Ông Obama sẽ thay đổi cách lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới |
Tác Giả: VOA News | ||
Thứ Năm, 15 Tháng 1 Năm 2009 22:11 | ||
Tổng thống đắc cử Barack Obama đã tỏ ý cho thấy chính quyền của ông sẽ không dựa vào quân lực để thuyết phục và gây ảnh hưởng với các nước khác, mà có thể sẽ dùng điều ông gọi là 'quyền lực mềm dẻo', chẳng hạn như sức thu hút về lý tưởng, văn hóa và cách sống của một quốc gia. Trong bản tường trình từ Washington, Thông tín viên đài VOA Cindy Saine nhận định những triển vọng về một kiểu lãnh đạo mới của Hoa Kỳ. Sức mạnh quân sự thuần túy của Mỹ là điều không cần bàn cãi, quân đội Mỹ nằm
Một cuộc thăm dò mới đây về các thái độ trên thế giới của tổ chức Pew cho thấy những cái nhìn tích cực hướng về Hoa Kỳ đã giảm sút tại 26 trong số 33 nước nơi mà câu hỏi được đặt ra trong năm 2002 và 2007, thậm chí cả những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ cũng phê phán chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Những cuộc thăm dò mới đây cho thấy đa số trong gần như tất cả các nước nghĩ là đã đến lúc quân đội Hoa Kỳ nên rời khỏi Iraq và Afghanistan. Bà Nancy Snow là giáo sư phụ giảng môn ngoại giao công cộng tại trường đại học Syracuse tại New York . Bà nói chỉ nguyên việc đắc cử của ông Barack Obama có phần chắc đã gia tăng uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới, ngay trước khi ông đặt chân vào Tòa Bạch Ốc. Bà Snow nói: “Toàn thế giới đã nín thở, cầu mong kết cuộc sẽ thuận lợi cho nhóm Obama và Biden. Và điều đó đã xẩy ra. Và tôi cho là ngay tức khắc đã diễn ra một sự hạ giảm của tình cảm bài Mỹ. Nhưng điều đó sẽ kéo dài bao lâu lại là chuyện khác. Bởi lẽ bây giờ ông ấy phải cầm quyền. Nhưng chỉ trong tư cách một ứng cử viên, mà theo ngôn từ của chính ông là một ứng cử viên của sự thay đổi, một cách tượng trưng ông đã giải tỏa được khỏi một Tổng thống mà toàn thế giới đều không ưa thích.” Trong bài diễn văn chiến thắng đọc trong đêm đắc cử tại Chicago, Tổng thống tân cử Obama đã hứa hẹn một 'bình minh mới' của sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Ông Obama nói: “Và với tất cả những ai đang tự hỏi, ngọn hải đăng Hoa Kỳ có còn chiếu sáng không, đêm nay chúng ta đã chứng minh một lần nữa, là sức mạnh thực sự của nước chúng ta không phải đến từ sức mạnh vũ khí của chúng ta hay mức thịnh vượng của chúng ta, mà từ quyền lực bền bỉ từ những lý tưởng của chúng ta, đó là những lý tưởng dân chủ và tự do, những cơ hội chúng ta đem lại và từ niềm hy vọng không bao giờ tắt.” Ông Obama đã hứa lèo lái nước nhà theo một hướng khác với Chính quyền Bush. Ông nói một trong những hành động đầu tiên của ông sau khi nhậm chức, là đóng cửa nhà tù tại vịnh Guantanamo, và tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không dùng đến những kỹ thuật như trấn nước để khai thác tù nhân. Theo bà Nancy Snow, ông Obama biết rằng điểm then chốt là khôi phục lại lòng tin. Bà Snow nói: " Ông nói ông muốn phục hồi lòng tin vào chính phủ . Oâng muốn chiếm lại lòng tin vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ ở ngoài nước cũng như trong nước. Tôi nghĩ về những điều cần có qua “quyền lực mềm dẻo”mà ông nói tới, bao gồm những phương pháp lôi cuốn mọi người không cần tới bạo động, qua những nguyên tắc tiêu biểu của chúng ta và những điều chúng ta làm. Và ông nói đó là mẫu Tổng thống mà ông sẽ rập khuôn cho mình.” Bà Snow nói ông Obama có thể xử dụng những năng khiếu truyền đạt tuyệt vời và căn bản đa văn hóa của mình để khôi phục khả năng hành xử 'quyền lực mềm dẻo' qua ngoại giao và qua những chương trình phát triển. Bà Kristen Lord là một chuyên gia về Bang Giao Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo tại Học viện Brookings ở Washington. Bà nói bà rất đỗi lạc quan về đường hướng đối thoại của ông Obama với các nước khác, nó chuyển từ thái độ 'việc ta ta cứ làm' qua thái độ hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Bà Lord nói: “Một khi người Mỹ tỏ ra họ muốn lắng nghe, khi họ muốn dự phần, khi họ sẵn sàng giải quyết một số khó khăn tiềm ẩn mà các xã hội Hồi giáo phải đương đầu, thì khi đó nước Mỹ mới trở nên an toàn hơn, tuy rằng đối với một số người điều đó có vẻ là một nghịch lý.” Trong cuộc điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn vào chức vụ bộ trưởng ngoại giao, bà Hillary Clinton cam kết sẽ lánh xa điều bà gọi là 'ý thức hệ cứng nhắc' mà nhiều phân tích gia đã gán cho chính sách ngoại giao của Tổng thống Bush. Bà Clinton nói: “Tôi tin rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đã thiếu sót, nhưng người ta vẫn còn cần đến nó. Chúng ta phải dùng điều gọi là quyền lực ưu việt, toàn bộ những công cụ chúng ta có trong tay về ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, luật pháp và văn hóa. Chỉ cần chọn ra một công cụ hay sự kết hợp của nhiều công cụ cho mỗi hoàn cảnh. Với quyền lực ưu việt, ngoại giao sẽ là vũ khí tiền đạo cho chính sách đối ngoại của chúng ta.” Bà Clinton nói bà và ông Obama sẽ luôn luôn tìm cách thuyết phục trước đã, và chỉ dùng tới quân lực như một giải pháp sau cùng. Bà Clinton nói Hoa Kỳ cần phải thêm bạn bớt thù, và kêu gọi Bộ Ngoại giao phải được cung cấp quyền lực và tài lực toàn bộ, để nắm bắt được nhiều cơ hội lãnh đạo. Được biết nguyên bộ trưởng quốc phòng của Tổng thống Bush là ông Donald Rumsfeld có tiếng là người hoài nghi ý niệm 'quyền lực mềm dẻo', ông cho đó là chuyện phù du và không nên dùng để lèo lái chính sách ngoại giao của Mỹ. Ông Rumsfeld lập luận rằng Mỹ đủ mạnh để theo đuổi lợi ích của mình như họ thấy thích hợp, và phải chấp nhận khi những người khác đôi khi bất mãn về họ. Có những người khác lo ngại rằng nhiều người tại Hoa Kỳ và ngoài nước đặt kỳ vọng quá cao rằng ông Obama sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trên thế giới, nên sẽ không tránh khỏi thất vọng trong mức độ nào đó. Tuy nhiên, hàng triệu người trên khắp thế giới dự trù sẽ theo dõi lễ nhậm chức của vị tân Tổng thống với niềm kiêu hãnh và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, và họ trông đợi chính quyền của ông Obama mang lại một hình thức lãnh đạo mới của Hoa Kỳ. |