của các trung tâm.

Họ hát live mà hay đến vậy rồi.” Đúng thật, đêm đó những Huy Chương, Mỹ Nhung, Phương Trang, Ngọc Hà,… đã vươn đến những tầm cao của thế giới âm nhạc…

Như thế là sự thành công của BTC, một tập thể đông đảo và đa dạng, là một tổng hợp của nhiều phía. Sự đông đảo đó thể hiện ở ca khúc cuối cùng “Bước Chân Việt Nam” khi mà mười ca sĩ cùng hợp xướng ca khúc này một cách xuất sắc, và cả một rừng nữ sinh Lê Văn Duyệt trong tà áo vài truyền thống cùng toàn thể Ban Tổ Chức, toàn thể ca sĩ đã cùng hòa ca với nhau khiến sân khấu bùng cháy lên hy vọng, tươi vui, lạc quan về một Việt Nam trong tương lai… Họ kết thúc Đêm Nhớ Về Sài Gòn một cách hùng vĩ, đồ sộ, quy mô như những cuốn DVD của Asia và Thúy Nga…

Sự thành công đó càng đáng nễ hơn khi được biết họ chỉ có khoảng gần 10 ngày làm việc, chuẩn bị cho chương trình quy mô như thế, vì BTC huy động được một khối nhân sự khủng khiếp từ các anh chị em trong biệt đoàn văn nghệ của “Phủ” ngày xưa, đến các sinh viên các trường đại học tại Hoa Kỳ... hiện nay.

Sự thành công đó càng trân qúy hơn khi hầu hết đều tham gia miễn phí kể cả giàn âm thanh quy mô của công ty Pro Audio, hay có những mạnh thường quân rộng lòng hỗ trợ. Nhiều hỗ trợ thật đáng qúy để có thể mang những thước phim tài liệu đến chiếu cho khán giả chứng kiến thảm cảnh hơn 34 năm trước từ những cuộc triệt thoái khỏi tây nguyên và miền trung, đến những cảnh pháo kích của Cộng quân vào thành phố Sài Gòn hay những con tàu ngơ ngác ra khơi…

Sự thành công của Đêm Nhớ Về Sài Gòn là một sự kết hợp giữa kỹ thuật điện ảnh, ca nhạc, và những nghi thức tưởng niệm trong ánh nến nhiệm màu…

Tháng Tư năm 2009 năm nay không có những chương trình nào khác để tưởng niệm Quốc hận ngoài buổi lễ vào lúc 11 giờ sáng tại tiền đình quận hạt Santa Clara, và đêm tưởng niệm Tháng Tư Đen ở trường Overfelt.

Tháng Tư năm nay “đen” thật, đen đến nỗi không còn ai nhìn thấy ai ngoài hơn một ngàn người đi dự lễ buổi sáng và văn nghệ buổi tối. Có ai đó ngậm nga “Đêm nghe tiếng ếch bên tai, giựt mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.” Và một người khác không đồng tình “Thiên hạ có khi đang ngủ cả, tội gì ta thức một mình ta.”

Kính chúc quý độc giả bình an và hạnh phúc. Tháng Năm đã bắt đầu đã vào vụ mùa sau những ngày ăn tết. Nghe tin trên báo có dịch cúm heo (swine flu) đã lan tràn qua Mỹ, có hơn 40 trường hợp nhiễm bịnh. California có 7 trường hợp. Xin đồng bào lưu ý để phòng.