Home Tin Tức Thời Sự Chụp mũ “Cộng Sản” bậy bạ, năm người Việt Nam bị tòa phạt hơn $300,000

Chụp mũ “Cộng Sản” bậy bạ, năm người Việt Nam bị tòa phạt hơn $300,000 PDF Print E-mail
Tác Giả: Đổ Dũng / Người Việt   
Thứ Hai, 20 Tháng 4 Năm 2009 04:30

OLYMPIA, Washington - Một bài học cho những người chuyên chụp mũ bậy bạ người khác vừa xảy ra tại Tòa Thượng Thẩm Washington, Thurston County, hôm Thứ Năm vừa qua, sau khi bồi thẩm đoàn đồng ý phạt và bắt năm cá nhân trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải liênđới bồi thường $225,000 cho ông Tân Thục Ðức, cựu trung úy QLVNCH, vì đã chụp mũ ông là “Cộng Sản,” một bản tin của nhật báo The Olympian cho biết như vậy.

 Ngoài ông Tân Thục Ðức, năm cá nhân thuộc ủy ban nêu trên còn phải bồi thường cho Cộng Ðồng Việt Nam tại Thurston County, Washington, nơi ông Ðức sinh hoạt, $85,000.

 “Tôi rất mừng khi vụ kiện chấm dứt. Tôi hy vọng đây là bài học cho mọi người, trước khi muốn chụp mũ người khác là Cộng Sản phải suy nghĩ cẩn thận,” ông Tân Thục Ðức, 65 tuổi, phát biểu bên ngoài phòng xử.

 Ông Hứa Minh Ðức, chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam tại Thurston County (VCTC), nói sau phiên tòa rằng: “Ðây là cơ hội để đoàn kết cộng đồng. Sau vụ này, hy vọng chúng ta sẽ có một cộng đồng vững mạnh ở tiểu bang Washington cũng như các tiểu bang khác tại Hoa Kỳ.”

 Trước giờ xử án, Luật Sư Nigel Malden, đại diện cho các bị cáo, nói rằng quyền tự do ngôn luận sẽ bị vi phạm nếu bồi thẩm đoàn xử cho nguyên cáo thắng.

 Luật sư này nói: “Như vậy chẳng khác gì bịt miệng những người tự do phát biểu. Người của công chúng (public figure) phải có khả năng chấp nhận bị chỉ trích.”

 Ðể thắng vụ kiện này, Luật Sư Greg Rhodes, đại diện cho nguyên cáo, đã chứng minh “bị cáo chụp mũ nguyên cáo một cách vô tội vạ, không cần kiểm chứng sự thật.”

 Nguồn gốc vụ kiện

Theo hồ sơ vụ kiện, Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng bắt đầu gởi email chụp mũ ông Ðức và VCTC là “Cộng Sản” trên báo chí địa phương và trên hệ thống Internet năm 2003 vì “tại hội chợ Lakefair tổ chức hồi Tháng Bảy, 2003, một đầu bếp trong gian hàng của VCTC mặc tạp dề có hình ông già Noel đội nón đỏ có ngôi sao vàng, mặc dù sau đó người đầu bếp này đã quay tạp dề vào bên trong. Ngoài ra, tạp dề này còn có hai ngôi sao vàng khác nằm trên nền đỏ. Ðây là một biểu hiện cho thấy sự hiện diện của chính quyền Hà Nội trong cộng đồng.”

 Luật Sư Rhodes cho rằng đây là một sự phỉ báng khi các bị cáo nghĩ rằng cái tạp dề của đầu bếp là sự hiện diện của Cộng Sản tại hội chợ. Luật sư này cho rằng các bị cáo đáng lẽ phải liên lạc với ông Tân Thục Ðức và VCTC để giải thích tại sao đầu bếp lại mặc cái tạp dề đó.

 Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng còn tố cáo rằng trong một buổi văn nghệ vinh danh một nhà thơ Việt Nam tổ chức tại Olympia năm 1997, một người trong ban nhạc do ông Tân Thục Ðức mời đến đã đánh vài nốt nhạc trong bài quốc ca của Việt Nam Cộng Sản.

 Luật Sư Rhodes nói tại tòa rằng người chơi đàn guitar cho biết ông vô tình đánh những nốt nhạc này vì ông mới từ Việt Nam trở về Mỹ, và sau đó VCTC đã có một cuộc họp báo để giải thích và xin lỗi sự việc đáng tiếc này.

 Ông Ðức cũng bị tố cáo đã không treo cờ quốc gia Việt Nam tại nơi ông dạy học là trường Việt Ngữ Hùng Vương.

 Luật sư đại diện cho nguyên cáo cho rằng: “Ðây là một sự bịa đặt và những bị cáo biết rõ điều này.”

 Ông Rhodes nói ông Ðức có treo cờ này và một số bị cáo đã có mặt tại một buổi họp mà ông Ðức xác nhận ông có treo cờ.

 “Ðiều mà các bị cáo nói hoàn toàn ngược với sự thật cho thấy họ tố cáo một cách vô tội vạ,” Luật Sư Greg Rhodes cho biết thêm.

 Lúc đó, “các ông Norman Lê, Phiệt Nguyễn, Ðạt Hồ và Nhân Trần và bà Nga Phạm đã gởi email đến khắp các cộng đồng và cơ quan truyền thông Việt Nam trên thế giới kêu gọi tẩy chay và trục xuất ông Ðức và các thành viên hội đồng quản trị VCTC ra khỏi cộng đồng vì họ đang làm việc cho CSVN.”

Bản thông cáo gởi qua email kết luận rằng: “Xin quý vị hãy tẩy chay và trục xuất những kẻ nêu trên ra khỏi các tổ chức của cộng đồng tị nạn Việt Nam như VCTC và trường Việt Ngữ Hùng Vương để họ không thể hoạt động cho những người Cộng Sản xấu xa, làm hại đồng hương yêu nước và đầu độc thế hệ trẻ.”

 Cũng theo đơn kiện, Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng còn tố cáo ông Ðức treo “cờ máu” tại một lớp học ở trường St. Michael, nơi ông dạy tiếng Việt cho trường Việt Ngữ Hùng Vương hồi thập niên 1980 và sau này làm hiệu trưởng từ năm 1999 đến năm 2007.

Kể từ khi vụ việc xảy ra, Hội Ðồng Quản Trị VCTC chỉ còn bốn người sau khi 11 người khác rút lui vì sợ bị chụp mũ nếu họ còn tham gia. Riêng ông Tân Thục Ðức còn bị đe dọa giết.

 Tại phiên tòa, hai nhân chứng khai rằng lý do họ rút khỏi VCTC vì sợ bị “chụp mũ Cộng Sản.”

 Năm 1978, ông Tân Thục Ðức cùng gia đình vượt biên bằng đường biển. Chiếc tàu bị lật, tám người chết đuối. Ông Ðức vừa bơi vừa kéo vợ và một con gái. Sau đó, họ được một tàu đánh cá vớt và đưa vào Malaysia. Một năm sau, gia đình ông định cư tại Hoa Kỳ.

 Tình trạng chụp mũ trong cộng đồng Việt Nam

Một trong những người con của ông Tân Thục Ðức nói rằng vụ chụp mũ làm ông rất buồn vì ông rất ghét Cộng Sản.

 Và như muốn làm bằng chứng, cô con gái của ông đã đưa cho các phóng viên coi một tấm hình chụp cha cô từng tham gia biểu tình tại thủ phủ Olympia hồi cuối thập niên 1970 để chống chế độ Cộng Sản.

 Cô Thanh Tân cho rằng đồng hương tị nạn Việt Nam chụp mũ nhau “Cộng Sản” là điều đáng buồn nhất trong ba tuần xử án.

 Cô nói: “Tất cả những người liên quan trong vụ kiện đều là nạn nhân Cộng Sản. Tôi cảm thấy rất đau lòng khi biết những đồng hương tị nạn Việt Nam chụp mũ cha tôi là ‘Cộng Sản’ trong khi rõ ràng ông là một người chống Cộng.”

Cô còn cho biết cô đã chứng kiến cha cô đau khổ như thế nào sau khi bị chụp mũ.

 “Ông bị mất ăn mất ngủ một thời gian,” cô Thanh Tân nói thêm.

Vụ kiện kéo dài ba tuần lễ là bài học liên quan đến văn hóa người Mỹ gốc Việt và cho thấy họ nhìn vấn đề như thế nào sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc hơn 30 năm.

 “Chụp mũ người nào 'Cộng Sản' là cách dễ nhất để làm người đó mất uy tín trong cộng đồng,” giáo sư Linda Võ, trưởng phân khoa Asian American Studies tại đại học UC Irvine, nói với nhật báo The Olympian.

 Nữ giáo sư này còn nói rằng tại miền Nam California, nơi có cộng đồng Việt Nam lớn nhất hải ngoại, nhiều chính trị gia, nghệ sĩ và cơ quan truyền thông từng bị “chụp mũ Cộng Sản” nhiều lần.

 “Những sự chụp mũ này thường là vô căn cứ, và người bị có thể mất việc, bị tẩy chay, nếu có cơ sở thương mại, và có khi bị đe dọa đến tính mạng,” giáo sư gốc Việt này nói tiếp. “Ðây là một cách hữu hiệu để làm mất uy tín của đồng hương bởi vì nhiều người Việt lớn tuổi tại hải ngoại ít nhiều từng bị Cộng Sản cầm tù và tra tấn. Họ sẽ không bao giờ quên và tha thứ cho những người Cộng Sản.”

Hôm Tháng Hai vừa qua, Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, Ủy Viên Giáo Dục Học Khu Garden Grove, đã kiện ông Cao Sinh Cường, một nhà hoạt động cộng đồng của đảng Cộng Hòa Orange County, tội phỉ báng sau khi ông chụp mũ bà là “Cộng Sản.”

 Bà cho rằng vì bị chụp mũ mà bà mất chức Tổng Quản Trị Học Khu Westminster hồi năm 2006. Vụ việc hiện đang do Tòa Kháng Án California thụ lý.

 Hồi năm 2003, ba cha con ông Hồ Ngộ tại tiểu bang Colorado đã thắng một vụ kiện trong đó họ bị chụp mũ “Cộng Sản,” và tòa án Denver đã phán quyết bị cáo bồi thường gần $4.8 triệu.

 Tại Saint Paul, Minnesota, ông Tuấn Phạm, một cựu quân nhân QLVNCH và là chủ chợ Capital Market, cũng bị một số người Việt Nam chụp mũ tương tự. 

Cuối cùng, tòa phán quyết bị cáo bồi thường cho ông Tuấn $693,000. (Ð.D.)