Đô La Giả Đã Có Mặt Tại Quận Cam |
Tác Giả: Sàigòn Echo |
Thứ Sáu, 30 Tháng 1 Năm 2009 12:20 |
WESTMINSTER (California) - Không chỉ ở trong nước, mới đây người ta khám phá đô la giả tại Nam California, chứng tỏ kẻ gian thách thức luật pháp ngay tại lãnh thổ Hoa Kỳ. Một trong những nạn nhân của nạn tiền “tươi” giả tại thị trường mới đây là ông Trần Q., cư dân thành phố Westminster. Ông nói: “Nhân viên của tôi ít kinh nghiệm nên đã nhận lầm hai tờ tiền giả giấy 100 đô này. Nhưng kỳ thật, mấy tờ tiền giả này được in tinh vi quá, có khi chính tôi cũng không sao phát giác được.” Theo ông, nhân viên bán hàng ở tiệm ông có sử dụng một cây bút phát giác tiền giả. Thế nhưng trong tình huống này, hai tờ giấy bạc giả đã không bị phát giác. Ông cho rằng tiền giả lưu hành trong thị trường không ít, và cứ thỉnh thoảng thì tiệm ông lại nhận được tiền giả. Đôi lúc ông khám phá được nhưng không la toáng lên mà chỉ im lặng trả lại khách hàng, bảo họ đưa tiền khác với một lý do vẩn vơ nào đó. Theo ông, có một số kinh nghiệm giúp ông phân biệt thật giả, chẳng hạn như sờ vào tờ giấy để cảm nhận độ trơn hay nhám của tờ giấy bạc. Ông nói: “Tờ giấy bạc giả thường rất trơn, trơn lùi. Mình còn có thể chú ý cái màu in con số ở phía góc phải bên dưới tờ giấy bạc. Thông thuờng khi mình xoay xoay thì cái màu đó đổi từ xanh qua vàng. Còn nếu không thấy nó đổi màu thì phải đánh một dấu hỏi to tướng. Quan trọng hơn là nhìn vào đường chạy ngang sợi chỉ bạc có in một hàng chữ viết mệnh giá của tờ giấy bạc thì đúng là giấy thật. Còn tờ giấy bạc 50 và 100 đô la ở góc phải có hình ông tổng thống giống mặt trước thì đúng là tiền thật”. Trong khi đó, theo anh Tin Nguyen, nhân viên giao dịch của ngân hàng WellsFargo thành phố Westminster, thỉnh thoảng ngân hàng cũng khám phá được một số tờ giấy bạc giả, và tất nhiên là ngân hàng phải lập biên bản tịch thu tờ giấy bạc giả. Theo anh, đó là điều thực tế khó tránh khỏi và kêu gọi người dân chú ý xem xét cẩn thận khi mua bán, giao dịch, đổi chác bằng tiền mặt, đặc biệt là loại giấy bạc mệnh giá lớn như 100 và 50 đô la. Lâu nay, cơ quan Mật thám Hoa Kỳ quảng bá cách nhận diện tiền giả như sau: - Chân dung: Chân dung in trên tiền thật nhìn sống động và nổi hẳn lên. Chân dung trên tiền giả thường phẳng lì và chìm xuống nền giấy. - Con dấu của Bộ Tài Chính và Ngân Khố Liên Bang: Trên giấy bạc thật, răng cưa xung quanh con dấu rất rõ ràng và sắc nét. Giấy bạc giả có răng cưa không đều, cùn hoặc gãy. - Đường viền: Đường viền xung quanh tờ giấy bạc thật rõ ràng và liền lạc. Trên giấy bạc giả, đường viền bị mờ, không rõ ràng. - Số thứ tự: Mã số thứ tự trên giấy bạc thật có kiểu dáng riêng và in khoảng cách đều nhau cùng màu mực với hình con dấu của Bộ Tài Chính. Trên giấy bạc giả, các con số thứ tự có thể có màu sắc khác với hình con dấu, có thể cách khoảng không đều và không ngay hàng. - Chất liệu giấy: Giấy bạc thật được in trên loại giấy đặc biệt, có chất sợi rất nhiễn màu xanh và đỏ lẫn vào trong giấy. Giấy bạc giả cũng có thể có những sợi nhiễn này, nhưng chỉ được in trên bề mặt, chứ không phải chất sợi nằm chìm trong loại giấy in tiền. Trung sĩ Tim Moy, thuộc Đơn vị Điều tra Tội phạm Kinh tế (Economic Crime Unit), Sở Cảnh sát Quận Cam, cho phóng viên Viễn Đông biết, trong năm 2008, mỗi tháng có khoảng 5 vụ tiền giả do các cơ sở thương mại báo cáo lên cho Sở Cảnh sát Quận Cam; mỗi vụ chỉ vài trăm hoặc vài chục Mỹ kim. Cảnh sát Quận Cam chỉ chịu trách nhiệm điều tra những vụ giấy bạc giả trong vòng 1000 Mỹ kim trở lại. Những vụ án có số tiền giả lớn hơn trực thuộc Cơ quan Mật thám Hoa Kỳ (U.S. Secret Service). Trung sĩ Moy nói về tiến trình điều tra, “Sau khi nhận được điện thoại báo cáo về tiền giả từ nạn nhân, thường là các cơ sở thương mại, văn phòng chúng tôi gửi cảnh sát đến điều tra và lập biên bản. Chúng tôi hỏi nạn nhân xem có nhớ nhân dạng của nghi can không, có thể xem lại băng ghi hình trong tiệm để nhận biết đó là ai, có phải khách hàng quen không. Nếu họ trở lại thì nhân viên ở cơ sở thương mại có thể gọi ngay cho cảnh sát. Nhưng chúng tôi cũng không muốn tạo sự nguy hiểm cho nạn nhân, nên chúng tôi không yêu cầu họ phải chạy theo lấy bảng số xe hay thông tin nào khác.” Trung sĩ Moy cũng cho biết là ít khi có cơ hội tìm ra tung tích những tờ bạc giả này, nhưng cũng có vài trường hợp thành công trong quá khứ. Trung sĩ James Kollar, thuộc Cơ quan Mật thám Hoa Kỳ tại Quận Cam, nói: “Mùa lễ (Giáng Sinh) là lúc tiền giả có cơ hội lưu hành nhiều nhất, vì lưu lượng Mỹ kim đi qua các thương xá và ngân hành rất nhiều”. Khi được hỏi về sự thành công trong việc phá án, Trung sĩ Kollar cho hay cơ quan của ông đã truy tìm được nhiều thủ phạm và tịch thu nhiều tang chứng. Những cơ sở tiểu thương có nhận tiền mặt, nếu gặp trường hợp tiền giả dưới 1000 Mỹ kim, nên báo cáo cho Sở Cảnh sát Quận Cam, phía Bắc ở số (714) 647-7000 và phía Nam ở số (949) 770-6011. Có cảnh sát viên hoặc thông dịch viên nói tiếng Việt để giúp đỡ nếu cần thiết. Nếu số tiền trên 1000 Mỹ kim, ngân hàng hoặc cơ sở thương mại có thể liên lạc với Cơ quan Mật thám Hoa Kỳ; số điện thoại cho khu vực Quận Cam là (714) 246-8257. |