Phát hiện nơi ẩn náu của tỷ phú lừa đảo Allen Stanford |
Tác Giả: Huy Quốc |
Thứ Sáu, 20 Tháng 2 Năm 2009 11:23 |
Thứ sáu, 20/02/2009, 15:27 (GMT+7) Lừa những người hám lời Tỷ phú bang Texas này được phát hiện ở Fredericksburg, bang Virginia và không bị bắt. Trước đó, những nỗ lực tìm kiếm Stanford và các đại diện công ty của ông đã không thành công.
Theo tạp chí Newsweek, thoạt nhìn, có vẻ Stanford hoạt động đúng luật, không tham gia thị trường bất động sản, không có những khoản cho vay rủi ro. Stanford từng viết cho các nhà đầu tư rằng: "Không bao giờ và sẽ không bao giờ có một cách kiếm tiền dễ dàng. Điều này đòi hỏi kỷ luật, kiến thức, kinh nghiệm, siêng năng và lương tâm trong sáng". Tuy nhiên, các nhà điều tra Mỹ cho biết, các công ty và ngân hàng của Stanford không tham gia bất cứ một lĩnh vực nào nói trên, thay vào đó họ sử dụng các dự báo tài chính được tô hồng và thủ đoạn lừa đảo cũ mèm để lừa những người hám lời. Trong một bài viết dành cho các nhà đầu tư của mình, Stanford nói: "Trong khi các nơi đang vật lộn tìm cách tồn tại trong thời khủng hoảng, việc kinh doanh của chúng ta đang lớn mạnh". Những trang quảng bá hoạt động kinh doanh của Stanford đầy hình ảnh về sức mạnh kinh tế: Các tòa nhà chọc trời, máy bay riêng, các nhà điều hành vẻ mặt nghiêm túc đang tập trung làm việc ở Zurich (Thụy Sĩ)... Sự thật, các nhà điều tra nhận ra rằng, "thành tích" của Stanford là một "hộp đen". Tiền đầu tư của khách hàng đổ vào bất động sản và tài sản cầm cố, các công ty của Stanford thực chất không giao dịch trên các thị trường chứng khoán, ngân hàng, cũng không đăng ký với SEC. Việc quản lý tiền chỉ tập trung vào Stanford và bạn thân của ông ta là James M. Davis. Chỉ những khách hàng đầu tư từ 5 triệu USD trở lên mới được mời tới Antigua tham quan các "cơ sở làm ăn" của Standford. Cho đến đầu năm nay, những dấu hiệu lừa đảo bắt đầu xuất hiện khi Stanford bắt đầu chuyển tiền của các khách hàng khỏi tài khoản và ngăn khách hàng rút tiền mặt. Các chính trị gia trả lại tiền Theo Bloomberg, Tổng thống Barack Obama và nhiều nghị sĩ Mỹ cam kết sẽ tặng cho các tổ chức từ thiện số tiền họ đã nhận của Stanford trong khi vận động tranh cử. Trong thời gian đó, Tập đoàn Tài chính Stanford (SFG) của Stanford đã chi 4,8 triệu USD vào tiền vận động hành lang. Từ năm 2000 đến nay, ủy ban hành động chính trị của Stanford cùng nhân viên và gia đình đã đóng góp 2,4 triệu USD cho các chính trị gia. Trong số đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bill Nelson là người nhận tiền của Stanford nhiều nhất với 45.900 USD từ năm 2000. Tổng thống Obama trong thời kỳ vận động tranh cử năm ngoái cũng nhận của Stanford 31.750 USD. Cố vấn của ông Obama cho biết, 4.600 USD ông Obama nhận riêng của Stanford sẽ được chuyển cho quỹ từ thiện, 27.150 USD còn lại sẽ không được tặng cho quỹ từ thiện vì không có bằng chứng cho thấy số tiền này do Satnford lừa đảo các nhà đầu tư. Cựu ứng viên tổng thống John McCain cho biết sẽ trả lại 28.150 USD do Stanford tài trợ từ năm 2000... Tổng cộng có 140 cựu và đương kim nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã nhận tiền tài trợ của Stanford, trong đó 65% là thành viên đảng Dân chủ.
Mỹ muốn phá "luật bí mật" của ngân hàng Thụy Sĩ
Các quan chức Chính phủ Mỹ ngày 19-2 tuyên bố, có đến 52.000 khách hàng Mỹ đã che giấu tài sản qua Ngân hàng Thụy Sĩ UBS AG. Trước đó một ngày, Chính phủ Mỹ thông báo trong các đơn kiện gửi lên tòa án ở Miami rằng con số đó là gần 20.000. Các quan chức Mỹ không giải thích việc đánh giá lại theo hướng tăng mạnh nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy, Mỹ muốn tăng áp lực lên UBS. Vụ kiện này của Chính phủ Obama nhằm muốn UBS phải chuyển giao thông tin của hàng chục ngàn người lừa đảo thuế ở Mỹ đã cất giấu hàng tỷ USD trong UBS, vi phạm luật thuế của Mỹ. Quyền trợ lý Bộ trưởng Tư pháp, John DiCicco, tuyên bố, trong lúc hàng triệu người Mỹ bị mất việc, mất nhà, mất chăm sóc y tế..., lại có đến hơn 50.000 người Mỹ giàu có nhất tìm đủ cách để lừa đảo thuế. Theo thỏa thuận hôm 18-2, UBS đồng ý cung cấp thông tin của khoảng 250 - 300 khách hàng của ngân hàng này đã lợi dụng "luật bí mật" của ngân hàng Thụy Sĩ để che giấu tài sản. Để khỏi bị truy tố, UBS cũng đồng ý chi 780 triệu USD để dàn xếp. Chủ tịch UBS, Peter Kurer nói, ngân hàng nhận "hoàn toàn trách nhiệm" trong việc giúp các khách hàng Mỹ che giấu tài sản với Cục Thuế Mỹ (IRS). Nhưng ông Kurer thêm rằng, điều đó không có nghĩa là ngân hàng sẽ cung cấp thông tin của hàng ngàn tài khoản khác mà sẽ "chiến đấu" để tiếp tục giữ bí mật, theo sự bảo vệ của luật Thụy Sĩ. Nhiều giờ trước vụ kiện của Chính phủ Mỹ, Tổng thống Thụy Sĩ, Hans-Rudolf Merz tuyên bố, nước ông sẽ bảo vệ truyền thống giữ bí mật của các ngân hàng. Ông Merz cho biết, nhà chức trách Thụy Sĩ đã trao hồ sơ của 250- 300 khách hàng Mỹ bị tình nghi lừa đảo thuế ngay trước khi hết hạn của Mỹ đề nghị Thụy Sĩ hợp tác. Phía Mỹ muốn nhiều hơn nữa, theo hồ sơ ngày 19-2, Mỹ nói có hàng ngàn tài khoản tình nghi cất giấu khoảng 14,8 tỷ USD trong thập niên qua. Thiện Nguyễn (theo AP) |