Ngồi gốc cây si - 32 năm tự truyện với IRCC, Inc. |
Tác Giả: Giao chỉ - San Jose | ||||||||
Thứ Bảy, 10 Tháng 1 Năm 2009 10:01 | ||||||||
Gửi gió cho mây ngàn bay... Thời gian thấm thoát qua mau. Mới ngày nào chúng ta chào mừng năm 2000 rồi năm 2001... mà chẳng biết thực sự đã bước qua thế kỷ 21 vào lúc nào! Ðâu là đêm giao thừa của một thế kỷ. Bây giờ năm lẻ 8 bước qua năm lẻ 9. Lại sắp hết cả thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Về phần chúng tôi, gắn bó với cơ quan IRCC,Inc trên 30 năm có lẻ.
Ừ nhỉ! Thời gian thấm thoát qua mau... Quanh năm kể chuyện thiên hạ, ngày cuối năm nay xin nói chuyện về mình. Ngày xưa, cơ quan IRCC do Hoa Kỳ thành lập từ 1976 đón dân tỵ nạn Ðông dương, nhưng đến đầu thập niên 80 thì Việt Nam hóa. Từ đó ngân khoản tài trợ chấm dứt, phần lớn anh em tan hàng, riêng chúng tôi có chút duyên tổ chức bèn đứng ra tiếp tục gây dựng lại cơ đồ. Ông bạn nhà binh cùng cư xá ở Sài Gòn ngày xưa, gặp chuyện không vui bèn viết trên tờ báo Dân tộc, đặt tên đùa nhảm chúng tôi là “chú cuội ngồi gốc cây si”.Không ngờ đến ngày hôm nay thấy mình trở thành "ông cuội già bên gốc cây IRCC" vẫn còn tồn tại và mãi mãi trẻ trung. Ðã bao nhiêu nước chảy qua cầu, ngày nay cơ quan dịch vụ định cư của di dân gần như chuyển hướng vào mục tiêu văn hóa, lịch sử,.. housing, homeless và... chung sự.
Thuở tiền kiếp từ đầu đời quân ngũ với 21 năm ở lính trải qua khá nhiều đơn vị. Từ TÐKQ đến Tiểu đoàn Biệt lập. Rồi từ khu chiến miền Tây qua Quân khu I miền Ðông. Ðến cuộc đổi đời sống tại Hoa Kỳ gần như chỉ có 1 thị xã và 1 đơn vị. San Jose là tỉnh nhà và IRCC là 1 khu bưu chính duy nhất. Biết bao nhiêu bằng hữu đến rồi đi, và nhiều bạn đi luôn. Như bài ca một thời xưa đã cất tiếng. “Tôi viết tên anh trên đá trên hoa. Tình nghĩa ngất ngây như biển rộng sông dài” Xin gọi tên các bạn thêm 1 lần tình nghĩa cố tri. Những người muôn năm cũ.. Ra đi sớm nhất là bác Nguyễn xuân Kỳ, giáo sư Anh Văn từ Hà Nội vào Sàigon, rồi tiếp tục “ To Be or not To Be” tại nơi đất khách quê người. Ông là bạn rượu của Yklong và Peter Trần văn Nhơn. Tiếp theo là ông đốc phủ sứ một thời, Vũ Khiêm. Con người rất nghiêm trang bên ngoài và đùa cợt bên trong. Các vị giáo sư ESL từ cụ Tạ văn Hào đến anh Dương tất Thắng. Kẻ trước người sau. Các luật sư Thi và luật sư Phan thế Ngọc cũng từ giã cuộc đời. Người dễ tính hào hoa như giáo sư Nguyễn quang Huyến và người đào hoa khó tính như kịch tác gia Phan Tùng Mai, rồi cũng theo nhau bỏ cuộc chơi. Cụ Ðỗ xuân Hợp chủ tịch và bác Phạm tài Ðôn tổng thư ký của Hội Cao niên miền Bắc từ lúc sáng lập, cũng đã theo nhau về nơi vĩnh cữu. Không thể quên quí vị cố vấn danh tiếng một thời như học giả Ðào Ðăng Vỹ và cụ Trần Hữu Phúc. Chúng tôi cũng ngậm ngùi nhắc đến giáo sư Nguyễn thành Trọng và trung tá Lê Ðình Vọng với nhiều kỷ niệm bồi hồi hoạt động bên nhau. Mới đây nhất là bác Peter Trần văn Nhơn, tay chơi số 1 của đơn vị IRCC cũng ra đi. Chắc là ở ngã ba lối rẽ vào thiên đường, đã có bác Nguyễn xuân Kỳ đứng đón bạn trong quán rượu cổng Trời. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ? (*Thơ Vũ đình Liên)
Những người xưa cũ ra đi ngày nay có vẻ đông hơn người ở lại. Nếu ai hỏi rằng các chiến hữu và công chức IRCC ngày xưa, nay còn lại những ai? Về phe phụ nữ thì còn khá nhiều nhưng liên đoàn của các bà vẫn sinh hoạt kín đáo. Nếu ghi danh nam giới chắc chắn phải nhắc đến ông YKlong Adrong, con người hiền lành trung hậu. Người kế tiếp vẫn ca bài Hồ Trường trong men bia US là thầy Cang danh tiếng một thời hiện vẫn còn trấn thủ bên kia cầu chữ Y, con đường vào xứ Campbell. Ông giám sát viên quốc hội Lê đình Lãm vẫn tiếp tục giúp đỡ cho bộ quốc phòng Hoa Kỳ chế xe tăng. Phi công nhiếp ảnh gia Võ thạnh Văn mang danh hiệu Phù du ẩn sĩ lâu lâu vẫn từ núi cao miền Bắc hạ sơn vào trường văn trận bút của thung lũng điện tử hoa vàng. Hai vị luật gia danh tiếng ngày xưa của IRCC thì bác tam quốc trạng nguyên Nguyễn hữu Thống vẫn giữ hồ sơ vụ án biển Ðông ngồi chờ Trường sa nổi sóng. Phần bác Ðinh thành Châu của Ủy ban tư pháp định chế đệ nhị cộng hòa vẫn còn mang tâm sự u uẩn của người lưu vong tìm đường xây dựng dòng giống Việt Nam hùng cường khắp năm châu bốn bể. Bạn Ngô sĩ Hùng ngày nay xem chừng hăng hái trở lại trên làn sóng phát thanh với tin tức bốn bể năm châu. Còn quí vị hội đồng trẻ trung ngày tháng cũ như phi công Nguyễn quang Vĩnh, chuyên viên ngân hàng Lê văn Phụng, giáo sư Nguyễn trung Chí... ngày nay vẫn còn gặp gỡ, lưu luyến biết bao tình trong mái tóc bạc mầu... Ðó là chuyện của thời kỳ 80-90 còn trong ký ức. Ngày nay mọi thứ đều thay đổi nhưng tình nghĩa vẫn nguyên vẹn tinh khôi.
Nền tảng tổ chức bất vụ lợi. Sau khi nhắc đến bằng hữu đã ra đi và cố tri còn ở lại IRCC, chúng tôi xin có đôi lời về cuộc đời của ngành Non-Profit. Cuộc đời kéo dài hơn 20 năm quân ngũ Việt Nam, nhưng lại có hơn 30 năm trong ngành xã hội bất vụ lợi. Xin tự hỏi đã học được những gì, dâu bể trầm luân ra sao. Hoa Kỳ là đất nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Tổ chức bất vụ lợi là một tác phẩm lớn của Hiệp chủng quốc nhằm giao phó cho dân đứng ra tổ chức và điều hành các công việc cộng đồng mà nhà nước không làm hết. Từ y tế, xã hội, văn hóa cho đến các lãnh vực công quyền đều giao cho dân chúng qua hình thức đấu thầu hay ký kết khế ước. Một phần giao cho tổ hợp dứt khoát làm ăn lấy lời và một phần giao cho các cơ quan làm ăn không được lấy lợi nhuận. Hãng Boeing đấu thầu làm phi cơ quân sự cho chính phủ là công ty lời ăn lỗ chịu. Ðó là tổ chức thành công, có đóng thuế và vốn liếng lên bạc tỷ. Trong khi đó nhà thương và đại học Stanford ký khế ước bất vụ lợi với chính phủ để làm công tác giáo dục và y tế chi tiêu bao nhiêu sẽ được thanh toán bấy nhiêu. Không được lấy lời cất riêng 1 chỗ. Ngân sách lương bổng và chi phí được kiểm soát theo luật định. Ðó là sự khác biệt giũa hai loại hoạt động profit và non-profit xây dựng đất nước Hoa Kỳ theo cách giải thích đơn giản nhất. Tuy nói vậy nhưng giữa các tổ chức non-profit mà người Việt đôi lúc dè bỉu “ăn Fund” lại có sự cách biệt rất khác nhau. Cơ quan IRCC có năm oai hùng ngân sách 1 triệu mỹ kim đã coi là ghê gớm lắm. Còn thường ra chỉ 600 hay 700 ngàn là sống lai rai. Cũng là Non- Profit nhưng United Way, Red Cross hay nhà thương Stanford ngân sách hàng trăm triệu hay bạc tỷ là chuyện thường ... Cơ quan bất vụ lợi như tổ chức của chúng tôi, dù đã sống hơn 30 năm nhưng vẫn là loại thấp kém so với các tổ chức trung bình tại Hoa Kỳ. Kinh nghiệm thì nhiều nhưng tài sản thực sự chẳng có bao nhiêu. Trải qua hơn 1 phần tư thế kỷ, bài học sau cùng ghi được là nếu chỉ thuần túy nhắm mắt chạy theo khế ước sẽ không khá. Không khác gì như chuyện xưa, Mỹ viện trợ cho đã rồi bỏ Việt Nam. Anh lính Cộng Hòa xông trận thời kỳ 68- 72 có B52 trải thảm, có hải pháo từ Thái bình dương yểm trợ, có xe tăng, đại pháo. Hàng ngày ngó lên trời thấy hàng đàn trực thăng. Chợt một buổi sáng thức giấc, Mỹ rút hết chẳng còn anh nào. Hết đạn, hết xăng, hết quan, tàn dân, trở tay không kịp. Vì vậy các cơ quan Non-Profit trên toàn quốc Hoa Kỳ chuyên lo cho di dân Ðông Dương dần dần dẹp tiệm. Phần chúng tôi, lương bổng cắt bớt, phải tìm con đường xây dựng lý tưởng, bớt phần chạy theo khế ước. Ngân sách ngày xưa 95% từ chính phủ. Tự gây quĩ chỉ có 5%. Ngân sách ngày nay từ nguồn tài trợ chính quyền chỉ còn 50%. Phân nửa đã tựỳ túc tự cường và tương lai sẽ chuyển qua giai đoạn xây dựng và kiện toàn các chương trình tình nguyện phục vụ lý tưởng. Hy vọng rằng dù Mỹ rút bỏ ngay trên đất Hoa Kỳ, ta vẫn sống còn. Ðó là con đường đi vào tương lai của thế kỷ 21. Dự án tương lai: Như phần trên đã trình bầy, trên phương diện ngân sách chính phủ, cơ quan IRCC đã có năm nhận tài trợ hàng triệu mỹ kim. Tuy nhiên đây là các dịch vụ công tác theo khế ước. Làm nhiều việc, thêm nhiều người, thì nhận nhiều tài trợ. Giải quyết công việc theo nhu cầu giai đọan của chính phủ. Hết công tác là hết ngân khoản. Cơ quan không có cơ hội làm việc theo nhu cầu và óc sáng tạo. Trong tương lai IRCC sẽ hướng nỗ lực vào 2 sứ mạng hết sức đặc biệt. Tiếp tục theo dõi và bảo toàn nghĩa trang quân đội Biên Hòa tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ tiếp tục đóng góp cụ thể vào nhu cầu giúp homeless. Cả hai công việc kể trên hoàn toàn trông cậy vào sự yểm trợ và cộng tác của đồng hương thân hữu. Chắc chắn sẽ còn tiếp tục lâu dài. Ðể trả lời câu hỏi, chúng ta có thể làm gì để góp phần soa dịu vết thương xã hội và trả món nợ tinh thần cho nhân dân. Câu trả lời cụ thể là hãy giúp cho Homeless. Chúng tôi đã đạt được thành quả 15 năm dọn cơm homeless từ 1992 đến 2008 cho vùng San Jose với 190 lần tổ chức, 70,000 phần ăn đã phát ra. Ðối với vấn nạn quê hương bỏ lại, chúng tôi đã chọn đề tài dành cho công tác 15 năm tảo mộ nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Suốt thời gian dài đã có hàng trăm kỳ tảo mộ, hàng ngàn hình chụp, rất nhiều bài báo và tường trình qua TV, Radio. Mặt khác sẽ kiện toàn và bảo vệ Viện Bảo tàng đầu tiên của người Việt trên thế giới. Ðã ký kết thỏa hiệp xử dụng khu đất và cơ sở địa ốc hiện tại 30 năm với dự trù tái tục 2 lần tổng cộng là 90 năm. Ðây là thủ tục giấy tờ. Trên thực tế cũng như vườn Nhật, vườn Tàu. Còn bảo toàn thì cơ sở còn vĩnh viễn. Tuy nhiên rất cần sự tiếp tục yểm trợ của quí thân hữu. Nhân dịp cuối năm xin được trả lời 1 câu hỏi về tài chánh. Việc sửa chữa kiện toàn viện Bảo tàng chi phí ra sao. Tiền ở đâu? Vì những hoàn cảnh đặc biệt tại San Jose trong năm qua. Chúng tôi không có cơ hội được thành phố góp tiền dù là 1 đồng mỹ kim. Ðây là vấn đề tế nhị dù là xây dựng viện Bảo tàng Việt Nam đầu tiên cho 1 thành phố đông người Việt nhất thế giới. Tuyệt đối không có đại gia nào góp tiền. Phần lớn là thân hữu. Danh sách góp tiền từ $1,000 trở lên đã có trên 150 người. Hết sức tình cảm và hết sức gia đình. Còn về tốn kém thì quả thực không thể ngờ được. Ước tính nhầm lẫn hết. Hệ thống điện đúng qui luật bảo tàng tổng cộng trên $50,000 mỹ kim vì phải làm lại hết theo luật mới của CA 2008. Cần bóng đèn chiếu vào tấm hình sao cho đúng và không làm tranh sơn dầu bị hư hỏng vì phơi mình trong ánh sáng. Một bóng đèn 95 đồng và cần hơn 100 bóng. Vườn cảnh hòa bình bao quanh Museum tốn hơn 60 ngàn mỹ kim. Riêng phần may mắn được quận Santa Clara và ông bạn già Pete Mc Hugh trước khi từ giã San Jose đã xin được $35,000 mỹ kim làm lối đi cho xe lăn. Ðó là ngân khoản duy nhất của chính phủ. Và sau cùng thì viện Bảo tàng đã gần hoàn tất. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đặt hết khả năng tâm huyết từ tài chánh, sáng kiến và nỗ lực vào viện Bảo tàng. Dồn hết tiền vốn 32 năm dành dụm của cơ quan, của gia đình và của chính quí vị ân nhân tài trợ hay cho mượn vốn nên mới có được 1 di sản lịch sử cho trăm năm sau. Hiện còn nợ 250 ngàn mỹ kim nhưng trị giá của các tác phẩm bảo tàng hơn 1 triệu mỹ kim, và tiền chi phí sửa chữa ngôi nhà lên đến $400.000. Thực sự đây chỉ là con số nhỏ so với các công trình vĩ đại của chính phủ, hay các đại công ty. Nhưng Viện Bảo Tàng hiện có 1 giá trị tinh thần hết sức lớn lao. Với số nợ còn lại hiện nay, chúng tôi dự trù sẽ giải quyết trong 3 năm 2008-2009 và 2010. Rất tiếc năm 2008 chỉ mới gây quỹ cho nhu cầu hoàn tất dự án nhưng không thực hiện được theo đúng chương trình giải tỏa công nợ. Trong dịp đầu năm sẽ gửi đến quý vị tin tức về sự phát triển của hệ thống Truyền Thông Dân Sinh. Như quý vị đã biết, nhu cầu Dân Sinh Media hoàn toàn không phải thương mại. Mục đích căn bản là thông tin và giáo dục dành cho cộng đồng trên con đường hội nhập. Kể từ năm 2009 chúng tôi sẽ nỗ lực phát triển Radio, TV và báo chí. Trong khi chờ đợi, xin quí vị nhận nơi đây lời chúc mừng năm mới 2009 của chúng tôi, cơ quan IRCC, Inc. Hệ thống truyến thông Dân Sinh và Viện Bảo Tàng Thuyền nhân & VNCH tại San jose. Vũ Văn Lộc, Giám Đốc IRCC,Inc.
|