Home Tin Tức Thời Sự Nhật bán thiết bị để luyện nhôm ở Việt Nam

Nhật bán thiết bị để luyện nhôm ở Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: G.Ð   
Thứ Tư, 25 Tháng 3 Năm 2009 05:31

 3/24/2009   
Tokyo (NV) - Tập đoàn Marubeni của Nhật vừa loan báo rằng, họ và công ty China Aluminum International Engineering Co. (Trung Quốc), đã nhận được đơn đặt hàng để bán một nhà máy luyện nhôm.
Khi loan tin trên, hãng thông tấn Dow Jones cho biết, Marubeni xác nhận sẽ thiết kế, xây dựng và cung cấp thiết bị cho một nhà máy luyện nhôm ở Ðắk Nông, Việt Nam. Theo dự kiến, việc xây dựng nhà máy sẽ hoàn tất vào năm 2011 và khi vận hành sẽ đạt công suất 600,000 tấn alumima/năm. Không có thông tin nào cho biết trị giá hợp đồng nhưng qui mô nhà máy này có lẽ sẽ giống đơn đặt hàng trước đó.
Cũng hãng thông tấn Dow Jones cho biết, đây là đơn đặt hàng cho nhà máy luyện nhôm thứ nhì tại Việt Nam. Trước đây, đã có một hợp đồng được TKV (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) ký với Marubeni, trị giá 50 tỉ Yen (khoảng 52 triệu USD), để mua một nhà máy luyện nhôm đặt tại phía Bắc Sài Gòn, theo mô tả và dựa trên các nguồn tin trong nước thì có lẽ là ở khu vực thuộc tỉnh Bình Phước.
Những thông tin vừa kể cho thấy, bất chấp sự can gián của dân chúng, các học giả, chuyên gia và cả những viên tướng đã nghỉ hưu, chính quyền CSVN vẫn cho phép thực hiện kế hoạch bắt tay với Trung Quốc cho phép khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Hồi đầu tháng 3, tờ Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, công ty Alumin Nhân Cơ, thuộc TKV đã hoàn tất việc san ủi 200 héc ta đất để chuẩn bị xây dựng một nhà máy luyện oxid nhôm tại xã Nhân Cơ, huyện Ðắk Rlấp, tỉnh Ðắk Nông. Theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị, “các hạng mục phụ trợ khác như văn phòng, đường dẫn vào nhà máy... đã hoàn thành”. Cũng theo Sài Gòn Tiếp Thị, “nhà máy luyện oxid nhôm vừa kể có công suất 600,000 tấn/năm và đại diện TKV, đại diện công ty Alumin Nhân Cơ đã lên đường sang Trung Quốc để ký hợp đồng xây dựng nhà máy với công ty cổ phần nhôm Trung Quốc (Challico)”.
Ðược biết, công ty Alumin Nhân Cơ đã được chính quyền CSVN giao khoảng 500 héc ta đất. Ngoài 200 héc ta để xây dựng nhà máy luyện oxid nhôm, 300 héc ta còn lại sẽ được dùng để chứa bùn đỏ (chất thải trong quá trình luyện quặng bauxite).
Cũng theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị, ngoài nhà máy luyện oxid nhôm tại Nhân Cơ sắp khởi công, tại tỉnh Ðắk Nông còn có một dự án khai thác bauxite và luyện oxid nhôm khác sẽ được triển khai tại thị xã Gia Nghĩa, do TKV hợp tác với tập đoàn Alcoa (Hoa Kỳ). Trong giai đoạn đầu, công suất của nhà máy luyện oxid nhôm tại thị xã Gia Nghĩa lên tới 1.5 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Alcoa đã cam kết sẽ xây dựng một tuyến đường sắt Ðắk Nông-Lâm Ðồng-Phan Thiết để vận chuyển oxid nhôm đến cảng và xuất khẩu. Tập đoàn Alcoa còn cam kết sẽ xây dựng tại Ðắk Nông một nhà máy thủy điện.
TKV vừa công bố kết quả thăm dò tại Ðắk Nông, theo đó, riêng tại Ðắk Nông có khoảng 5.4 tỉ tấn quặng bauxite nguyên khai (khoảng 2.4 tỉ tấn tinh quặng), tập trung tại năm huyện, thị xã, chiếm 61% trữ lượng bauxite trên toàn Việt Nam. Trong tương lai, riêng tại Ðắk Nông sẽ có bốn tổ hợp khai thác bauxite, sản xuất oxid nhôm (Nhân Cơ, Ðắk Glong, Gia Nghĩa và Ðắk Song).
Tuy ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN đã chính thức khẳng định: “Khai thác bauxite là chủ trương lớn của đảng và nhà nước” song nhiều giới vẫn tiếp tục can gián, phản đối.
Gần đây nhất, một nhà văn tên Phạm Ðình Trọng, cư trú tại Sài Gòn, từng là cựu chiến binh quân đội CSVN, đã gửi một thư ngỏ cho Nguyễn Tấn Dũng. Trong thư, ông Trọng viết: “Qui hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên mới được chính phủ phê duyệt, luận chứng kinh tế kĩ thuật đang soạn thảo, các nhà khoa học còn đang tranh luận nên hay không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên, thế mà công dân Trung Hoa, người cầm bản đồ, người mang cưa máy, người cuốc, người xẻng đã sục sạo ở Tây Nguyên...! Chủ trương lớn của đảng và nhà nước mà Quốc Hội của dân chưa được bàn định thì người Trung Hoa đã xắn tay áo thực hiện chủ trương lớn của đảng và nhà nước ta rồi! Ðiều này làm cho người dân phải đặt câu hỏi: Chủ trương lớn khai thác bauxite Tây Nguyên có thực sự vì đất nước Việt Nam, có thực sự vì nhân dân Việt Nam?” Cuối thư, ông Trọng nhận định: “Khai thác bauxite Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước. Nhưng khai thác bauxite Tây Nguyên cũng đặt ra những vấn đề rất lớn về độc lập dân tộc, về mục đích và hiệu quả sử dụng tài nguyên đất nước, về môi trường sống và không gian văn hóa của đất nước. Toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc, tài nguyên và môi trường đất nước, tài sản văn hóa của dân tộc là những vấn đề lớn và nghiêm trọng nên tôi mạo muội bộc lộ nỗi lo lắng của một con dân nước Việt, mong được thủ tướng lưu tâm”.
Trước nữa, một viên tướng tên Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu chính ủy Quân khu 4 ở miền Bắc trước 1975, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc giai đoạn từ 1974-1989, cũng đã gửi một thư ngỏ cho các ủy viên Bộ Chính Trị, thủ tướng và các phó thủ tướng của chính quyền CSVN, để phản đối việc cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Ông Vĩnh viết: “Lâu nay tôi không có thông tin, mãi đến gần đây được đọc thư của Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp và hàng trăm ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, cán bộ và người dân ở khắp Bắc-Trung-Nam, tôi mới biết ta đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Nguy hiểm quá! Tôi cũng thấy những nguy hại như mọi người đã phát biểu: tàn phá môi trường sinh thái, xâm hại rừng nguyên sinh, nguy hại cho đời sống của đồng bào dân tộc người Thượng, lưu độc cho các dòng sông phát nguyên hoặc chảy qua Tây Nguyên, ảnh hưởng rất xấu cho đời sống của người dân Nam bộ sống dọc hai bờ sông Ðồng Nai, có thể ảnh hưởng đến các công trình thủy điện phía Nam. Ðiều đáng lo hơn cả là an ninh quốc gia. Chúng ta đều biết Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á đảo Hải Nam, nói thẳng ra là không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là đe dọa Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi đã nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn. Nay, lại để Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy ngàn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một 'thị trấn Trung Hoa', một 'căn cứ quân sự' trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào?
Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý, còn Trung Quốc thì không. Vậy mà báo chí Trung Quốc dựng ra chứng cứ, luôn công khai xí hai quần đảo đó là của họ. Quốc Vụ Viện Trung Quốc (chính phủ) công khai công bố quyết định lập huyện Tam Sa. Trung Quốc có nhiều hành động rất công khai mà lại dỗ chúng ta im lặng không đưa vấn đề ra công khai, thật là vô lý. Chúng ta muốn sống hòa bình hữu nghị với Trung Quốc, tôi cũng muốn thế. Nhưng hữu nghị cũng phải đấu tranh thích hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ quốc ta. Nếu lãnh đạo chưa tiện lên tiếng công khai thì cứ để báo chí, các nhà khoa học lịch sử đưa ra chứng lý, cứ để cho quần chúng biểu tình hòa bình, phản đối khi lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, không nên dập đi tinh thần yêu nước của họ”. Ông Vĩnh nhắc: “Ðành rằng các đồng chí có quyền, muốn làm gì cũng được, quyết định thế nào cũng được, nhưng cũng nên quan tâm dư luận, lắng nghe những lời phân tích lợi, hại, phải, trái mà suy nghĩ cân nhắc. Từ xưa đến nay, ở triều đại nào cũng vậy, chủ trương, chính sách ích quốc, lợi dân thì được dân ủng hộ, chủ trương chính sách sai trái tổn quốc, hại dân thì dân oán. Dân oán, mất lòng tin thì khó yên ổn và thịnh vượng được. ‘Quan nhất thời, dân vạn đại’, ‘vua cũng nhất thời, dân vạn đại.’”
Vào ngày 5 Tháng Giêng, ông Võ Nguyên Giáp, “đại công thần” của chế độ CSVN, từng gửi thư cho Nguyễn Tấn Dũng “đề nghị dừng triển khai các dự án bauxite tại Tây Nguyên và báo cáo Bộ Chính Trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết để làm căn cứ cho mọi quyết định”. Ông Giáp cho biết: “Ðầu những năm 1980, tôi được phân công trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chương trình khai thác bauxite trong kế hoạch hợp tác đa biên của khối COMECON. Sau khảo sát, đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị chính phủ ta không nên khai thác bauxite trên Tây Nguyên do những tác hại sinh thái lâu dài, nghiêm trọng, không thể khắc phục, chẳng những đối với dân cư tại chỗ mà còn cả với dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung bộ. Khi đó, chính phủ đã quyết định không khai thác bauxite mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên”. (G.Ð.)