Home Tin Tức Thời Sự Những hạt bụi nghiêng mình

Những hạt bụi nghiêng mình PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Ước   
Thứ Bảy, 28 Tháng 2 Năm 2009 22:02

 
Bìa đĩa phim Paris, des Vietnamiens
“Paris, những người Việt” là nhan đề cuốn phim do Bùi Xuân Quang sản xuất, thực hiện và cho lưu hành vào đầu năm Kỷ Sửu 2009 trong dạng DVD.

Phim từ đầu tới cuối không lời giới thiệu cũng chẳng dẫn xướng. Có lẽ đạo diễn muốn để xuôi dòng tự nhiên cho những nghĩ tưởng và cảm xúc của người xem, cái sẽ thật sự làm thành một nội dung lắng đọng.

Mọi tình tiết tuần tự dàn trải một cách bình thường, không khái quát, cô kết, hoặc xoáy cho sắc nét như hầu hết các phim cùng thể loại. Và yêu cầu về một lớp lang có tính kỹ thuật không thể tránh, khó có thể nói là mang hậu ý chủ đạo.

Hồn quê

Quang cảnh đầu tiên bắt gặp là trích đoạn cải lương tuồng cổ hồ-quảng Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ. Ngọc Giàu, Bạch Lê, Thanh Tòng, Lý Kim Thanh trong cổ trang, và bằng vũ đạo cùng mấy điệu ca đã Việt hóa, cảm khái buổi quốc phá gia vong.

Không khí nước mất nhà tan ấy kéo dài theo ánh vàng vọt cuối một đoạn đường hầm Paris, với làn hơi chân phương của Út Trà Ôn trong bài Dạ cổ hoài lang được Cao Văn Lầu viết năm 1918 khi ông mượn nỗi niềm nhớ chồng của người vợ trẻ nửa khuya nghe tiếng trống, để cao vọng hóa và nhắn nhủ các thanh niên Nam kỳ hơn 90 năm trước, cũng vì vận nước mà phải phiêu bạt lầm lủi chốn trời Tây.

Hồn xa quê là hạt bụi, nói như Sơn Nam, “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Nhưng người Việt Paris không chỉ là hạt bụi dằng dặc, họ không “cúi đầu nhớ cố hương” mà hồn nhiên theo tiếng vĩ cầm hoặc dương cầm, lượn mình trong nắng gió mộng mơ giữa đời thật.

Khi lắng nghe hơi thở, nhìn sâu vào ánh mắt của từng hạt bụi tự do ấy, trong “Paris, des Vietnamiens”, có lẽ sẽ bắt gặp “ba ngàn thế giới”; mỗi hạt bụi là một thế giới của người Việt tha hương không những ở Paris mà trên khắp địa cầu. Và chừng ấy “hạt bụi” làm thành cõi nhân gian của người Việt hải ngoại.

Mọi sự trong đó cả phong cảnh xứ người lẫn nét mặt đồng bào quen thuộc, xuất hiện đằm thắm, đôn hậu giữa cuộc đời thường, trong nhà, trong ô-tô hay ngoài trời, với hình ảnh, âm thanh, ánh sáng và góc độ thu hình đạt tiêu chuẩn phim trường.

Hẳn khi các văn nhân học giả miên man đàm luận về ngôn ngữ, văn chương âm nhạc Việt-tây trong phòng khách thì tại một lớp học, các học viên lớn nhỏ, tây ta ngồi chen vai cùng học tiếng Việt. Trong khi giữa cây cầu trên dòng sông Seine, Bạch Yến hát La vie en rose, Trần Quang Hải biểu diễn kỹ thuật đồng song thanh thì bên bờ sông “gợi tưởng Babylon lưu đày” ấy, Mộng Trang ôm cây đàn guitare ca bài tiếc nuối một người tình đã xa.

Chuyến taxi mang theo lời người nữ tài xế Josette Dung nói về cuộc sống tự lập của mình và về tác phẩm của Cao Hành Kiện, Emile Zola, Gustave Flaubert, cũng chở ta tới quán ăn Tân Ðịnh, nơi một chuyên gia gốc Việt về rượu, đang lắc nhẹ ly vang trắng rồi đưa lên cánh mũi với mắt cười hóm hỉnh tự tin.

Cùng lúc ấy bên bờ hồ, một thanh niên nói tiếng cực bắc Trung Việt, từ mấy tháng nay sống không giấy tờ tại Paris, mân mê trên tay tờ Tuổi trẻ, kể về qui chế tị nạn đang xin trong niềm vui tháng tháng gởi về quê nhà vài trăm euro.

Khung cảnh nghĩa tình của lễ tuyên dương Giáo sư Nguyễn Thế Anh càng làm nổi bật khuôn mặt xúc cảm và tự tin của người thợ xây dựng Dương Hoàn Vũ khi anh nói tới lao động cần cù của mình và thành đạt đại học, kỹ sư của các con.

Bài thơ giấc mơ tuyết phủ do Linh Quang tự đọc giữa công viên mùa đông làm ấm áp thêm không khí ca thất với những tình khúc nhớ Huế của Hương Thanh, Tố Lan, cùng khung cảnh uy vũ chốn đạo đường Việt Quyền Ðạo, nơi các môn sinh huyền đai đang luyện thế áp đỉnh sát thủ của võ sư Ðào Tuấn Ngọc, v.v.

Chung tuyến

“Paris, les Vietnamiens” không chỉ có những khoảnh đời riêng tư và tiêu biểu của hàng chục người Việt. Sân chùa Khánh Anh rộn rịp ngày hội chay. Nụ cười sáng rỡ với người Việt của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trong một lần ngài ghé lại. Ðám cưới dị chủng. Ðám ma Công giáo. Cầu siêu Cao đài. Dạ vũ mừng xuân.

Bùi Xuân Quang còn đem chúng ta tới cuộc vận động cho một quê nhà dân chủ, trong ôn hòa và hợp đồng tác chiến với các cộng đoàn sắc tộc khác nhân ngày kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền; nỗ lực san sẻ của người Việt Paris với hàng ngàn thương phế binh và mồ tử sĩ trong nước.

Ngang đây, phim chung tuyến với con người VNCH đích thực, nhân bản và kiên định, không một đề cập tới hận thù hay khẩu hiệu hòa hợp hòa giải.

Ở một đoạn khác, người xem có cơ hội nhìn lại đôi chút quá khứ khi nghe nhà sử học Francois Guillemot kể những kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử của mình, đôi khi bằng loại tiếng Việt hàn lâm.

Bên cạnh Guillemot có vợ con người Việt của ông, và thấp thoáng trong lời ông nói, hiện lên mấy thước phim cảnh tượng thành phố Quảng Trị bình địa được Bùi Xuân Quang đích thân ghi hình 36 năm trước, trong cuốn phim cũng do ông thực hiện: “Sống ở Huế 1973”. Câu chuyện của Guillemot cũng đem ta trở lại giai đoạn lịch sử khốc liệt vừa qua, trong tâm trạng “uống nước nhớ nguồn”, với các tổ chức chính trị của người Việt quốc gia từ cuối thập niên 1930 và kháng chiến sau 1975.

Người Việt ở Paris không chỉ gồm những gì được phản ánh trong cuốn phim này. Chắc chắn còn rất nhiều những cái khác, theo khuynh hướng chính trị và trong truyền thống nghệ thuật khác, cần những ghi nhận thêm nữa bởi những ống kính khác.

Và những cái nhìn dị biệt ấy sẽ lập thành một tổng thể đồng nhất. Ở đây, dường như Bùi Xuân Quang chỉ nhằm chắt lọc những gì ông cảm thấy tiêu biểu và trân trọng nhất, trong điểm nhìn và tầm tay của một cá thể. Và hẳn ông rất an tâm khi thực hiện một tác phẩm nặng tính văn hóa và nghệ thuật như thế.

Theo tôi, với thành tâm và thực tài, Bùi Xuân Quang đã đạt được mục đích tường trình của mình. Giá như người làm phim có thêm điều kiện, chạy phụ đề Việt cho những đoạn nói tiếng Pháp hoặc ngược lại, thì việc chuyển tải hẳn rốt ráo hơn.

Tuy thế, khi xem “Paris, des Vietnamiens” của Bùi Xuân Quang không những ta có thể cảm nhận cuộc sống thái hòa và nhiệt tình của người Việt ở Paris mà còn có cơ hội nếm trải, nghĩ suy cùng xúc động với những con người ấy trong bầu khí đời thường, với tấm lòng hướng thượng, khả ái và nhân ái. Có thể nói việc kết hợp thành công các “hạt bụi nghiêng mình” khiến “Paris, des Vietnamiens” long lanh vẻ pha lê trong rất hiếm các phim văn hóa và nghệ thuật xuất hiện từ mấy năm nay của người Việt hải ngoại.

Sau 1g 48’ đi trên những ngả đời đa dạng, phim đưa ta trở về trích đoạn Thần nữ dâng Ngũ Linh kỳ. Lại ray rứt với khúc ca ly tán và hoài hương, như một kết thúc vòng tròn phiêu lãng của những hạt bụi nhớ đất quê, khiến trong ta vọng lời cảm khái và ánh lên đôi mắt của Dương Hoàn Vũ.

Giữa quán rượu tha phương, “hạt bụi” người thợ xây dựng ấy cho biết những ngày Paris trôi qua rất nhanh, rất nhanh, và mắt anh rươm rướm nỗi nhớ quê với niềm khao khát ngày nào đó, đất trời trở lại bình thường, sẽ quay về hiến cho quê nhà trọn những gì mình có được từ xứ người.