Dân Việt Nam kiến nghị Hà Nội ngưng đào mỏ |
Tác Giả: DCVOnline |
Chúa Nhật, 19 Tháng 4 Năm 2009 04:32 |
VIỆT NAM ‒ Theo tin ông Hà Sĩ Phu chuyển đến, ngày 12 tháng 4 vừa qua 135 công dân Việt Nam trong và ngoài nước đã gởi kiến nghị đến các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Quốc Hội nước CHXHCN, Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về “Vụ khai thác beauxite ở Tây Nguyên”. 135 công dân Việt Nam nhiều thành phần, một số không nhỏ là chuyên viên đã nghỉ hưu, phần còn lại là các chuyên gia đủ mọi ngành nghề từ nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc, truyền thông, kinh tế, văn học, đến khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng. Ba điểm chính trong bản kiến nghị này nhằm yêu cầu nhà nước CHXHCN Viêt Nam ‒ Dừng ngay lại Dự án bauxite Tây Nguyên ‒ Đưa dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội để quyết định ‒ Vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được sự tham gia rộng rãi và theo dõi của quần chúng Sáng ngày 17 tháng 4, 2009 đoàn đại biểu thay mặt 135 công dân đã chính thức đến các cơ quan tối cao của nhà nước để trao Kiến nghị. Kết quả: hai văn phòng Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ không nhận kiến nghị trực tiếp và yêu cầu gởi đến qua đường bưu điện. Hai văn phòng này cũng từ chối không chấp thuận ghi âm và chụp ảnh sự trả lời “không nhận”. Tại văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm văn phòng, nhận kiến nghị, tiếp đón và để đoàn đại biểu thu âm chụp ảnh tự nhiên. Mời bạn đọc cùng xem nguyên văn bản kiến nghị theo sau. Kiến nghị về vụ khai thác beauxite ở Tây nguyên Kính gửi: ‒ Ông Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, lo lắng trước vận mệnh nước nhà về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, xin kính gửi quý cơ quan bản kiến nghị này. Thưa quý cơ quan, Dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh giành độc lập và thống nhất, ngày nay đang huy động tổng lực sức người sức của và sức trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng đổi mới toàn diện. Trong công cuộc xây dựng mới đất nước ta, trên nguyên tắc, không có sự đối lập về quyền lợi giữa Nhà nước và nhân dân – nhân dân ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người giữ cương vị lãnh đạo cũng như người dân bình thường, ai ai cũng muốn đất nước ngày càng giàu mạnh, ngày càng văn minh, cả dân tộc sẽ là một gia đình lớn, vui tươi, ấm no, hạnh phúc. Tiếc rằng, trong vụ bauxite đang diễn ra, những con người trung thực của đất nước bắt đầu thấy hẫng hụt, lý tưởng chung tay xây dựng đất nước gần như đang ít nhiều suy giảm vì cách làm việc của cơ quan điều hành đất nước, một tình trạng cần được phân tích ngắn gọn như dưới đây. Thưa quý cơ quan, Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá! Công việc chuẩn bị cho dự án bauxite đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra những thiếu sót toàn diện, mà chỉ riêng hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đủ cho thấy những bất cập về chính trị, quốc phòng, môi trường, kinh tế, kỹ thuật, và kiến nghị của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, của Giáo sư Phạm Duy Hiển, và của các nhà nghiên cứu độc lập khác ở trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, và ở ngoài nước như Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp chuyên gia về ô nhiễm môi sinh ở Úc, Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung chuyên gia về mỏ ở Pháp... là những bổ sung toàn diện mang tính chất “kỹ thuật” cho hai lá thư tâm huyết của Đại tướng. Tất cả các kiến nghị đó đã chỉ ra những kẽ hở hoặc những sai phạm khó chấp nhận trong chủ trương làm dự án bauxite này, mà chỉ ba điều sau cũng đủ để tất cả những ai có lương tri phải suy nghĩ: ‒ Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội; ‒ Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích; ‒ Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng). Thưa quý cơ quan, Đất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy. Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xa trước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng. Chúng tôi kiến nghị: 1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định; 2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó; 3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi. Thưa quý cơ quan, Những người ký tên dưới bản kiến nghị này bày tỏ sự lo lắng khôn cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite. Xin quý cơ quan nhận ở đây lòng kính trọng của chúng tôi và rất mong được thông hiểu cho nỗi trăn trở của chúng tôi cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước. Việt Nam, ngày 12 tháng 4 năm 2009 Ký tên, 135 công dân Việt nam trong và ngoài nước. |