Home Tin Tức Thời Sự Công An bao vây và sách nhiễu chùa Liên Trì vì cho dân oan tá túc qua đêm

Công An bao vây và sách nhiễu chùa Liên Trì vì cho dân oan tá túc qua đêm PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang, thông tín viên RFA.   
Thứ Sáu, 17 Tháng 4 Năm 2009 01:37

4/16/2010  

Vào nửa đêm 15 rạng ngày 16/4, công an đã bao vây và xông vào chùa Liên Trì ở Quận 2, TP Sài Gòn hạch sách, làm náo động chốn trang nghiêm và gây sợ hãi cho các tăng ni trong chùa. Được biết lý do của việc bao vây này là vì chùa Liên Trì đã cho một số đồng bào tỉnh Tiền Giang vào chùa nương náu qua đêm, khi họ bị công an ruồng bắt và đàn áp sau cuộc biểu tình đòi trả lại đất đai trước tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại số 4 đường Lê Duẩn vào ngày hôm trước. Hà Giang theo dõi sự việc và tường trình.

Trong ngày 13, 14 và 15 tháng 4 vừa qua, gần 100 đồng bào tỉnh Tiền Giang đã kéo về Sài Gòn biểu tình trước Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại số 4 đường Lê Duẩn, để đòi hỏi nhà nước VN phải giải quyết dứt điểm những bồi hoàn liên quan đến đất đai cho họ, đã bị chính quyền địa phương thi hành sai trái. Đoàn người biểu tình ban ngày thì bị công an bao chặt phong tỏa, còn đêm xuống thì họ bị đàn áp và bị bắt ném lên xe đưa về nguyên quán, cho nên họ đã tìm đường lẩn trốn.

Khi bị truy lùng ráo riết, một số đồng bào đã kéo đến cửa chùa Liên Trì ở quận 2 Sài Gòn để xin nương náu. Thượng tọa Thích Không Tánh, vị trụ trì của chùa cho biết thấy đồng bào mệt mỏi và đói khát, ông đã mở rộng cửa chùa để cho họ vào tá túc qua đêm, nhưng không ngờ việc làm này đã mang phiền nhiễu đến cho chùa.

Thượng tọa cho biết vào khoảng 2 giờ sáng giờ VN, thì cửa chùa đã được đóng lại, và hiện có khoảng 50 người dân oan đang ở phía sau chùa.

“Trước cổng chùa họ đang bao vây đứng đầy nghẹt hết á, hiện tại cái số mà xông vô trong chùa đó kiểm tra quay phim chụp hình sách nhiễu thì có hai công an mặc sắc phục, nói rằng họ là công an của phường An Khánh ở bên kia tới xét hộ khẩu, rồi hai công an mặc sắc phục kèm tới 4 vị mặc đồ thường nhưng mà hình như cấp trên của mấy anh công mặc sắc phục rồi còn 5, 6 nhân viên văn phòng nữa. Họ kéo vô, họ ép cái thầy kia mở cửa vô. Bây giờ họ làm việc, bây giờ thì cái thầy ở trong chùa giữ cổng chùa, bây giờ họ khóa cổng chùa lại rồi. Công an đang ngồi đầy trong chùa trước chánh điện, còn công an thì ở ngồi phía sau chùa.”

Bà Nguyễn Thị Vân, một dân oan ẩn náu sau chùa cho biết trong chuyến đi này, đồng bào đã quyết tâm tạo sự chú ý để đòi hỏi nhà cầm quyền phải giải quyết cho bằng được những khiếu nại của họ, vì thế khi bị đuổi bắt, họ đã tìm chỗ lẩn trốn để gần sáng lại tìm cách quay lại Sài Gòn tiếp tục biểu tình.

“Hai ba ngày nay chúng tôi lên TP Hồ Chí Minh ạ, tại sự oan ức của dân oan, tôi bị lấy đất của tôi, thu hồi của tôi 6630 mét vuông đất, mà huyện Cai Lậy nó đàn áp, nó bắt gia đình tôi, nó đền bù trái lương tri sai pháp luật. Dạ, đi biểu tình thì công an hốt lên xe đặng bắt về, bắt về tỉnh Tiền Giang, mà về Tiền Giang thì chúng tôi không chịu, tại vì về mấy lần đâu có ai giải quyết gì đâu, không có ai giải quyết gì hết trên hết trọi á chúng tôi không chịu về. Thì công an bảo vệ lùa lên xe như là lùa vịt Tàu vậy đó, không đi là nó hốt nó quăng lên xe, nó làm dữ lắm, rồi chúng tôi không chịu về nhà rồi mới tìm cách chia ra nhiều nhóm để chạy lên TP Hồ Chí Minh nữa.

Một người dân oan  khác kể lại cuộc đào thoát của họ và cho biết mọi người xung quanh hiện rất đang lo lắng sợ bị đánh đập, thậm chí lo cho cả tính mạng.

“Mười một giờ đêm hôm qua, 200 người của quận 3 Võ Thị Sáu tới đó thì công an cũng theo dòm ngó, thì thấy cái tình trạng như vậy, thấy những cái cử chỉ như vậy thì đàng này tụi tôi đã sợ rồi, thấy có những người ở Kiên Giang, cán bộ của Kiên Giang xuất hiện, thì đàng này tụi tôi mới tìm cách lẩn trốn, không dám đi xe, đi bộ có, đi xe ôm có, trốn tránh bằng nẻo đường mới tập trung về chỗ này. Nhà chùa có tấm lòng rất là từ thiện. Tụi tôi hiện thời bây giờ hồi hộp không còn là ngủ nghê nhắm mắt gì được hết, riêng với một mình tôi vừa nói vừa run chứ không phải nói chuyện bình thường, không biết bây giờ sinh mạng có còn hay là không?”

Ông Trần Văn A cho biết sở dĩ mọi người phải lên đến thành phố vì họ chính quyền địa phương đã chiếm hết đất đai của họ mà không bao giờ chịu bồi hoàn theo luật định để họ có phương tiện tìm kế sinh nhai khác:

“Không có làm ăn gì được cầu cách làm thế nào để cho các cấp lãnh đạo trên hiểu biết biết giải quyết sớm cho chúng tôi được làm ăn chứ nếu chúng tôi lên đây thì bị công an trên đây đe dọa mời bắt, còn nếu về dưới quê nó cũng vẫn mời vẫn bắt. Chúng tôi nhờ giúp chúng tôi để cho cấp trên giải quyết sớm đi để chúng tôi được yên ổn làm ăn, chớ bây đe dọa quá sợ rồi, bắt bớ nhiều quá. Ở tỉnh thì không thể giải quyết được!”

Thượng tọa Thích Không Tánh giải thích nỗi khó khăn mà công an đang gây ra cho nhà chùa và lên tiếng kêu cứu với công luận.

“Công an họ sách nhiễu khó khăn, họ nói tại sao chùa cho dân oan ở mà không khai báo, rồi họ yêu cầu phải làm việc, họ nói bất hợp pháp, ý họ muốn là nhà chùa là phải đuổi các dân oan ấy ra. Chúng tôi nói đây là những dân oan mất nhà mất cửa thì họ bị công an bên Sài Gòn rượt, nên họ chạy qua nhà chùa họ xin ngủ đêm, à thì chúng tôi nhà chùa không lẽ chúng tôi không cho họ ngủ sao? Chúng tôi cũng lo cơm nước cho bà con dân oan, thì nhờ báo dùm cho các nơi biết là bây giờ làm sao để giải cứu dùm, chớ bây giờ công an bao vây ở chùa vòng trong vòng ngoài luôn, rồi cái số dân oan này bây giờ họ thức dậy hết, họ ngồi dưới gầm bàn, với họ trốn dưới sân nhà bếp, chứ họ đâu có dám ngủ đâu. Công an họ đi vòng vòng hết, họ quay phim chụp hình, rồi họ làm mấy thầy cũng sợ nữa.”

Dư luận theo dõi sự kiện này rất quan ngại cho tình cảnh màn trời chiếu đất, không nhà không cửa của những người dân oan, và cho rằng tình trạng này sẽ khó có một giải pháp thỏa đáng, vì theo luật pháp hiện nay tại Việt Nam, quyền sở hữu đất đai vẫn còn thuộc nhà nước, và việc giải tỏa nhà đất tại các địa phương thì thường không bao giờ được thi hành một cách công bình và hợp pháp.