Home Tin Tức Thời Sự Cơ quan tình báo Đức đã giúp quân Mỹ tại Iraq như thế nào?

Cơ quan tình báo Đức đã giúp quân Mỹ tại Iraq như thế nào? PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 08 Tháng 1 Năm 2009 04:19

Chính phủ Đức từ lâu nay vẫn kiên quyết phủ nhận về sự tham gia của các điệp viên nước mình tại Iraq, cụ thể là cung cấp nhiều thông tin có ích cho quân đội Mỹ trước và trong thời điểm diễn ra cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, những tiết lộ gần đây của viên tướng Mỹ về hưu James Marks với phóng viên tờ Der Spiegel lại cho thấy một sự thực khác hẳn. Hơn thế nữa, hậu quả của những tiết lộ này rất có thể tạo ra một cơn sóng gió mới trên chính trường nước Đức…

Những thông tin do tướng James Marks cung cấp chắc chắn được coi là đặc biệt quý giá đối với Ủy ban Quốc hội Đức chịu trách nhiệm điều tra về hoạt động của Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND), đang phải tìm ra đáp án cho câu hỏi: Đâu là vai trò thực sự của cơ quan này trong cuộc chiến tại Iraq.  Đối với một nhân vật như tướng Marks thì rõ ràng có quá nhiều điều để biết và để nói. Ngay từ mùa xuân năm 2003, ông ta là một trong những nhân vật đầu tiên có mặt trong một gian phòng rộng không cửa sổ có trang bị điều hòa - thực chất là phòng dẫn đường cho phi cơ Mỹ oanh tạc tại căn cứ Doha của quân đội Mỹ, nằm trong vùng sa mạc rộng lớn của Kuwait. Ông là người trực tiếp đọc những báo cáo của 2 điệp viên Đức đang có mặt tại Baghdad trong suốt thời gian chiến tranh. Nhờ đó, tướng Marks có thể xác định một cách chi tiết về những thông tin của hai điệp viên Đức được tổng hợp trong các báo cáo tình hình được trình hàng ngày thông qua hệ thống hội nghị truyền hình cho tướng Tommy Franks (người đứng đầu lực lượng viễn chinh Mỹ tại Iraq) và đôi khi trực tiếp cho cả Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Donald Rumsfeld. 
Nói một cách khác, từ mùa xuân năm 2003, Marks là người điều phối mọi hoạt động tình báo của liên quân trước và trong suốt chiến dịch quân sự tại Iraq. Nhiệm vụ chính của ông ta là phải bảo đảm sao cho đội quân 115 ngàn người của Mỹ không phải đối đầu với những bất ngờ khó chịu nào trên đường tiến tới Baghdad. Ở cương vị này, tướng Marks là người biết rõ tầm quan trọng từ những thông tin do 2 điệp viên Đức cung cấp đối với quân đội Mỹ. Những thông tin vừa được viên tướng này tiết lộ ngay lập tức đã gây những phản ứng ngay trên chính trường Đức. Đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier sẽ phải ra điều trần trước Ủy

 
Ông Frank-Walter Steinmeier.
ban điều tra vào thời gian tới.

Khi cuộc chiến Iraq nổ ra vào đầu năm 2003, Steinmeier chính là người đứng đầu Cơ quan Mật vụ Đức, đồng thời là người điều hành các hoạt động trong Văn phòng nội các của Thủ tướng Gerhard Schroeder, chính trị gia được cho là đã tái đắc cử vào tháng 9/2002 nhờ quan điểm phản ứng gay gắt với kế hoạch tấn công Iraq của Mỹ. 

Những lời xác nhận khó chối cãi

Tháng 2/2003, ông Schroeder đã hứa hẹn trước Hạ viện Đức rằng, quốc gia này sẽ "không có bất cứ sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp nào vào cuộc chiến Iraq". Nhưng cũng chính vào thời điểm này, Steinmeier (khi đó được cho là cánh tay phải của Schroeder) đã bí mật phê chuẩn việc triển khai 2 điệp viên của BND tới Baghdad. Những chi tiết của sứ mạng này bắt đầu được phát hiện vào tháng 1/2006, và từ đó cho tới nay đây vẫn là chủ đề của rất nhiều nghi vấn được công luận tại Đức nêu ra, không phải chỉ đơn thuần trong Ủy ban điều tra của Quốc hội. Có thể nêu ra một loạt những câu hỏi đang cần có sự giải đáp: Những nhiệm vụ cụ thể nào đã được giao cho 2 điệp viên người Đức? Những thông tin họ cung cấp có đóng vai trò hỗ trợ thực sự cho các nỗ lực chiến tranh của Mỹ? Việc Chính phủ Đức công khai phê phán Mỹ về cuộc chiến có phải chỉ là một trong hai mặt trái ngược của đồng xu? Có phải BND của Schroeder và Steinmeier đã bí mật giúp đỡ quân đội Mỹ?

Để trả lời những câu hỏi này, phóng viên tờ Spiegel đã gặp gỡ với hơn hai chục quân nhân Mỹ từng phục vụ trong Bộ Tư lệnh trung tâm (Centcom) - là nơi phối hợp hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, Ai Cập, Trung Á v.v... và cả từ Bộ Tư lệnh điều hành chiến dịch tấn công tại Iraq. Tất cả những người này đều đã từng được tiếp xúc với các bản báo cáo của 2 điệp viên Đức, tham gia phân tích và sử dụng chúng.

Khởi đầu của sự can thiệp

Lịch sử sứ mạng bí mật của BND tại Iraq thực ra có nguồn gốc từ ngay mùa thu năm 2002. Các quan chức tại đây đã đề xuất, nên duy trì sự hiện diện của tình báo Đức tại Iraq để đảm bảo sự độc lập riêng so với các thông tin được người Mỹ cung cấp. Ban đầu Bộ Ngoại giao là cơ quan có liên quan đã tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này. Nhưng đến giữa tháng 12/2002, Ngoại trưởng Joschka Fischer đã tỏ ý chấp thuận.

Ngày 11/2/2003, 2 điệp viên Đức sử dụng các tên giả là Reiner Mahner và Volker Heinster đã bắt đầu xuất phát vượt qua sa mạc từ thủ đô Amman của Jordan để tới Baghdad. BND ngay từ đầu đã có thỏa thuận bí mật với người Mỹ, theo đó những báo cáo được chọn lọc từ thủ đô Iraq cũng sẽ được gửi cho họ. Để đổi lại, phía Đức được phép gửi một quan chức tình báo của họ tới Centcom tại Qatar, là nơi trực tiếp điều phối các hoạt động tác chiến của Mỹ. Điệp viên được BND cử tới đây là Bernd P, có mật danh là "Gardist". 

Một sự kiện xảy ra vào ngày 27/2/2003 đã cho thấy rõ vai trò của BND tại Baghdad không phải chỉ mang tính "ngoài lề" như cơ quan này vẫn cố thanh minh. Vào ngày đó, Johannes H - một điệp viên nằm vùng của BND tại Baghdad - đã gửi một thông điệp đặc biệt quan trọng cho các đối tác của mình tại Cơ quan Tình báo Iraq. Nội dung của thông điệp thực chất là một tối hậu thư, trong đó khẳng định Mỹ và Anh coi việc Iraq từ chối phá hủy các tên lửa Samud II là nguyên nhân gây chiến. Lời cảnh báo trên ngay lập tức đã được tình báo Iraq chuyển cho Tổng thống Saddam Hussein.

Vai trò của người Đức trong các quyết định tác chiến của Mỹ

Ngay thời gian trước và trong cuộc chiến, BND đã ráo riết tăng cường hoạt động tại Iraq. Qua đường liên lạc vệ tinh được bảo mật, các điệp viên tại đây đã truyền khoảng 130 báo cáo, kể cả các hình ảnh và các dữ liệu GPS tới trụ sở của BND, trong đó chủ yếu là thông tin về các tuyến phòng thủ của quân đội Iraq. Hai điệp viên hàng đầu trực tiếp tham gia vào sứ mạng này của BND hiện giờ vẫn khăng khăng nói rằng, họ không biết những báo cáo của mình cũng được chuyển cho người Mỹ. Nhưng nội dung thực tế nhiều báo cáo của họ đã cho thấy một sự thật hoàn toàn khác.

Với vai trò của mình, tướng James Marks mỗi ngày thường nhận được hàng trăm báo cáo từ nhiều cơ quan khác nhau được gửi tới hộp thư điện tử tuyệt mật của mình. Mark xếp những thông tin đến từ người Đức vào loại "đôi mắt trên mặt đất", tức là loại thông tin thường chính xác và đặc biệt quan trọng về tình hình trên mặt đất tại Iraq.  Từ trước chiến tranh các giếng dầu luôn là chủ đề quan tâm của quân đội Mỹ tại Kuwait và Qatar. Những thông tin kịp thời đã giúp ngăn chặn Saddam Hussein phá hủy các giếng dầu, tương tự như ông ta đã làm 12 năm trước đó trong cuộc chiến lần thứ nhất tại Vùng Vịnh.

Chiến dịch tình báo bí mật của BND tại Baghdad được giữ bí mật trong một thời gian dài cho tới chuyến thăm của Thượng nghị sĩ Joe Lieberman tới tổng hành dinh của quân đội Mỹ tại Baghdad vào đầu năm 2004. Trước lời phàn nàn của nghị sĩ này về việc Berlin đã để mặc quân đồng minh

 
Điệp viên của BND tại Baghdad.
trong suốt cuộc chiến, Đại tá Carol Stewart, một thành viên phụ trách tình báo tại Centcom, đã chỉ cho ông này thấy những báo cáo tình báo quan trọng được phía Đức cung cấp cho quân Mỹ. Chuyện này đã khiến nghị sĩ Lieberman phải ngạc nhiên thực sự. 

Câu hỏi về sinh mạng chính trị của Steinmeier

Đối với ông Steinmeier, uy tín của chính trị gia này đang bị lung lay đáng kể từ sau khi vụ bê bối tình báo xảy ra. Ông là chiến hữu thân cận duy nhất của ông Schroeder hiện vẫn đang trên đỉnh cao quyền lực, thậm chí còn là thách thức hàng đầu của Thủ tướng Angela Merkel trên cương vị ứng cử viên từ đảng Dân chủ xã hội tại cuộc bầu cử vào mùa thu năm sau.

Từ tháng 1/2006, lúc bấy giờ ông Steinmeier là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và ông  hùng hồn tuyên bố rằng, tiêu chuẩn chính trị của chính phủ với sứ mạng của BND tại Baghdad là rất rõ ràng: Không có bất cứ hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến nào tại Iraq. Giờ đây, những bằng chứng cụ thể và rõ ràng từ phía người Mỹ đang khiến cho ông Steinmeier phải lâm vào "thế kẹt". Trước mắt, chính trị gia đang được xếp vào loại có triển vọng nhất tại nước Đức này sẽ phải ra điều trần trước Ủy ban điều tra của Quốc hội về vai trò của tình báo Đức trong cuộc chiến tại Iraq.

Nếu mọi chuyện được xác định đúng như khẳng định từ phía Mỹ, tương lai chính trị đầy hứa hẹn của ông Steinmeier chắc chắn sẽ phải đối đầu với một thách thức rất lớn