Chiến tranh không còn là đề tài của giới nhà văn mới ở Việt Nam |
Tác Giả: VOA |
Thứ Năm, 29 Tháng 1 Năm 2009 05:39 |
29/01/2009 Giữa lúc nước Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản ngày càng mở rộng cửa cho thế giới bên ngoài và không còn dồn sự chú ý nhiều vào di sản cay đắng của chiến tranh, giới nhà văn trong nước cũng tiến bước theo chiều hướng đó, đem tới độc giả những câu chuyện liên quan tới cuộc sống mới hàng ngày. Một bản tin của Thông Tấn Xã Pháp AFP nhận định rằng giới nhà văn mới ở Việt Nam lúc này đang viết những sáng tác về tình yêu, tình dục, công ăn việc làm, tình trạng vỡ mộng của một xã hội đô thị đổi thay nhanh chóng với những đớn đau ngày một thêm nhức nhối. Các nhà phê bình văn học, trong có một số người thuộc phe thủ cựu, than phiền là giới nhà văn hôm nay không quan tâm tới chính trị, nhưng những người khác lại nhận định rằng các nhà văn này đang đáp ứng nhu cầu của độc giả muốn được đọc những câu chuyện về những nỗi lo âu bình thường, chứ không phải về những cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập niên. Bản tin trích lời ông Nguyễn Việt Hà, người được coi như một trong những người dẫn đầu cho thế hệ nhà văn mới, nói rằng trong đời sống thực sự của giới trẻ ngày hôm nay, chính trị đóng một vai trò rất nhỏ. Chính sách đổi mới kinh tế được phát động năm 1986 đã giúp mang lại một thế hệ nhà văn Việt Nam mới, trong đó nhiều người trước kia từng là quân nhân hoặc thuộc thành phần chiến đấu cho cách mạng nhưng giờ đây phá bỏ truyền thống viết những câu chuyện ca ngợi lòng ái quốc. Giới nhà văn này chẳng mấy chốc không còn được giới cầm quyền tại Hà Nội ưa chuộng nữa. Thế nhưng đường ai nấy đi, các nhà văn như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp và Dương Thu Hương đã làm cả nước say mê với những câu chuyện sống động về chiến tranh, về những nỗi bất mãn của người dân thường thời hậu chiến và về những nhược điểm của một chính quyền cộng sản chưa mọc đủ lông cánh. Trong và ngoài nước, họ được coi như những nhà văn thống lĩnh một phong trào. Dương Thu Hương vừa cho phát hành 'Ðỉnh cao chói lọi', một cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi về người tình bí mật của ông Hồ Chí Minh, và cuốn sách đã được giới văn học theo dõi nồng nhiệt qua các trang điện tử trên máy điện toán. Tuy nhiên, nhà nữ phê bình văn học Đoàn Cẩm Thi cho rằng giới độc giả ngày nay tại Việt Nam, nơi 2/3 dân số dưới lứa tuổi 35 và không nhớ gì về những khủng khiếp của chiến tranh, muốn đọc những sách nói lên những kinh nghiệm của chính họ. Theo bà Thi, thực tế của chiến tranh đang mỗi ngày một lùi xa và các sáng tác của những nhà văn thời xưa cũ không giúp giới trẻ hiểu biết nhiều thêm về thế giới họ đang sống. Các nhà phê bình văn học và ngay cả một số nhà văn đương thời nhìn nhận rằng thế hệ nhà văn mới đã ít quan tâm tới những vấn đề chính trị giữa lúc giới cầm quyền tiếp tục kiểm duyệt các sáng tác của họ và bỏ tù những nhà báo và những người bất đồng chính kiến bị coi thuộc thành phần phản cách mạng. Bảo Ninh, nhà văn nổi tiếng thời thập niên 1990 nhờ cuốn 'Nỗi Buồn Chiến Tranh', nói rằng giới nhà văn hiện đại tránh né những vấn đề gây tranh cãi. Theo ông, các nhà văn trẻ có khuynh hướng đầu hàng, tránh né đề cập tới những khó khăn thật sự mà Việt Nam đang phải đương đầu. Tuy nhiên, nhà phê bình sách Nguyễn Chí Hoan của Tuần Báo Văn Nghệ lại cho rằng hai thế hệ nhà văn cũ và mới thực ra cũng có những điểm chung, vì các tác phẩm của họ cùng tập chú vào những cuộc tranh đấu của các cá nhân. Ông Hoan nói rằng hiện nay người Việt đã một phần nào được tự bộc lộ nỗi lòng, và điều này đưa đến những thử thách mới trong văn chương hiện đại, giả dụ như làm cách nào để có thể sử dụng tình trạng giàu có mới để có một đời sống dễ dàng trong khi vẫn giữ được cân bằng về mặt tinh thần. |