Nhìn lại, đi tới... |
Tác Giả: Trần Khải(DCV) | ||
Thứ Hai, 05 Tháng 1 Năm 2009 14:53 | ||
Vậy là năm 2008 đã trôi qua. Chúng ta đang bước trên những ngày đầu của năm 2009. Cuộc chiến vì tự do và dân chủ vẫn còn giằng co, chưa đẩy lên được tầm mức phong trào quần chúng. Ngày tháng vẫn trôi qua không ngừng, thế giới vẫn quay cuồng với nỗi niềm riêng của từng nước. Việt Nam đã qua 2008, và đang vào 2009. Bây giờ là lúc để nhìn lại, và ngẫm nghĩ nhìn về hướng đi tới. Nói theo kiểu thời học trò chơi cờ tướng là “đã tới lúc xóa bàn làm lại.” Thực tế, lịch sử không cho chúng ta các cơ hội như thế. Có những bài học phải trả giá, hoặc đắt hoặc rẻ. Ông Hoàng Minh Chính từ trần, là một mất mát lớn của năm 2008. Rồi tới ông Nguyễn Thanh Giang bị bao vây, xét nhà, truy bức và hăm dọa có thể sắp khởi tố. Và hàng loạt các mhu+Ng người hoạt động dân chủ thế hệ trung niên và thanh niên đã và đang bị truy bức trong năm 2008. Nhưng cũng đã có các thành công nổi bật trong các hoạt động dân chủ. Như các cuộc biểu tình đòi giữ đất, giữ đảo. Bất kể là công an đã ra sức bảo vệ cho cuộc chạy rước đuốc Thế Vận tại Sài Gòn êm thắm, nhưng những ngày trước đó đã có một ngọn lửa khác đã chuyền qua tim những người yêu nước, và bật sáng lên khát vọng gìn giữ cõi bờ. Tuyệt vời biết bao, rực rỡ đáng khâm phục khi một sinh viên du học từ Đài Loan bay sang Bangkok để biểu tình “một thân, một mình với áo sơn biểu ngữ” để đòi giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thế giới có thể không hiểu hết hành động của một chàng thanh niên Việt sang Bangkok để làm chuyện này. Thế nhưng, ngọn Đuốc Thế Vận khi rời Bangkok để sang Việt Nam đã mờ đi một tí, và rồi tới ý kiến của kẻ sĩ Lê Minh Phiếu tại Sài Gòn để chất vấn về Hoàng Sa, Trường Sa. Ngọn đuốc khi rời Sài Gòn để sang Bắc Kinh thấy rõ là đã mất nhiều nhuệ khí, tuy là sau đó, để tới tháng 8, 2008 đèn hoa rực sáng khắp Thế Vận Bắc Kinh. Tuy nhiên, đối với tuổi trẻ Việt Nam, lòng yêu nước của họ đã sáng rực, che mờ cả ngọn Đuốc Thế Vận kia.
Cũng nổi bật trong các cuộc biểu tình là cách nhà nước vây bắt anh Điếu Cầy tại Sài Gòn, và khởi tố, kết án anh về tội trốn thuế, một điều hết sức là vô lý vì bản hợp đồng thuê nhà hoàn toàn đặt trách nhiệm trả thuế cho đối tác thuê. Vậy đó, năm 2008 đã cho thấy cách thức nhà nước đối xử tệ bạc với những người đòi giữ đất, giữ đảo ra sao. Tuyệt vời nữa trong cuộc chiến dân chủ là việc treo một số biểu ngữ đòi dân chủ tự do tại một số cầu vượt xa lộ Miền Bắc. Điều bi thảm, công an đã bắt các nhà trí thức này, trong đó cũng có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và thầy giáo Vũ Hùng, và có tin là công an đang tìm cách để sẽ khởi tố về tội “nhận tiền nước ngoài” - một kiểu có thể bị quy chụp là gián điệp. Gần nhất, là chuyện công an vào khám xét nhà của ông Nguyễn Thanh Giang, và hù dọa, cho hiểu rằng chính phủ “không hoan hỉ” với tất cả các hoạt động đòi dân chủ bao giờ. Tương tự, là việc Đảng Dân Chủ Nhân Dân thả bong bóng, rải truyền đơn đòi dân chủ. Một hình ảnh bi thảm, và cũng nổi bật trong phương cách nhà nước bưng bít thông tin là là các bản văn trong tháng 12-2008 về kiểu “hù dọa, và chế tài” trên các blog. Nhưng, làm cách nào có thể đưa hết các blog vào “lề phải” mà đi? Câu hỏi là, nếu phải đi trên “lề phải,” thì lại giẫm chân lên báo chí dòng chính rồi, đâu còn là nguồn thông tin ngoài luồng nữa. Vậy đó, nhà nước CSVN vẫn lộ mặt dầy mà ra đủ thứ chỉ thị xiết chặt thông tin. Nhìn về các phương diện khác. Chúng ta có thể chú ý rằng, nạn lạm phát đã làm khổ người dân khôn xiết kể. Khủng hoảng tài chánh toàn cầu đã dần dần tác hại vào kinh tế Việt Nam, và hiển lộ dấu hiệu đầu tiên là chỉ số của thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giá, là nạn đóng băng ngành bất động sản (nhiều trung tâm môi giới nhà đất đã phá sản), nhiều doanh nghiệp quốc tế và quốc nội tại Việt Nam đóng cửa, và thất nghiệp tăng vọt. Lạm phát mấy tháng qua, có lúc tới 28%, đã làm kinh hoàng mọi người dân. Nhưng nhìn lên thì thấy người giàu vẫn giàu, thấy cán bộ vẫn quyền lực nhà cao xe xịn. Bù lại chuyện lạm phát là đội tuyển VN đoạt vô địch giải túc cầu Đông Nam Á. Một vinh dự bỏ ngõ từ gần nửa thế kỷ. Một sự kiện nổi bật trong năm 2008 là Đại Lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008, tại Hà Nội. Đây là một lễ có thể gọi tắt là Phật Đản (ngày Đức Phật sinh ra đời), nhưng gọi đúng là Lễ Tam Hợp (vừa là tháng Đản Sinh, Thành Đạo, và Nhập Niết Bàn). Lễ này dưới chiếc dù Liên Hợp Quốc, tổ chức ở Hà Nội, với tham dự của khoảng 600 phái đoàn Phật giáo với 5.000 đại biểu quốc tế và VN. Cũng cần nói một điểm cho công bằng nơi đây: Đại Lễ thành công một phần lớn cũng nhờ Thiền Sư Nhất Hạnh góp sức, và đưa phái đoàn Làng Mai về tham dự, nhưng rồi mới vài tháng sau thì, công an Lâm Đồng lại làm áp lực để từ chối giấy tờ và để giải tán 400 tăng ni Làng Mai ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, Lâm Đồng. Phải chăng, đây cũng là lý vô thường: sau gặp gỡ là chia lìa? Một sự kiện nổi bật khác, còn là các cuộc “cầu nguyện tập thể,” như cách gọi lúc ban đầu, mà sau đó gọi đơn giản là “biểu tình,” của giáo dân Hà Nội để đòi đất Tòa Khâm Sứ và tại giáo xứ Thái Hà. Kết cuộc là, dân Hà Nội có 2 công viên mới. Chuyện này chưa êm, vì 8 giáo dân bị kết án ở tòa sơm thẩm bây giờ đã kháng án, và đang đòi báo và đài nhà nước phải đính chính về cách loan tin khi nói rằng họ “cúi đầu nhận tội,” điều mà họ nói rằng không hề có chuyện nhận tội nào cả. Còn một sự kiện khác cũng nổi bật, đã cho thấy khả năng “lăng ba vi bộ” của Đảng CSVN tới mức tuyệt vời. Nói cho dễ hiểu, đây là nghề “lạng, lách, đánh võng” của Đảng CSVN khi chơi với quốc tế. Chính phủ Nhật Bản sau nhiều tháng khui tội hối lộ, do các viên chức công ty Nhật PCI nộp tiền 10-15% tiền dự án ODA cho quan chức thành phố Sài Gòn, thấy Hà Nội không nhúc nhích gì cho dù là tòa án Nhật Bản đã kết án xong 4 giám đốc PCI, bèn tuyên bố ngưng cấp tiền ODA. Chính phủ CSVN liền thanh minh thanh nga, tuyên bố sẽ “có chứng cớ tới đâu, sẽ xử lý tới đó” (lời ông Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng). Chuyện chưa thấy xử lý gì, tòa án Sài Gòn cũng chưa thấy có hồ sơ khởi tố nào, thì đùng một cái, có vẻ như phía chính phủ Nhật đã chịu nhắm mắt làm ngơ, bởi vì hình như thông cảm với nước bạn CSVN đang chia sẻ chung một mặt trận để ngăn chận bước đi bành trướng của siêu cường Trung Quốc. Việt Nam và Nhật Bản hôm 25-12-2008 đã ký Hiệp định đối tác kinh tế (EPA), theo trang báo Chính Phủ là, “Ký kết ngày 25/12/2008, EPA giữa Việt Nam và Nhật Bản quy định các nội dung cơ bản là trong vòng 10 năm tới 92% kim ngạch thương mại hai chiều sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Phía Nhật Bản sẽ miễn thuế 95% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đồng thời phía Việt Nam cũng đáp ứng miễn thuế 88% mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản.” Thế mới lạ. Vừa tuyên bố ngừng cấp ODA, vài tuần sau liền ký EPA. Một năm 2008 quá nhiều chuyện để nhìn lại, để suy nghĩ. Và một năm 2009 còn quá nhiều dặm đường phải đi cho các nhà hoạt động dân chủ. Vẫn còn rất nhiều gian nan. Xin chúc lành tới toàn dân Việt Nam, và cũng cầu nguyện cho hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng cho tất cả mọi người trên cõi đời này, không kể bất kỳ giới tuyến biên cương nào. Địa cầu là của chung cho tất cả chúng ta, để chung sống, hòa bình, dân chủ và tôn trọng lẫn nhau.
|